Amber Heard kêu cứu
Trong vài phiên điều trần gần nhất, minh tinh Hollywood nhiều lần kể việc bị fan của Depp tấn công trên mạng xã hội.
Bên ngoài cánh cửa tòa án, nhiều người còn dọa giết Heard.
- “Tôi nhận được hàng trăm tin nhắn dọa giết từ người hâm mộ của Depp mỗi ngày”.
- “Họ dọa giết tôi và muốn nướng con gái tôi trong lò vi sóng”.
- “Đó là sự đau đớn, nhục nhã nhất mà tôi từng phải trải qua. Tôi chỉ muốn Depp để tôi yên”.
…
Heard chia sẻ trong nước mắt, giọng nói đứt quãng khi kể về chuỗi ngày theo đuổi vụ kiện với Depp thời gian qua. Trong khi minh tinh 36 đang kể về những điều tồi tệ nhất giữa chốn pháp đình, ở ngoài kia, chiến dịch chống lại Heard vẫn không có dấu hiệu ngừng lại.
Điều đáng nói, khi phán quyết cuối cùng trong vụ kiện giữa Depp – Heard về tội phỉ báng vẫn chưa thông qua, trên các nền tảng mạng xã hội, công chúng đã một mực bênh vực tài tử sinh năm 1963, bôi nhọ nữ diễn viên và biến cô thành nhân vật phản diện.
Trên The Independent, một chuyên gia về bình đẳng giới nhận định Heard đang đối mặt với làn sóng tẩy chay cực đoan từ cộng đồng mạng. Và lý do Depp nhận được sự ủng hộ tuyệt đối nhờ vào vị thế của một ngôi sao, đặc quyền giới và mức độ nổi tiếng lớn hơn Heard.
Amber Heard bị tấn công bởi đám đông cuồng nộ
Nếu Johnny Depp tự nhận anh là nạn nhân của “văn hóa tẩy chay” (cancel culture), thì xuyên suốt trong vụ kiện kéo dài hơn một tháng qua, Amber Heard là người đối mặt với “văn hóa làm nhục” trên mạng xã hội.
Khái niệm “văn hóa làm nhục” đã được hình thành và tồn tại trong cộng đồng từ Đông sang Tây hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ, văn hóa làm nhục lại trỗi dậy mạnh mẽ và ngày càng biến chứng, tàn nhẫn hơn bao giờ hết.
Trong cuốn sách Thiện, ác và smartphone, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – nhà nghiên cứu về xã hội – viết: “Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế”.
Và Amber Heard chính là trường hợp điển hình của nạn nhân bị làm nhục công cộng. Đến nỗi, trong phiên tòa ngày 26/5, minh tinh Aquaman phải gào khóc trước tòa khi chia sẻ về câu chuyện bị cộng đồng mạng lăng nhục, dọa giết từ thời điểm vướng vào vụ kiện với chồng cũ.
Video đang HOT
Amber Heard khóc trước tòa. Ảnh: Reuters.
Cô cho biết: “Mọi người muốn giết tôi. Họ còn muốn nướng con tôi trong lò vi sóng. Họ nói những điều man rợ đó với tôi hàng ngày. Tôi nhận được hàng trăm tin nhắn dọa giết từ người hâm mộ của Depp. Mọi người chế giễu những lời khai của tôi về việc bị hành hung”.
Không dừng lại ở đó, Heard thanh minh: “Tôi không ngồi ở phòng xử án và cười khẩy, pha trò cười đùa, cợt nhả như suy nghĩ của nhiều người. Những điều này thật kinh khủng, đau đớn, nhục nhã cho bất cứ ai phải trải qua”.
Theo nữ diễn viên, có thời điểm, cô rơi vào những cơn hoảng loạn, thường xuyên gặp ác mộng. Heard chia sẻ việc phải ngồi trước máy quay, đối diện với những con người tại tòa lẫn công chúng ngoài kia để kể về cuộc hôn nhân bi kịch cùng người chồng bạo lực là nỗi tổn thương với chính cô.
Vì thế, điều cuối cùng Heard muốn là Depp hãy để cô yên.
Tuy nhiên, những khán giả có mặt trong phòng xử án dường như không quan tâm đến cảm xúc của Heard. Bằng chứng, nhiều tiếng xì xào cất lên từ phía hàng ghế của người hâm mộ để bày tỏ sự phản đối lời chia sẻ của nữ diễn viên. Thẩm phán Penney Azcarate khi đó phải nghiêm khắc thông báo rằng nếu có âm thanh nào cất lên, bà sẽ không cho bất cứ ai bước vào phòng xử án, theo AFP.
