Ấn Độ chi 1,8 tỷ USD xây nhà quốc hội giữa sóng Covid-19
Dù bệnh viện cạn oxy và hàng nghìn người chết vì Covid-19 mỗi ngày, chính phủ Ấn Độ vẫn tiến hành dự án cải tạo nhà quốc hội 1,8 tỷ USD.
Kế hoạch chỉnh trang nhà quốc hội Ấn Độ mang tên Dự án Cải tạo Central Vista được phân loại là “dịch vụ thiết yếu”, đồng nghĩa việc xây dựng được phép tiếp tục ngay cả khi hầu hết các dự án xây dựng khác đã bị tạm dừng do lệnh phong tỏa ở thủ đô New Delhi.
Quyết định thúc đẩy dự án giữa Covid-19 khiến công chúng và chính trị gia đối lập tức giận. Họ cho rằng việc rót hàng triệu USD vào dự án khi đất nước đang vật lộn với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất là quá bất cập.
Hai công dân, gồm một người mắc Covid-19 và có mẹ cũng bị nhiễm virus, đã đệ đơn kiện lên Tòa Thượng thẩm Delhi hôm 5/4 để yêu cầu tạm dừng dự án. Những người khởi kiện cho rằng tòa nhà quốc hội không phải dịch vụ thiết yếu và công việc xây dựng thậm chí có thể trở thành sự kiện siêu lây nhiễm Covid-19. Theo đơn kiện, các công nhân đang tiếp tục được đưa đến công trường.
Công trường thi công Dự án Cải tạo Central Vista ở New Delhi, Ấn Độ đầu tuần này. Ảnh: Hindustan Times .
Tòa Thượng thẩm đề nghị xét xử vụ kiện vào cuối tháng này, nhưng những người khởi kiện đã đưa vấn đề lên Tòa án tối cao vì cho rằng tòa cấp dưới “không đánh giá được mức độ nghiêm trọng” của tình hình.
“Vì có tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, bất kỳ sự chậm trễ nào cũng gây phương hại đến lợi ích công cộng lớn hơn”, luật sư Nitin Saluja viết trong đơn kiện. Saluja cho biết rất có thể Tòa án Tối cao sẽ xét xử vào 14/5.
Ca tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ liên tục cao nhất thế giới hơn 10 ngày qua. Theo báo cáo Covid-19 hàng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ấn Độ chiếm 1/4 số ca tử vong toàn cầu trong tuần qua.
Ngay cả trước làn sóng Covid-19 thứ hai, dự án Central Vista đã gây tranh cãi. Các nhà phê bình cho rằng việc cải tạo nhà quốc hội sẽ làm tổn hại các giá trị lịch sử và di sản của công trình. Sự phản đối càng trở nên gay gắt hơn gần đây khi các chính trị gia coi kế hoạch này là dự án phù phiếm.
Những người ủng hộ cải tạo khu vực tòa nhà quốc hội rộng 35 ha nói rằng dự án cần thiết vì các tòa nhà 100 năm tuổi hiện không phù hợp với mục đích sử dụng.
“Khởi công xây dựng tòa nhà quốc hội Ấn Độ, với ý tưởng về tính Ấn Độ của người Ấn Độ, là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong truyền thống dân chủ của chúng ta”, Thủ tướng Narendra Modi nói khi đặt viên đá nền của tòa nhà tháng 12 năm ngoái. “Người Ấn Độ chúng ta sẽ cùng nhau xây tòa nhà quốc hội mới này”.
Ước tính khoảng 46.700 người sẽ làm việc tại công trình xây dựng này, theo biên bản cuộc họp ủy ban thẩm định chuyên gia hồi tháng 4 và được công bố tuần trước. Cuộc họp cũng dự tính việc mở rộng tòa nhà quốc hội cũ và xây tòa nhà quốc hội mới sẽ được hoàn thành vào tháng 11/2022, trong khi dinh thủ tướng dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022. Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.
Video đang HOT
Dự án trị giá 1,8 tỷ USD đã được hội đồng chuyên gia của Bộ Môi trường phê duyệt đầu năm nay. Tuy nhiên, khi ca Covid-19 tăng vọt, các chính trị gia bắt đầu phản ứng dữ dội với dự án của Thủ tướng Modi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại một cuộc vận động chính trị ở bang Tây Bengal hôm 12/4. Ảnh: Reuters .
“Mọi người đang chết dần vì Covid-19 nhưng ưu tiên của Thủ tướng Modi là dự án Central Vista”, Yashwant Sinha, cựu bộ trưởng tài chính và đối ngoại đăng Twitter. “Thay vào đó, chúng ta có nên xây bệnh viện không?”.
