Ăn bún thịt nướng nuốt luôn tăm tre, bé 14 tuổi bị đâm thủng ruột
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa phẫu thuật nội soi lấy thành công dị vật là chiếc tăm tre trong ổ bụng bệnh nhân T.H.S (14 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh). Đáng nói, sau gần 1 tuần bị đau âm ỉ, người bệnh chỉ tự mua thuốc uống vì nghĩ là đau dạ dày.
Hình ảnh chiếc tăm dị vật được lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Theo hồ sơ bệnh án, em S (14 tuổi), đến nhập viện Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM theo lịch hẹn để thực hiện phẫu thuật điều trị bệnh Thông liên thất bẩm sinh. Trong thời gian chờ phẫu thuật tim, người bệnh xuất hiện triệu chứng đau bụng âm ỉ quanh rốn liên tục, thỉnh thoảng kèm buồn nôn, không sốt. Theo em S, những dấu hiệu trên đã xuất hiện trước đó một tuần, nhưng do nghĩ rằng mình bị đau dạ dày nên S tự ý mua thuốc uống.
Khai thác thêm từ người bệnh, các bác sĩ nắm thêm tình trạng người bệnh có thói quen ăn nhanh, nuốt vội nhưng không nhai và ngậm tăm sau khi ăn.
Sau khi chụp CT – scan ổ bụng cho người bệnh, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD phát hiện một chiếc tăm dài khoảng 6cm đâm thủng ruột non, tạo khối áp xe trong ổ bụng. Em S không nhớ nuốt tăm khi nào, có lẽ trong một lần ăn bún thịt nướng. Người bệnh lập tức được phẫu thuật nội soi lấy dị vật và cắt bỏ đoạn ruột bị thủng kèm khối áp xe quanh dị vật. Sau đó, toàn bộ khối này được đưa ra ngoài qua lỗ mở bụng nhỏ 4cm.
Vì được phát hiện và phẫu thuật lấy dị vật kịp thời bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, nên sau mổ người bệnh phục hồi nhanh, có thể ăn uống, sinh hoạt như bình thường và xuất viện sau 5 ngày. Em S được hẹn tái khám sau 2 tuần để chắc chắn không còn tình trạng viêm nhiễm trong ổ bụng cũng như tại vết mổ. Sau đó, em sẽ được phẫu thuật điều trị bệnh tim.
TS BS. Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Người bệnh rất may mắn vì được phát hiện tình trạng viêm nhiễm ổ bụng một cách tình cờ khi khám định kỳ bệnh tim bẩm sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, que tăm người bệnh nuốt sẽ tiếp tục làm thủng thêm những quai ruột khác, làm lan rộng tình trạng nhiễm trùng ổ bụng và gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn đến tử vong.”
Cũng theo bác sĩ Thịnh, việc sử dụng tăm là một thói quen từ rất lâu của người Việt Nam. Thậm chí một số người còn có thói quen “ngậm tăm đi dạo”, vừa mất thẩm mỹ, mất vệ sinh, vừa nguy hiểm nếu lỡ nuốt phải. Nhiều nước đã thay thế dần tăm tre bằng các loại tăm tổng hợp, tự tiêu sau một khoảng thời gian, hoặc dùng các loại tăm chỉ hoặc chỉ nha khoa thay thế, vừa làm sạch được các mảng bám ở răng tốt hơn, vừa an toàn cho cộng đồng.
Video đang HOT
“Nếu lỡ nuốt phải tăm hay bất kì dị vật nào, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất kiểm tra và nội soi đường tiêu hóa để lấy dị vật càng sớm càng tốt, cũng như phát hiện những biến chứng kịp thời”, bác sĩ Thịnh nói.
Theo Danviet
Phương pháp mới điều trị Ung thư dạ dày
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) tổ chức Hội nghị Khoa học và Đào tạo năm 2018. Đây là sự kiện thường niên dành cho các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên lâm sàng, cận lâm sàng và nhân viên y tế cập nhật kiến thức, kỹ thuật y học tiên tiến và trao đổi kinh nghiệm với những chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.
TS.BS Võ Duy Long đang phẫu thuật nội soi dạ dày cho bệnh nhân.
Nội dung Hội nghị rất đa dạng và bao quát trên nhiều lĩnh vực Nội khoa, Ngoại khoa, Dược, Cận lâm sàng, Chăm sóc người bệnh...
Trong đó, đề tài về các phương pháp mới điều trị Ung thư dạ dày (UTDD) của TS.BS Võ Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD nhận được sự quan tâm lớn vì mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh so với những quan điểm điều trị UTDD trước đây.
Hiện nay, UTDD là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp ở Việt Nam. Mỗi năm,BV ĐHYD tiếp nhận khoảng 250 -300 trường hợp UTDD đến điều trị.
