An Giang điểm đến du lịch tâm linh ấn tượng
An Giang ngoài cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của dãy Thất Sơn huyền bí cùng các di tích lịch sử cách mạng hào hùng, di tích văn hóa với nhiều lối kiến trúc độc đáo, những điểm đến “check-in” ấn tượng.
Đặc biệt, An Giang còn nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo du gần xa đến tham quan và chiêm bái.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
An Giang được biết đến là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với những cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, những công trình di tích lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa độc đáo của đồng bào 4 dân tộc anh em Kinh – Chăm – Hoa – Khmer và còn là nơi tập trung của rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng với hệ thống công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc. Nhắc đến những điểm nổi tiếng ở An Giang không thể không nhắc đến Khu du lịch quốc gia núi Sam (TP. Châu Đốc) với quần thể di tích lịch sử văn hóa, như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang. Đây là những di tích lịch sử văn hóa có lối kiến trúc độc đáo được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia gắn với sự tích huyền bí thời khẩn hoang mở cõi của vùng đất An Giang. Hàng năm, Khu du lịch quốc gia núi Sam diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ 23 đến 27/4 (âm lịch). Được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001, lễ hội không chỉ mang tính chất tín ngưỡng tâm linh mà còn là hoạt động văn hóa đặc trưng của cư dân Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng. Nơi đây mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan và hành hương, chiêm bái cầu bình an, sức khỏe, may mắn, tài lộc, con cái, tình duyên,…
Ngoài ra, còn có chùa Xvayton (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn), ngôi chùa hơn 300 năm tuổi có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp, nơi lưu giữ nhiều bộ sách kinh lá buông của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang. Quần thể di tích văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Óc Eo – Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn), nơi lưu dấu những chứng tích của quốc gia cổ Phù Nam. Hay, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Thánh đường Mubarak (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) một trong những thánh đường Hồi giáo lâu đời nhất có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở An Giang. “Mỗi khi có thời gian rảnh là em thường đi những chuyến du dịch kết hợp hành hương cùng bạn bè, người thân. Qua những chuyến đi em không những được tham quan, chiêm bái mà còn được tìm hiểu được những phong tục, tập quán, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ở An Giang” – Lâm Thị Thúy Ngân du khách từ tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Chùa Tây An
Video đang HOT
Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm
Chùa Vạn Linh trên núi Cấm
Chùa Tà Pạ
Chùa Xvayton
Chùa Kim Tiên
Không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử văn hóa có kiến trúc độc đáo, thiên nhiên còn ban tặng cho An Giang rất nhiều ngọn núi lớn nhỏ giữa đồng bằng châu thổ. Người xưa đã chọn 7 ngọn núi tiêu biểu (thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên ngày nay) để đặt tên cho cụm núi này là Thất Sơn hay còn gọi là Bảy Núi. Trong đó, Thiên Cấm Sơn còn gọi là núi Cấm thuộc xã An Hảo (huyện Tịnh Biên) cao 716m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao nhất. Thiên Cấm Sơn còn đặc biệt nổi tiếng với nhiều hang sâu, vồ cao như: vồ Bồ Hong có điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, vồ Thiên Tuế có dấu vết vua Gia Long, vồ Bà, vồ Ông Bướm,… gắn liền với những tín ngưỡng dân gian, các câu chuyện huyền thoại kỳ bí về các bậc tu tiên, các loài thú dữ biết nghe kinh dưỡng tánh bảo vệ người hiền, những sự tích về thuở cha ông đi khẩn hoang, mở cõi… được truyền miệng nhau qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, Thiên Cấm Sơn còn có chùa Vạn Linh với lối kiến trúc độc đáo, nổi bật với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với tháp Quan Âm Cát 9 tầng cao 35m.
