“Ăn” hơn 7,3 tỷ đồng, nhóm cựu cán bộ thủy sản bị đề nghị truy tố
Theo kết luận điều tra, với hành vi gian dối đưa thêm 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, Bùi Đức Quý cùng đồng phạm đã thu về hơn 7,3 tỷ đồng tiền “bôi trơn” từ các doanh nghiệp.
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “ Giả mạo trong công tác” đối với nhóm cựu cán bộ tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định, thuộc Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT (viết tắt là Trung tâm K3). Cơ quan điều tra đã đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố nhóm cựu cán bộ thủy sản tội “Giả mạo trong công tác”, theo Điều 284-Bộ luật Hình sự.
Các bị can bị đề nghị truy tố gồm Bùi Đức Quý (SN 1955, trú ở phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) – nguyên Giám đốc Trung tâm K3.
Bị can Nguyễn Thị Hà (SN 1980) – nguyên cán bộ Văn phòng; Đỗ Thị Hà (SN 1988) – nguyên cán bộ Phòng Khảo nghiệm; Nguyễn Văn Dũng (SN 1985) – nguyên cán bộ Phòng Kiểm nghiệm, kiểm định; Nguyễn Huy Bàn (SN 1979) – nguyên cán bộ Văn phòng; Vũ Thị Thu (SN 1982) – nguyên cán bộ Trung tâm miền Đông Nam Bộ, đều thuộc Trung tâm K3 và Lê Tuấn Anh (SN 1979) – nguyên Phó phòng Hành chính, Văn phòng Tổng cục Thủy sản.
Theo kết luận điều tra, Trung tâm K3 có chức năng thực hiện các hoạt động khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định về giống, thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản… để phục vụ chính sách nuôi trồng thủy sản của cơ quan chức năng.
Nhiệm vụ của Trung tâm K3 là tổng hợp trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản để sau đó Bộ NN&PTNT ban hành danh mục thức ăn thủy sản, chất bổ sung thức ăn; chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý môi trường, cải tạo môi trường, hóa chất, hóa chất hạn chế sử dụng và hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Video đang HOT
Từ tháng 10.2013 đến tháng 7.2014 (trước thời điểm Bộ NN&PTNT ra Thông tư số 20/2014/TT-BNNPTNT, quy định một số nội dung về phân công và thẩm quyền quản lý vật tư nông nghiệp), Bộ NN&PTNT tạm dừng việc xem xét hồ sơ công nhận các sản phẩm là vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có thức ăn nuôi trồng thủy sản để rà soát tổng thể các quy định pháp luật liên quan.
Thế nhưng ở vào thời điểm nêu trên, các doanh nghiệp vẫn không ngừng gửi hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm liên quan đến nuôi trồng thủy sản về Tổng cục Thủy sản và cùng với lượng hồ sơ tồn đọng khá lớn nên đã tạo ra áp lực đối với Trung tâm K3.
Lợi dụng sơ hở trong việc khó kiểm soát, bao quát hết các sản phẩm có trong danh mục nên từ 2014 đến tháng 3.2015, Bùi Đức Quý cùng các nhân viên dưới quyền đã ghép thêm phụ lục, làm và phát hành 6 văn bản giả mạo của Tổng cục Thủy sản nhằm đưa thêm 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản vào danh mục được phép lưu hành.
Cựu Giám đốc Trung tâm K3 cùng đồng phạm đã ghi lùi thời gian trên các văn bản kiểm nghiệm, kiểm định tương ứng với thời gian phát hành là năm 2013, rồi cắt dán chữ ký của lãnh đạo Tổng cục Thủy sản vào đó. Tiếp đến, các đối tượng tuồn cho Lê Tuấn Anh đóng dấu của Tổng cục Thủy sản vào các văn bản giả mạo và phát hành.
Với hành vi gian dối đưa thêm 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, Bùi Đức Quý cùng đồng phạm đã thu về hơn 7,3 tỷ đồng tiền “bôi trơn” từ các doanh nghiệp.
Liên quan đến vụ việc này, vào tháng 11.2016, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng của bộ kiểm tra, đánh giá các tài liệu, chứng cứ về vụ việc vi phạm pháp luật tại Trung tâm K3; nếu có dấu hiệu tội phạm thì quyết định khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo Danviet
Cựu PGĐ Sở Nông nghiệp nói gì khi vợ nộp cả "núi tiền"
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Ngô Thị Ánh hỏi bị cáo Phan Minh Nguyệt, nguyên PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội: Bị cáo có biết việc vợ đã tự nguyện nộp nhiều tỷ đồng giúp bị cáo khắc phục hậu quả?
Bị cáo Phan Minh Nguyệt, cựu PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. (Ảnh: L.K)
Chiều nay (6.12), phiên tòa xét xử bị cáo Phan Minh Nguyệt (SN 1962) và 5 đồng phạm bắt đầu bước vào phần xét hỏi. Bị cáo Nguyệt bị truy tố ra trước TAND TP.Hà Nội về hai tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Nguyệt được xác định phạm tội trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV, Tổng GĐ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO).
