Ấn Độ phóng tên lửa công nghệ mới, gia nhập nhóm “các ông lớn”
Ấn Độ ngày 5/1 đã phóng thành công tên lửa đầu tiên sử dụng công nghệ đẩy tự chế sau vài sứ mệnh thất bại trước đó, chinh phục một bước tiến mới trong chương trình vũ trụ đầy tham vọng.
Tên lửa của Ấn Độ bay lên vũ trụ trong vụ phóng ngày 5/1.
Tên lửa sử dụng động cơ cryogenic do Ấn Độ chế tạo đã rời trung tâm vũ trụ Sriharikota ở miền nam Ấn Độ theo đúng kế hoạch, khi New Delhi cố gắng gia nhập câu lạc bộ các quốc gia vốn làm chủ công nghệ phức tạp này.
Tên lửa nặng 415 tấn đã đưa một vệ tinh liên lạc hiện đại nặng 2 tấn lên quỹ đạo, 17 phút sau khi rời trái đất, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) – Tiến sĩ K. Radhakrishnan, cho biết.
“Tôi rất tự hào và vui mừng khi được thông báo rằng nhóm ISRO đã làm được điều đó”, ông Radhakrishnan thông báo tại trung tâm kiểm soát sứ mệnh ở bang Andhra Pradesh.
Ấn Độ đã nỗ lực trong nhiều năm để phát triển động cơ tên lửa cryogenic của riêng mình, được thiết kế để đưa các vệ tinh nặng hơn lên quỹ đạo, cách trái đất khoảng 36.000 km.
Công nghệ tên lửa động cơ cryogenic, sử dụng nhiên liệu lỏng siêu lạnh, là một công cụ rất cần thiết để giúp Ấn Độ giành được thị phần lớn hơn trong thị trường phóng vệ tinh thương mại béo bở.
Video đang HOT
Nhưng công nghệ đó mới chỉ được phát triển thành công bởi một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Nhật, Trung Quốc và Cơ quan vũ trụ châu Âu.
Thành công sau hàng loạt thất bại
Dự án phát triển tên lửa động cơ cryogenic đã vượt qua hàng loạt thất bại và trở ngại, trong đó có một kế hoạch phóng bị hủy hồi tháng 8 năm ngoái chỉ vài giờ trước vụ phóng sau khi nhiên liệu bị phát hiện rò rỉ từ một trong các động cơ.
Tên lửa động cơ cryogenic đầu tiên do Ấn Độ chế tạo đã đâm xuống Vịnh Bengal chỉ ít phút sau vụ phóng hồi tháng 4/2010 sau khi các động cơ cryogenic không đốt cháy.
“Nếu chúng ta thành công lần này, Ấn Độ sẽ tham gia câu lạc bộ các quốc gia làm chủ công nghệ cryogenic tự chế để phóng các vệ tinh trên 2 tấn”, Giám đốc ISRO Deviprasad Karnik cho biết trước vụ phóng.
“Mục đích kép của sứ mệnh lần này là thử nghiệm một lần nữa động cơ cryogenic tự chế và đưa lên quỹ đạo một vệ tinh liên lạc trọng lượng lớn”, ông Karnik nói thêm.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày 5/1 đã chúc mừng ISRO về sứ mệnh, vốn tiêu tốn 58 triệu USD.
“Đó là một bước tiến quan trọng khác mà Ấn Độ thực hiện được trong lĩnh vực công nghệ và khoa học”, ông Singh viết trên mạng xã hội.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Ấn Độ đã thành công trong việc đưa vào quỹ đạo một tàu vũ trụ khám phá sao Hỏa khi nước này muốn trở thành quốc gia châu Á đầu tiên tới “Hành tinh Đỏ”.
Các nhà khoa học của ISRO đã mất nhiều năm để phát triển các động cơ cryogenic sau nỗ lực nhập khẩu công nghệ này từ Nga vào năm 1992 bị thất bại do sự phản đối của Mỹ.
Kể từ năm 2001, Ấn Độ đã mua các động cơ cryogenic từ Nga và 7 trong số đó đã được sử dụng cho các sứ mệnh vũ trụ.
Một tên lửa vũ trụ của Ấn Độ sử dụng động cơ đẩy do Nga chế tạo đã phát nổ chỉ ít phút sau vụ phóng hồi tháng 12/2010, trong một sứ mệnh đưa một vệ tinh liên lạc tiên tiến vào quỹ đạo. ISRO sau đó đã nỗ lực phát triển động cơ cryogenic của riêng mình.
Ấn Độ xem chương trình vũ trụ là một thành tựu cho thấy sự nổi lên của nước này như một nền kinh tế lớn và nhiều người dân cảm thấy rất tự hào về điều đó.
Tuy nhiên, chi phí của chương trình đã vấp phải chỉ trích trong bối cảnh chính phủ nỗ lực giải quyết đói nghèo và tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em.
Theo Dantri
Nga phóng tên lửa Soyuz mới sau nhiều lần lỡ hẹn
Một tên lửa Soyuz mới đã rời trung tâm vũ trụ Plesetsk ở miền bắc nước Nga hôm qua 28/12 sau nhiều lần trì hoãn, Bộ quốc phòng Nga cho hay.
Một vụ phóng tên lửa Soyuz-2.
Bộ quốc phòng Nga cho biết vụ phóng diễn ra lúc 16h30 giờ Mátxcơva. Tên lửa đã đưa lên quỹ đạo một vệ tinh nghiên cứu nhỏ, do các sinh viên và nhà khoa học trẻ chế tạo.
Tên lửa mới, tên gọi Soyuz-2.1v, có tầng thứ nhất được cải tiến hoàn toàn, hoạt động bằng động cơ tên lửa NK-33 do công ty máy NK tại thành phố Samara thiết kế.
Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 23/12 nhưng bị lùi tới này 24/12 sau đó là 25/12 do lo ngại về nguy cơ trục trặc của một trong các động cơ tên lửa.
Một quan chức quốc phòng Nga ngày 25/12 cho biết vụ phóng đã bị hoãn lại một lần nữa.
Một ủy ban quốc gia quốc gia đã nhóm họp vào sáng ngày 28/12 và quyết định phóng tên lửa vào 14h nhưng lại bị hoãn chỉ ít phút trước vụ phóng.
Tên lửa Soyuz, tên lửa được phóng thường xuyên nhất thế giới, đã trải qua hơn 1.700 vụ phóng kể từ khi ra đời năm 1966. Đó là một trong 2 tên lửa trên thế giới có khả năng đưa các phi hành gia vào vũ trụ, ngoài tên lửa Trường Chinh 2F của Trung Quốc.
Theo Dantri
Máy bay Mỹ ở trên quỹ đạo hơn một năm X-37B, máy bay không gian không người lái tham gia một chương trình bí mật của Không quân Mỹ, vừa trải qua mốc một năm trên quỹ đạo. Máy bay không gian không người lái X-37B. Ảnh: Wikipedia. Mẫu máy bay không gian không người lái (UAV) X-37B (còn có tên gọi Orbital Test Vehicle-OTV) của Không quân Mỹ đang tham gia nhiệm...