Đối diện là chùa Phật Lớn, bảo tháp Xá lợi và tượng Phật Di Lặc cao 33,6m được công nhận là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi” lớn nhất Châu Á năm 2013. Lần đầu tiên đến với núi Cấm, cô Nguyễn Thị Hải Yến, 57 tuổi đến từ tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Ở đây có không khí mát mẻ, không gian thoáng đãng, vừa đi lễ phật mà tôi vừa cảm nhận được sự yên bình, thư thái, thanh thản, quên đi sự ồn ào của cuộc sống thường ngày nữa”. Ngoài ra, An Giang còn có hàng ngàn cơ sở thờ tự lớn nhỏ với hàng trăm ngôi chùa nổi tiếng, có kiến trúc độc đáo, như: chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai, chùa Tà Pạ (huyện Tri Tôn), An Hòa Tự (huyện Phú Tân), chùa Giồng Thành (TX. Tân Châu), chùa Hòa Thạnh, chùa Lầu, chùa Kim Tiên, chùa bánh xèo (huyện Tịnh Biên), chùa Phước Thành (huyện Chợ Mới), chùa Linh Ẩn (huyện An Phú) Nam Linh Sơn Tự, Thiền viện Trúc Lâm An Giang (huyện Thoại Sơn), chùa Ông Bắc (TP. Long Xuyên). Bên cạnh đó là các nhà thờ Thiên Chúa, Tin Lành, các thánh đường Hồi giáo và các ngôi đình thần với lịch sử xây dựng lâu đời và kiến trúc độc đáo góp thêm nhiều lựa chọn cho những ai đến An Giang để du lịch tâm linh.
Cùng với nhiều loại hình du lịch khác, du lịch tâm linh, về nguồn đang ngày càng được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh về những vùng đất mới, mở ra cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm cho ngành du lịch tỉnh nhà. Du lịch tâm linh, về nguồn không chỉ là sản phẩm du lịch đơn thuần mà mang “giá trị kép”, vừa thúc đẩy phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, giá trị di sản, di tích, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, kết nối cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cùng nhau phát triển, xây dựng quê hương, đất nước./.
Những điểm đến hấp dẫn ở Thoại Sơn, An Giang
Với đồng ruộng mênh mông, vườn trái cây trĩu quả, non nước hữu tình Thoại Sơn còn có những khu di tích cổ kính, làng nghề truyền thống, địa điểm check-in ấn tượng cùng những món đặc sản đồng quê hấp dẫn khiến biết bao du khách gần xa thương nhớ.
Nhắc đến Thoại Sơn sẽ không thể bỏ qua những thắng cảnh đẹp và di tích nổi tiếng, như: Núi Sập, núi Ba Thê, Di chỉ Óc Eo, bia Thoại Sơn, chùa Linh Sơn hay Thiền viện Trúc lâm An Giang... Tất cả tạo cho Thoại Sơn rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc cũng như tìm hiểu về di tích lịch sử.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá Thoại Sơn mà du khách không thể bỏ qua đó chính là Khu du lịch lòng hồ núi Sập (thị trấn Núi Sập) với khu lòng hồ rộng khoảng 9ha, chia làm 3 hồ. Hồ lớn nhất được đặt tên là hồ Ông Thoại với làn nước trong veo, phẳng lặng, in bóng núi. Trên lòng hồ có những cây cầu bằng sắt sơn đỏ nối nhịp qua những tảng đá nhỏ riêng lẻ giữa hồ, như: Cầu Mai An Tiêm, cầu Khoa Bảng, cầu Vọng Nguyệt. Giữa hồ là tượng Thoại Ngọc Hầu được dựng trang trọng, thế đứng hiên ngang, quay lưng vào núi chỉ tay về phía kênh Thoại Hà. Hai hồ còn lại tuy còn hoang sơ nhưng có vẻ đẹp riêng của nó, mang nét đẹp rất thơ mộng và hữu tình được ví như "Vịnh Hạ Long thu nhỏ" chắc chắn sẽ làm thỏa lòng du khách khi đến với nơi này. Đặc biệt nhất ở hồ Ông Thoại là đàn cá tra màu hường và 6 con cá vồ cờ, loài cá đặc biệt quý hiếm có tên trong sách đỏ đang sinh sống. Cách hồ Ông Thoại không xa nằm bên triền núi Sập là đình Thoại Ngọc Hầu cùng với bia Thoại Sơn được dựng vào năm 1822 trải qua thời gian vẫn giữ nguyên nét cổ xưa, huyền bí.