“Cái tôi của Thủ tướng lớn hơn sinh mạng của người dân”, nghị sĩ đối lập Rahul Gandhi đầu tuần này nói. Gandhi trước đó cũng đăng Twitter rằng “Central Vista không cần thiết. Chính phủ có tầm nhìn mới cần thiết”.
Đảng Cộng sản Ấn Độ Sitaram Yechury gọi dự án này là “lố bịch”, trong khi một số người dùng Twitter thậm chí so sánh Thủ tướng Modi với hoàng đế La Mã Nero, người được cho là vẫn chơi đàn khi thành Rome bốc cháy.
Dự án bị phản đối là đòn công kích mới nhất nhằm vào Thủ tướng Modi, người đang bị chỉ trích vì cách xử lý sóng Covid-19 thứ hai. Ngay cả khi ca nhiễm tăng vọt, các nhà phê bình nói rằng ông đã đánh giá thấp rủi ro và tiếp tục tổ chức các cuộc vận động chính trị đông đúc trước bầu cử cấp bang.
Thanh niên Ấn Độ chiến đấu với Covid-19 bằng mạng xã hội và oxy
Khi Ấn Độ đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh Covid-19 kinh hoàng, một số người trẻ đã thiết lập các ứng dụng để thu hút nguồn hỗ trợ, giúp các bệnh nhân tiếp cận nguồn cung.
Sau khi hoàn thành bài kiểm tra ở trường, nữ sinh Swadha Prasad bắt đầu với công việc thực sự của mình: tìm kiếm oxy, thuốc và giường bệnh cho các bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh Ấn Độ đang lao đao vì làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Những người Ấn Độ trẻ tuổi đã và đang tham gia vào nỗ lực chung chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP.
Khi chính phủ Ấn Độ phải vật lộn để đối phó với đại dịch, những người Ấn Độ trẻ tuổi đã và đang tham gia vào nỗ lực chung chống dịch. Một số người đã thiết lập các ứng dụng để thu hút nguồn hỗ trợ, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để hướng nguồn lực đến những người cần trợ giúp.
Prasad, một cô gái mới chỉ 17 tuổi, làm việc với hàng chục tình nguyện viên - tất cả đều ở độ tuổi từ 14-19. Họ là một phần của tổ chức Uncut do những người trẻ tuổi lãnh đạo. Tổ chức này xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về thông tin liên quan đến các nguồn cung y tế sẵn có trên khắp cả nước.
Tổ chức này hoạt động 24/7, với các thanh thiếu niên liên tục duy trì kết nối điện thoại để xác minh sự sẵn có của các nguồn cung y tế, cập nhật thông tin trong thời gian thực và trả lời các cuộc gọi từ người thân những bệnh nhân Covid-19 đang cần đến sự giúp đỡ.
Prasad làm việc suốt 14 giờ liên tục từ trước bữa trưa ngày hôm trước cho tới 1h sáng hôm sau. Prasad chia sẻ: "Một số người trong nhóm chúng em làm việc từ nửa đêm đến sáng, vì các cuộc gọi chưa ngừng lại cho đến tận 3h sáng".
Prasad cho biết, công việc mà em và các bạn làm là một câu chuyện dài và mệt mỏi, nhưng nói thêm: "Nếu em có thể giúp cứu một mạng người, chẳng có bất kỳ lý do gì để em lại nói không".
Prasad chia sẻ về một trường hợp mà nhóm của em đã trợ giúp để bệnh nhân có thể tìm thấy nguồn cung cấp oxy trong đêm, sau 2 tiếng đồng hồ phải chờ đợi. "Nó không chỉ là cung cấp các nguồn lực... đôi khi mọi người chỉ cần biết là họ không đơn độc", Prasad nói.
Với khoảng 2/3 trong số hơn 1,3 tỷ dân ở độ tuổi dưới 35, Ấn Độ là quốc gia có dân số rất trẻ, nhưng dường như những người trẻ chưa bao giờ được kêu gọi để gánh vác những trách nhiệm to lớn đến vậy.
"Người đàn ông oxy"
Khi đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ ngày càng trở nên khủng khiếp hơn thì nhiều người đã tình nguyện tham gia cùng cộng đồng chống dịch.
Tại khu ổ chuột ở Mumbai, Shanawaz Shaikh đã cung cấp oxy miễn phí cho hàng nghìn người.
