An Giang: Đặc sản mùa nước nổi có cá linh non, càng cua đồng
Cá linh non chiên tươi ăn kèm rau sống, càng cua đồng bự thiệt bự, bông điên điển-đó những đặc sản mùa nước nổi ở An Giang. Đối với người dân miền Tây nói chung và An Giang nói riêng, mùa nước nổi là món quà được thiên nhiên ban tặng, với hệ động thực vật phong phú, đa dạng và nhiều sản vật mùa nước nổi hấp dẫn thực khách gần xa…
An Giang đất đai trù phú, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh vật tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều loại thực vật và thủy sản nước ngọt phong phú tạo nên những món ngon đậm đà, “níu chân” thực khách.
Đặc biệt, vào mùa nước nổi đã mang về những món ngon đồng nội với những sản vật, mang đậm dấu ấn của môi trường sinh thái tự nhiên, góp phần hình thành nên nét đặc trưng của ẩm thực mùa nước nổi ở An Giang. Đến An Giang mùa này, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món đặc sản, với phong cách ẩm thực đa dạng.
Cá linh non chiên tươi ăn kèm rau sống.
Do nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về nên vô số các loài thủy sản từ Biển Hồ theo dòng nước về đồng bằng với chủng loại vô cùng phong phú, như: cá hô, cá hú, cá mè, cá trèn, cá thác lác, cá leo, cá chạch, cá chốt… Cùng với đó, các loại tôm và thủy sản khác, như: cua, ốc, ếch, lươn… cũng theo con nước về nhiều.
Một trong những món ăn giàu can-xi, được người dân và du khách ưa chuộng đó là món cua đồng. Do đây là thời gian đầu mùa mưa – thời điểm cua đồng sinh sản nên chỉ cần đi soi ở ngoài ruộng một lúc là được cả giỏ cua. Cua đồng có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, như: bún riêu cua, cua luộc chấm muối ớt, cua rang me, cua rang muối… Những người thích ăn càng cua đồng có thể mua với giá từ 220.000-250.000 đồng/kg tùy nơi bán.
Càng cua đồng ở An Giang có giá từ 220.000-250.000 đồng/kg.
Trong các loại thủy sản mùa nước nổi, cá linh trở thành đặc sản, giàu chất dinh dưỡng, là nguồn nguyên liệu chủ yếu trong chế biến món ăn của người dân An Giang. Từ thượng nguồn sông Mekong, trứng cá linh trôi theo dòng nước đổ về, cá vừa di chuyển theo con nước vừa phát triển nhờ vào nguồn thức ăn có trong nước.
Về đến An Giang, cá linh còn non nên vừa ăn nhất, ngon nhất. Khi cá linh lớn cỡ ngón tay cái là lúc cá linh già, có nhiều mỡ, ăn béo. Từ cá linh, người dân địa phương có thể chế biến thành nhiều món ăn, như: kho, chiên, nướng, nấu canh chua… tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị sông nước miền Tây.
Cá linh non dùng để kho lạt, nấu canh chua vì xương mềm có thể ăn nguyên con, không cần bỏ xương. Cá linh già được rửa sạch, tẩm bột thả vào chảo mỡ đang sôi chiên giòn hoặc làm món nướng mọi, kho mía… ăn kèm rau sống thì ngon tuyệt.
Video đang HOT
Hái bông điên điển. Ảnh: HOÀNG VŨ
Loài hoa không thiếu khi kết hợp với cá linh nấu canh chua, đó là bông điên điển. Tuy chỉ là món ăn bình dị nhưng lẩu chua cá linh bông điên điển đã trở thành đặc sản nổi tiếng, chinh phục thực khách từ màu sắc, hương thơm, vị chua thanh của nước dùng.
Ngoài ra, cá linh còn có thể nấu canh chua với các loại rau đồng khác, như: bông súng, rau muống, bông so đũa, cù nèo… chấm với nước mắm nhĩ nguyên chất. Không chỉ có bông điên điển, bông súng, ngó sen, vào mùa nước nổi, các loài rau đồng tự nhiên có điều kiện phát triển, mang lại cho người dân nơi đây nhiều loại rau thiên nhiên dân dã, như: rau dừa nước, rau nhút, củ ấu, đọt mướp gai… Các loài rau dại đã trở thành món ăn quen thuộc, thành phần không thể thiếu trong bữa ăn của người dân An Giang.
Với hệ sinh thái tự nhiên đã tạo điều kiện cho các loài chim sinh trưởng, phát triển, tuy số lượng không nhiều nhưng đa dạng về chủng loại, như: gà nước, cúm núm, cò, diệc, cồng cộc, sáo, le le… Tất cả được xem là những sản vật đặc trưng thể hiện nét văn hóa độc đáo khi mùa nước về.
Để thưởng thức những món đặc sản mùa nước nổi theo đúng điệu người miền Tây thì chỉ cần ngồi trên chiếc xuồng ba lá, hoặc bờ ruộng, nhà chòi, dưới tán cây xanh… trải vài miếng lá chuối bày biện những món ăn, vừa nhâm nhi thưởng thức, vừa tận hưởng khí trời mát mẻ thiên nhiên thì còn gì bằng. Đó chính là nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực vùng đất An Giang hoang sơ nhưng đầy thi vị, nhất là vào mùa nước nổi về.
Theo Báo An Giang
Miền Tây đang vào mùa nước nổi, bạn có biết những món ăn nào được gọi tên nhiều nhất không?
