Ấn Độ không cho tướng Trung Quốc vào thăm buồng chỉ huy tàu chiến
Hải quân Ấn Độ đã từ chối yêu cầu được tham quan phòng chỉ huy trên một chiến hạm tàng hình hiện đại hàng đầu Ấn Độ từ một vị tướng hải quân Trung Quốc, tờ Hindustan Times (Ấn Độ) đưa tin ngày 25.4.
Tàu hộ vệ tàng hình INS Shivalik của Ấn Độ – Ảnh: Reuters
Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh hải quân Trung Quốc, được cho là đã yêu cầu được vào xem Trung tâm Thông tin Chiến đấu (CIC) hoặc phòng chiến thuật trên tàu hộ vệ tàng hình INS Shivalik, một trong những tàu hộ vệ tàng hình hiện đại nhất của Ấn Độ, khi ông này lên tham quan tàu.
The Hindustan Times cho biết các sĩ quan Ấn Độ đã nhã nhặn khước từ yêu cầu nói trên, viện dẫn lý do vì chiếc tàu đang neo đậu ở bến cảng, nên phòng đã bị khóa và không được phép mở cho người ngoài.
Nhật báo Ấn Độ cũng bình luận yêu cầu của ông Ngô có thể bị xem như một sự vi phạm nghiêm trọng quy định được hải quân các nước trên toàn thế giới tuân thủ lâu nay.
Tuy nhiên, ông Ngô vẫn khăng khăng muốn được vào CIC và các cố vấn của ông này cũng đã cố thuyết phục phía Ấn Độ rằng vị đô đốc Trung Quốc chỉ muốn xem đúng có CIC.
Đô đốc Ngô là một thành viên của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cơ quan quyền lực do chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng đầu.
Video đang HOT
Vào lúc đó, phía Ấn Độ cho biết ông Ngô sẽ được chào đón vào CIC trong cuộc tập trận, dự kiến diễn ra trong ngày tiếp theo ở Hoàng Hải. Đô đốc Ngô vẫn tỏ ra không đồng ý với lời từ chối của phía Ấn Độ và đã rời khỏi chiến hạm INS Shivalik ngay sau đó, theo The Hindustan Times.
Nhật báo Ấn Độ cho biết vụ việc diễn ra vào chiều 22.4 (giờ Trung Quốc) khi ông Ngô đi cùng 15 đô đốc hải quân Trung Quốc lên thăm tàu INS Shivalik, vốn đang neo đậu ở thành phố cảng Thanh Đảo thuộc tỉnh duyên hải Sơn Đông, phía đông Trung Quốc.
Chiến hạm Ấn Độ với thủy thủ đoàn 300 người đến Trung Quốc để tham gia vào một đợt tập trận hải quân nhân dịp kể niệm 65 năm thành lập lực lượng hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
CIC được xem như “trung tâm đầu não” của bất kỳ chiến hạm nào và là nơi có các thiết bị mà có thể giúp một sĩ quan hải quân cấp cao có thể nhận biết được năng lực và sức mạnh của con tàu, theo The Hindustan Times.
Nhật báo Ấn Độ cũng cho biết thêm rằng các sĩ quan hải quân trên tàu Ấn Độ đã bị bất ngờ khi một tư lệnh hải quân một nước đề nghị được vào tham quan CIC trên tàu chiến của một nước khác, đồng thời bình luận rằng chưa từng có trường hợp Trung Quốc mở cửa phòng CIC trên tàu chiến của nước mình cho quan chức quân đội nước khác vào xem.
Các nguồn tin thân cận với vụ việc nói với The Hindustan Times rằng các quan chức quân đội Trung Quốc đã tỏ ra rất quan tâm đến INS Shivalik và ngạc nhiên khi thấy chiến hạm này đi một quãng đường dài từ cảng Blair, thuộc quần đảo Andaman và Nicobar (Ấn Độ), đến cảng Thanh Đảo mà không cần có tàu hộ tống hay cần có một quan chức cấp cao nào trên tàu, ngoại trừ thuyền trưởng Puruvir Das.