Bia Thoại Sơn là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được Thoại Ngọc Hầu dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) để đánh dấu kỷ niệm trọng đại trong cuộc đời mình và ghi nhớ ý nghĩa công trình đào kênh Thoại Hà. Bia Thoại Sơn là 1 trong 3 công trình di tích lịch sử loại bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới triều đại phong kiến còn lưu lại cho đến ngày nay được nhiều người truyền tụng. Bia Thoại Sơn được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1990. Năm 2013, Di tích lịch sử đình Thoại Ngọc Hầu được Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam tặng bảng vàng, bình chọn nằm trong "Top 100" điểm đến ấn tượng Việt Nam. Dù mới chính thức khánh thành đưa vào hoạt động nhưng Thiền viện Trúc Lâm An Giang (thị trấn Núi Sập) đang được rất đông du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái. Thiền viện Trúc Lâm An Giang được xây dựng trên diện tích toàn khu vực gần 15ha, với 18 hạng mục chính, như: Chánh điện, nhà tổ, giảng đường, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan, trai đường, nhà bếp, phương trượng, thất trụ trì, nhà khách ni, nhà khách trụ trì, nhà mát, tường rào sân vườn... trên tổng thể hài hòa non nước hữu tình khiến du khách luôn có cảm giác an yên, thư thái khi đến đây.
Tạm rời núi Sập, du khách chỉ cần di chuyển thêm 12km sẽ đến thị trấn Óc Eo là nơi lưu giữ nhiều điểm di tích mang dấu ấn văn hóa Óc Eo - Ba Thê, một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 sau Công Nguyên với các điểm di tích văn hóa Óc Eo như di tích Gò Cây Thị, di tích Linh Sơn Nam, di tích Gò Út Trạnh... Ngoài ra du khách đừng bỏ qua núi Ba Thê cao 221 mét, có chu vi 4.220 mét. Núi vốn tên là Hoa Thủ Sơn, nhưng vào triều vua Minh Mạng vì kỵ uỷ Hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên phải đổi thành Ba Thê. Giữa lưng chừng núi Ba Thê có một tảng đá lớn được người dân gọi là Thạch Đại Đao. Tương truyền trong một đêm mưa sấm chớp, sét đánh trúng một tảng đá lớn làm vỡ tung và lộ ra cây đao bằng đá khổng lồ, người dân nhìn thấy nên đã dựng lưỡi đao lên để thờ cúng. Trên đỉnh núi Ba Thê có một ngôi chùa Sơn Tiên được xây dựng năm 1933, trước sân chùa có tượng Quan âm đứng trên toà sen, bên phải chùa là hòn đá to có lưu dấu bàn chân tiên in trên mặt đá. Nằm ở phía Bắc chân núi Ba Thê là chùa Linh Sơn (Linh Sơn cổ tự) nơi lưu giữ tượng Phật Bốn Tay huyền bí và cũng là điểm tựa tâm linh cho người dân trong vùng.
Theo các nhà khảo cổ, có niên đại trên dưới 2.000 năm, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Hai bia đá và tượng Phật bốn tay là tài sản vô giá trong kho tàng di sản lâu đời của dân tộc Việt Nam, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Ngoài cảnh đẹp non nước hữu tình cùng những di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, Thoại Sơn còn có rất nhiều những món ăn ngon mà bất cứ du khách nào cũng sẽ yêu thích, như: Bún sả, bánh canh tép, bánh thốt nốt, khô cá lóc... với công thức thật đơn giản nhưng đã đi vào lòng của nhiều thực khách phương xa khi đến với vùng đất Thoại Sơn.
Hãy một lần đến với Thoại Sơn, vùng đất của núi, thiên nhiên, cây cỏ gắn liền với nhiều công trình kiến trúc di tích văn hóa lịch sử của người xưa. Đến tham quan Thoại Sơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh phong cảnh bình yên, mộc mạc và giản dị của vùng đồng quê Tây Nam Bộ, là dịp tìm hiểu những câu chuyện bí ẩn của vùng đất này từ buổi mới khai hoang./.
Những điểm du lịch tâm linh ở An Giang An Giang ngoài cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của dãy Thất Sơn huyền bí cùng các di tích lịch sử cách mạng hào hùng, di tích văn hóa với nhiều lối kiến trúc độc đáo và những điểm đến "check-in" ấn tượng, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch (DL) tâm linh thu hút đông đảo du gần...