An Giang: Vượt qua thú dữ, rắn độc, hái rau rừng kiếm tiền triệu
Ngày nay, rau rừng hoang dại ở vùng Bảy Núi ( tỉnh An Giang) đã trở thành món ăn khoái khẩu. Hương vị ngọt ngào, thanh khiết của rau rừng thiên nhiên đã làm say lòng nhiều lữ khách…Theo đó, tuy có thể phải đối mặt với thú dữ, côn trùng độc, rắn rết, nhưng với nghề hái rau rừng, nhiều hộ dân sinh sống ở vùng Bảy Núi có việc làm quanh năm và sống khỏe re, thu nhập khá.
Rau rừng Bảy Núi-rau sạch trứ danh
Mùa mưa, dưới những tán rừng bạt ngàn ở Bảy Núi, loài thực vật núi phát triển xanh tốt. Đặc biệt, ở núi Cấm (cao trên 716m, thuộc huyện Tịnh Biên), với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu mát mẻ nên rau núi, rau rừng sinh trưởng quanh năm.
Chín Mót hái lá ngành ngạnh-một trong những loài rau rừng trứ danh vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.
Những lão “sơn dân” ví von, núi Cấm hứng mây mù lãng đãng, từng chồi non của loài rau hoang dại chắt lọc được tinh túy đất trời, mang vị ngọt lành và tính dược thanh khiết. Bên những dòng suối chảy róc rách, các loại rau như: kim thất, đọt chảo, bình bát, càng cua, bồ ngót, xà lách xoang, cải trời… mọc xanh mơn mởn.
Anh Nguyễn Văn Sớt, một sơn dân sống lâu năm trên núi Cấm nói rằng, muốn thưởng thức món canh cua núi ngon trứ danh, bà con ở đây chỉ cần men theo dòng suối bắt cua và hái một nắm đọt chảo cho vào nồi là có nồi canh ngọt lừ, không cần phải dùng đường hay bột nêm.
Ngày cuối tuần, được sự chỉ dẫn của anh Mỹ – một “thổ địa” miền sơn cước, chúng tôi rong ruổi khắp núi Cấm tìm những loài rau ngon. Vồ Thiên Tuế là nơi được thiên nhiên ban cho triền núi thoai thoải. Khí hậu ở đây mát rượi và dễ chịu y như xứ Đà Lạt ngàn thông. Dưới những tán rừng xanh biếc là vô số loại rau rừng đua nhau mọc.
Chú Lê Văn Mót (Chín Mót, 65 tuổi, ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, Tịnh Biên) đang leo thoăn thoắt trên thân cây ngành ngạnh để hái đọt non. Chín Mót cho biết, mỗi ngày leo hàng chục cây cao để hái đọt rau rừng, bán cho du khách và chủ bán bánh khọt, bánh xèo tại núi Cấm.
Chín Mót có khoảng 15 năm trong nghề hái rau rừng. Chín Mót thông tin, ngày trước rừng rú um tùm, rau cỏ mọc đầy chẳng ai thèm ăn. Sau này, có vài ba hàng quán bánh xèo mọc lên, người ta tiện tay hái loài rau dại mọc sau nhà để thay thế nguồn rau sống được trồng ở đồng bằng.
Ấy vậy, mà khi ăn bánh xèo kèm rau rừng có vị chua, chát, ngọt, ngon không thể tả. “Từ đó, cư dân trên núi toàn ăn các loại rau rừng thay thế rau sống trồng dưới đồng bằng. Ăn bánh xèo, cá nướng, cá hấp kèm với các loại rau rừng thiên nhiên đều tuyệt vời”- Chín Món am tường.
Mỗi ngày, Chín Mót hái đến cả chục loại rau, như: ngành ngạnh, chòi mòi, bằng lăng, bứa, cơm nguội, lá lốt, đinh lăng núi, kim thất… để bán. Nhu cầu ăn rau núi của khách hành hương ngày càng nhiều. Muốn mua được loại rau này, các chủ quán bánh xèo phải điện thoại đặt trước để “sơn dân” hái mới đủ bán.