Ông Das đã từ chối bình luận về yêu cầu của tư lệnh hải quân Trung Quốc và chỉ nói rằng cuộc tập trận một ngày sau đó đã diễn ra suôn sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn được tham gia tập trận cùng hải quân Trung Quốc thường xuyên và sâu sát hơn.
Theo TNO
Việt Nam sẽ có thêm 2 chiến hạm tàng hình
Tiếp sau 2 tàu hộ vệ tên lửa có khả năng tàng hình Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý Thái Tổ (HQ-012) đã chuyển giao cho hải quân Việt Nam trong năm 2011, Nga đang đóng tiếp 2 tàu hộ vệ tên lửa cùng lớp "Gepard-3.9" để bàn giao vào năm 2016 và 2017.
Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời ông Igor Sevastyanov, một quan chức ngành công nghiệp đóng tàu quốc phòng Nga, cho biết công trình đóng cặp tàu tuần tra thứ 2 của đề án 11661E "Gepard-3.9" dành cho lực lượng hải quân Việt Nam đang được tiến hành nghiêm túc theo đúng nghĩa vụ qui định trong hợp đồng tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk của nước này.
Cặp chiến hạm hiện đại nhất Đinh Tiên Hoàng (trước) và Lý Thái Tổ (sau) đang tuần tra bảo vệ chủ quyền trên biển
"Toàn bộ mọi công đoạn đều diễn ra theo đúng tiến độ hợp đồng. Tất cả được thực hiện kịp thời và chất lượng. Công việc được tiến hành với sự kiểm tra từ phía khách hàng Việt Nam đối tác của chúng tôi" - ông Sevastyanov cho biết.
Theo dự kiến, 2 tàu hộ vệ tên lửa mới sẽ được bàn giao cho lực lượng hải quân Việt Nam lần lượt vào năm 2016 và 2017. Hợp đồng đóng tàu này được ký kết hồi tháng 12-2011.
Trước đây, vào năm 2006, Việt Nam đã đặt mua của Nga 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp "Gepard-3.9". Cặp tàu hộ vệ tên lửa đầu tiên này đã được bàn giao trong năm 2011.
Cả 2 chiếc "Gepard-3.9" đều đã được đưa vào biên chế vào Hải quân Nhân dân Việt Nam, trong đó chiếc đầu tiên mang tên Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và chiếc thứ hai mang tên Lý Thái Tổ (HQ-012) được biên chế lần lượt vào tháng 3-2011 tháng 8-2011.
Chiến hạm Lý Thái Tổ (HQ-012) đang cùng biên đội tàu chiến của hải quân Việt Nam tuần tra trên biển
Đến nay, các cán bộ và chiến sĩ đã thực sự làm chủ 2 tàu hộ vệ tên lửa, cũng là 2 chiến hạm hiện đại nhất lúc này của hải quân Việt Nam, với các hoạt động như độc lập thử tên lửa chống hạm Uran-E (Kh35), tổ chức huấn luyện đường dài, huấn luyện hạ - cất cánh máy bay lên thẳng săn ngầm K28...
Tàu hộ vệ tên lửa lớp "Gepard-3.9" được thiết kế hiện đại, có khả năng tàng hình, có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm; đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.
Tàu có chiều dài 102 m, rộng 13,7 m, lượng dãn nước toàn phần khoảng 2.100 tấn, tốc độ 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý, thời gian chạy liên tục trên biển 20 ngày đêm, có thể chịu được sóng gió cấp 10-12.
Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công như tên lửa chống tàu Uran-E (Kh35) có khả năng tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130 km; pháo hạm đa năng AK-176 tốc độ bắn 60-120 phát/phút, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven bờ và trên không với tầm bắn 15 km, độ cao 11,5 km; tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma tốc độ bắn 10.000 phát/phút với tầm bắn 8.000 m; ống phóng ngư lôi 533 mm... Đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28, được mệnh danh là "sát thủ săn ngầm". Với nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm, Ka-28 được trang bị các thiết bị và vũ khí có thể phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm.
Theo VTC