Ấn Độ: Bùn đã tràn vào tàu ngầm gặp nạn
Hai ngày sau vụ nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak, các nhân viên cứu hộ của hải quân Ấn Độ đã cố gắng bằng mọi cách để vào được bên trong con tàu đang bị chìm nhưng không thành. Trong khi đó, một lượng lớn nước bùn đã tràn vào trong tàu, làm giảm tầm nhìn.
Tàu ngầm INS Sindhurakshak đã bị chìm sau vụ tai nạn.
Tàu ngầm INS Sindhurakshak, chiếc hiện đại nhất trong số các tàu ngầm Kilo mua của Nga đang phục vụ trong hải quân Ấn Độ, hiện đang bị chìm sâu 3 mét dưới nước tại bến tàu hải quân Colaba ở thành phố Mumbai sau hàng loạt vụ nổ vào sáng sớm ngày 14/8.
Các chuyên gia cho hay sự trì hoãn trong việc tiếp cận bên trong con tàu là do hải quân Ấn Độ không được chuẩn bị trước cho một thảm họa lớn.
Hải quân cho biết một lượng lớn nước bùn đã tràn vào tàu INS Sindhurakshak, làm giảm tầm nhìn. Sức nóng của vụ nổ cũng làm tan chảy các phần bên trong con tàu 16 năm tuổi, làm biến dạng các cửa hầm và cản trở việc tiếp cận các buồng trên tàu.
Lực lượng cứu hộ cố gắng tiếp cận bên trong tàu nhưng chưa thành công.
Các chiến dịch cứu hộ hôm qua đã gặp trở ngại. Các thợ lặn hải quân ban đầu cố gắng vào bên trong tàu ngầm bằng cách cắt nóc tàu nhưng không thành. Sau đó, họ cố gắng vào bên trong thông qua phần đuôi nhưng cũng không thu được kết quả.
Cùng đó, các nỗ lực cũng được thực hiện nhằm cho tàu ngầm INS Sindhurakshak nổi trở lại, nhưng việc thiếu trang thiết bị khiến công việc này trở nên khó khăn, các chuyên gia cho biết.
Video đang HOT
Thủy triều thay đổi cũng đã làm cản trở công tác cứu hộ.
Theo các nhà phân tích quốc phòng, nỗ lực cứu hộ của hải quân đang diễn biến chậm do thiếu sự thành thạo trong việc thực hiện một chiến dịch như vậy.
“Công tác cứu hộ đang gặp trở ngại do thiếu các thợ lặn có đủ kinh nghiệm trong việc sử dụng máy cắt bằng hơi và các các loại máy móc cần thiết khác để phá các cửa hầm bị kẹt”, một chuyên gia nhận định.
Vụ tai nạn đối với tàu ngầm INS Sindhurakshak đã phủ bóng lên các hoạt động mừng lễ Độc lập của Ấn Độ.
Trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh Ấn Độ (15/8) tại quảng trường lịch sử Pháo đài Đỏ ở New Delhi, Thủ tướng Manmohan Singh đã vinh danh các thủy thủ thiệt mạng.
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi mất tàu ngầm INS Sindhurakshak trong một vụ tai nạn. 18 thủy thủ dũng cảm được cho là đã hi sinh”.
“Vụ tai nạn càng đau thương hơn vì hải quân gần đây đã đạt được 2 thành tựu lớn trong việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân đầu tiên, INS Arihant, và tàu sân bay tự chế INS Vikrant”, ông Singh nói.
Gia đình các thủy thủ ngóng chờ từng phút
Tư lệnh hải quân Ấn Độ, Đô đốc D K Joshi (trái), và Bộ trưởng quốc phòng A K Antony (giữa) thị sát hiện trường vụ tai nạn ngày 15/8.
Hải quân Ấn Độ ngày 15/8 đã công bố tên của 18 thủy thủ mất tích của tàu INS Sindhurakshak. Một trong số họ, Liju Lawrence, 29 tuổi, mới kết hôn hôm 5/6 và dự định sắp trở về nhà.
“Liju và người vợ Sowmya đã lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ trăng mật và đặt vé vào tháng tới. Nhưng thảm họa đã xảy ra”, ông Ressilian, cha của Sowmya, nói.
Sự lo lắng của gia đình 18 thủy thủ bị mắc kẹt trên tàu, và được tin là đều đã thiệt mạng, càng lớn dần khi thời gian trôi qua. Người nhà một số thủy thủ vốn sống tại Mumbai đã phản đối việc thiếu cập nhật thông tin thường xuyên về vụ việc.