Về hành vi tham ô, Cơ quan tố tụng xác định, mỗi khi cần tiền để sử dụng cá nhân, bị cáo Phan Minh Nguyệt đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Huyền Hảo, giám đốc các xí nghiệp thành viên và cán bộ dưới quyền lập khống, hợp thức hóa chứng từ, rút tiền từ nguồn vốn phục vụ sản xuất và bình ổn giá của Công ty HIDICO để đưa cho Nguyệt. Tổng số tiền bị cáo này đã nhận và chi tiêu sử dụng cá nhân hơn 40,4 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyệt khai không bao giờ sử dụng khoản tiền trên để chi tiêu cá nhân. Bị cáo nói chỉ sử dụng cho công việc của Công ty HADICO. Mỗi lần cần tiền giải quyết công việc, bị cáo Nguyệt chỉ đạo kế toán trưởng hoặc giám đốc một số đơn vị thành viên rút tiền đưa cho bị cáo. Bị cáo cũng thừa nhận việc sử dụng tiền như vậy là trái với nguyên tắc tài chính của doanh nghiệp Nhà nước.
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Ngô Thị Ánh cho biết: Đối với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gia đình bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục cơ bản hết; đối với hành vi tham ô, đến khi bị cơ quan điều tra phát hiện, khởi tố, bị cáo Nguyệt còn chiếm đoạt hơn 14,9 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, vợ của bị cáo Nguyệt đã tự nguyện nộp hơn 14,9 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
"Bị cáo có biết vợ tự nguyện nộp khoản tiền trên để khắc phục hậu quả?", thẩm phán Ngô Thị Ánh hỏi.
"Ba năm qua, bị cáo ở trong trại tạm giam nên không biết ở nhà vợ làm việc này", bị cáo Nguyệt trả lời.
Khi được thẩm phán Ngô Thị Ánh hỏi tiếp: "Bị cáo có tác động gì để vợ nộp khoản tiền trên nhằm khắc phục hậu quả?", bị cáo Nguyệt cho hay không có tác động gì.
Nghe vị Chủ tọa hỏi: "Đến nay, biết rồi bị cáo có muốn nộp tiền khắc phục hậu quả không?", bị cáo Nguyệt không trả lời thẳng và nói trăm sự nhờ Hội đồng xét xử xem xét, cái gì bị cáo làm sai thì khắc phục.
Cũng trong chiều nay, Hội đồng xét xử cũng đã thẩm phán các bị cáo Nguyễn Thị Huyền Hảo, nguyên Kế toán trưởng Công ty HADICO; Đỗ Văn Hảo, nguyên Phó Tổng GĐ Công ty HADICO; Đặng Thị Thanh Tâm, nguyên GĐ Chi nhánh Công ty HADICO - Xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm, Hà Nội; Dương Thị Chinh, nguyên Kế toán trưởng, nguyên GĐ Chi nhánh Công ty HADICO - Xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm và Nguyễn Trọng Hùng, nguyên GĐ Chi nhánh Công ty HADICO - Xí nghiệp Bắc Hà.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi. Dự kiến, phiên tòa kéo dài trong 3 ngày.
Theo cáo trạng truy tố, trong thời gian giữ chức Chủ tịch HĐTV và Tổng GĐ Hadico (từ cuối năm 2005 đến đầu 2014), Phan Minh Nguyệt lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Nguyễn Thị Huyền Hảo cùng một số bị cáo trong vụ án phá dỡ dãy nhà kho tại Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm để xây 114 gian nhà cùng 14 gian ki-ốt và cho thuê trái phép.Bằng hành vi nêu trên, bị cáo Nguyệt cùng đồng phạm đã thu về 42,9 tỷ đồng. Trong số tiền đó, các bị cáo để ngoài sổ sách và chi tiêu cá nhân hơn 17,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước khi bị khởi tố, Phan Minh Nguyệt đã khắc phục số tiền trên.Trước khi được bổ nhiệm chức PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Phan Minh Nguyệt còn chỉ đạo nhân viên để ngoài sổ sách, kế toán hơn 22 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Tổng cộng, ở hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Phan Minh Nguyệt cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho Công ty HADICO hơn 51,4 tỷ đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, gia đình bị cáo Nguyệt đã khắc phục hơn 19,5 tỷ đồng.
Theo Danviet
Hiến kế phòng, chống tham nhũng, ĐBQH dẫn lại vụ án Giang Kim Đạt Nói về nghĩa vụ kê khai tài sản, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng cần phải quy định thêm cả bố, mẹ và con đã thành niên. Thực tế, qua xử lý vụ án Giang Kim Đạt, chúng ta đã thấy ông bố là Giang Văn Hiển cũng đã bị truy tố về tội Rửa tiền. ĐB Ngọ Duy Hiểu phát...