An Giang: Trồng rau này lấy hạt, ít đụng hàng, năm nào cũng trúng
Mỗi năm làm chỉ 1 vụ nhưng rau muống lấy hạt ở xã Hiệp Thương, huyện Phú Tân (An Giang) cho thu nhập khá cao, thu hút số hộ tham gia ngày càng đông. Nhờ sản xuất ít “đụng hàng”, năm nay bà con phấn khởi vì tiếp tục được mùa, được giá.
Ấp Hiệp Thạnh, xã Hiệp Xương (Phú Tân) là nơi tập trung nhiều nhất số hộ trồng rau muống lấy hạt. Mô hình chỉ thực hiện trong vụ đông xuân do lợi thế nắng tốt, khô ráo, đảm bảo cho hạt rau muống chắc khỏe, giảm thất thoát tối đa.
Nhiều hộ trồng rau muống lấy hạt ở xã Hiệp Xương, huyện Tân Phú, tỉnh An Giang có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Anh Nguyễn Bá Nhẫn (ngụ ấp Hiệp Thạnh) chia sẻ: “Nghề trồng rau muống cha tôi làm hơn 20 năm, đến tôi tiếp bước được khoảng 6 năm, gia đình duy trì canh tác 2 vụ nếp – 1 vụ rau muống lấy hạt, với tổng diện tích 9ha. Vụ này, năng suất và giá bán hạt rau muống đều tăng, giúp nông dân đạt lợi nhuận cao”.
Theo anh Nhẫn, rau muống dễ trồng và có thể canh tác quanh năm. Đối với anh, trồng rau muống dễ như trồng lúa, đảm bảo phân, thuốc, nước tưới và am hiểu giai đoạn sinh trưởng là “có ăn”, chú ý nhất là giai đoạn “vào hạt”. Hơn nữa, tất cả các khâu từ trục, xới đất, sạ phân đến thu hoạch đều có máy móc.
Nghề trồng rau muống lấy hạt ở xã Hiệp Xương ngày càng mở rộng diện tích, trong đó có nhiều hộ phát triển mới theo vận động của Hội Nông dân, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng hiệu quả trên đất lúa. Rau muống lấy hạt ít bị biến động giá cả đầu ra, vì là sản phẩm hạt khô nên nếu giá bán không cao vẫn có thể vựa lại.
Ngoài bán hạt rau muống cho bạn hàng, một số hộ đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với công ty. Vào mùa thu hoạch, mô hình này tạo thu nhập cho lao động nông nhàn, trung bình mỗi lao động được trả tiền công từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày.
Video đang HOT
Thu hoạch rau muống lấy hạt. Hạt rau muống được suốt , sàng sạch và đóng thành từng bao để chuyển đi bán.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Phan Văn Tông, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, địa phương đã tuyên truyền vận động nông dân tập trung phát triển sản xuất các loại cây phù hợp và mang lại giá trị kinh tế cao trên đất lúa. Trong đó trồng rau muống lấy hạt là mô hình đang cho hiệu quả vượt trội.
Dọc theo ấp Hiệp Thạnh, lẫn giữa màu xanh mướt của rau muống hoa trắng đang kết hạt, đã có nhiều ruộng được giẫy bằng phẳng phơi khô đang chờ suốt. Theo kinh nghiệm của nhà nông, đây là giống rau muống cho năng suất cao nhất.
Mỗi hộ xuống giống theo thời điểm khác nhau, miễn đúng vụ đông xuân thì đạt. Trên đất trồng nếp, sau khi thu hoạch, có người sạ giống rau muống ngay; có người cải tạo đất làm rẫy, lên liếp, đào rãnh dẫn nước vào. Năm nay, số hộ trồng rau muống lấy hạt tăng lên 55 hộ, với tổng diện tích 77ha.
Rau muống chủ yếu được trồng trên mặt đất phẳng, đến chu kỳ lấy hạt, nông dân cắt thân cây để phơi từ 15 – 20 ngày cho héo, rồi gom thành đống, đem suốt lấy hạt và sàng làm sạch trước khi bán. Nhờ hạt rau muống, những người làm theo mô hình này từ hộ nghèo vươn lên khá giả.
Điển hình vươn lên khá giả nhờ trồng rau muống lấy hạt như hộ ông Nguyễn Ngọc Ngoan, ông Lê Văn Kịch gắn bó với mô hình nhiều năm, mỗi vụ thu nhập hàng trăm triệu đồng, lấn sân sang kinh doanh vật tư nông nghiệp. Những hộ cùng trồng rau muống lấy hạt đã được thành lập tổ liên kết để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, vốn đầu tư.
Nếu ban đầu trên địa bàn xã Hiệp Xương mới hình thành tổ hợp tác chỉ phát triển quy mô hơn 30ha thì giờ đây diện tích trồng rau muống lấy hạt đã lên đến 77ha. Vụ đông xuân thay vì trồng lúa, người dân chuyển sang trồng rau muống lấy hạt thu lợi nhuận khá cao, đầu ra hàng năm của hạt rau muống được ký hợp đồng tiêu thụ, giá cả ổn định.
Mô hình trồng rau muống lấy hạt nói riêng và các mô hình mới trên địa bàn xã Hiệp Xương nói chung đang cho hiệu quả kinh tế, được chính quyền địa phương quan tâm, theo dõi. Ông Phan Văn Tông cho biết, để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, địa phương tiếp tục mời gọi doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
An Giang: Du lịch sông nước Vàm Nao và câu cá giải trí
Mỗi năm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang thu hút khoảng 1 triệu lượt khách tham quan. So với những nơi khác, lượng du khách đến Phú Tân chỉ là con số nhỏ, nhưng địa phương xác định du lịch là tiềm năng chưa khai thác hết, luôn động viên, khuyến khích người dân thử sức với loại hình này khi có điều kiện.
