An Giang: Lênh đênh theo con “cá chạy”, trúng cá lớn kiếm tiền triệu
Lũ rút. Trên những khúc sông soi bóng những phận đời mưu sinh bằng nghề đặt lú ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Quanh năm, họ lấy xuồng làm nhà, lênh đênh theo con “cá chạy”…
Chầu chực trên sông
Ông Năm Cang (Trần Văn Cang, 55 tuổi, ngụ xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn, An Giang) mới ở cái tuổi “ngũ thập” nhưng nhìn quá hom hem, già trước tuổi. Nhà không “cục đất chọi chim”, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, Năm Cang phải làm đủ thứ nghề, từ cắt lúa mướn đến giăng câu, thả lưới, rồi đặt lú ven sông, rạch. Chiếc ghe bầu của Năm Cang nay đã quá cũ kỹ, lỉnh kỉnh với đủ thứ đồ dùng và vật dụng gia đình. Chiếc ghe không chỉ là chỗ ở, mà còn là phương tiện sinh nhai của Năm Cang.
Bảy Lèo xuất bến đặt lú.
Cắm sào dưới chân cầu Tôn Đức Thắng, bên dòng Long Xuyên đã 6 năm, vợ, chồng Năm Cang xem đây là bến đỗ thứ 2 của gia đình. Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Trong chuyến đi đặt lú, cực nhất là phải ngồi canh giữ ngư cụ suốt ngày lẫn đêm”.
Ngồi chờ con nước “cá chạy”, Năm Cang bồi hồi nhớ lại: “Ngày trước, gia đình tui sống bằng nghề làm thuê, cắt lúa mướn đủ đắp đổi qua ngày. Về sau, công nghệ phát triển, máy gặt đập liên hợp thịnh hành, tui xuống sông mưu sinh bằng nghề khai thác cá, tôm. Năm nào lũ lớn, cá, tôm bắt được nhiều, cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Nhiều năm trong nghề “bà cậu”, ông rất am hiểu về cách đặt, cách bố trí lú dưới sông sâu như thế nào để bắt được nhiều cá, tôm. Nhìn màu nước tháng 10 nhạt dần, Năm Cang quả quyết: “Nước rút rơi ngay vào mùng 6, mùng 9, mùng 10 (âm lịch), cá đồng ra sông lai rai, đặt lú thời điểm này sẽ thu hoạch khá nhiều”.
Video đang HOT
Dỡ lú.
Mùa lũ năm nay, Năm Cang đầu tư 80 cái lú, với số tiền gần 20 triệu đồng để khai thác cá, tôm. Nhờ lũ lớn, mỗi ngày gia đình ông thu hoạch cá, tôm nhiều hơn trước. “Lú chạy dính các loại cá như: cá trê, cá lóc, cá mè vinh, cá linh, tôm, tép… thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày. Hôm nào trúng mánh dính cá lớn, kiếm tiền triệu như không”.
Năm Cang cho biết, nghề đặt lú thấy vậy không dễ ăn chút nào. Có người đầu tư cả trăm chiếc lú đem về đặt mãn mùa mà vẫn không lấy được vốn. Còn những người biết cách đặt, chỉ vài con nước kiếm được cả vốn lẫn lời. Đặt lú hơn nhau ở chỗ phải am hiểu được thời gian nào cá đi, cá ở và con nước nào “chạy” mạnh…
Thức thâu đêm
Màn đêm buông dài trên sông! Không gian càng cô liêu tĩnh mịch. Vậy mà, vợ, chồng Bảy Lèo (Nguyễn Văn Lèo, 71 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang) phải gồng mình lặn ngụp dưới sông để thăm, giữ lú. Nhiều lúc buồn ngủ díu cả mắt nhưng họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi thu hoạch những “chiến lợi phẩm”. Những người đặt lú bảo rằng, nghề “bà cậu” ráng đeo, một năm chỉ kiếm sống được trong mùa lũ. Nếu không cố gắng thức trông từng chiếc lú thì bị trộm “rinh”, xem như trắng tay.
Niềm vui của bà con thu hoạch dính nhiều cá trong đêm.
Càng về đêm, mặt sông càng quạnh quẽ trăng treo. Lâu lâu, Bảy Lèo dỡ lú chạy đầy cá, tôm, ông nói với giọng đầy lạc quan: “Nghề đặt lú đã ăn vào máu của tụi tui. Mưu sinh về đêm riết cũng quen. Đặt lú mê nhất là thời điểm “cá chạy”, kiếm được nhiều tiền, cảm thấy vui hơn”. Những năm gần đây, nghề đặt lú dưới sông sâu đã trở nên quen thuộc và phổ biến trong mùa lũ. Bởi, loại ngư cụ này khai thác được cá, tôm dưới những chỗ sông sâu và nước chảy xiết.
