Ấn Độ tập hợp sức mạnh khắc chế tàu ngầm Trung Quốc
Ấn Độ đang tăng cường tổ chức tập trận chung đồng thời mở rộng hợp tác quốc phòng với các cường quốc trong khu vực nhằm đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Tàu ngầm tấn công Type 039 lớp Tống của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Defence.pk
Ấn Độ và Australia giữa tháng này tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên trên Vịnh Bengal, Ấn Độ Dương, với nội dung tập trung vào hoạt động chống ngầm. Australia sẽ triển khai một máy bay trinh sát săn ngầm P-3, một tàu ngầm lớp Collins cùng các tàu khu trục. Ấn Độ dự kiến điều động một máy bay trinh sát săn ngầm P-8 cùng nhiều tàu mặt nước khác.
Học giả Abhijit Singh từ Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng của Ấn Độ nhận định mối hợp tác trên là minh chứng cho thấy các quốc gia trong khu vực đang thể hiện sự đồng thuận ngày càng cao nhằm đối phó với mối đe dọa từ những động thái dưới đáy biển của Trung Quốc tại châu Á.
Tham vọng của Trung Quốc
Bắc Kinh hai năm qua liên tiếp điều tàu ngầm tới Ấn Độ Dương khiến New Delhi không khỏi lo ngại về khả năng họ muốn tăng cường hiện diện rồi từ đó chiếm lĩnh vùng biển sát nách Ấn Độ.
Bằng hoạt động chống cướp biển, tàu ngầm Trung Quốc đang thực hiện nhiều sứ mệnh độc lập nhằm từng bước tạo dựng nền tảng cho kế hoạch triển khai tàu ngầm thường xuyên ở Ấn Độ Dương, theo Diplomat. Cách thức mà Trung Quốc điều động tàu ngầm cũng cho thấy Bắc Kinh có ý đồ lập nên những không gian do chính họ kiểm soát ở vùng biển này.
Tháng 9/2014, tàu ngầm tấn công Type 039 lớp Tống chạy bằng động cơ điện-diesel của Trung Quốc cập cảng Colombo, Sri Lanka. Tháng 5/2015, Bắc Kinh lại đưa tàu ngầm 335 lớp Nguyên ghé cảng Karachi, Pakistan, trong 7 ngày nhưng thông tin về vụ việc chỉ được tiết lộ vài tuần sau đó trên báo chí.
Giới phân tích quốc phòng Ấn Độ tin rằng sự gia tăng đột ngột những chuyến viếng thăm của các đội tàu ngầm là một phần trong kế hoạch lớn hơn mà Trung Quốc đang ấp ủ nhằm “phủ sóng” trên toàn Ấn Độ Dương.
Việc tàu ngầm 335 lớp Nguyên có thể cập cảng Karachi là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã đạt bước tiến rõ rệt trong việc cải thiện khả năng tác chiến tầm xa của tàu ngầm. Hồi năm ngoái, để đến được cảng Colombo, tàu Type 39 lớp Tống phải cần thêm một tàu hộ tống hỗ trợ. Điều này báo hiệu Bắc Kinh thực sự sẵn sàng để mở rộng hoạt động tàu ngầm trên Ấn Độ Dương.
Video đang HOT
Đồ họa đường đi của tàu ngầm 335 lớp Nguyên từ Trung Quốc đến vịnh Aden tham gia sứ mệnh chống cướp biển sau đó đến Karachi, Pakistan. Ảnh: India Today
Tàu ngầm Trung Quốc tích cực xuất hiện dưới đáy Ấn Độ Dương gây ngạc nhiên cho giới quan sát bởi Bắc Kinh từ trước đến nay không có tranh chấp lãnh thổ nào tại vùng biển này. Song theo ông Abhijit Singh, Trung Quốc có lẽ đang muốn thay đổi khuôn mẫu hoạt động ở Ấn Độ Dương theo học thuyết của hải quân Mỹ, trong đó khẳng định các sứ mệnh hàng hải phải dựa vào năng lực “tự do di chuyển và hành động” ở các vùng đại dương xa đất liền. Sự điều chỉnh lập trường này cũng được vạch ra trong sách trắng quốc phòng mới của Bắc Kinh về chiến lược hàng hải.
