Ấn Độ: Giấc mơ cường quốc biển mong manh
Tham vọng trở thành một cường quốc trên biển đối phó với Trung Quốc của Ấn Độ trở nên lung lay sau vụ nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak.
Vụ nổ kinh hoàng xảy ra trên chiếc tàu ngầm INS Sindhurakshak với 18 thủy thủ bị mắc kẹt bên trong vào đêm 14/8 không chỉ phủ một đám mây đen lên lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Ấn Độ (15/8) mà còn làm xói mòn niềm tự hào chưa kịp lắng xuống sau khi nước này “trình làng” chiếc tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay tự chế đầu tiên của mình.
Thảm họa xảy ra trong quân cảng Mumbai được Bộ trưởng Quốc phòng A K Anthony mô tả là “một thảm kịch lớn nhất” trong thời bình của Ấn Độ khi chiếc tàu ngầm lớp Kilo chất đầy ngư lôi và tên lửa phát nổ và chìm xuống đáy biển chỉ một ngày sau khi Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay tự chế đầu tiên mang tên INS Vikrant.
Tàu ngầm INS Sindhurakshak chìm xuống đáy quân cảng Mumbai
Việc hạ thủy chiếc tàu sân bay tự chế này được ca ngợi là đã đưa Ấn Độ bước vào câu lạc bộ những quốc gia sở hữu công nghệ chế tạo tàu sân bay gồm Anh, Mỹ, Pháp và Nga trước cả kình địch trong khu vực là Trung Quốc.
Thế nhưng thảm họa Sindhurakshak lại xảy ra đúng vào thời điểm sức mạnh quân sự của Ấn Độ được cả thế giới chú ý đến sau khi nước này khởi động thành công lò phản ứng trên con tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên INS Arihant, ngay đúng lúc các quan chức quốc phòng Ấn Độ vừa tuyên bố họ đang giữ kỷ lục về an toàn tàu ngầm vượt xa hơn cả các siêu cường khác như Nga và Mỹ.
Tàu sân bay tự chế INS Vikrant của Ấn Độ
Trong khi thiệt hại về nhân mạng trong vụ tai nạn này vẫn chưa được xác định vì lực lượng cứu hộ vẫn chưa đưa được các thủy thủ bị mắc kẹt bên trong con tàu ra ngoài, thiệt hại rõ ràng nhất mà hải quân Ấn Độ phải gánh chịu đó chính là chiếc tàu ngầm này.
Video đang HOT
Đây là 1 trong 10 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mà Ấn Độ mua của Nga cách đây 16 năm và vừa mới được kiểm tra, sửa chữa ở Nga hồi tháng 1 với tổng chi phí 80 triệu USD. Với hàng loạt vụ nổ kinh hoàng xảy ra trên khoang chứa ngư lôi khiến con tàu cắm mũi xuống đáy biển, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về khả năng tiếp tục phục vụ của chiếc tàu ngầm vừa mới được bàn giao sau khi sửa chữa chưa lâu.
Tàu ngầm INS Sindhurakshak được Nga bàn giao cho Ấn Độ
Cho đến khi nguyên nhân tai nạn được điều tra làm rõ, người ta cũng đặt ra nghi vấn về độ tin cậy của chiếc tàu sân bay mà Ấn Độ sẽ mua của Nga trong năm nay. Tuy nhiên, tác động dai dẳng nhất của vụ tai nạn này chính là những nghi ngờ về tiềm lực quốc phòng của Ấn Độ trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Hiện hải quân Ấn Độ mới chỉ có 14 chiếc tàu ngầm, tuy nhiên với tổn thất của chiếc INS Sindhurakshak này, khả năng tác chiến trên biển của Ấn Độ sẽ suy giảm đáng kể trong vài năm tới khi hạm đội tàu ngầm của nước này với những con tàu cũ kỹ được chế tạo ở Nga bắt đầu xuống cấp.
Một báo cáo của Phòng Tổng kiểm toán và Kiểm tra Ấn Độ cho biết từ năm 2012-2013, 60% số tàu thuyền trong hải quân Ấn Độ sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Điều này sẽ khiến Ấn Độ bị thụt lùi trong nỗ lực cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Hạm đội tàu ngầm cũ kỹ của Ấn Độ đang ngày càng xuống cấp
Việc hiện đại hóa lực lượng hải quân là một yêu cầu bức thiết đối với Ấn Độ để kiểm soát tuyến đường hàng hải chiến lược đối với dòng dầu tới Đông Á từ eo biển Malacca tới eo biển Hormuz ở phía tây, bởi “ai kiểm soát Ấn Độ Dương, người đó sẽ kiểm soát châu Á”.
Hiện Trung Quốc được cho là đang thúc đẩy chiến lược “Chuỗi Ngọc” của mình bằng việc xây dựng các căn cứ hải quân dọc theo các tuyến đường hàng hải trên biển. Trong tháng này, Bắc Kinh đã gặt hái được một thành công mới khi họ tuyên bố tàu chiến nước này đã xuyên phá được “vòng vây chuỗi đảo thứ nhất” để tiếp cận với Thái Bình Dương.
Giờ đây với việc Bắc Kinh đang có kế hoạch đóng mới 2 tàu sân bay ngoài tàu sân bay Liêu Ninh hiện có, hải quân Ấn Độ ngày càng phải chịu sức ép lớn hơn trong việc cải thiện và tăng cường sức mạnh của mình nếu không muốn bị đối thủ vượt mặt.
Theo Khampha
Nổ tàu ngầm Ấn Độ: Do đánh rơi tên lửa?
Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhận định có thể sự cố đánh rơi tên lửa đã gây nên vụ nổ làm đắm chiếc tàu ngầm Sindhurakshak cùng với 18 thủy thủ bên trong.
