An Giang bàn giải pháp tiêu thụ hơn nửa triệu tấn lúa Hè Thu
Chiều 3/8, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp trực tuyến với 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các doanh nghiệp thu mua lúa trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Lãnh đạo tỉnh và Sở Công Thương tỉnh An Giang chủ trì cuộc họp.
Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện tỉnh An Giang đang vào giai đoạn thu hoạch cao điểm lúa Hè Thu 2021 cũng như các sản phẩm nông sản, chăn nuôi khác và chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất Thu Đông 2021.
Tính đến ngày 3/8, toàn tỉnh đã thu hoạch được 120.319 ha/228.479 ha, đạt 52,7% diện tích xuống giống, ước năng suất 5,8 tấn/ha; trong đó, có 12.675 ha/27.617 ha nếp, chiếm 45,9% diện tích nếp xuống giống, tương đương 73.515 tấn nếp đã được thu hoạch.
Giá thu mua lúa hiện nay đang có xu hướng giảm, các giống lúa OM 9582, OM 5451, OM 18 giá dao động từ 4.200 – 5.000 đồng/kg; IR50404 có giá từ 3.800 – 4.200 đồng/kg; nếp có giá từ 4.000 – 4.600 đồng/kg. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp, công ty thực hiện thu mua lúa với diện tích là 15.654 ha, trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết là 11.920 ha, các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện liên kết và thu mua lúa.
Dự kiến đến đến hết tháng 8/2021, tỉnh An Giang thu hoạch cơ bản dứt điểm vụ Hè Thu 2021 với diện tích còn lại 121,712 ha (ước sản lượng khoảng trên 620.000 tấn; trong đó, có 14.942 ha nếp, tương đương 86.663 tấn) tập trung các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú, Phú Tân…
Vụ Thu Đông 2021, theo theo kế hoạch, toàn tỉnh xuống giống lúa, nếp vụ Thu Đông 2021 là 160.957 ha, thời điểm xuống giống từ 15/7 đến 10/9; trong đó, có 2 đợt tập trung né rầy gồm: đợt 1: từ 25/7 – 10/8/202, đợt 2 từ 20/8 đến 2/9/2021). Đến nay, vụ Thu Đông toàn tỉnh đã xuống giống 21.477 ha/160.957 ha (chiếm 13,3%) tập trung tại các huyện An Phú, Phú Tân, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, thành phố Long Xuyên, thị xã Tân Tân Châu, thành phố Châu Đốc,… lúa chủ yếu đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh và làm đòng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều ca nhiễm và tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên gặp khó khăn về nhân lực, nhân công thu hoạch và đầu ra tiêu thụ lúa nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung.
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư khẳng định, An Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho việc thu hoạch, thu mua, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa Hè Thu không bị ách tắc; tuy nhiên, các hoạt động này phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết thêm, tỉnh đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp lớn để liên kết, hỗ trợ thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh; trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị trung tâm, giúp tỉnh An Giang kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản khác ở trong và ngoài tỉnh.
Trên cơ sở tài trợ KIT test nhanh COVID-19 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Y tế các các địa phương tiến hành thống kê, lập danh sách lực lượng lao động tham gia phục vụ thu hoạch, vận chuyển lúa Hè Thu 2021, các thương lái trên địa bàn… để tiến hành test nhanh miễn phí cho lực lượng này, nhằm đảm bảo tiến độ thu hoạch cũng như hỗ trợ việc tiêu thụ lúa và nông sản cho người dân được thuận lợi.
Đến nay, tỉnh An Giang đã thu hoạch được 120.319 ha/228.479 ha, đạt 52,7% diện tích xuống giống.
Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn khẩn trương thành lập Tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản, kết nối thông tin, dữ liệu về huyện, tỉnh để xử lý kịp thời vấn đề vượt thẩm quyền, bảo tiến độ thu hoạch, lúa Hè Thu và xuống giống vụ Thu Đông năm 2021, tránh để ảnh hưởng và gây thiệt hại do mưa, bão lũ.
Phối hợp cùng doanh nghiệp lên phương án thu hoạch, tiêu thụ nông sản
Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT đã và tiếp tục chỉ đạo các Sở NN&PTNT phối hợp với doanh nghiệp để có những phương án tổ chức thu hoạch, tiêu thụ nông sản.
Trước việc các địa phương phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến việc thu hoạch nông sản gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ cho biết, Tổ công tác đã và tiếp tục chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp để có những phương án tổ chức thu hoạch, tiêu thụ nông sản đảm bảo mùa vụ và chất lượng sản phẩm.