Hái rau rừng-”Nghề tay trái”
Cuộc sống bộn bề, nhiều người dân nơi khác ly hương tìm kiếm việc làm mong sao ổn định. Thế nhưng, phần đông hộ dân trên núi Cấm kiên quyết bám trụ tại địa phương vừa chạy “ xe ôm”, vừa hái rau rừng, kiếm thêm thu nhập.
Video đang HOT
Hôm trải nghiệm cùng anh Võ Văn Nhị (37 tuổi, ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, Tịnh Biên) trên chiếc “xe ôm” tìm rau rừng, được anh chở qua những cung đường uốn lượn, lên xuống với độ sâu thăm thẳm, tôi lén nhìn xuống vực, đột nhiên bị choáng do không quen với địa hình triền núi.
Chạy hơn 2km, đến khu vực điện Bồ Hong, anh Nhị chỉ “ổ” rau kim thất mọc xanh tươi gần con suối chảy róc rách. Cắt từng cọng rau non, anh Nhị nói rằng, ngoài rau kim thất, còn có các loại rau như: cải trời, càng cua, đọt chảo rất dễ tìm. Loài thực vật này thường mọc ở những nơi có mạch nước ngầm ẩm ướt.
“Ngày nào hái nhiều, tui thu hoạch từ 40-50kg rau rừng các loại, bán với giá 20.000 đồng/kg, bỏ sở hụi kiếm được vài trăm ngàn đồng. Còn những ngày Tết, tui hái từ 60-70kg, kiếm tiền triệu”- anh Nhị khoe.
Anh Nhị leo lên cây hái đọt bứa
Những “sơn dân” đi hái rau rừng có sức khỏe rất cường tráng, do họ, vượt núi và leo cây hàng ngày. Có những loại cây cần hái lá non để ăn cá nướng hoặc cuốn bánh xèo thì phải leo cao.
“Lá quỷnh, bứa, ngành ngạnh, chòi mòi, bằng lăng, tui leo lên tận ngọn cây mới hái được. Cây càng to, hái lá non càng nhiều. Mỗi cây hái được từ 3-5kg là chuyện bình thường”- anh Nhị cho hay.
Nghề hái rau núi lắm vất vả, gian truân, bởi họ thường đối mặt với nguy hiểm, do leo lên những cây cao vắt vẻo mà không có dây bảo vệ an toàn. Ngoài ra, trong quá trình đi rừng, thi thoảng họ đối mặt với thú dữ hoặc côn trùng, rắn độc.
Đọt quỳnh ăn kèm với bánh xèo rất ngon
Ở núi Cấm, nhiều người biết rành thời điểm nào rau rừng phát triển mạnh. Theo kinh nghiệm của Chín Mót, rau rừng mọc quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch).
Nếu năm nào khí hậu thuận lợi thì rau rừng phát triển cho tới Tết Nguyên đán. Nhờ nguồn rau rừng vô tận mà đông đảo người dân có chuyện làm quanh năm. Nhiều năm đi “săn” rau rừng nên Chín Mót và anh Nhị hiểu rất rõ về tính dược của các loại rau rừng trên núi Cấm.
“Rau cải trời đem nấu canh ăn có vị ngọt, trị được bệnh thương hàn và sốt. Còn đọt hồng ngọc, ăn có vị chát nhẹ, trị bách bệnh. Riêng rau kim thất, càng cua, giàu dinh dưỡng chuyên trị chóng mặt, mất máu…”- Chín Mót liệt kê.
Hàng ngày, những quán bánh xèo ở núi Cấm tiêu thụ hàng trăm ký rau rừng các loại. Khu vực chùa Phật Lớn và xung quanh hồ Thủy Liêm, vồ Đầu, vồ Thiên Tuế, điện Bồ Hong… có khoảng 200 quán bánh xèo. Vào các ngày lễ hội, ngày rằm lớn, du khách đến ăn bánh xèo đông đúc, kéo theo nghề hái rau núi “ăn nên làm ra”. Rau rừng ở đây mọc tự nhiên, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên lữ khách không ngần ngại mua về thưởng thức.