Mùa này về miền Tây là bao la cá, tôm, rau đồng để thưởng thức luôn đấy!
Miền Tây đang bước vào mùa nước nổi với những cơn mưa kéo dài cùng với dòng nước từ thượng nguồn Mekong đổ về ào ạt. Không chỉ làm thay đổi diện mạo của cảnh sắc mà mẹ thiên nhiên còn mang đến cho vùng đất này vô vàn món quà quý giá, đó chính là nguồn cá tôm, thực vật trù phú. Cũng từ đó mà những món ăn miền Tây mùa nước nổi đã xuất hiện và mang đến những trải nghiệm ẩm thực dân dã, mộc mạc nhưng đặc sắc cho thực khách.
Cá linh
Khi đầu mùa nước đổ về cũng là thời kì sinh sản của cá linh. Đây là loại cá nước ngọt, có kích thước nhỏ, chỉ bằng ngón tay út nhưng được người dân nơi đây ưa chuộng bởi hương vị béo thơm khác lạ. Cá linh khi còn non thì thịt mềm dai ngon ngọt, nếu lớn hơn một chút, túi mật cá to thì khi ăn hòa quyện thêm cái đăng đắng, béo bùi khó cưỡng.
Với cá linh, người miền Tây cũng sáng tạo ra vô vàn món ăn hấp dẫn. Đầu mùa thì cá linh non sẽ thích hợp để tẩm bột và chiên giòn. Còn nếu cá độ đầy thịt hơn thì nồi canh chua cá linh hay cá linh kho tộ chính là "cực phẩm".
@volcano_vn
Cua đồng
Nguồn nước dồi dào không chỉ mang đến cá tôm mà còn là sự trù phú của cua đồng, thức quà dân dã nhưng chẳng thua kém về độ hấp dẫn. Cua tầm này đã chắc thịt, càng to nên được cho vào món phụ sau bữa ăn để nhâm nhi đỡ "buồn" miệng. Thịt cua đồng tuy không mươn mướt, ngồn ngộn như cua biển nhưng vẫn có độ ngọt và dai thơm đặc sắc.
Nếu thân cua thường dùng để nấu canh, lẩu hay bún riêu thì càng cua còn được yêu thích nhiều hơn hẳn. Càng cua to, cứng cáp và chắc thịt sẽ chế biến theo kiểu hấp sả, luộc hay rang muối. Dù là hình thức gì cũng vẫn khiến người ta "nao lòng" vì độ ngọt béo tự nhiên. Thú vui của người miền Tây độ này là ngồi thi nhau cắn càng cua đấy.
Bông điên điển
Một cảnh sắc sống động của miền Tây mùa nước nổi chính là màu vàng rực ở các bờ kênh, bờ sông từ bông điên điển. Khi được con nước bồi đắp phù sa, điên điển nở rộ mang đến một hương vị độc đáo mà chẳng nơi nào có được. Chỉ cần nhặt cuốn lá, rửa sạch thì đã có thêm một thức quà bình dị điểm tô cho các món ăn nơi đây.
Bông điên điển có rất nhiều kiểu chế biến, từ đơn giản đến cầu kì. Hôm nào lười đi chợ, cứ hái điên điển về xào tỏi thì cũng đủ no nê, chắc bụng. Hấp dẫn hơn là nồi canh chua cá linh được điểm thêm sắc vàng của chúng. Điên điển gion giòn, khi ăn lại đăng đắng nhưng đọng vị ngọt dịu ở cổ họng, nói đến đây thôi cũng thấy thòm thèm. Bên cạnh đó, người miền Tây còn tận dụng điên điển trong bánh xèo, bún cá, rau chấm các món kho...
@ngoctuji, @bi.beo.beo
Bông súng
Khi độ tháng 8, tháng 9, bông súng nở rộ đã tạo nên một gam màu rực rỡ cho các ao hồ ở miền Tây. Đây là loại "mồi nhúng" rất ăn ý trong các món lẩu hay canh chua. Bông súng có độ dài tầm hơn 5 - 6 mét, người ta sẽ cắt gọn và quấn thành từng bó. Sau khi tước bỏ lớp vỏ ngoài, cắt thành từng cọng nhỏ là có thể thưởng thức hoặc chế biến chúng.
Bông súng hấp dẫn ở cái giòn xốp và thanh vị. Nếu ăn trực tiếp, bạn sẽ cảm nhận được sự tươi mới trong cổ họng cùng với đó là chút ngọt, chút bùi hấp dẫn. Đi cùng bông điên điển, bông súng cũng là nhân tố tạo nên sức quyến rũ cho các nồi lẩu. Chỉ cần nhúng vào khi nước vừa sôi, bông súng mềm nhưng vẫn giữ lại độ giòn dai kèm theo đó là mùi thơm lan tỏa trong từng thành phần, tất cả đã tạo cho món ăn một tổng thể đầy sắc hương.
Theo kenh14.vn
[Chế biến] - Canh chua cá linh bông điên điển dân dã mà ngon Hương vị thơm ngon, dân dã, thơm phức cứ phủ đầy trong món canh chua cá linh bông điên điển miền Tây sông nước này. Mỗi năm đến mùa nước nổi, nước lũ tràn về không chỉ mang theo phù sa mà còn kéo về rất nhiều loại cá cho vùng đồng. Và một loại cá đặc trưng nhất là cá linh, trong...