Năm 2018, điểm du lịch Vàm Nao (xã Tân Trung) đã tiếp hơn 2.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Dịch vụ mới nhất là câu cá giải trí, phục vụ khoảng 1.000 lượt khách đến trong năm. Năm nay, Tổ hợp tác du lịch Vàm Nao đã có kế hoạch mở rộng thêm sản phẩm dịch vụ, tăng cường hoạt động marketing với chiến lược lấy hoạt động du lịch làm động lực tiêu thụ hàng nông sản đặc sản trên địa bàn.
Trải nghiệm du lịch sông nước tại Vàm Nao và câu cá giải trí thư giãn
Trước mắt, địa phương tập trung hoàn thiện điểm du lịch như: xây dựng điểm dừng chân, bến tàu đưa đón khách, vận động thêm hộ dân có cơ sở tiềm năng tham gia và bước đầu thu được kết quả khả quan. Bên cạnh đó, tổ đang duy trì chương trình hợp tác với Trung tâm Giống thủy sản An Giang triển khai mô hình liên kết bảo tồn các loại thủy sản nước ngọt gắn với du lịch tại Vàm Nao. Đến nay đã đầu tư cơ bản các hạng mục nuôi bảo tồn hơn 40 loại cá, trong đó có nhiều loại quý hiếm như: cá hô, cá sửu, cá ngựa...
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung Võ Thanh Tùng thông tin, hoạt động của Tổ hợp tác du lịch Vàm Nao rất tốt, được nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm. Để tiếp tục phát triển, tổ đã có kế hoạch đầu tư thêm các điểm đến, quảng bá du lịch, chỉnh trang cơ sở hạ tầng và các bến tàu, bến bãi phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Ngoài trải nghiệm đời sống sông nước ở khu vực lòng hồ Tân Trung chủ yếu tập trung mùa nước nổi, nay người dân còn mở thêm dịch vụ câu cá giải trí tại ấp Mỹ Hóa 1. Điểm đến này đồng thời là nơi bảo tồn nhiều loại cá hiếm, do nông dân bên ngoài Tổ hợp tác có điều kiện tham gia. Từ điểm này, địa phương hướng bà con kết nối với các thành viên có cơ sở hạ tầng, cây trái, điểm vui chơi... để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Phan Văn Long mở ra điểm câu cá giải trí được hơn 1 năm cho biết, 2 ngày cuối tuần người dân đến rất đông. Ngoài người địa phương còn có khách từ Chợ Mới, Đồng Tháp sang chơi. Tại đây, hàng tháng ông thả khoảng 1 tấn cá phục vụ khách kết hợp ăn uống, trong đó có nhiều loại cá hiếm như: cá sửu, cá éc, cá hô... chỉ câu giải trí.
Từ khi thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình phát triển du lịch văn hóa sinh thái lòng hồ Tân Trung - Vàm Nao, huyện Phú Tân" do Trường Đại học Tôn Đức Thắng chủ trì, PGS.TS khoa học Bùi Loan Thùy chủ nhiệm đề tài (năm 2015), nông dân đã bắt đầu làm quen với hoạt động phục vụ du lịch.
Người dân tham gia được tập huấn các kỹ năng du lịch căn bản nhất, "thực hành" phục vụ qua các tour thử nghiệm giới thiệu các điểm, sản phẩm du lịch, làng nghề, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Sau thời gian tổ chức, quảng bá, từ khóa "du lịch Vàm Nao - Tân Trung" đã trở nên thân thuộc với đông đảo du khách.
Tháng 4-2018, huyện Phú Tân ban hành kế hoạch thực hiện dự án đầu tư du lịch sinh thái kết nối du lịch tâm linh lòng hồ Tân Trung và thị trấn Phú Mỹ, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hoạt động du lịch.
Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung cho biết, phải giúp người dân làm kinh tế trước rồi mới hình thành vùng du lịch. Địa phương chọn Tân Trung làm trọng điểm, trước hết sẽ phát triển những vùng trồng cây đặc sản kết hợp cải tạo lòng hồ, trồng bắp, mía, ấu... đáp ứng nhu cầu thực khách "mùa nào thức ấy".
Bình quân 1 năm, ngay tại trung tâm huyện Phú Tân đón cao nhất trên 1 triệu lượt người vào 2 dịp lễ đạo nhưng hiệu quả khai thác du lịch không có. Vì vậy, địa phương đang tìm giải pháp tốt nhất để kết nối với Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo làm thế nào gắn với du lịch tâm linh.
Học cách làm du lịch của nông dân Phú Tân là một thử thách, cũng là nỗ lực. Bởi, nhiều người khởi điểm không phải tận dụng sự giàu có của thiên nhiên, mà phải ra sức cải tạo, thử nghiệm, thu dần kết quả mới mở rộng.
Làm du lịch và phát triển du lịch ở Phú Tân là một câu chuyện dài, nhưng có thể khẳng định, kinh doanh loại hình du lịch theo hướng sinh thái mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và góp phần phát triển địa phương theo hướng bền vững.
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
Lạ mà hay: Nuôi loài cá kêu éc éc trong lồng, bán 300 ngàn đồng/ký Ông Hồ Văn Nhiều, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã chuyển từ nuôi cá thác lác cườm sang nuôi cá heo đuôi đỏ-loài cá đuôi đỏ và kêu éc éc rất dễ thương. Ông Nhiều và 2 người anh, em ruột khác nuôi 9 bè cá heo đuôi đỏ, tới thời kỳ xuất bán, có ngày thương lái xuống...