Theo Thành Chinh (Báo An Giang)
Núi Cấm mùa mưa: Tắm suối Thanh Long, ăn bánh xèo rau núi
Mùa mưa, núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thay chiếc áo xanh mơn mởn. Khung cảnh núi rừng bỗng hóa nên thơ với tiếng suối chảy rì rào, tiếng chuông chùa tịch lặng vọng xuống hồ nước đầy ăm ắp hay sự "lên ngôi" của đặc sản vào mùa.
Phong phú về đặc sản
Không quá ồn ào, náo nhiệt như những tháng hành hương nhưng núi Cấm mùa mưa trở nên hấp dẫn du khách bởi những loại cây đặc sản vào mùa. Dọc theo tuyến đường lên núi, dễ bắt gặp những rổ bơ bày bán với sắc xanh, tím trông thích mắt. Vào tháng 5 (âm lịch), bơ núi Cấm đã vào mùa rộ.
"Năm nay, mưa kéo dài nên bơ đậu trái rất sai. Mỗi cây có thể cho khoảng 200-500kg trái nếu bẻ hết mùa. Vì vậy, nhà vườn núi Cấm năm nay có thu nhập khá. Ngặt nỗi, giá bơ không như mong đợi. Thương lái bẻ tại vườn chỉ tầm 5.000 - 6.000 đồng/kg, chúng tôi bán lẻ cho du khách cũng chỉ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Đối với giống bơ sáp giá có nhỉnh hơn chút ít nhưng nhìn chung vẫn rẻ hơn mọi năm" - bà Nguyễn Thị Liên (chủ vườn bơ trên núi Cấm) thật tình cho biết.
Du khách đến viếng Phật Di Lặc khá đông
Ngoài bơ, du khách có thể nghe mùi hương thoang thoảng của sầu riêng núi chín cây còn lủng lẳng trên cành. Theo nhiều chủ vườn, sầu riêng được bán cho du khách với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg. Khi được hỏi về phẩm chất, ông Ngô Văn Hòa, nông dân trồng sầu riêng ở ấp Thiên Tuế (xã An Hảo) giải thích: "Sầu riêng trên núi sản lượng không cao, phẩm chất cũng như dưới xuôi.
Có điều, chủ vườn trên này không bẻ sớm như các tỉnh miền Đông mà đợi sầu riêng chín rụng mới đem bán lẻ cho du khách.
Vì sầu riêng chín tới nên chất lượng thơm ngon và đảm bảo không xử lý hóa chất như các nơi khác. Năm nay mưa dai, sầu riêng không đậu trái nhiều nên sản lượng chỉ còn một nửa, chứ các năm trước giá không cao như bây giờ".
Mùa mưa ở núi Cẩm, đặc sản rau rừng "lên ngôi"
Bước qua khỏi hương thơm sầu riêng núi Cấm, tôi đặt chân đến tượng Phật Di Lặc với nụ cười tự tại giữa trời cao. Dù là mùa mưa nhưng du khách đến viếng Phật Di Lặc khá đông, họ thành kính cầu mong điều tốt lành và muốn chiêm ngưỡng tượng Phật lớn nhất trên đỉnh núi ở Châu Á.
Điểm cuốn hút du khách vào mùa mưa chính là bánh xèo rau núi. Vào mùa này, khá nhiều rau rừng xuất hiện cùng dĩa bánh xèo.Có thể thấy đọt cát lồi, lá châm, lá xoài non, rau tàu bay, lá đinh lăng, lá bơ non... xuất hiện cùng các loại rau quen thuộc như: ống cây, cải xà lách, cải bẹ xanh đã tạo nên hương vị rất riêng của món bành xèo rau núi.
Chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng cho 1 dĩa bánh xèo 2 cái, du khách có thể thưởng thức cả dĩa rau rừng to với lời mời đon đả của chủ quán: "Ăn đi chú, mùa mưa rau núi ăn... mệt nghỉ".
