Ấn Độ phớt lờ cảnh báo biến thể nCoV mới
Các nhà khoa học Ấn Độ cho biết chính phủ đã biết về biến thể nCoV mới hồi tháng 3, song phớt lờ cảnh báo, không siết chặt quy định kiểm dịch.
Đầu tháng 3, diễn đàn cố vấn khoa học do chính phủ thành lập cảnh báo giới chức về biến thể nCoV dễ lây nhiễm hơn. Dù vậy, 4 nhà khoa học trong diễn đàn cho biết giới chức liên bang đã ngó lơ các khuyến cáo đó, không chủ động siết lệnh hạn chế hay ngăn chặn sự lây lan của virus. Thủ tướng Narendra Modi thả nổi cho hàng triệu người tham dự lễ hội tôn giáo, các buổi mít tinh chính trị mà không đeo khẩu trang, Trong khi đó, hàng chục nghìn nông dân tiếp tục cắm trại ở rìa thành phố New Delhi nhằm phản đối thay đổi chính sách nông nghiệp.
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới hiện vật lộn trong làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn nhiều so với lần đầu. Một số nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể do biến thể nCoV từ Anh và sự chủ quan của chính phủ. Ấn Độ báo cáo hơn 380.000 ca nhiễm mới hôm 30/4, một lần nữa lập kỷ lục toàn cầu. Đây được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất của nước này kể từ khi ông Modi nhậm chức năm 2014.
Thông tin về biến thể mới, tên B.1.617 do Tổ chức Di truyền nCoV Ấn Độ (INSACOG) đưa ra hồi tháng 3. Đây là diễn đàn gồm nhiều nhà khoa học được chính phủ thành lập hồi cuối tháng 12 để theo dõi bộ gene của các biến thể nCoV có khả năng trở thành mối đe dọa với cộng đồng. Theo một nhà khoa học giấu tên thuộc tổ chức, ông và các đồng nghiệp đã trực tiếp cảnh báo với Thủ tướng Modi.
Video đang HOT
INSACOG cũng chia sẻ phát hiện với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia (NCDC) trước ngày 10/3. Họ cho biết số ca nhiễm có thể gia tăng nhanh chóng ở nhiều khu vực.
Hai tuần sau, ngày 24/3, Bộ Y tế công khai nghiên cứu về biến thể mới, song không cảnh báo biến thể nCoV là “đáng lo ngại” như quan điểm của các nhà khoa học. Tuyên bố đơn giản chỉ nói Ấn Độ cần có thêm nhiều biện pháp dập dịch để đối phó với biến thể.
Người dân Ấn Độ ngâm mình trên sông Hằng trong lễ Kumbh Mela ở Haridwar, ngày 14/4. Ảnh: Reuters
Khi được hỏi vì sao chính phủ không phản ứng mạnh mẽ hơn đối với biến thể ở thời điểm đó, Shahid Jameel, chủ tịch nhóm cố vấn của INSACOG, cho rằng có thể nhà chức trách không chú ý đến các bằng chứng khoa học khi đưa ra chính sách.
“Chính sách phải dựa trên khoa học chứ không phải ngược lại. Tôi lo rằng họ không tính đến yếu tố này khi ban hành luật pháp. Nhưng tôi biết quyền hạn của mình dừng lại ở đâu. Với tư cách nhà khoa học, chúng tôi cung cấp bằng chứng, việc hoạch định chính sách thuộc về chính phủ”, ông nói.
Theo các chuyên gia, chính phủ đã không có động thái ngăn chặn các buổi tụ tập đông người. Đây chính là lý do thúc đẩy sự lây lan của biến thể mới. Số ca nhiễm ở nước này vào ngày 1/4 đã tăng gấp 4 lần so với một tháng trước đó. Khi ấy, ông Modi và một số chính trị gia vẫn tổ chức các buổi mít tinh trên khắp đất nước. Hoạt động kéo dài từ tháng 3 đến tháng 4.
Một số nhà khoa học khác cho rằng đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng không hoàn toàn là lỗi của chính quyền ông Modi.
“Không có lý do gì để đổ lỗi hoàn toàn cho chính phủ”, Saumitra Das, giám đốc Viện Genomical Sinh học Quốc gia, thuộc INSACOG, nói.
Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh, Ấn Độ phong tỏa hàng loạt bang và thành phố. Thủ đô New Delhi áp dụng giãn cách xã hội kể từ 19/4 đến 3/5. Những khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 như Jammu, Kashmir, Telengana, Uttar Pradesh… bị phong tỏa.
Để kiểm soát sự lây lan của virus, giảm thiệt hại về người và sinh kế, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi các bang chỉ sử dụng phong tỏa như “phương sách cuối cùng”. Phát biểu trong cuộc họp hôm 21/4, ông kêu gọi chính quyền địa phương xem xét cấm tụ tập, cho đóng cửa từng địa điểm trong thành phố thay vì phong tỏa diện rộng. Ông Modi cũng khuyến cáo chính quyền các bang nên đảm bảo người lao động nhập cư vẫn có thể làm việc mà không rời khỏi nhà, tiêm chủng cho nhóm dân cư này theo quy định.