Ăn “lành” để phòng bệnh ung thư
Bên cạnh việc phát hiện sớm để chữa trị, thì các nhà chuyên môn còn cho rằng việc ăn uống “lành” cũng góp phần phòng bệnh ung thư đáng kể.
Các bệnh ung thư thường gặp gồm ung thư phổi, vú, đại trực tràng… Trong đó, ung thư gây tử vong nhiều nhất là phổi, dạ dày và gan. Tại buổi nói chuyện giữa thầy thuốc và người dân ở Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM cuối tháng 11 vừa qua về chủ đề bệnh ung thư, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM) nói: “Đáng ngại nhất ở cả nam và nữ, ung thư gan và phổi xảy ra rất nhiều; bởi viêm gan, lạm dụng bia rượu, chế độ dinh dưỡng, hút thuốc nhiều…
Ung thư dạ dày cũng thường gặp ở ta vì nằm trong vùng nhiễm vi khuẩn H.Pylori cao, và thói quen dùng thức ăn muối mặn. Ở phái nữ, ung thư vú thường gặp, nhưng đứng sau ung thư gan và phổi. Các bệnh ung thư gan, phổi, dạ dày khó trị, nhưng dễ phòng ngừa hơn; còn ung thư vú, đại trực tràng, cổ tử cung dễ chữa lành nếu phát hiện bệnh sớm”.
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng, tâm lý nhiều người cứ nghĩ “ung thư là bệnh trời kêu ai nấy dạ”, nên thường buông xuôi; trong khi việc phát hiện và chữa trị bệnh sớm là rất cần thiết, giúp tỷ lệ điều trị thành công cao. Có thể phát hiện bệnh qua các triệu chứng báo hiệu như: thay đổi thói quen của ruột và bọng đái; có chỗ lở loét không chịu lành; chảy máu hoặc tiết dịch bất thường; có cục u (chỗ dày lên) ở vú, hay ở vị trí khác; ăn không tiêu, khó nuốt; ho dai dẳng, hoặc khàn tiếng…
Tuy nhiên, cũng không nên phát hoảng khi có những biểu hiện như thế. Từ 20-40 tuổi, độ 3 năm một lần kiểm tra sức khỏe toàn diện để phát hiện ung thư; từ 40 tuổi trở đi thì nên kiểm tra hằng năm; với nữ, từ tuổi đôi mươi hàng tháng nên tự mình kiểm tra vú, khám kiểm tra ngực có kèm siêu âm vài năm một lần.
Khi tuổi 40 trở đi nên khám ngực có siêu âm, chụp nhũ ảnh 2-3 năm một lần; nam giới trên tuổi 40 nghiện thuốc lá nặng (hoặc đã bỏ hút) thì nên chụp phim phổi 1-2 năm/lần. Từ 50 tuổi cần kiểm tra về ung thư tuyến tiền liệt. Với nam và nữ, từ tuổi 40 nên kiểm tra bụng có siêu âm hằng năm để tìm ung thư gan (với người có nguy cơ cao viêm gan vi-rút B, C); có tiền sử loét dạ dày, nên kiểm tra để phát hiện sớm ung thư bao tử…
Video đang HOT
Ăn “lành” để phòng bệnh ung thư, theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng đó là: hạn chế dùng thức ăn dạng muối mặn làm dưa như cá khô, mắm cá, cải dưa muối, mắm tôm, kim chi, thịt hun khói… Hạn chế thức ăn nhiều mỡ, các món nướng cháy. Nên dùng nhiều rau quả, đậu, trái cây tươi; giữ cân nặng vừa phải. Bên cạnh đó cần có nếp sống “lành” để phòng ung thư: tránh hút thuốc lá, tránh rượu bia quá đà, tránh các bệnh truyền nhiễm; năng vận động thể lực…
Theo PLXH
10 nguyên tắc ăn uống "đuổi" bệnh ung thư
Khoảng hơn 90% trường hợp ung thư là do môi trường bên ngoài. Trong đó, khoảng 40% liên quan đến chuyện ăn uống; 30% có liên quan đến thói quen sinh hoạt, đặc biệt là hút thuốc,uống rượu...