Hải quân Ấn Độ vừa phải hứng chịu một tổn thất nặng nề khi chiếc tàu ngầm lớp Kilo mang tên INS Sindhurakshak bị đắm ngay trong quân cảng Mumbai sau hàng loạt vụ nổ kinh hoàng, và toàn bộ 18 thủy thủ, trong đó có 3 sĩ quan bị mắc kẹt trong tàu hầu như không có cơ may sống sót.
Trên chiếc tàu ngầm trang bị đầy đủ vũ khí này xảy ra một vụ nổ nhỏ vào rạng sáng ngày 14/8, tiếp theo đó là 2 tiếng nổ lớn gần như đồng thời tạo ra một quả cầu lửa bao trùm toàn bộ chiếc tàu ngầm 16 năm tuổi này. Những vụ nổ được cho là xuất phát từ khoang chứa ngư lôi này khiến bầu trời ở khu vực quân cảng Mumbai sáng rực.
Vụ nổ làm sáng rực một góc trời quân cảng Mumbai
Tàu ngầm INS Sindhurakshak vừa mới được Nga kiểm tra, sửa chữa và bàn giao lại cho Ấn Độ vào tháng 4 năm nay sau khi một vụ nổ do hệ thống ắc-quy đang sạc gây ra khiến 1 thủy thủ thiệt mạng vào năm 2010.
Bộ trưởng Quốc phòng A K Antony trên đường đến Mumbai đã mô tả tai nạn này là "thảm kịch lớn nhất trong thời gian gần đây". Tham mưu trưởng hải quân, Đô đốc D K Joshi cho biết lúc xảy ra tai nạn, trên chiếc tàu ngầm này chỉ có một kíp trực gồm 15 thủy thủ và 3 sĩ quan.
Ông Joshi nói rằng chiếc tàu ngầm bị vào nước từ khoang chứa ngư lôi, nơi khởi phát vụ nổ. Sau đó nó bị chúi mũi về phía trước và chìm dần xuống đáy biển sâu 3 mét, chỉ có một phần thân tàu và tháp quan sát còn nhô lên khỏi mặt nước.
Thợ lặn của hải quân đã vào được bên trong con tàu thông qua cửa chính nhưng không phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống. Thợ lặn sẽ bơm nước ra khỏi tàu để nâng nó nổi lên trên mặt nước.
Đô đốc Joshi cho biết: "Cơ hội sống sót cho những người bị mắc kẹt gần như bằng không vì con tàu đã bị chìm 12 tiếng đồng hồ. Chúng tôi lo sợ điều tồi tệ nhất, nhưng vẫn hy vọng vào điều tươi sáng nhất." Các quan chức hải quân cũng đã cho mời thân nhân của những người lính đang bị mắc kẹt bên trong tàu ngầm tới Mumbai.
Các thủy thủ và gia đình bên chiếc tàu ngầm chuẩn bị được hạ thủy
Hải quân Ấn Độ cho biết có 3 người không ở bên trong con tàu lúc thảm kịch xảy ra đã kịp thời nhảy xuống nước và hiện đã ra viện sau khi được chăm sóc sức khỏe. Họ cũng cho biết lửa đã lan sang chiếc tàu ngầm INS Sindhughosh đậu gần đó nhưng không gây thiệt hại đáng kể.
Bộ trưởng Quốc phòng Atony đã loại trừ khả năng phá hoại và cho biết ủy ban điều tra sẽ công bố nguyên nhân gây ra vụ nổ trong 4 tuần nữa.
Bộ Quốc phòng cho biết chiếc tàu ngầm này đang chuẩn bị lên đường tuần tra, thế nên nó được trang bị đầy đủ các loại vũ khí theo quy trình. Một nguồn tin ở Bộ Quốc phòng đặt ra giả thuyết: "Có thể những người vận hành cần cẩu đưa tên lửa lên tàu ngầm đã vô tình làm rơi một quả tên lửa trúng một quả tên lửa khác và kích hoạt các vụ nổ."
Sau khi vụ nổ xảy ra, một số chuyên gia của Ấn Độ nhận định có thể sự cố sạc ắc-quy lại một lần nữa gây ra vụ nổ này. Tuy nhiên Đô đốc Joshi bác bỏ khả năng này và cho biết toàn bộ ắc-quy của chiếc tàu ngầm đã được sạc 3 ngày trước đó.
Đây là thảm họa lớn nhất trong thời bình đối với hải quân Ấn Độ, xảy ra trong bối cảnh hải quân nước này đang thu hút sự chú ý của cả thế giới với sức mạnh và tham vọng ngày càng lớn của mình. Mới vài ngày trước, Ấn Độ đã khởi động thành công lò phản ứng trên chiếc tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên của mình và hạ thủy chiếc tàu sân bay tự chế INS Vikrant.
Trong cuộc chiến tranh năm 1971 giữa Ấn Độ và Pakistan, chiếc tàu ngầm INS Khukri của Ấn Độ đã bị hải quân Pakistan đánh chìm khiến 194 lính thủy thiệt mạng, trong đó có cả thuyền trưởng Mahendra Nath Mulla.
Theo khampha
Tàu ngầm Ấn Độ phát nổ do ắc-quy? Các nguồn tin hải quân Ấn Độ cho biết nhiều khả năng chiếc tàu ngầm phát nổ và bị đắm cùng với 18 thủy thủ là do lỗi ắc-quy. Ngày 14/8, hải quân Ấn Độ cho biết có 18 thủy thủ bị mắc kẹt trên chiếc tàu ngầm INS Sinhurakshak khi nó phát nổ và chìm xuống đáy quân cảng Mumbai. Theo đó...