Hôm gặp anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ xã Vĩnh Trạch) đang lặn ngụp đặt những luồng lú gần bờ kè Nguyễn Du tại khúc sông Hậu thì mới biết, anh Đoàn là con trai lớn của Bảy Lèo. Mặc cho dòng nước chảy như “cắt cổ”, anh Đoàn vẫn lặn xuống sông sâu để dỡ lú. Chiếc xuồng composite là nơi chất chứa ngư cụ, đồng thời cũng là căn nhà di động của gia đình anh Đoàn, gồm 4-5 nhân khẩu.
Vừa ngoi lên khỏi mặt nước, anh Đoàn hì hục nói rằng, sống chung với lũ quen rồi. Dân trong nghề bảo với nhau, đây là nghề đặt “12 cửa ngục”. Bởi, chiếc lú này có kích thước nhỏ hơn chiếc lú đặt trên đồng, trong quá trình đặt, khỏi làm đường ven rất tốn kém. Mặt lưới thưa và to hơn lưới cước nên chỉ khai thác cá to và ngon.
“Một đêm, tôi thu hoạch khoảng 4-5kg tôm, cá các loại, trừ chi phí cũng được 200.000 đồng”- anh Đoàn phấn khởi rồi tặc lưỡi than: “Đặt lú trên sông rất bấp bênh, khi bắt dính cá, tôm mang ra chợ bán còn khó khăn hơn. Bởi, không có nơi bán ổn định, phải ngồi chồm hổm tạm bợ ven đường”.
Muốn đặt lú được nhiều cá, tôm, ngư dân phải chọn những dòng sông sâu, nước chảy cuồn cuộn, rày đây mai đó phiêu bạt khắp nơi. Lúc thì đặt ở quê nhà, khi nguồn cá dưới sông cạn kiệt thì họ di chuyển sang Đồng Tháp hoặc xuống tận Vĩnh Long, Tiền Giang đặt lú. Cuộc đời mưu sinh của họ gắn chặt với chiếc ghe bầu và sóng nước. Cận Tết, họ tạm gác công việc lên bờ sum vầy cùng gia đình, bè bạn được ít ngày, rồi quay lại cuộc sống mưu sinh với nghề hạ bạc.
Theo Thành Chinh (TTMT)
Mùa nước nổi An Giang, cất vó được 30 ký cá, có cá heo kêu éc éc
Khi nước lũ "nhuộm trắng" những cánh đồng ở An Giang cũng là lúc nghề cất vó vào vụ bội thu nhất trong năm với nhiều loài cá như cá heo kêu éc éc, cá trèn, các loại cá hủn hỉn. Thời điểm này, những cánh vó trở thành niềm hy vọng về một cuộc sống sung túc hơn cho những ai theo nghề "bà cậu" này trong mùa nước nổi. Cá cất vó bỏ vô trong vèo bán lúc nào cũng được.
Cánh đồng ven tuyến kênh Tha La, Trà Sư (An Giang) mùa nước nổi năm nay đã ngập quá với tay người. Cá từ những cánh đồng giáp biên giới đi qua cửa ngõ đập tràn Tha La, Trà Sư rồi theo con nước bơi xuống phía hạ lưu và trở thành nguồn sống của dân câu lưới.
Cởi chiếc nón lưỡi trai đã bạc màu, lão ngư Nguyễn Văn Chín (người dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nheo nheo đôi mắt nhìn xa xăm, nơi có mấy chiếc xuồng con lặng lẽ, âm thầm mưu sinh với lũ. Ông Chín thật tình: "Mùa nước nổi năm nay, cá mắm đỡ hơn nên từ tháng 7 (âm lịch) đến giờ, tui đã đóng vó ở cặp tuyến kênh để bắt cá. Nền vó này có từ lâu, thời ông nội tui đưa lại cho tía, rồi bây giờ tui tiếp tục khai thác. Những người không có nền thì họ đóng vó dọc theo kênh hay sông lớn, chỗ nào thấy cá ít họ dời đi, còn mình có nền sẵn nên đóng một chỗ tới nước rút thì thôi".
Đóng vó bắt cá ven kênh Tha La tỉnh An Giang trong mùa nước nổi tràn đồng.
Mạnh tay kéo sợi dây to bản để nâng mặt lưới của chiếc vó rộng 11m, lão ngư có tên trùng với thứ của mình cứ huyên thuyên kể về thời cá ăn không hết, khi ông cùng cha ngủ ngoài lều canh vó suốt đêm.