Gia đình hầu hết các thủy thủ hiện đang tụ tập tại doanh trại hải quân ở Mumbai. Hôm qua, các gia đình đã tập trung bên ngoài một văn phòng hải quân ở Mumbai, yêu cầu cập nhật thông tin về chiến dịch cứu hộ. Tuy nhiên, các quan chức không cho phép người thân các thủy thủ vào thăm địa điểm tai nạn.
Những người thân khác chờ đợi thông tin từ lực lượng cứu hộ suốt 24 giờ. “Họ nói với chúng tôi rằng rất mạo hiểm khi vào bên trong tàu. Vụ nổ xảy ra trong một tàu ngầm chở đầy vũ khí. Các quan chức hải quân cũng đang gặp phải những rủi ro lớn trong việc tiến hành công tác cứu hộ. Họ không muốn mất thêm người trong thảm họa này”, K Krishnadas, cha của một trong những thủy thủ mất tích, Vikas E, cho hay.
Trước đó, vào sáng sớm ngày 14/8, tàu ngầm INS Sindhurakshak đã phát nổ và bốc cháy khi đang neo đậu tại cảng hải quân ở thành phố Mumbai. 18 thủy thủ đã bị mắc kẹt trên tàu và được cho là đều thiệt mạng. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy xác thủy thủ nào.
Theo Dantri
Ấn Độ sắp chạy thử tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên
Ấn Độ sắp đưa vào chạy thử tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên, điều được Thủ tướng Manmohan Singh gọi là "bước tiến vĩ đại" về phát triển năng lực kỹ thuật của nước này.
Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo INS Arihant.
Thủ tướng Manmohan Singh hôm qua nói rằng tàu ngầm tự tạo đầu tiên của Ấn Độ INS Arihant đã sẵn sàng chạy thử trên biển, một bước chuẩn bị trước khi đưa tàu vào hoạt động chính thức.
Ông mô tả đây là "một bước tiến vĩ đại trong quá trình phát triển các năng lực kỹ thuật to lớn của Ấn Độ", đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ sớm được thấy tàu INS Arihant đi vào hoạt động.
Tàu INS Arihant (Hủy diệt kẻ thù) nặng 6.000 tấn, dài 112 m và được Ấn Độ công bố năm 2009 trong một phần của dự án chế tạo 5 tàu hạt nhân.
Khi đó, Thủ tướng Manmohan Singh đã ca ngợi đây là một "cột mốc lịch sử trong việc củng cố khả năng sẵn sàng phòng vệ của đất nước", nhưng đồng thời khẳng định việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân này không nhằm "gây thù, chuốc oán" với bất kỳ quốc gia nào.
"Chúng tôi không có ý gây hấn hay đe dọa bất cứ ai mà chỉ muốn thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước và bắt kịp với những tiến bộ công nghệ của thế giới", ông nói trong buổi lễ giới thiệu tàu INS Arihant tại cảng hải quân Matsya ở Vishakapatnam.
"Chúng ta tìm kiếm một môi trường hòa bình trong khu vực của chúng ta và hơn cả thế là điều này phù hợp với sự phát triển hòa bình, góp phần bảo vệ các hệ thống giá trị của chúng ta", Thủ tướng Singh nói thêm.
Tàu INS Arihant được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân công suất 85 megawatt, có thể đạt vận tốc 24 hải lý/giờ và mang theo 95 thành viên thủy thủy đoàn. Tàu được trang bị nhiều ngư lôi và tên lửa, trong đó có 12 tên lửa đạn đạo.
Với việc công bố và nay sắp cho chạy thử tàu ngầm hạt nhân này, Ấn Độ đã tự hoàn thiện được các năng lực phòng vệ hạt nhân cả ở trên bộ, trên không và trên biển, qua đó nâng cao đáng kể vị thế chiến lược trong khu vực vốn đang chứng kiến sự nổi lên gây nhiều mâu thuẫn của Trung Quốc.
Việc đóng 4 tàu ngầm hạt nhân còn tại trong dự án cũng đã được chính phủ Ấn Độ bắt đầu khởi động và sẽ được phiên chế vào lực lượng hải quân trong vài năm tới.
Ấn Độ chính thức gia nhập câu lạc bộ các nước có tàu ngầm hạt nhân với Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh và Nga sau khi đưa một tàu ngầm thuê của Nga vào hoạt động từ năm 2012.
Theo Dantri
Ảnh độc: Xác tàu ngầm Kilo của Ấn Độ sau vụ nổ Những hình ảnh đầu tiên về xác của chiếc tàu ngầm Kilo mang tên INS Sindhurakshak của Hải quân Ấn Độ sau vụ nổ đã được truyền thông nước này công bố. Những hình ảnh mới nhất về vụ nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak của Ấn Độ cho thấy, con tàu đã bị chìm ngay tại cầu cảng, nơi mà trước đó nó...