Không chỉ ở chốn pháp đình, trên các nền tảng mạng xã hội, chiến dịch bôi nhọ, sỉ nhục Heard vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Trên TikTok, hashtag #JusticeForJohnnyDepp có 9,9 tỷ lượt xem. Một hashtag tương tự dành cho Heard chỉ có 37 triệu lượt xem.
Theo Variety, những hashtag #amberheardcancelt , #amberheardsucks và #amberheardistrash thu hút hàng tỷ lượt xem. Các video tái hiện lời khai của Amber Heard theo cách chế giễu của một tài khoản được xem ít nhất 10 triệu lần.
Ngoài ra, video Heard khóc lóc trên tòa án thường được ghép với các đoạn clip hài nhằm chế nhạo nữ diễn viên.
Làn sóng tẩy chay Heard ngày càng dâng cao sau hai phiên tòa gần đây, đặc biệt là từ khi Kate Moss – tình cũ của Depp – đứng ra bảo vệ anh và phủ nhận thông tin bị người yêu cũ bạo hành như lời ngôi sao 36 tuổi từng nói.
Nữ diễn viên đang là nạn nhân của văn hóa làm nhục. Ảnh: AP.
Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, khán giả tiếp tục tấn công nữ diễn viên bằng cách gọi cô là “kẻ giả dối”, “đạo đức giả”, “diễn viên đóng kịch của năm”…
Song song với đó, một chiến dịch trực tuyến được khởi xướng trên Change.org để kêu gọi tẩy chay Heard khỏi phim Aquaman 2 thu hút hơn 4 triệu chữ ký từ công chúng.
“Amber Heard đã bị Johnny Depp vạch mặt là kẻ bạo hành gia đình. Các bạn nên nhớ đàn ông cũng là nạn nhân của bạo lực giống phụ nữ. Điều này phải được công nhận. Chúng ta hãy hành động để ngăn chặn kẻ bạo hành nổi tiếng trong giới giải trí. Hãy làm điều đúng đắn và loại Amber Heard khỏi Aquaman 2“, Jeanne Larson – người khởi xướng chiến dịch này cho biết.
Đến tận thời điểm này, đây là chiến dịch tẩy chay trực tuyến nghệ sĩ thu hút số lượng người tham gia kỷ lục trong lịch sử.
Depp được ưu ái nhờ đặc quyền của một ngôi sao?
Từ sự việc của Heard, tiến sĩ Taylor – chuyên gia về bình đẳng giới chia sẻ trên The Independent, làn sóng tẩy chay cực đoan từ công chúng khi phán quyết về vụ kiện chưa thông qua đã tác động tiêu cực đến các nạn nhân về bạo lực gia đình.
Theo chuyên gia, nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình đang cân nhắc việc rút đơn kiện khi chứng kiến Heard hứng chịu cảnh bị quấy rối, sỉ nhục trên mạng.
“Những người phụ nữ nổi tiếng lên tiếng phản đối đàn ông bạo hành hầu hết đều không nhận thiện cảm từ công chúng. Họ trở thành đối tượng của những trò troll (trêu chọc – tạm dịch), gán mác “kẻ gian dối”, buộc tội họ bằng phiên tòa công luận. Ngược lại với Heard, Depp nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối nhờ vào vị thế của một ngôi sao, đặc quyền giới và mức độ nổi tiếng lớn hơn cô”, bà phân tích.
Depp đang được cộng đồng mạng ủng hộ. Ảnh: Getty.
Theo thống kê của Feminism – tổ chức bảo vệ nữ quyền ở Ấn Độ, việc người nổi tiếng hứng chịu văn hóa làm nhục trên mạng xã hội sau khi công khai bị bạo hành không phải trường hợp hiếm.
Samantha – diễn viên người Ấn Độ từng đối mặt với hành vi bắt nạt trực tuyến sau khi ly hôn tài tử Naga Chaitanya. Nhiều khán giả chỉ trích Samantha và cho rằng cô là “kẻ đào mỏ” đầy toan tính, mưu mô. Nữ diễn viên bị cho là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc ly hôn. Trong khi đó, Naga Chaitanya lại không hề bị ai động chạm tới hay trở nên bị ghét bỏ như Samantha.
“Phụ nữ sau ly hôn thường bị coi thường. Khi họ đề cập đến câu chuyện bị lạm dụng trong mối quan hệ với chồng cũ, ngay lập tức nhận chỉ trích, sỉ nhục. Bằng một cách nào đó, đàn ông luôn là đối tượng được ưu ái. Trong khi phụ nữ trở thành tâm điểm của phỉ báng”, người đứng đầu của tổ chức Feminism nói.
