Ấn Độ: Bị đám đông đánh chết vì tin đồn ăn thịt bò
Một người đàn ông Hồi giáo 50 tuổi ở Ấn Độ bị đám đông đánh đập đến chết vì có tin đồn ông ta ăn thịt bò.
Nhiều bang ở Ấn Độ cấm ăn thịt bò – Ảnh: AFP
Ông Mohammad Akhlaq bị lôi ra khỏi nhà ở ngoại ô thủ đô New Delhi (Ấn Độ) và bị khoảng 100 người vây đánh vào tối 28.9, ông Kiran S, một sĩ quan cảnh sát Ấn Độ cho AFP biết ngày 30.9.
“Khi cảnh sát có mặt hiện trường, họ phát hiện đám đông ngoài căn nhà của ông Akhlaq. Cảnh sát cố giải cứu, đưa ông Akhlaq đến bệnh viện cấp cứu, nhưng không cứu được tính mạng của ông. Chúng tôi đã bắt giữ 6 người và triển khai thêm lực lượng điều tra, bắt thêm những đối tượng khác có liên quan”, ông Kiran cho biết.
Đứa con trai 22 tuổi của ông Akhlaq cũng bị thương nặng trong vụ tấn công và đang nằm bệnh viện điều trị.
Đa số người dân Ấn Độ theo đạo Hindu hay Ấn Độ giáo vốn kiêng thịt bò. Nhiều bang ở Ấn Độ cấm giết mổ và ăn thịt bò.
Tin đồn gia đình ông Akhlaq ăn thịt bò được phát tán sau khi một con bò mất tích ở làng Dadri, cách thủ đô New Delhi khoảng 35 km.
Video đang HOT
Con gái của ông Akhlaq tên Sajida cho biết gia đình trữ thịt cừu trong tủ lạnh chứ không phải thịt bò. “Người dân trong làng tố cáo chúng tôi ăn thịt bò, đạp cửa xông vào nhà đánh đập cha và anh tôi. Cha tôi bị lôi ra khỏi nhà và bị đám đông đánh đập và ném đá”, Sajida cho hay.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Những cô gái trẻ Nepal bị bán vào "động quỷ"
Làn sóng những cô gái trẻ Nepal bị bán làm gái mại dâm ở nước ngoài gia tăng sau thảm họa động đất kinh hoàng vào tháng 4 vừa qua.
Sunita Duanwar, người đứng đầu một tổ chức từ thiện ở Nepal từng bị bán vào nhà chứa ở Mumbai khi mới 14 tuổi
Các nhà hoạt động xã hội cho biết, phần lớn những cô gái trẻ bị bán đến Ấn Độ, hiện có khoảng 200.000 gái mại dâm Nepal làm việc trong các nhà thổ ở Ấn Độ.
Cánh cửa của nghèo đói và sự tuyệt vọng
Cảnh sát Ấn Độ cho biết, vào tháng 7-2015, họ đã bắt giữ hai kẻ buôn người đưa 250 phụ nữ trẻ từ Nepal đến làm việc như nô lệ ở khu vực vùng Vịnh. Trước đó, cảnh sát Ấn Độ đã giải cứu 21 phụ nữ trẻ khi họ chuẩn bị đáp chuyến máy bay đến Dubai.
Những cô gái đến từ huyện Shindhupalchowk, phía Đông Thủ đô Kathmandu - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa động đất đang trở thành vùng đất "đầy tiềm năng" của các băng nhóm buôn người. "Những cô gái được hứa hẹn sẽ có việc làm ở vùng đất mới.
Cha mẹ cũng tin rằng, các em sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nên chấp nhận chi khoản tiền 15.000 Rupee cho các băng nhóm buôn người để làm hộ chiếu", Sunita Duanwar, người đứng đầu một tổ chức từ thiện ở Nepal nói.
Nepal từ lâu đã được coi là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ buôn người tìm kiếm nô lệ thời hiện đại. Theo thống kê của Liên hợp quốc, ước tính số 228.700 người Nepal đang trở hành nô lệ thời hiện đại tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Một báo cáo công bố năm 2013 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, khoảng 7.000 phụ nữ và trẻ em được đưa đến Ấn Độ làm việc trong các nhà thổ mỗi năm. Sunita Duanwar cho biết, sau thảm họa động đất ở Nepal, vấn đề đã trở nên nghiêm trọng bởi các gia đình đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng và cần tiền để trang trải cuộc sống.
