Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng UNCLOS 1982
Trang mạng hindustannewshub.com đưa tin ngày 14/7, phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ( UNCLOS) năm 1982 và ủng hộ lập trường của ASEAN trong quá trình xác định các quyền được hưởng dựa trên công ước này.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Ấn Độ trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56, ngày 13/7. Ảnh: Đào Trang/PV TTXVN tại Indonesia
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, quan chức ngoại giao Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về những hoạt động gây tổn hại tới hòa bình và ổn định, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ Bộ quy tắc ứng xử nào của các bên ở Biển Đông cũng không được phép làm phương hại đến quyền và lợi ích của bên thứ ba.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Jaishankar cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ và tầm nhìn rộng hơn của New Delhi đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Jaishankar đã gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi). Mục đích của cuộc gặp là thảo luận các vấn đề nổi cộm liên quan đến hòa bình ở khu vực biên giới hai nước.
Trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Jaishankar đã chia sẻ thông tin về cuộc gặp, trong đó ông xác nhận cuộc gặp đã diễn ra. Ngoài các vấn đề về biên giới, hai bên còn đề cập đến Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, chương trình nghị sự của ARF, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Video đang HOT
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Jaishankar đã nhấn mạnh phản ứng của Ấn Độ đối với những thách thức toàn cầu – bao gồm thúc đẩy ngoại giao để giải quyết các cuộc xung đột, tăng cường hợp tác và ủy quyền toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời ủng hộ mở rộng phạm vi tiếp cận tài nguyên để hỗ trợ Nam Bán cầu.
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Năm 2022 là tròn 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được ký kết, 20 năm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và 10 năm thông qua Luật Biển Việt Nam 2012.
Ngày 8/12/2022, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Đại hội đồng khóa 77 tổ chức Phiên họp chính thức kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước LHQ năm 1982 về Luật biển (UNCLOS). Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Đặng Hoàng Giang tham gia chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN phát
Trong bối cảnh cục diện thế giới đang biến động nhanh chóng và khó lường, những thách thức trong giải quyết các vấn đề trên biển và đại dương ngày càng nhiều, yêu cầu tiếp tục tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực, đồng thời duy trì, củng cố lòng tin và hợp tác càng trở nên cấp thiết. Việc xây dựng những vùng biển xanh, hòa bình, an toàn, ổn định cũng là lộ trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cả nhân loại. Việt Nam, với tư cách là thành viên UNCLOS và tham gia ký DOC, đang tích cực đóng góp hướng tới mục tiêu này. Điều đó đã được giới chuyên gia, học giả quốc tế khẳng định trong các cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN.
Đây cũng là nội dung chùm bài "Xây dựng những vùng biển hòa bình" gồm 4 bài: Bài 1 - Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế; Bài 2 - Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển; Bài 3 - Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC; Bài 4 - Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm.
Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Bốn mươi năm trước, thế giới lần đầu tiên có một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia khi hành xử trên biển. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được ký ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực ngày 16/11/1994, là kết quả của hơn 4 năm chuẩn bị và 9 năm đàm phán. Việt Nam nằm trong số 107 quốc gia đầu tiên tham gia ký thỏa thuận quan trọng này tại Vịnh Montego, Jamaica. Số lượng quốc gia ký Công ước vào thời điểm đó, theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, là "điều chưa từng có".
Bốn mươi năm sau, số thành viên tham gia UNCLOS 1982 đã là 168 quốc gia, trong đó có 164 quốc gia thành viên LHQ. Ngoài ra còn có 14 quốc gia thành viên LHQ đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Như vậy, UNCLOS 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất, sau Hiến chương Liên hợp quốc, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Công ước được coi là bản "Hiến pháp của đại dương", là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ trật tự trên biển và đại dương.
Là văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật, UNCLOS chứa đựng toàn bộ các quy định liên quan đến các vùng biển mà một quốc gia ven biển có quyền được hưởng, những quy định liên quan đến việc sử dụng, khai thác biển và đại dương, từ quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đến chế độ pháp lý đối với biển cả và các vùng di sản chung của loài người; từ việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển đến bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển...