"Hồi đó, mỗi lần cất vó lên là mấy chục ký cá, đủ loại, đủ cỡ như cá heo nước ngọt, cá trèn, các loại cá hủn hỉn rẻ tiền. Có khi tía tui lấy vợt xúc không kịp, phải xả vó vì sợ gãy càng. Thời đó cá dữ lắm, người ta bắt ăn không hết nên chẳng mấy ai đem ra chợ bán. Dính cá nhiều quá nên tía kêu má mần khô, không hết thì ủ mắm. Nếu còn dư thì cho lối xóm hoặc kêu xe ngựa chở vô sóc, phum để người ta ăn tiếp. Ham cá thì bắt, chứ nguồn thu từ cất vó hồi mấy chục năm trước chẳng có bao nhiêu".
Mùa lũ năm nay, ông Chín đã đầu tư khoảng 15 triệu đồng để đóng giàn vó mới. Ông Chín cho biết, mỗi giàn vó có thể sử dụng trên 5 mùa nước nên vốn đầu tư không phải là chuyện quá khó với những ai theo nghề.
"Nghề này bắt cá theo kiểu tự nhiên, gặp luồng cá chạy thì mình kéo miết. Có khi cá "chạy" ban đêm, lắm lúc lại "chạy" ban ngày nên tui cứ ở ngoài vó suốt. Cá ngơi, mình nằm võng nghỉ rồi nhấp chén trà. Hiếm có nghề "bà cậu" nào thư thả như kéo vó nên thu nhập cũng thất thường. Hiện tại, tui cất vó mỗi ngày được hơn chục ký cá đủ loại, có nhiều cá heo. Bạn hàng vô gom lúc 4-5 giờ sáng, nếu bán đắt họ còn lấy cá vào buổi trưa. Vì tui vớt cá từ vó lên rồi rọng trong vèo nên ai muốn mua giờ nào cũng được" - ông Chín hào sảng.
Giữa cơn gió đồng trưa mát phả vào khuôn mặt của 2 người 1 già, 1 trẻ, câu chuyện về nghề cất vó cứ dài ra. Với người đã gần 70 tuổi như ông Chín, cất vó là truyền thống gia đình và ông sẽ đưa lại cho 1 trong 4 đứa con "nối nghiệp". Bên chén trà đắng chát, ông Chín cảm nhận cái ngọt ngào của mùa lũ với những con cá óng ánh sẽ mang đến nguồn thu khá hơn cho dân câu lưới. Dù đã ở hàng "thất thập cổ lai hy" nhưng đôi tay của lão ngư này vẫn còn rắn rỏi để kéo vó mỗi mùa nước lũ như lời hứa thủy chung, son sắt với mẹ thiên nhiên.
Cùng nghề với ông Chín, bà Nguyễn Thị Lài (người dân xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã có 30 mùa lũ mưu sinh với chiếc vó càng. "Những dịp mùng 10 hay 25 (âm lịch) cá chạy dữ lắm, sản lượng có thể gấp 2-3 lần ngày thường. Với lại, nhờ nước năm nay lớn nên nhà tui cũng kiếm kha khá. Chỉ mong "bà cậu" thương mình cho cá vô vó thiệt nhiều để gỡ gạc lại mấy năm trước thất thu" - bà Lài chia sẻ.
Thời điểm này, chiếc vó càng của bà Lài cứ cất lên hạ xuống liên tục bởi lượng cá về nhiều. "Hổm rày, sắp nhỏ kéo được hơn 30 ký cá mỗi bữa nên kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Cá từ vó kéo lên được chia thành 2 loại. Những loại ngon có giá cao như: cá heo nước ngọt, cá kết, cá trèn thì tui đem ra chợ Tha La từ lúc 4 giờ sáng. Còn lại mớ cá hủn hỉn thì đợi bạn hàng chạy xuống tới vó cân về ủ mắm với giá 7.000 đồng/kg" - bà Lài cho hay.
Với diễn biến của mùa lũ năm nay, bà Lài và dân câu lưới đang nóng lòng chờ đến tháng 10 (âm lịch), khi những cơn gió bấc non vi vu thổi qua những cánh đồng nước rút là thời điểm cá về sông, mang đến những mẻ vó đầy ắp niềm vui cho bà và những ai theo nghề câu lưới.
Theo Thanh Tiến (TTMT)
An Giang: Nuôi lươn không bùn bằng ốc bươu vàng, lời 60 triệu/lứa Tận dụng những khoảng trống trong vườn hoặc khuôn viên xung quanh nhà, nhiều hộ dân xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã xây bể xi măng, lót bạt thả nuôi lươn không bùn. Lươn nuôi không bùn trong bể xi măng lót bạt chỉ ăn cá tạp, ốc bươu vàng, sau 6 tháng nuôi nhiều hộ có lời 60...