Vẻ đẹp nên thơ
Mùa mưa cũng là lúc những đám mây cứ chực sà xuống, mang theo cái se lạnh làm tươi mát tâm hồn du khách. "Tôi thích nhất ở núi Cấm chính là mây.
Khung cảnh ở đây vào buổi sáng sớm nhìn rất nên thơ với những đám mây là đà trên mặt hồ Thủy Liêm. Được ngồi nghe tiếng chuông chùa, ngắm mây bay mơ màng khiến tôi thấy lòng mình nhẹ hẳn.
Bởi vậy, tôi luôn sắp xếp thời gian đến núi Cấm mỗi năm 1 lần khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch. Đi núi vào mùa này thấy thoải mái bởi khách không quá đông mà khung cảnh lại rất hữu tình" - chị Lưu Ngọc Hà (du khách ở TP. Cần Thơ) chia sẻ.
Thỏa thích tắm suối Thanh Long
Quá trưa, ánh nắng bừng lên soi rõ khung cảnh núi rừng. Nắng chiếu xuống mặt nước hồ Thanh Long lấp loáng như tấm gương soi bóng núi. Từ ngày có con đập hồ Thanh Long, khung cảnh bỗng trở nên kỳ vĩ, hữu tình hơn.
Mọi người tranh thủ chụp ảnh tại hồ Thanh Long bởi công trình nhân tạo này đã tạo nên điểm thưởng ngoạn cảnh mới trên bước đường chinh phục núi Cấm của khách hành hương. Tôi xuống núi bằng "đường cũ" ven suối Thanh Long. Mùa mưa, con suối bừng tỉnh. Tiếng suối rì rào như tiếng hát cô sơn nữ làm khách bộ hành bâng khuâng, tưởng mình đã trở về thuở sơ khai giữa vùng núi non cô tịch.
Đường xuống núi mát rượi bóng cây. Thi thoảng, tôi bắt gặp những đoàn khách đang ngược hướng lên núi. Nhễ nhại mồ hôi, họ í ới gọi nhau và trò chuyện rôm rả. Những bậc thang ven suối Thanh Long đầy rêu vào mùa mưa.
Tuy không đến nỗi trơn như đổ mỡ nhưng đòi hỏi sự cẩn thận của du khách, nhất là những người đang xuống núi. Những chỗ dốc cao, suối Thanh Long tạo thành con thác nhỏ tuôn dài như "áng tóc trữ tình". Những bạn trẻ hào hứng tắm trong làn nước mát lạnh, cười đùa vui vẻ.
"Muốn tắm suối thiệt đã thì phải đợi mùa này hẳn lên núi. Ở đây mấy chục năm tôi nghe tiếng suối đã quen tai, nếu vắng nó sẽ thấy buồn lắm.
Nhờ suối Thanh Long có nước vào mùa mưa mà tôi có thể trồng vườn hay buôn bán ít đồ lặt vặt cho khách tắm suối hoặc đi hành hương" - ông Nguyễn Văn Thuận (hộ dân sống gần suối Thanh Long) thật tình. Mấy tán bằng lăng rừng trổ bông tím rịm nổi bật giữa màu xanh của núi rừng trở thành nét chấm phá trong bức tranh sơn thủy hữu tình.
Tôi xuống đến chân núi với sự thoải mái sau ngày dài chinh phục đỉnh non cao. Có lẽ, tôi sẽ trở lại vào mùa mưa năm sau, khi mấy trái sầu riêng đầu mùa lủng lẳng tỏa hương thơm sau những cơn mưa rừng núi Cấm.
Theo Thanh Tiến (TTMT)
Vô tình phát hiện loài lan quét- thuốc quý trên núi Cấm An Giang Có những loại cây, cỏ, trong đó có loài lan quét nhìn cũng bình thường nhưng có tác dụng trị bệnh rất bất ngờ. Hiểu được giá trị của những loại thuốc quý mọc hoang dã, cư dân núi Cấm (tỉnh An Giang) đang nỗ lực bảo tồn, giữ gìn như một nét rất riêng của vùng đất huyền bí này. Cả đời...