Shanawaz Shaikh (phải) đã cung cấp oxy miễn phí cho hàng nghìn người. Ảnh: AFP
Được biết đến với biệt danh "người đàn ông oxy", người đàn ông 32 tuổi này đã bán chiếc ô tô SUV yêu thích của mình vào tháng 6 năm ngoái để tài trợ cho sáng kiến trợ giúp cộng đồng sau khi người em họ đang mang thai của bạn anh chết trên một chiếc xe kéo trong lúc cố gắng tìm cách để nhập viện.
"Cô ấy chết vì không được cung cấp oxy kịp thời", Shaikh nói với AFP.
Shaikh cho biết, anh không bao giờ mong đợi mình sẽ đáp ứng nhiều yêu cầu trợ giúp đến vậy sau gần một năm bắt tay vào việc. "Chúng tôi từng nhận được khoảng 40 cuộc gọi mỗi ngày vào năm ngoái, giờ đây con số này là 500".
Bản thân đội ngũ bao gồm 20 tình nguyện viên của Shaikh cũng đang phải chiến đấu với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng - một phần do những kẻ trục lợi gây ra.
"Đó là thử thách với đức tin của con người", Shaikh nói và mô tả việc anh đôi khi phải đi hàng chục km để mang nguồn oxy tới cho những bệnh nhân đang tuyệt vọng. "Khi tôi có thể giúp được ai đó, tôi cảm thấy nước mắt chực trào ra".
Áp lực với các tình nguyện viên
Kỹ sư phần mềm Umang Galaiya nói với AFP rằng trong khi các thành phố lớn đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề thì cho đến nay, những hạn chế về công nghệ đang trở nên rõ ràng khi SARS-CoV-2 xâm nhập các thị trấn và làng mạc nhỏ hơn.
Galaiya cho biết, nhiều người dùng nền tảng truyền thông xã hội để tìm kiếm nguồn cung y tế. Nắm bắt nhu cầu này, Galaiya đã phát triển một ứng dụng có thể giúp mọi người tìm thấy thứ họ cần dễ dàng hơn và điều quan trọng là ứng dụng giúp họ giới hạn tìm kiếm những nguồn lực đã được xác minh.
Nhưng ngay cả như vậy, ứng dụng hữu ích của Galaiya cũng chẳng thể giúp gì cho những người dân bên ngoài các thành phố lớn, chàng trai 25 tuổi chia sẻ, trích dẫn ví dụ chính quê hương mình ở bang Gujarat - khu vực vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, có tỷ lệ sử dụng internet thấp.
"Nếu tôi tìm kiếm nguồn cung y tế ở Jamnagar thì chẳng có gì trên Twitter cả", Galaiya nói.
Galaiya cũng đề xuất ý tưởng đăng ký giường bệnh trực tuyến. Theo đó, cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật tự động theo thời gian thực. Điều này có thể giúp những bệnh nhân không mất thời gian phải chạy từ cơ sở y tế này sang cơ sở khác để tìm giường.
"Nếu chúng ta có thể làm điều đó cho các rạp chiếu phim để tránh tình trạng quá tải thì tại sao chúng ta lại không thể làm điều tương tự ở các bệnh viện?", Galaiya đặt câu hỏi.
Tràn đầy nhiệt huyết nhưng Galaiya cũng không khỏi lo ngại khi nỗ lực của những người trẻ khó bền vững khi họ phải đảm nhận khối lượng công việc quá lớn. Galaiya chỉ ra rằng khi những tình nguyện viên bị quá tải tự bản thân họ sẽ cạn kiệt năng lượng, đặc biệt khi dịch bệnh tàn phá thành phố của họ không có dấu hiệu bị đẩy lùi.
Những tổn thương khi phải đối mặt với bệnh tật và cái chết hàng ngày đã bắt đầu bộc lộ rõ.
"Chúng em làm việc rất chăm chỉ nhưng không thể cứu được tất cả mọi người", Prasad run run khi nói về nỗ lực cứu sống một cụ bà 80 tuổi mắc Covid-19 bất thành.
Mặc dù nhóm của Prasad có sắp xếp các buổi giao lưu trực tuyến để chia sẻ, thư giãn và dành thời gian nghỉ ngơi, nhưng thực tế là căng thẳng chẳng thể nào tan biến.
"Cha mẹ em thực sự lo lắng về điều đó. Nhưng khi bạn bè cần đến sự giúp đỡ thì họ đều tìm đến em", Prasad chia sẻ.
Chính phủ Ấn Độ cho phép nhập khẩu thiết bị y tế Ấn Độ đã cho phép nhập khẩu các thiết bị y tế thiết yếu, đặc biệt là thiết bị oxy nhằm chống chọi với dịch COVID-19 đang hoành hành tại nước này. Xe cứu thương chở bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters/TTXVN Trong thông báo ngày 29/4, Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Goyal cho biết...