Giáo sư, Tiến sỹ Thomas Engelbert trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN
Giáo sư, Tiến sĩ Thomas Engelbert, chuyên gia nghiên cứu về biển tại Đại học Hamburg (Đức) đã gọi sự ra đời của UNCLOS 1982 là cột mốc quan trọng trong luật quốc tế liên quan đến biển. Với UNCLOS 1982, lần đầu tiên các không gian đại dương trên Trái Đất được phân bổ rõ ràng, với tất cả các tài nguyên sinh vật và không sinh vật, tất cả các tiện ích trên biển trên cơ sở công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia nhỏ, các quốc gia đang phát triển. UNCLOS 1982 là khuôn khổ cho hợp tác quốc tế, khu vực và quốc gia trong các lĩnh vực biển, duy trì trật tự pháp lý trên biển và giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Theo giải thích của Đại sứ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật quốc tế của LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2027, dựa trên nguyên tắc "Đất thống trị Biển", UNCLOS 1982 lần đầu tiên đưa ra các khái niệm xác định thềm lục địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển quốc tế... qua đó xác định chủ quyền về mặt kinh tế, quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Điều 87 của Công ước nêu rõ: "Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển", cùng với định nghĩa vùng đáy biển là di sản chung của loài người. UNCLOS 1982 cũng là cơ sở để các bên tiếp tục đàm phán khung pháp lý điều chỉnh bảo tồn và khai thác bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán của các quốc gia.
Bộ quy tắc cho các hoạt động biển và đại dương được đề ra trong UNCLOS 1982 giúp thiết lập và thúc đẩy cơ chế quản lý và bảo tồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển một cách đồng bộ và hiệu quả dựa trên hệ sinh thái. Nhà báo cao cấp người Indonesia, ông Veeramalla Anjaiaj nêu rõ UNCLOS 1982 đặt ra quy chế luật pháp và trật tự toàn diện tại các đại dương và vùng biển trên thế giới, đồng thời thiết lập quy tắc quản lý mọi hoạt động sử dụng đại dương và tài nguyên của chúng.
Có thể nói, sự ra đời của UNCLOS 1982 đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý đối với các vấn đề biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Thay vì các yêu sách và thực hiện pháp lý riêng rẽ của từng quốc gia ven biển, thế giới giờ đã có một khuôn khổ pháp lý toàn diện về quản trị đại dương, có Hiến pháp của đại dương làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến biển và đại dương. UNCLOS là thỏa thuận "trọn gói", nghĩa là các quốc gia ký kết không được phép lựa chọn thực thi điều khoản nào mà phải tuân thủ tất cả các điều khoản trong Công ước. Việc thực thi Công ước sẽ giảm thiểu các khu vực chồng lấn và quản lý các tranh chấp một cách hiệu quả hơn, tránh gia tăng căng thẳng trong khu vực. Giáo sư Carl Thayer đánh giá UNCLOS 1982 phản ánh sự nhất trí của cộng đồng quốc tế rằng các điều ước quốc tế phải bao gồm một cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc để có thể có hiệu lực thực thi. UNCLOS 1982 cung cấp một khuôn khổ cho việc giải thích và áp dụng Công ước để giải quyết tranh chấp giữa các bên ký kết.
Nguyên tắc quan trọng nhất về giải quyết tranh chấp mà Công ước đưa ra là mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ. Cựu nghị sĩ Bryon Wilfert, thành viên Hội đồng cố vấn Viện Macdonald-Laurier, Canada, nhận định UNCLOS 1982 là cơ chế vì hòa bình và giải quyết các tranh chấp trên biển, thiết lập một cách rõ ràng các quy định về môi trường, quản lý tài nguyên biển.