Trở lại câu chuyện của Depp và Heard, rõ ràng, cả hai đều có dấu hiệu lạm dụng và bạo hành lẫn nhau dựa vào các bằng chứng trước tòa. Tuy nhiên, diễn viên 36 tuổi là người đối mặt với sự ngờ vực, tấn công từ cộng đồng mạng nhiều hơn Depp hàng trăm lần.
“Điều này thật không công bằng đối với Heard hay bất cứ người phụ nữ nào là nạn nhân của bạo hành gia đình. Cộng đồng mạng đang biến cô ấy trở thành nhân vật phản diện trong câu chuyện này”, tiến sĩ Taylor nhấn mạnh.
Quyết định gây tranh cãi của chánh án phiên tòa Depp - Heard
Livestream phiên xét xử giữa Johnny Depp và Amber Heard giúp truyền thông hưởng lợi, nhưng việc này được cho là tác động xấu đến nạn nhân của bạo lực tình dục.
Hàng triệu người đã theo dõi Penney Azcarate - chánh án tòa án quận Fairfax (Virginia, Mỹ) - khi bà chủ tọa phiên xét xử vụ kiện phỉ báng giữa Johnny Depp và Amber Heard trong 6 tuần qua.
Azcarate đã duy trì sự hiện diện điềm tĩnh, chấp nhận hoặc bác bỏ bằng chứng và thỉnh thoảng khuyên các nhân chứng tập trung vào câu hỏi của luật sư. Nhưng, quyết định gây tranh luận nhất của bà là cho phép đặt camera trong phòng xử án.
Penney Azcarate - chánh án của tòa án quận Fairfax (Virginia, Mỹ). Ảnh: AP.
"Không có lý do cấm livestream vụ kiện"
Khán giả được chứng kiến những lời khai ghê rợn, đặc biệt là từ Heard, khi cô cố gắng diễn tả lại những hành động tấn công của Depp. Lần cuối cùng đứng trên bục cho lời khai, nữ diễn viên nói rằng "thật nhục nhã" khi làm sống lại những khoảnh khắc kinh tởm trước máy quay.
Và như mọi khi, tài tử Cướp biển vùng Caribbean vẫn phủ nhận mọi cáo buộc và tố ngược vợ cũ đã bịa ra trò lừa bịp phức tạp nhằm phá hủy sự nghiệp của anh.
Theo Variety, đội ngũ pháp lý của Heard cố gắng loại bỏ camera khỏi phòng xử án nhưng không thành công. Elaine Bredehoft - luật sư của Heard - bày tỏ lo ngại nữ diễn viên bị ảnh hưởng tâm lý vì truyền thông đang quan tâm quá mức đến "các kênh chống Amber Heard".
"Những kênh này sẽ soi bất cứ tình tiết nào không thuận lợi về Heard, và phán xét nó", Bredehoft nói. "Họ sẽ cắt câu trả lời của Heard khỏi ngữ cảnh và dựng thành clip, phát đi phát lại nhiều lần".
Mọi hành động, biểu cảm của Johnny Depp và Amber Heard ở tòa đều được camera ghi lại. Ảnh: ET/Thestar.
Trong khi đó, luật sư của Depp là Ben Chew ủng hộ việc lắp máy quay. Ông và tài tử Hollywood tin tưởng vào sự minh bạch, cách nhìn nhận của công chúng toàn cầu.
Lượng người xem tăng theo cấp số nhân khi phiên điều trần diễn ra, theo Law & Crime, dịch vụ livestream toàn bộ sự việc. Trong khoảnh khắc Depp nêu quan điểm, giữ vững lập trường ngày 25/5, lượng khán giả xem trực tiếp trên kênh đạt đỉnh 1.247.163 - nhiều hơn gấp đôi so với mức đỉnh trong lúc tài tử cho lời khai hồi tháng 4.
Và trong vài tuần qua, các bức ảnh, video cắt ghép biểu cảm của Depp và Heard đã làm dậy sóng mạng xã hội, lan truyền khắp thế giới.
Trả lời phỏng vấn Variety, chánh án Penney Azcarate cho biết đã nhận rất nhiều câu hỏi về vấn đề cho phép camera hoạt động. Azcarate nói bà có trách nhiệm duy trì sự công khai của quá trình tố tụng. Nếu máy quay bị cấm, bà lo ngại các phóng viên sẽ chờ chực ờ tòa và những tình huống khó xử sẽ xảy ra.
"Tôi chẳng có lý do chính đáng nào để cấm làm điều đó", Azcarate nhấn mạnh.