"Nhiều gia đình trở nên tuyệt vọng sau động đất. Chúng tôi lo ngại rằng, ngày càng nhiều những cô gái trẻ ở vùng quê nghèo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của thảm họa sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của tội phạm buôn người", Sunita Duanwar nói.
Theo báo cáo chính thức từ các cơ quan chức năng Nepal, chỉ có 15 vụ buôn người trong tháng 4 và tháng 5-2015 kể từ sau khi xảy ra động đất. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này có thể cao hơn nhiều. Theo tổ chức từ thiện Tiny Hands International, hầu hết những cô gái trẻ bị bán làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ ở Ấn Độ, hoặc khu vực vùng Vịnh. Một số đã xuất hiện trong trong các quán bar ở Tanzania.
Nạn nhân ngày càng trẻ hóa
Sunita Duanwar, 36 tuổi, người đứng đầu quỹ từ thiện giúp đỡ những nạn nhân bị bán ra nước ngoài làm gái mại dâm cũng từng mắc kẹt trong một nhà chứa ở Mumbai (Ấn Độ) khi mới 14 tuổi. "Tôi bị buộc phải phục vụ 30 người đàn ông mỗi ngày, bảy ngày một tuần. Vào dịp nghỉ lễ, tôi thậm chí phải tiếp 50 khách. Đó là những cơn ác mộng của cuộc đời tôi. Có khi vừa chợp mắt, tôi đã bị lôi dậy tiếp khách", Sunita Duanwar kể lại.
Sunita Duanwar là một trong những người may mắn trốn thoát khỏi "động quỷ" và cô quyết định dành trọn cuộc đời mình cứu những cô gái trẻ khác rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Sunita cho biết, với sự giúp đỡ của tổ chức từ thiện Tiny Hands International, cô và các đồng nghiệp đã kịp thời giải cứu 9 cô gái ở tuổi 16-19 chỉ vài phút trước khi họ vượt qua biên giới. "Hộ chiếu của những cô gái trẻ ghi rõ, họ sẽ đến nước thứ ba qua Ấn Độ", Sunita nói.
Theo Sunita, các cô gái bị bán vào động mại dâm ngày càng trẻ hóa. Để đối phó với các cơ quan chức năng, những cô gái sẽ được những kẻ buôn người cung cấp giấy tờ giả. "Tình trạng ngày càng trở nên nghiêm trọng, nạn nhân ngày càng trẻ hóa trong khi chính quyền thiếu những hành động kiên quyết.
Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề là việc thực hiện pháp luật còn yếu. Mặc dù nạn buôn người xảy ra khá phổ biến nhưng lại rất ít đối tượng bị kết án", Sunita nói.
Buôn bán người đang trở thành lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận bùng nổ trên toàn cầu. Theo một nghiên cứu chuyên sâu của tổ chức từ thiện bảo vệ quyền con người ở Nepal cho biết, ước tính, nạn buôn người có thể mang lại doanh thu từ 6 tỷ USD đến 21 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu. 80% nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ, 50% trong số đó là trẻ em. Khoảng 80% những người bị bán làm nô lệ tình dục dưới 24 tuổi, thậm chí có trẻ em mới lên 6. Khoảng 30.000 nạn nhân bị bán làm gái mại dâm chết mỗi năm vì bị lạm dụng, bệnh tật và tra tấn.
Theo T. Phạm (tổng hợp)
Ấn Độ truy lùng nghi phạm tàng trữ chất nổ trong nhà hàng Cảnh sát Ấn Độ đang săn lùng một nghi phạm để chất nổ trái phép trong một toà nhà ở miền trung nước này, làm hơn 100 người chết. Hiện trường vụ nổ nhà hàng Ấn Độ làm hơn 100 người chết. Ảnh: AP Nghi phạm Rajendra Kasawa đang chạy trốn cùng những người anh em kể từ hôm qua, Seema Alava, quan...