Theo mô hình mới, vai trò của các đội tàu ngầm Trung Quốc ngày càng được đề cao. Không chỉ giúp bảo vệ không gian hàng hải chiến thuật và thu thập thông tin tình báo quan trọng, tàu ngầm Bắc Kinh còn có khả năng ẩn mình trước radar dò tìm và tấn công các tàu khác trên Ấn Độ Dương. Chúng còn tiềm ẩn nguy cơ khiến các biện pháp ngăn chặn của New Delhi trở nên vô hiệu khi có thể lách qua các hệ thống giám sát và tấn công trực tiếp vào bờ biển Ấn Độ.
Như để chứng tỏ cho điều này, Bắc Kinh triển khai hàng loạt tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến Ấn Độ Dương với mục tiêu thể hiện rõ sự tự tin trong việc duy trì hiện diện tại đây, cũng như làm bật lên sự bất lực của New Delhi trong việc bảo vệ các vùng duyên hải chiến lược, giới chuyên gia đánh giá.
Ngoài ra, mối quan hệ ngày càng sâu rộng giữa Trung Quốc và Pakistan cũng gây ra nhiều mối lo ngại với Ấn Độ. Trung Quốc gần đây tích cực hỗ trợ Pakistan trong chương trình hiện đại hóa hải quân bằng việc đề xuất bán cho nước này 8 tàu ngầm lớp Nguyên, 4 chiến hạm F-22P cải tiến cùng 6 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Type 22 lớp Hậu Bắc. Những thương vụ trên được dự đoán sẽ phá vỡ thế cân bằng hàng hải ở tiểu lục địa Ấn Độ.
Hợp tác với Pakistan mặt khác còn giúp phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc vươn ra khỏi Đông Á. Ngoài việc hỗ trợ các sứ mệnh thông thường, ví dụ như bảo vệ tuyến thông thương đường biển, ứng phó thảm họa và viện trợ nhân đạo, hải quân Pakistan còn là nhân tố giúp Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự và kinh tế đến các vùng duyên hải Nam Á.
Ứng phó của Ấn Độ
Ông Abhijit Singh cho rằng những mối quan hệ hợp tác hải quân của Ấn Độ trong thời gian tới sẽ tập trung vào hướng ứng phó với các tình huống khẩn cấp nảy sinh từ sự có mặt của hải quân Trung Quốc ở vùng duyên hải châu Á.
Theo ông, khi Ấn Độ và Australia định hướng lại lập trường hàng hải để thích nghi với hiện thực mới, cả hai nước đều thống nhất một nhận thức chung rằng tình trạng ổn định chiến lược ở vùng biển châu Á không còn là điều mặc nhiên sẵn có nữa. Công tác bảo vệ trật tự hàng hải đòi hỏi sự phối hợp của tất cả các lực lượng hải quân trong khu vực.
Cuộc tập trận sắp tới giữa Ấn Độ và Australia cần được nhìn nhận như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm duy trì thế cân bằng sức mạnh hàng hải trên vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, cuộc tập trận hải quân Malabar giữa Ấn Độ và Mỹ diễn ra vào tháng 10 tới ở Vịnh Bengal sẽ vượt ra khỏi trọng tâm truyền thống là cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo để lồng vào nội dung chống tàu ngầm kết hợp phòng không.
Ấn Độ cũng từ bỏ khuôn mẫu tập trận song phương ở Ấn Độ Dương như thông lệ và mời hải quân Nhật cùng tham gia cuộc tập trận Malabar. Tokyo đồng ý gửi tàu khu trục và máy bay trinh sát biển tới tham dự.
Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews cũng bày tỏ Australia sẵn sàng tham gia các cuộc tập trận hải quân chung với Ấn Độ, Mỹ và Nhật ở Ấn Độ Dương.
Hồng Vân
Theo VNE
Ấn Độ liên tiếp tập trận với Úc và Mỹ
Cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Úc và Ấn Độ sẽ tập trung chống tàu ngầm - một biểu hiện của việc tăng cường mối quan hệ chiến lược nhằm đối phó Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Ngay sau đó, Ấn Độ sẽ tập trận với Mỹ.
