Ấn Độ ghi nhận hơn 40.000 trường hợp nghi ’sốc nhiệt’ trong mùa hè
Nắng nóng gay gắt hoành hành nhiều khu vực ở Ấn Độ trong những tuần gần đây đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người, trong khi các vùng phía Đông Bắc đang phải vật lộn với lũ lụt do mưa lớn.
Người dân uống nước giải nhiệt trong ngày nắng nóng tại Prayagraj, Ấn Độ ngày 19/6/2024. Ảnh: ANI/TTXVN
Đợt nắng nóng kéo dài bao trùm miền Bắc Ấn Độ, đẩy nhiệt độ lên tới gần 50 độ C, khiến các bệnh viện quá tải với hàng nghìn bệnh nhân bị ảnh hưởng vì nền nhiệt ở mức cao cả ngày lẫn đêm. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, hơn 40.000 ca nghi sốc nhiệt đã được ghi nhận trong mùa Hè năm nay, và ít nhất 110 người đã tử vong do nắng nóng kể từ đầu tháng 3.
Cơ quan thời tiết cũng dự báo nhiệt độ trong tháng này ở Ấn Độ sẽ cao hơn mức bình thường, trong bối cảnh chính quyền cho biết các thành phố của Ấn Độ đã trở thành “bẫy nhiệt” do phát triển không cân bằng. Bộ Y tế Ấn Độ đã chỉ đạo các tổ chức liên bang và tiểu bang ưu tiên chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là ở thủ đô New Delhi, nơi các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng và thiếu giường bệnh.
Trong khi đó, mưa lớn kéo dài ở bang Assam, miền Đông Bắc Ấn Độ, đã gây ra lũ lụt và lở đất, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và hơn 160.000 người dân bị ảnh hưởng. Mực nước sông Kopili – một trong những nhánh lớn nhất của sông Brahmaputra – đã vượt ngưỡng nguy hiểm. Các quan chức cho biết hơn 30 người ở bang này đã thiệt mạng kể từ cuối tháng 5 do lũ lụt và lở đất.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Ấn Độ và Bangladesh
Ngày 19/6, nhà chức trách Ấn Độ cho biết tình hình lũ lụt tại bang Assam, Đông Bắc nước này, tiếp tục xấu đi và đã có 31 người thiệt mạng.
Mưa lớn gây ngập lụt và lở đất tại Nagaon, bang Assam, Ấn Độ ngày 29/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo cảnh sát, đêm 18/6, mưa lớn kéo theo lở đất đã khiến 5 người thiệt mạng ở khu vực Badarpur, huyện Karrimganj, cách thành phố Guwahati, thủ phủ bang Assam 281 km về phía Đông Nam. Cơ quan quản lý thảm họa bang Assam (ASDMA) cho biết lũ lụt đã ảnh hưởng đến 161.209 người tại 15 huyện. Huyện Karimganj bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 152.133 người đang phải vật lộn đối phó với nước lũ. Hơn 1 triệu ha cây trồng cũng bị ảnh hưởng.
Chính quyền địa phương đã dựng 43 trạm cứu hộ và các trung tâm phân phát hàng hóa tại các khu vực bị ảnh hưởng. Hiện công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn do mưa lũ.
Cùng ngày, nhà chức trách Bangadesh cho biết mưa xối xả ở Bangladesh gây lở đất đã chôn vùi ít nhất 9 người, buộc hàng nghìn người phải sơ tán đến nơi cao hơn.
Các trường học đã được trưng dụng thành nơi lánh nạn cho những người sơ tán do nước sông dâng cao, trong khi hơn 1 triệu người bị mắc kẹt ở các khu vực miền Bắc. Thống kê cho thấy ít nhất 700.000 người bị mắc kẹt do mưa lũ ở huyện Sylhet, trong khi con số này ở huyện Sunamganj là 500.000 người.
Giới chuyên gia cảnh báo nếu mưa và nước sông tiếp tục dâng, tình hình sẽ xấu đi như năm 2022. Trận lũ năm 2022 tại Sylhet đã khiến hàng triệu người bị mắc kẹt và khoảng 100 người thiệt mạng.
Bangladesh - quốc gia với khoảng 170 triệu dân, nằm trong số các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ấn Độ: Lũ lụt nghiêm trọng ảnh hưởng tới hơn 600.000 người Ngày 4/6, nhà chức trách Ấn Độ cho biết lũ lụt tại bang Assam, miền Đông Bắc nước này đã ảnh hưởng đến hơn 600.000 người, cướp đi sinh mạng của 18 người. Người dân sơ tán khỏi khu vực ngập lụt tại Chennai, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Theo giới chức địa phương, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 10 huyện...