Tầm quan trọng của UNCLOS 1982 còn thể hiện ở mức độ phổ quát của Công ước, khi không phải chỉ những nước tham gia ký kết mới cần tuân thủ văn kiện này. UNCLOS 1982 là văn bản pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán (chiếm đa số), có nghĩa là UNCLOS 1982 có hiệu lực pháp lý ngay cả đối với các quốc gia chưa phải thành viên Công ước, và tất nhiên các quốc gia chưa phê chuẩn văn kiện này được thừa hưởng các thành quả từ Công ước. UNCLOS 1982 quy định tất cả các quốc gia đều có quyền tự do truyền thống về hàng hải, hàng không, nghiên cứu khoa học và đánh cá trên vùng biển quốc tế. Bằng việc xác định các vùng di sản chung của con người cũng như quy định về trách nhiệm hợp tác giữa các quốc gia trong quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên trên biển, quyền được nghiên cứu khoa học biển..., UNCLOS 1982 cho phép cả các quốc gia không có biển hoặc bất lợi về địa lý được tham gia trên cơ sở công bằng trong việc khai thác một phần thích hợp tài nguyên biển và đại dương.
Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: TTXVN
Theo Giáo sư Carl Thayer, UNCLOS 1982 đã kết hợp các lợi ích cạnh tranh của đại đa số các quốc gia, kể cả các quốc gia không giáp biển, trong một khuôn khổ pháp lý toàn diện giải quyết hầu như tất cả các khía cạnh của việc quản lý, quản trị biển và tài nguyên biển. Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Hải Đăng, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách đại dương thuộc Trung tâm luật quốc tế, Đại học quốc gia Singapore, bình luận việc Công ước được 168 quốc gia trên thế giới phê chuẩn, trong đó có cả những quốc gia không có biển như Lào, Mông Cổ hay Thụy Sĩ, cho thấy rằng các quy định của Công ước được cộng đồng quốc công nhận rộng rãi. Do đó có thể nói UNCLOS 1982 thể hiện sự thỏa hiệp mang tính toàn cầu, có tính đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới.
Sau 40 năm, thế giới đã có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề mới nảy sinh đặt ra những thách thức đối với UNCLOS 1982. Bên cạnh đó, những khác biệt trong cách diễn giải Công ước và hành xử đơn phương trên biển của một số quốc gia cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu lực thực thi UNCLOS 1982. Tuy nhiên, các thách thức mới hoàn toàn có thể được giải quyết trong khuôn khổ pháp lý của UNCLOS và các hiệp định thực thi trong khuôn khổ công ước này. Sự ra đời của "Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982", thành lập theo sáng kiến của Việt Nam và Đức vào tháng 6/2021, với gần 100 nước thành viên LHQ tham gia, thể hiện sự coi trọng của cộng đồng quốc tế, đồng thời là một phần nỗ lực thúc đẩy việc thực thi hiệu quả Công ước trong tình hình mới.
Tiến sĩ Gerhard Will, nguyên chuyên gia nghiên cứu tại Viện khoa học và chính trị Đức, nhấn mạnh, mọi giải pháp lâu dài và bền vững cho các vấn đề trên biển đều phải dựa trên cơ sở là UNCLOS 1982. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, trong thông điệp nhân 40 năm UNCLOS, cũng khẳng định việc ký kết Công ước là một bước đi quan trọng để điều hành và duy trì trật tự đối với đại dương. Dịp kỷ niệm 40 năm ra đời UNCLOS 1982 cần được coi là lời nhắc nhở về việc tiếp tục sử dụng thiết chế quan trọng này để giải quyết những thách thức hiện nay, bởi UNCLOS 1982 vẫn là khuôn khổ toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, góp phần vào việc bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, góp phần thực hiện chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030 của LHQ.
Trung Quốc đề xuất bảo vệ an ninh và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương Ngày 14/7, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã nêu đề xuất 3 điểm về bảo vệ an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Vương Nghị phát biểu tại một hội nghị trực tuyến ở Bắc Kinh. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN Theo Tân Hoa...