Thói quen dinh dưỡng, lối sống lành mạnh sẽ quyết định khả năng "chiến đấu" với sự xâm nhập của ung thư vào cơ thể:
1. Đa dạng hóa thực phẩm
Khi nấu ăn phải chú ý thực phẩm đa dạng, lấy thực phẩm thực vật làm chủ, thực phẩm thực vật nên chiếm hơn 2/3 mỗi bữa ăn. Thực phẩm thực vật là thực phẩm hàm chứa rau xanh, hoa quả, các loại đậu và ngũ cốc.
2. Khống chế trọng lượng cơ thể
Nên tránh trọng lượng cơ thể quá nặng hoặc quá nhẹ, những người trưởng thành cần khống chế mức thể trọng không quá 5kg so với chuẩn; quá nặng hoặc quá béo dễ dẫn đến ung thư nội mạc tử cung, ung thư thận, ung thư đường ruột.
3. Không ăn thực phẩm rán cháy và nướng cháy
Lúc nướng cá, nướng thịt nên tránh không làm cháy, những thực phẩm dùng mỡ rán cũng nên ít dùng, tốt nhất là ăn những thực phẩm luộc, hấp và xào.
4. Ăn nhiều thực phẩm tinh bột
Mỗi ngày ăn khoảng 600-800g các loại ngũ cốc, các loại đậu, thực vật... càng ít gia giảm càng tốt. Tinh bột trong thực phẩm có tác dụng phòng chống ung thư trực tràng và ung thư kết dính đường ruột. Thức ăn có Cen-lu-lo cao có khả năng phòng chống phát sinh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến sữa, ung thư đường ruột và ung thư trực tràng.
5. Ăn nhiều rau xanh hoa quả
Kiên trì mỗi ngày ăn khoảng 400-800g rau xanh, hoa quả, có thể làm cho mức nguy hiểm của bệnh ung thư giảm xuống 20%. Mỗi ngày nên ăn 5 loại hoặc trên 5 loại rau xanh và hoa quả.
6. Không nên uống quá nhiều rượu
Nếu uống rượu thì mỗi ngày không nên quá 1 ly ( tương đương với 250ml bia, 100ml rượu vang và 25ml rượu trắng). Thường xuyên uống rượu dễ tăng thêm nguy hiểm nhiễm bệnh ung thư thực quản, ung thư cổ họng và ung thư khoang miệng.
7. Giảm ăn thịt đỏ
Mỗi ngày nên khống chế dung nạp thịt đỏ dưới 90g, tốt nhất là ăn cá và thịt gia cầm thay thế. Ăn nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng tỉ lệ nguy hiểm gây bệnh ung thư trực tràng và ung thư kết dính tràng, đồng thời cần khống chế dung nạp thức ăn có hàm lượng chất béo cao, đặc biệt là mỡ động vật, nên chọn dầu thực vật (ví dụ như dầu Oliu).
8. Hạn chế muối và gia vị
Hạn chế sử dụng muối và gia vị đồng thời ít ăn những thực phẩm nhiều muối vì chúng có thể tăng thêm tỉ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày. Tổ chức Y tế thế giới đề xuất mỗi ngày lượng muối nạp vào cơ thể nên ít hơn 6g/người.
9. Không nên ăn thực phẩm lưu giữ quá lâu
Không nên ăn những thực phẩm lưu giữ quá lâu ở nhiệt độ thường, bởi vì những thực phẩm này có thể đã bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
10. Kiên trì tập luyện một môn thể thao thích hợp
Mỗi ngày nên kiên trì tập luyện từ 40-60 phút, bạn có thể chọn chạy bộ hoặc một môn thể thao thích hợp, chỉ cần bạn kiên trì tập luyện thì sẽ nâng cao sức đề kháng và phòng chống được các bệnh ung thư.
Theo Dân trí