Ăn cam, uống vitamin C phòng dịch Covid-19: Bao nhiêu là đủ?
Việc bổ sung dưỡng chất cho cơ thể cần đảm bảo vừa đủ theo khuyến cáo thì mới đem lại hiệu quả cao nhất, cũng như tránh gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Để đối phó với dịch Covid-19, bên cạnh những nguyên tắc đảm bảo an toàn như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn, hạn chế đến những nơi đông người, thì việc tự tăng cường hệ thống phòng thủ của cơ thể, ở đây chính là hệ miễn dịch, trước sự tấn công virus corona là yếu tố hết sức quan trọng.
Ăn cam, uống vitamin C có thể coi là phương pháp tăng cường sức đề kháng quen thuộc và được áp dụng phổ biến nhất của người Việt. Ghi nhận thực tế cũng cho thấy rằng, nhu cầu mua cam đã tăng vọt kể từ khi dịch Covid-19 hoành hành. Vì vậy, dù chưa đến mùa nóng nhưng loại quả này đã trở thành một mặt hàng “đắt như tôm tươi”.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tằng, việc bổ sung dưỡng chất cho cơ thể cần đảm bảo vừa đủ theo khuyến cáo thì mới đem lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, trong trường hợp bổ sung vitamin C dưới dạng liều cao (viên uống, viên sủi) cần đặc biệt chú ý, bởi cơ thể hấp thu quá nhiều có thể dẫn đến những tác động tiêu cực cho sức khỏe.
Bổ sung vitamin C bằng cam và viên uống tổng hợp như thế nào là hợp lý?
Lượng thực phẩm cần sử dụng trong một ngày để có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng và các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể, đã được quy định rất rõ trong các tháp dinh dưỡng, do Viện Dinh dưỡng quốc gia xây dựng riêng cho 6 nhóm đối tượng. Do đó, có thể căn cứ vào tháp dinh dưỡng để có cân đối cách bổ sung dưỡng chất, trong trường hợp này là vitamin C.
Theo PGS, TS Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia, vitamin C có tác dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon (loại protein chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch). Đây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập.
Video đang HOT
Nhu cầu vitamin C khuyến cáo cho người trưởng thành là 100 mg/ngày. Nếu tính cả sự hao hụt qua quá trình chế biến (tới 50%), cũng chỉ cần 200 mg/ngày.
Vitamin C có rất nhiều trong các loại rau, với hàm lượng khoảng 50-100 mg/100 g rau, ví dụ rau cải ngọt: 78.4 mg; rau súp- lơ: 88,1 mg, rau dền đỏ: 89 mg; rau đay: 77 mg… và các loại quả chín nói chung, như bưởi: 95 mg; cam: 40 mg, đu đủ: 54 mg. Như vậy, nếu ăn đủ theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng là 3-4 đơn vị rau củ (tương đương 3-4 lưng bát rau), và 300g quả chín/ngày, sẽ cung cấp đủ nhu cầu vitamin C và các vitamin cùng khoáng chất khác.
PGS, TS Bùi Thị Nhung lưu ý về việc bổ sung vitamin C liều cao: “Vitamin C liều cao dạng viên sủi (1000 mg/ngày) chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, khi bị bệnh và theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng nhiều hơn nhu cầu khuyến nghị, cơ thể cũng phải đào thải và lâu dài có nguy cơ sỏi thận”.
Đặc biệt, theo chuyên gia này, mọi người không nên chỉ tập trung vào việc bổ sung vitamin C, bởi còn có nhiều loại vitamin và khoáng chất khác cũng đóng vai trò tăng cường hệ miễn dịch như: vitamin A, D, E, sắt, kẽm, selen và các chất chống oxy hóa như flavoniod.
Đáng chú ý, theo PGS, TS Bùi Thị Nhung, vitamin D là một loại vi chất mà chúng ta thường thiếu trong mùa đông, nên mọi người cần quan tâm hơn đến việc bổ sung vi chất này: “Vitamin D có vai trò quan trọng trong chống nhiễm khuẩn, tăng cường miễn dịch. Vitamin D chỉ có khoảng 10-15% trong thực phẩm, còn lại 85-90% được tổng hợp khi da tiếp xúc với ánh mặt trời”.
Do đó, mọi người cần phơi nắng, để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời (ánh nắng nhẹ) khoảng 15-25 phút mỗi ngày có thể tổng hợp 5.000-10.000 UI vitamin D. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như: gan, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bữa ăn hàng ngày.
Minh Nhật
Chăm sóc "hệ thống phòng thủ" tự nhiên
Hệ miễn dịch khỏe mạnh là một trong những vũ khí quan trọng nhất để chống lại các căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như Covid-19
Hệ miễn dịch mạnh liên quan đến nhiều thứ như: cách bạn ăn, ngủ, tập luyện, sinh hoạt...
Ăn những thực phẩm giàu vitamin
Trong vấn đề dinh dưỡng, con người thường được khuyên đừng quên chăm uống cam, chanh để tăng cường sức đề kháng trong việc phòng bệnh lẫn trong giai đoạn chữa bệnh. Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa (CK) II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành Phố, đó là vì vitamin C quan trọng cho hệ miễn dịch nhưng không có nghĩa không cần bổ sung các vitamin khác.
"Thực ra mỗi loại vitamin có giá trị nhất định đối với hệ miễn dịch - sức đề kháng của con người" - BS Tiến nhấn mạnh. Vitamin C đứng đầu bảng vì nó là chất cần thiết cho nhiều hoạt động của hệ miễn dịch, ví dụ như tăng cường sản xuất interferon giúp chống lại một số virus, như virus gây cúm mùa, giúp thành mạch và các niêm mạc khỏe mạnh.
