“Ăn đi để làm gì?”
Em và người yêu quan nhau đã 3 năm, gần đây mới có điều kiện đi chơi xa với nhau. Có thể nói chúng em rất hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và có ý muốn tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, do cuộc sống của hai đứa chưa ổn định nên chưa cưới.
Thời gian gần đây, mỗi lần đi chơi riêng với nhau, anh ấy hay đòi hỏi và năn nỉ em “vượt rào”. Lý do là trước sau gì cũng cưới, hơn nữa chúng em quen nhau cũng đã khá lâu. Em thử hỏi một vài người bạn, cả những người lớn tuổi về việc có nên “ăn cơm trước kẻng”, nhiều người cho rằng trước hay sau có gì khác nhau, “ăn đi chớ để làm gì” cho nó mốc meo, sau này ân hận.
Tuy nhiên, có một người, lại là nam, khuyên em không nên dễ dãi vì “đàn ông coi vậy mà hỏng phải vậy”. Khi quen bạn gái, gã đàn ông nào cũng muốn chiếm đoạt nhưng khi lấy vợ thì lại đi tìm những cô gái còn nguyên si. Em thấy ý của bạn này cũng hợp lý và đáng tin cậy nhưng khi kể với người yêu thì anh ấy cho rằng “thằng đó bị hâm”.
Tại sao cùng một vấn đề mà nhiều ý kiến trái chiều như vậy? Thú thật là em cũng sờ sợ mỗi khi bị người yêu “rủ rê, dụ dỗ”, có lần em cũng suýt chịu thua nhưng do cái sợ lấn át sự ham muốn nên em dừng lại được. Như vậy, em phải làm sao vì “9 người, 10 ý”?
Video đang HOT
lyhuong…@gmail.com
Bạn thân mến,
Cái chuyện “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” là kinh nghiệm ông cha ta đã đúc kết rồi. Muốn không bị “cháy” chỉ có mỗi một cách là không được đem hai thứ đó để gần nhau. Tuy nhiên, nói thì nói vậy chớ trong tình yêu trai gái có những điều mà không ai có thể nói chắc chắn được.
Trong thời đại hiện nay, có rất nhiều vấn đề “phức tạp” đối với những đôi lứa đang yêu nhau. Nếu như ngày xưa, có khi đến lúc cưới, cô dâu chú rể mới biết mặt thì ngày nay mọi sự đã khác: Những người yêu nhau có thể gặp gỡ nhau hằng ngày, nói chuyện điện thoại, nhắn tin hàng giờ, lên mạng chát chít liên tục…
Đặc biệt, với cái nhìn khá thông thoáng về chuyện yêu đương, trai gái như hiện nay thì việc hai người không phải vợ chồng nhưng vẫn vượt qua giới hạn là khá phổ biến. Thậm chí đối với nhiều cặp đôi, quan hệ tình dục trước hôn nhân là chuyện tất nhiên phải làm để kiểm chứng xem đối tác của mình bản lĩnh đến đâu, có thật sự “không có vấn đề gì về giới tính” hay không?
Tuy nhiên, theo nhiều người trong cuộc, quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng có lắm điều phiền toái, nhất là về phía các bạn nữ. Khi được hỏi, nhiều chị em cho biết họ hoàn toàn bị động, không thể chống trả trước đòi hỏi mãnh liệt của đối phương nên cuối cùng chỉ còn biết… xếp giáp quy hàng chứ bản thân người con gái rất hiếm khi chủ động khiêu khích để “khám phá” xem bạn trai của mình mạnh yếu thế nào!
Điều đó cho thấy việc đòi hỏi quan hệ tình dục thường là thuộc về đàn ông, còn việc người phụ nữ cho hay không… cũng thuộc về họ luôn bởi họ có sức mạnh thể lực lẫn ý chí, tình cảm để khiến bạn gái xiêu lòng.
Trở lại vấn đề bạn đang phân vân: Quan hệ tình dục trước hay để dành cho ngày cưới là quyền tự do của mỗi người. Tuy nhiên, nếu các bạn nữ biết được thông tin này thì hẳn sẽ giật mình: Nhiều cuộc khảo sát, phỏng vấn dành cho nam giới về vấn đề hôn nhân đã nhận được câu trả lời: Tuyệt đại đa số các anh đều mong muốn người vợ của mình còn “nguyên si cái ngàn vàng” khi về nhà chồng.
Chị em thấy mâu thuẫn không? Mâu thuẫn quá đi chứ. Điều đó có nghĩa trong nhận thức của các anh đã có sự “phân biết đối xử” giữa “còn nguyên” và “đã mất”! Chưa kể những thiệt hại cả thể xác lẫn tinh thần mà các bạn nữ phải gánh chịu khi lỡ “cho đi cái quý nhất của người con gái” thì nhận thức của giới mày râu về vấn đề này cũng khiến chị em bị tổn thương. Nếu các anh xem quan hệ tình dục là đỉnh cao của tình yêu thì trước hay sau không quan trọng lắm nhưng với người muốn “thử xem cô nàng ấy như thế nào” thì rất nguy hiểm.
Tóm lại, trong chuyện này không thể khuyên bạn nên “cho” hay nên “giữ” vì chỉ có bạn mới biết chọn lựa nào tốt hơn. Tuy nhiên, có lẽ bạn nên lưu tâm đến ý kiến của người bạn trai vì anh ấy sẽ khách quan hơn người yêu của bạn. Còn cái chuyện ai đó khuyên bạn “ăn đi chớ để làm gì” thì chẳng qua họ không phải người trong cuộc, họ đâu phải gánh chịu hậu quả nên cứ nói như vậy thôi.
Bản thân bạn cũng thấy “sờ sợ mỗi khi bị người yêu “rủ rê, dụ dỗ” có nghĩa là bạn cũng không muốn điều đó xảy ra. Vậy nên, để đề phòng bất trắc về sau, có lẽ bạn đừng mang đống rơm để cạnh ngọn lửa bởi chắc chắn sau vài lần gió thổi tạt qua, tạt lại, ngọn lửa sẽ “táp” vào đống rơm và… gây ra cháy nổ.
Theo VNE