Sự phản đối của các luật sư
Việc livestream từ đầu đến cuối cho phép người xem chứng kiến tất cả bằng chứng, đánh giá độ tin cậy của các nhân chứng và tự đưa ra nhận định mà không bị các hãng tin tức tác động. Tuy nhiên, các nhà quan sát khẳng định quyết định của chánh án Azcarate sẽ gây tác động xấu đối tới nạn nhân của bạo lực.
Michele Dauber - giáo sư của trường luật Stanford - phát biểu: "Đây là quyết định tệ nhất trong bối cảnh bạo lực bạn tình và bạo lực tình dục đang gia tăng".
Michelle Simpson Tuegel, luật sư đã đại diện cho các nạn nhân của tội phạm tình dục trong các vụ án cấp cao, cho biết khách hàng của cô không muốn tên thật của họ được sử dụng trong hồ sơ tòa án công khai để tránh dẫn đến hệ lụy.
"Phát trực tiếp chỉ phóng đại những gì nguyên đơn và bị đơn đã, đang trải qua. Lời khai của họ sẽ bị chia rẽ theo nhiều cách đáng ghét. Tôi rất buồn và ghê tởm về việc livestream phiên tòa sẽ khiến mọi người - nhất là nạn nhân của bạo lực tình dục - sợ hãi trong hành trình tìm kiếm công lý và nói lên sự thật", Tuegel chia sẻ.
Các luật sư ở Mỹ, đặc biệt là Virginia, không ủng hộ việc livestream phiên tòa. Ảnh: Theepochtimes.
Luật Virginia quy định thẩm phán xét xử gần như toàn quyền quyết định việc lắp camera. Dẫu vậy, quy chế của bang đã liệt kê một số trường hợp bị cấm quay phim, như khi "nạn nhân và gia đình nạn nhân của tội phạm tình dục cho lời khai".
Trong phiên điều trần ngày 25/2, gần 2 tháng trước khi Heard và Depp đối mặt trực tiếp, luật sư Elaine Bredehoft lập luận rằng sao Aquaman là nạn nhân của tấn công tình dục, do đó máy quay không được phép dùng. Tuy nhiên, chánh án Azcarate nói không cần áp dụng quy chế cho các vụ kiện dân sự như của Depp và Heard.
Camera là thứ hiếm thấy nhưng không có nghĩa không tồn tại ở các tòa án Virginia. Một thẩm phán quận Fairfax đã cho phép nó xuất hiện trong phiên tòa xét xử tội phạm giết người Julio Blanco Garcia năm 2013. Nhưng Joe King - luật sư biện hộ có văn phòng ở Alexandria - cho biết đó chỉ là trường hợp ngoại lệ.
Theo Variety, King từng đại diện cho Charles Severance, người đàn ông đã bị xét xử và bị kết tội giết người vào năm 2015 ở Fairfax. Vụ án này khét tiếng ở địa phương, song thẩm phán chỉ cho phép quay phim, cấm phát livestream. King cho biết thẩm phán cũng từ chối yêu cầu phát sóng một phiên tòa giết người khác ở Alexandria.
Năm 2012, thẩm phán ở Charlottesville cấm lắp camera tại phiên xử và tuyên án cầu thủ George Huguely với tội danh giết tình cũ, vì cho rằng máy quay sẽ có tác hại đối với nhân chứng và bồi thẩm đoàn. Các đơn vị truyền thông đã can thiệp quyết liệt nhưng tòa án tối cao Virginia vẫn giữ nguyên quyết định.
Luật sư Lawrence McClafferty đồng tình quan điểm trên. Ông nhấn mạnh: "Virginia là nơi bảo thủ. Chúng tôi không quen với máy quay, và nó có thể gây mất tập trung cho tất cả. Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên thấy camera nhiều hơn trong các phiên xét xử tương lai", McClafferty nhấn mạnh.
Là người theo dõi sát sao phiên xử Depp-Heard, ông nhiều lần chứng kiến cảnh nhóm người ủng hộ tài tử Cướp biển vùng Caribbean chờ đợi bên ngoài để được nhìn thấy thần tượng, dù chỉ là thoáng qua. Với ông, hình ảnh này không thú vị.
Ngày cuối phiên toà bom tấn của Johnny Depp và những kết luận đanh thép dành cho Amber Heard "Có một kẻ bạo hành trong phòng xử án này nhưng đó không phải là Johnny Depp" - luật sư Camille Vasquez của Johnny nói, gọi Amber Heard là "một người khao khát được chú ý" Nhóm của Johnny Depp đã đưa ra các lập luận kết thúc vào thứ Sáu trong phiên tòa xét xử phỉ báng bom tấn đã diễn ra...