Hoạt động mua bán rau quả tại chợ Nam Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, với vụ lúa Hè Thu đang thu hoạch rộ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với các tỉnh, thành nên thành lập các tổ máy gặt liên hợp. Các tổ máy này sẽ hoạt động và được di chuyển đến các vùng thu hoạch, tránh việc phải huy động đông người để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Hiện nhiều thương lái, doanh nghiệp ngại di chuyển đi thu mua nông sản vì lo ngại dịch bệnh và chi phí tăng khi phải xét nghiệm. Với các đơn vị có liên kết, hợp tác trong sản xuất thì các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng thu mua, chỉ các cánh đồng không có liên kết tiêu thụ thì sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ. Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp với doanh nghiệp để thu mua, lưu trữ tại địa phương trong điều kiện di chuyển, vận chuyển khó khăn nhằm bảo thu mua cho nông dân. Các địa phương cần tạo điều kiện và tổ chức thu hoạch tập trung, giám sát, phân luồng phương tiện cơ giới hoạt động thu hoạch thuận lợi.
Với trái cây, điển hình như nhãn đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, nhu cầu doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có. Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang cử các doanh nghiệp liên hệ với các nhà vườn để đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu. Tổ công tác cũng liên hệ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực miền Nam để hỗ trợ doanh nghiệp trong thu mua và lưu thông với các giải pháp cụ thể. Nhưng quan trọng là các sở phải chỉ ra được điểm tập kết nông sản vì không thể đi mua rải rác mua như trước đây.
"Đã có đơn vị đề xuất đưa quân đội vào hỗ trợ nông dân thu hoạch trái cây. Nhưng thực tế không thể được vì thu hoạch trái cây không giống như thu hoạch lúa. Trái cây xuất khẩu đòi hỏi kỹ năng thu hoạch mỗi loại sản phẩm khác nhau nên nếu nhân công không chuyên nghiệp thì sẽ rất dễ bị hư hỏng trong quá trình thu hoạch, không đảm bảo chất lượng sản phẩm", Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Bởi vậy, để đảm bảo trong khâu thu hoạch, Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thì vận động nhân công đi làm và đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Cây ăn trái thu hoạch theo mùa nên Tổ công tác đề nghị các tỉnh, thành phố cập nhật và tổng hợp tình hình tại các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà vườn tuân thủ quy định, tổ chức thu hoạch nhanh, gọn, kết nối tiêu thụ. Đồng thời, công bố thời gian, sản lượng, chủng loại thu hoạch để tham gia mạnh mẽ và thiết thực vào các diễn đàn kết nối cung cầu.
Về tình hình tiêu thụ nếp khó khăn, giá xuống thấp, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nếp tiêu khó khăn không hẳn do dịch COVID-19. Hàng năm, từ tháng 6 trở đi tiêu thụ nếp thường khó khăn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên khuyến cáo về việc sản xuất nếp trong vụ Hè Thu và Thu Đông.
Ông Lê Thanh Tùng cũng cho biết thêm, hiện xuất khẩu gạo cũng đang khó khăn do thay đổi thủ tục nhập khẩu một số quốc gia. Không chỉ Việt Nam thu hoạch Hè Thu, mà các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng thu hoạch lúa Hè Thu. Do đó, nhiều nhà nhập khẩu đang chờ đợi những thông tin từ sản xuất vụ này thì mới quyết định kế hoạch nhập khẩu.
Theo Tổ công tác, tại Sóc Trăng, hôm nay (27/7), giá một số loại nông sản như chanh, cam, nhãn giảm; bưởi hiện nay tiêu thụ ổn định. Tại Vĩnh Long, giá rau củ quả ổn định, giá khoai lang tím đã tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp; giá nhãn, mít Thái giảm nhẹ; giá thịt, cá, trứng có giảm nhẹ nhưng vẫn ổn định. Tình hình vận chuyển, lưu thông nông sản ở Vĩnh Long bình thường, không khó khăn.
Tại Đồng Nai, giá trái cây ổn định, riêng thanh long giảm sâu còn 4.000 đồng/kg; chôm chôm đang trong tình trạng khó tiêu thụ và cần hỗ trợ....
Theo Cục Trồng trọt, các tỉnh phía Nam có diện tích cây ăn quả ước đạt 693.000 ha, bằng 61% so cả nước; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cây ăn quả chủ lực, chiếm hơn 33% tổng diện tích cây ăn quả cả nước.
Trong 6 tháng cuối năm, các tỉnh phía Nam cung ứng ra thị trường với các loại trái cây chính như: xoài khoảng 190 nghìn tấn, bình quân mỗi tháng cung ứng 32 nghìn tấn; chuối 245 nghìn tấn, mỗi tháng cung ứng 41 nghìn tấn; thanh long 290 nghìn tấn, mỗi tháng cung ứng 48 nghìn tấn; sầu riêng 150 nghìn tấn, bình quân 25 nghìn tấn/tháng; chôm chôm sản lượng 60 nghìn tấn, bình quân 10 nghìn tấn/tháng; nhãn 120 nghìn tấn, bình quân 20 nghìn tấn/tháng....
An Giang lập Tổ phản ứng nhanh và đường dây nóng hỗ trợ tiêu thụ nông sản Sáng 23/7, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết đã ký Quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh và bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch COVID-19. Hệ thống cửa hàng cửa tiện ích kết hợp với bán hàng nông sản an toàn do các doanh...