An Giang chủ động ứng phó trước mùa khô
Trước dự báo tình hình mùa khô năm 2021 sẽ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) đã yêu cầu các ngành, địa phương chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ hoạt động sản xuất của nhân dân.
Theo đó, tình hình thủy văn trong các tháng đầu mùa khô năm nay ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Xâm nhập mặn vùng cửa sông khu vực biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang diễn ra trong tháng 1-2021, độ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện trong tháng 3, tháng 4-2021 và ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn An Giang, độ mặn tại 8 trạm đo trên địa bàn huyện Tri Tôn và Thoại Sơn từ ngày 14 đến 20-1-2021 là 0,1, nên chưa ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Do tình hình mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng sẽ gây khó khăn cho việc bơm tưới, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các địa phương vùng núi Tri Tôn, Tịnh Biên và vùng đồng bằng ở An Phú, Phú Tân, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu (ở các vùng đất gò cao) sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều.
Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương và ngành chuyên môn chủ động có kế hoạch ứng phó mùa khô năm 2021
Để chủ động ứng phó cho mùa khô, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và ngành chuyên môn tích cực triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn của địa phương, theo phương châm “4 tại chỗ”. Xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ đông xuân 2020-2021 phù hợp với thực trạng tại địa phương. Trong đó, cần lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng tiểu vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.
Tại các kênh, rạch có khả năng bị nhiễm mặn, các địa phương cần lưu ý và khuyến cáo nông dân về thời gian bơm nước, đặc biệt cần tăng cường bơm nước khi có dòng nước từ sông Hậu chảy vào, hạn chế bơm khi nước trong kênh, rạch có thời gian ngừng chảy kéo dài, nhất là không được bơm khi có lượng nước từ phía Kiên Giang chảy vào.
Video đang HOT
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh Lương Huy Khanh cho biết: “Chúng tôi đề nghị ngành chuyên môn và các địa phương chủ động hướng dẫn nhân dân bố trí cơ cấu sản xuất, thời vụ xuống giống phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh thực hiện ở vùng không đảm bảo về nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Việc phân phối nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý khai thác công trình với các hộ dùng nước và bám sát lịch thời vụ sản xuất của từng địa phương”.
Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành nguồn nước ngọt trong mùa khô được Ban Chỉ đạo tỉnh quan tâm thông qua việc phối hợp tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, nhất là các cống vùng ven biển tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho cả vùng. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tổ chức vận hành các cống để tích trữ nước phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang và trạm thủy lợi liên huyện phối hợp địa phương triển khai vận hành hệ thống cống hợp lý để điều tiết, trữ nước vào kênh, rạch tạo nguồn phục vụ cho sản xuất. Nhằm kịp thời chống hạn để phục vụ sản xuất vụ đông xuân và hè thu, các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất với diện tích gieo trồng lúa, màu trên 250.000ha.
Theo đó, toàn tỉnh hiện có khoảng 180 công trình kênh mương, cống bọng có khả năng khó khăn về nguồn nước do mực nước xuống thấp, với tổng chiều dài 430.093m và khối lượng gần 2,6 triệu m3. Dự kiến, tổng kinh phí dự kiến nạo vét, gia cố các công trình này hơn 126 tỷ đồng
Từ nay đến cao điểm mùa khô 2020-2021, các địa phương và ngành chuyên môn cần rà soát, kiểm tra các hệ thống trạm bơm điện, chủ động tu bổ, sửa chữa các sự cố hư hỏng, theo dõi mực nước để lấy nước phục vụ cho những vùng bị thiếu nước cục bộ. Các hợp tác xã, tổ hợp tác và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang cần chuẩn bị máy móc để tổ chức bơm cấp 2 khi cần thiết. Các vùng không chủ động nước tưới, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, sử dụng ít nước tưới hơn để tránh thiệt hại.
“Đối với vùng cao Tri Tôn, Tịnh Biên cần chủ động phương án khi xảy ra ảnh hưởng khô hạn tổ chức cấp, chuyển nước đảm bảo đủ sinh hoạt cho người dân, thực hiện bơm chuyền cấp 2, cấp 3 để cứu lúa và hoa màu khi cần thiết. Tăng cường quản lý trữ nước cho các hồ chứa hỗ trợ cấp nước sinh hoạt và phục vụ tưới chống hạn cho sản xuất nông nghiệp. Đối với địa bàn dự báo có khả năng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm càng xanh như xã Phú Thuận (Thoại Sơn) cần triển khai xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó để bảo vệ sản xuất cho người dân” – ông Lương Huy Khanh thông tin thêm.
Dù được dự báo sẽ không khắc nghiệt như năm trước, nhưng với ảnh hưởng ngày càng rõ nét của hiện tượng biến đổi khí hậu thì mùa khô 2020-2021 vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đời sống, sản xuất của người dân. Do đó, các ngành, địa phương và người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn để giảm thiểu thiệt hại đến đời sống và bảo vệ sản xuất trong mùa khô năm nay.
Lập bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán ĐBSCL
Thủ tướng chỉ đạo xây dựng giải pháp và bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, thiếu nước... tại ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng chỉ đạo xây dựng giải pháp và bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, thiếu nước... tại ĐBSCL. Ảnh minh họa
Chỉ thị nêu rõ, từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Công ở mức rất thấp; Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3 nước.
Năm 2020, được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng.
Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020-2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và xâm nhập mặn; kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương, cơ quan liên quan và người dân vùng ảnh hưởng để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt để xây dựng giải pháp và bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt phù hợp với từng vùng để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng.
Hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu, giống cây trồng phù hợp cho từng khu vực trên cơ sở dự báo về nguồn nước, nguy cơ xâm nhập mặn; khuyến cáo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây ăn quả tại các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao.
Hướng dẫn địa phương tính toán, xác định lượng nước tưới cần thiết cho các vùng cây ăn trái có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn; giải pháp trữ nước, cung cấp nguồn nước tối thiểu để bảo đảm duy trì sức sống cho cây trồng.
Hướng dẫn thực hiện các giải pháp cấp nước hộ gia đình và công trình cấp nước tập trung; rà soát quy định về quản lý chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, kiểm tra tình hình cấp nước khu vực nông thôn; vận động tổ chức trong nước, quốc tế hỗ trợ người dân ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng thường xuyên có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng vượt quá khả năng xử lý của địa phương, rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại các địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (kiểm tra, tổng hợp nguồn nước trong các hệ thống thủy lợi, kế hoạch sử dụng nước, điều chỉnh thời vụ, giống cây trồng phù hợp,...), chỉ đạo triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chỉ đạo tổ chức theo dõi, tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn.
Tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất cấp thẩm quyền xem xét đề nghị tăng cường xả nước từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn để góp phần đẩy mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long trong trường hợp cần thiết và hiệu quả...
Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu Ngân hàng Thế giới từng đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Người dân Việt Nam càng thấm thía điều này khi nhìn lại năm 2020 nhiều thiên tai khốc liệt trên cả ba miền Tổ quốc. Năm 2020, Việt Nam hứng chịu nhiều thiên tai khốc liệt. Thiên...