Vitamin A lại giúp hệ thống niêm mạc đường hô hấp khỏe mạnh, vì vậy nếu được bổ sung đầy đủ, bạn sẽ giảm nguy cơ đối với các bệnh đường hô hấp. Vitamin A cũng giúp tăng cường miễn dịch. Vitamin nhóm B cần thiết cho hệ tiêu hóa và các hoạt động thần kinh. Hệ thần kinh là cơ quan điều phối các hoạt động của cơ thể, bao gồm hệ nội tiết, hệ miễn dịch...
Vitamin D cần thiết để bạn có hệ xương chắc khỏe, điều kiện cần thiết để dễ dàng tập thể dục và vận động linh hoạt, qua đó giúp tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin E nổi tiếng với khả năng chống ôxy hóa, giúp các tế bào được khỏe mạnh, từ đó cũng tăng cường hệ miễn dịch.
"Đừng quá chăm chú vào chỉ một loại vitamin vì quá thừa cũng không tốt. Cách tốt nhất để không thiếu, không thừa là bổ sung bằng cách ăn những thực phẩm giàu vitamin. Nếu bạn không biết cái nào giàu vitamin gì thì chỉ cần nhớ một nguyên tắc duy nhất: ăn nhiều và đa dạng các loại rau củ, trái cây và chịu khó phơi nắng sớm!" - BS Nguyễn Minh Tiến khuyên.
Người lớn tuổi cần thường xuyên tập thể dục vừa sức trong công viên lúc sáng sớm, khi nắng còn nhẹ sẽ giúp cơ thể gia tăng sức đề kháng trong mùa dịch bệnh. (Ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đừng nghĩ mình yếu!
BSCK II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Thống Nhất (TP HCM), cho biết ngay cả người lớn tuổi, người có bệnh nền làm hệ miễn dịch suy yếu, vẫn có cách để cơ thể khỏe mạnh hơn.
"Đó là một chế độ dinh dưỡng cân bằng, nhiều rau và trái cây, uống đủ nước, tập thể dục vừa sức và thường xuyên, kèm với việc quản lý bệnh nền thật tốt" - BS Anh Vũ tư vấn. Bệnh nền đường hô hấp như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính khiến bạn dễ nặng hơn khi bị viêm hô hấp cấp, đái tháo đường làm suy giảm miễn dịch... Càng có bệnh càng phải cố gắng cẩn trọng. Trong mùa dịch bệnh phải tránh đám đông thì hãy chuyển sang tập thể dục trong nhà, trong vườn, trong công viên vắng, sáng sớm khi nắng còn nhẹ.
Ngoài ra, người lớn tuổi hay mất ngủ ban đêm nhưng lại cảm thấy dễ ngủ ban ngày, ví dụ buổi trưa. Hãy cứ ngủ theo nhu cầu cho đủ 8 tiếng/ngày.
BS Trương Quang Anh Vũ nhấn mạnh: "Không nên suy nghĩ người lớn tuổi là yếu, người trẻ thì khỏe nên cứ chủ quan. Một người trẻ mà sống thiếu lành mạnh, ăn uống không điều độ, lười vận động thì khả năng miễn dịch vẫn có thể kém hơn người cao tuổi khỏe mạnh, chơi thể thao đều đặn, dinh dưỡng tốt".
Tương tự với 2 đối tượng được cho là khả năng đề kháng yếu là thai phụ và trẻ sơ sinh. Theo BSCK II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP HCM), cần cẩn thận chứ không nên sợ hãi, thai phụ chú ý tránh đám đông, rửa tay thường xuyên, đừng ru rú trong phòng. Thai phụ, sản phụ và trẻ sơ sinh cần phơi nắng một chút vào mỗi sáng và giữ chỗ ở được thông thoáng, sạch sẽ.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), lưu ý các bà mẹ nên cho con tiêm ngừa. Hiện nay, có nghiên cứu cho rằng khi tiêm những vắc-xin sống như vắc-xin sởi sẽ tạo ra miễn dịch chéo, giúp trẻ em (nhất là trẻ dưới 9 tuổi) tránh bị nhiễm virus corona mới. Trẻ em mới tiêm tác dụng mạnh, người lớn đã tiêm quá lâu nên miễn dịch chéo nếu có đã giảm nhiều. Tuy nhận định trên vẫn còn chờ nghiên cứu hoàn thiện thêm nhưng việc cho trẻ đi tiêm ngừa là điều nên làm ngay, vì bệnh sởi hiện vẫn là mối nguy lớn cho trẻ.
Cần tiêm vắc-xin đầy đủ
Theo BSCK II Nguyễn Minh Tiến, nhiều người không dám đi tiêm vắc-xin vì sợ sẽ bị sốt (nhất là với trẻ nhỏ) khi đó cơ thể sẽ yếu, nguy hiểm hơn trong mùa dịch Covid-19. Đây là suy nghĩ không đúng, ngược lại tiêm đủ thì hệ thống miễn dịch cơ thể mới khỏe. Ví dụ, tiêm cúm, thủy đậu... tuy không ngừa được virus corona mới nhưng sẽ giúp bạn hoặc trẻ không bị cúm, thủy đậu trong mùa dịch. Nên nhớ người đang có bệnh là đối tượng dễ bị các bệnh dịch tấn công nhất.
ANH THƯ
Theo Người lao động
Bí quyết chuyên gia giúp trẻ nhỏ tránh xa dịch bệnh Cho đến nay, nhiều trường hợp trẻ em nhiễm virus Covid - 19 (nCoV) đã được ghi nhận. Các bà mẹ lo lắng gửi thư về tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống Cuối tuần hỏi nên làm gì để bảo vệ cho con trẻ? Có nên bổ sung vitamin C không? Cho trẻ uống các loại vitamin nào? Ăn gì để...