Không ít trường hợp đến điều trị khi người bệnh đã xuất hiện các biến chứng của ung thư như chảy máu dạ dày, hẹp dạ dày, thủng dạ dày bắt buộc phải mổ cấp cứu, có thể tế bào ung thư đã di căn đến phổi, phúc mạc, gan, xương...
Đối với UTDD ở giai đoạn sớm, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, đôi khi chỉ cảm thấy đầy bụng, ăn khó tiêu, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị...
Khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng rõ ràng hơn như ói ra máu, đau bụng kéo dài, đi tiêu phân đen, sờ thấy khối u trong ổ bụng... thì UTDD đã bước vào giai đoạn tiến triển.
TS. BS Võ Duy Long cho biết: "Trước đây để điều trị UTDD ở vị trí 1/3 giữa hoặc 1/3 trên của dạ dày, bác sĩ sẽ cắt toàn bộ dạ dày của người bệnh. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh sau cuộc mổ.
Vì khi dạ dày bị cắt toàn bộ, khả năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất như canxi, vitamin D, vitamin B12... từ thức ăn không còn như trước, gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin và khoáng chất, bên cạnh nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản gây khó chịu cho người bệnh.
Hiện tại, khoa Ngoại Tiêu hóa BV ĐHYD đang áp dụng hai phương pháp mới điều trị UTDD là Cắt bán phần trên dạ dày(đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 trên dạ dày) và Cắt gần toàn bộ dạ dày(đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 giữa dạ dày).
Đây là hai phương pháp không cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày của người bệnh nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc điều trị ung thư và có thể áp dụng điều trị cho cả những người bệnh ung thư giai đoạn tiến triển nhưng chưa di căn.
Vì vẫn giữ lại một phần dạ dày nên người bệnh có thể bảo tồn chức năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất, tránh trào ngược, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và cuộc sống cho người bệnh sau phẫu thuật.
Bên cạnh đó, BV ĐHYD đã ứng dụng phẫu thuật nội soi vào điều trị UTDD với nhiều lợi ích như sẹo mổ nhỏ và thẩm mỹ, ít mất máu, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh chóng..."
Bệnh UTDD chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng có 4 nhóm yếu tố nguy cơ. Những người có yếu tố nguy cơ sẽ mắc UTDD cao hơn, bao gồm: Tiền sử gia đình có người bị UTDD; Tiền sử bản thân mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng như viêm loét dạ dày, đa polyp dạ dày...
Thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối, đồ nướng, hun khói hoặc các thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày.... Thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiễm khuẩn Helicobater pylori..
Một trường hợp UTDD đã được điều trị thành công tại BV ĐHYD là người bệnh N.T.T (54 tuổi - Quảng Ngãi). Trước đây, bố ruột của chú T. từng qua đời vì UTDD. Người bệnh có thói quen ăn mặn và tiền sử viêm loét dạ dày nhiều năm. Cách đây 2 tháng, chú T. bắt đầu đau bụng vùng thượng vị dai dẳng không dứt.
Nghĩ rằng do viêm loét dạ dày tái phát nên người bệnh tự ý mua thuốc về uống, nhưng không hết đau. Nhân dịp vào TPHCM thăm gia đình, chú T. đến khám tiêu hóa tại BV ĐHYD. Tại đây, người bệnh được nội soi dạ dày và phát hiện khối u lớn ở 1/3 giữa dạ dày.
Xác định người bệnh bị UTDD giai đoạn 3 nhưng chưa di căn, TS BS. Võ Duy Long đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt gần toàn bộ dạ dày, trừ tâm vị và đáy vị. Sau phẫu thuật 3 ngày, chú T. đã có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Người bệnh tiếp tục được theo dõi và hóa trị để ngăn ngừa những tế bào ung thư còn tiềm ẩn.
TS BS. Võ Duy Long chia sẻ thêm việc thực hiện các phương pháp mới này đòi hỏi phẫu thuật viên phải thành thục kỹ năng mổ nội soi cũng như có kinh nghiệm trong việc phẫu thuật bệnh lý UTDD như: nạo vét hạch, thực hiện các miệng nối ở vị trí khó....
BV ĐHYD là một cơ sở uy tín cao trong việc điều trị UTDD với tỉ lệ sống còn sau 5 năm đạt 75%. Nếu phát hiện ung thư vào giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật mà không cần hóa trị.
Vì vậy, người dân từ 40 tuổi trở lên hoặc có các triệu chứng như đau thượng vị, ăn khó tiêu, đầy bụng... nên đến các cơ sở y tế thực hiện nội soi dạ dày để phát hiện sớm và gia tăng tỉ lệ thành công khi điều trị UTDD.
Theo giaoducthoidai.vn
Bộ trưởng Y tế: Phải tìm cách đưa bệnh nhân xuống các bệnh viện tuyến dưới để tránh quá tải Sáng 13.8, khi đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chứng kiến cảnh quá tải, người dân xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những chỉ đạo nhằm khắc phục tình trạng trên. Theo đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy,...