Tàu chiến Ấn Độ ngoài khơi Mumbai - Ảnh: AFP
Bloomberg ngày 25.8 đưa tin, cuộc tập trận Ấn Độ - Úc sẽ diễn ra vào ngày 11.9 tại Vịnh Bengal, ngoài khơi cảng Visakhapatnam của Ấn Độ, trong đó bao gồm tập luyện bảo vệ tàu chở dầu bị tàu ngầm tấn công.
Khu vực tập trận rất gần với vùng biển mà Trung Quốc từng đưa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tới hồi năm ngoái, cũng như gần một cảng của Sri Lanka, nơi một tàu ngầm khác của Trung Quốc đã nổi lên mặt nước 2 lần.
Ông Sheldon Williams , cố vấn quốc phòng tại Cao ủy Úc ở New Delhi (Ấn Độ), nhận xét: "Ấn Độ Dương là nơi tiềm ẩn khả năng gia tăng căng thẳng về mặt an ninh".
Cuộc tập trận này đã được đôi bên thảo luận cách đây một thập niên giữa bối cảnh các nước lớn muốn gia tăng ảnh hưởng. Ấn Độ Dương là tuyến đường biển chiếm gần 1/2 lưu lượng giao thương bằng container trên toàn thế giới. 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua đây.
"Ấn Độ đang gia tăng hợp tác an ninh với Mỹ và các đồng minh khiến Trung Quốc lo lắng", ông Rory Medcalf, trưởng khoa An ninh quốc gia tại Đại học Quốc gia Úc nhận xét.
Cố vấn Williams cho biết, Úc sẽ đưa máy bay tuần biển chống tàu ngầm P-3 Orion, một tàu ngầm lớp Collins, tàu chở dầu và các tàu khu trục nhỏ tham gia tập trận. Về phía Ấn Độ, trong số các loại khí tài nước này sẽ triển khai có máy bay chống tàu ngầm tầm xa hiện đại nhất P-8 Poseidon mua của Mỹ.
Một tháng sau cuộc tập trận với Úc, cũng tại vùng biển trên, Ấn Độ và Mỹ sẽ tập trận chung. Nhật đã được mời tham gia.
Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verma cho biết đây là cuộc tập trận phức tạp nhất giữa 2 nước từ xưa đến nay.
Trực thăng Ấn Độ và tàu chiến Mỹ trong một cuộc tập trận chung - Ảnh: Reuters
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng lên khu vực mà lâu nay Ấn Độ vẫn xem là "vùng phủ sóng" của mình. Trung Quốc đã xây dựng chuỗi cảng ở Pakistan và Sri Lanka, xây một đường ống dẫn dầu đến bờ biển Myanmar. Chính quyền Trung Quốc cũng đang ra sức thuyết phục Maldives, Seychelles và Sri Lanka tham gia dự án "con đường tơ lụa trên biển".
Nhưng điều làm Ấn Độ lo ngại hơn cả là việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm trong khu vực kể trên.
Những động thái vừa nêu khiến chính quyền Ấn Độ càng xích lại gần Mỹ và các đồng minh nhằm đối chọi lại với Trung Quốc, cố gắng đảm bảo an ninh và bảo vệ các lợi ích của mình trên Ấn Độ Dương, nhất là sau hàng loạt vụ bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhưng cho tới nay, Trung Quốc không có dấu hiệu dừng chân. Chính quyền nước này tuyên bố muốn hoàn tất thỏa thuận tự do thương mại với Sri Lanka vào cuối năm nay và tháng trước còn tuyên bố sẽ viện trợ hơn 350 triệu USD cho Sri Lanka.
Báo China Daily của Trung Quốc vừa đăng một bài bình luận, trong đó có đoạn: "Chỉ mình Ấn Độ không thể đảm bảo an ninh trên Ấn Độ Dương. Nếu Thái Bình Dương đủ chỗ cho Trung Quốc và Mỹ thì Ấn Độ Dương cũng đủ chỗ cho Ấn Độ và Trung Quốc".
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Ấn Độ sắp tập trận hải quân với Nhật Bản và Mỹ Ngày 13.7, tờ The Times of India loan tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ sẽ mời Nhật Bản tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ mang tên Malabar 2015 ở vịnh Bengal vào tháng 10. Tảu Hải quân Mỹ tham gia một cuộc tập trận - Ảnh: Reuters Một nguồn tin tiết lộ với The Times of India rằng cuộc...