Amazon bán rơm giá từ 80 – 100 USD/tấn, Việt Nam đốt bỏ?
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã lãng phí cả tỉ USD khi hàng năm có 43 triệu tấn rơm nhưng chỉ một phần rất nhỏ được tái sử dụng.
Trong khi đó, mỗi tấn rơm được rao bán trên Amazon giá từ 80 – 100 USD/tấn.
Việt Nam lãng phí cả tỉ USD
Ông Chinh cho biết tại tọa đàm giải pháp phát triển nguyên liệu tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm phụ thuộc nhập khẩu do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức chiều 21/10 tại Hà Nội: “Tỉ lệ thóc, rơm là 1/1. Mỗi năm Việt Nam có khả năng sản xuất 43 triệu tấn thóc, theo đó sẽ có 43 triệu tấn rơm. Nhưng Việt Nam chỉ sử dụng được khoảng 23% sử dụng lại cho mục đích chăn nuôi, một phần sử dụng trong trồng trọt, còn đa phần là đang để phí hoài, chưa tái sử dụng được, hoặc nông dân đốt bỏ, hoặc để phân hủy trong tự nhiên.
Ông Chinh cho rằng, mỗi tấn rơm được rao bán trên Amazon có giá từ 80-100 USD, nhưng Việt Nam lại bỏ lãng phí cả tỉ USD khi đến gần 50% phụ phẩm rơm bị vứt bỏ. Đây là tiềm năng lớn nhưng Việt Nam chưa tận dụng hết vì thiếu thốn về công nghệ. Muốn khai thác phụ phẩm rơm từ cây lúa, cần có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, ví dụ có máy móc để đồng thời vừa tuốt lúa, vừa đóng vào bao, phun hóa chất để biến rơm thành phụ phẩm để xuất khẩu.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT. Ảnh: N.Chương
Cũng theo ông Chinh, để tái sử dụng được nguồn phụ phẩm này thì yếu tố quan trọng là công nghệ và sản xuất ở quy mô lớn. Ở Nhật Bản hiện đã có những dây chuyển công nghệ, khi thu hoạch lúa thì đồng thời thu gom và nghiền rơm, sau đó phun chế phẩm sinh học đóng luôn thành từng bao ủ chua làm thức ăn nuôi bò. Khảo sát tại Việt Nam nếu áp dụng công nghệ này vào đồng bằng sông Cửu Long thì sẽ tận dụng, tái chế thì sẽ tạo ra khối lượng lớn thức ăn phục vụ ngành chăn nuôi.
“Bộ NN&PTNT đang xây dựng riêng một Nghị định tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, để phế phẩm của ngành này đồng thời là nguyên liệu đầu vào sản xuất của ngành kia, trong đó sẽ đẩy mạnh việc tái chế sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, từng bước thay thế và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu”, ông Chinh nói.
Gần 50% phụ phẩm rơm đang bị vứt bỏ.
Video đang HOT
Tương tự, ngành chăn nuôi với 61,4 triệu tấn phân gia súc gia cầm, chỉ tận dụng được 23% để sản xuất phân bón hữu cơ. Còn ở ngành trồng trọt khoảng 88,9 triệu tấn nhưng chỉ đang tận dụng được 52% phụ phẩm, còn lại 48% thì để phí hoài thối ngoài tự nhiên hoặc bị đốt bỏ.
Ông Chinh cho biết thêm, thực tế nguồn phụ phẩm nông nghiệp có tiềm năng rất lớn như rơm, thân cây chuối, vỏ dưa hấu… nếu có công nghệ thì vẫn có thể chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi.
“Chỉ có ngành thủy sản là tận dụng tốt nhất phụ phẩm sau chế biến, điển hình là tách chiết collagen trong da cá tra để làm mỹ phẩm (colagell), vảy cá được sấy khô, nghiền nhỏ để chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thậm chí xuất khẩu”, ông Chinh chia sẻ.
Cần có một chiến lược tổng thế về phát triển thức ăn chăn nuôi
Theo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng 5 đề án trong đó có Đề án công nghiệp hóa thức ăn chăn nuôi, giảm 5-10% nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Bộ NN&PTNT cũng đã giao Cục Chăn nuôi xây dựng dự thảo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, trong đó có giải pháp quan trọng là tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp với khối lượng lên đến hàng trăm triệu tấn.
Theo đó, cần chủ động 1 phần nguồn nguyên liệu, cụ thể là ngô và đậu tương. Phải có các cánh đồng mẫu lớn để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đưa máy móc vào, mà muốn làm được điều này phải sửa Luật Đất đai, cho tăng ngưỡng số lượng đất đai được tích tụ. Bên cạnh đó, cần sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm lớn, coi đây là đầu vào hay nói đúng hơn là thực hiện nông nghiệp tuần hoàn.
Trong mối quan hệ tương hỗ, ngành trồng trọt đang chú trọng chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; áp dụng quy trình chăn nuôi để tiết kiệm chi phí đầu vào, tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng, giá thành hạ. Đồng thời, phấn đấu giảm khâu trung gian, đại lý để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi..
8 tháng năm 2021, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã tăng đột biến, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thế về phát triển thức ăn chăn nuôi. Cần có giải pháp về chính sách, trước hết là về vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đất đai… Theo ông Sơn, Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều, tuy nhiên chúng ta đang không những nhập thức ăn tinh mà nhập cả thức ăn thô. Về nhóm nguyên liệu giàu đạm cần thúc đẩy phát triển sản xuất bột cá. Một vấn đề rất quan trọng nữa, đó là gần như chúng ta phải nhập khẩu 100% các nguyên liệu khoáng và vitamin.
“Có thể chuyển một số giống lúa chất lượng cao sang một số giống lúa chất lượng thấp nhưng có năng suất cao để làm thức ăn chăn nuôi, đưa ngô sinh khối, ngô biến đổi gen vào sản xuất làm nguyên liệu thức ăn. Thứ 2 chúng ta phải tăng diện tích trồng đỗ tương để chế biến thức ăn chăn nuôi. Diện tích trồng đỗ tương hiện nay chỉ đủ làm đậu phụ cho người dân ăn”, ông Sơn nói
Việt Tín nỗ lực cùng người chăn nuôi vượt qua đại dịch
Chăn nuôi gia công là xu hướng phát triển mới, giảm nguy cơ rủi ro và đem lại lợi nhuận kinh tế khá.
Công ty CP dinh dưỡng Việt Tín (Công ty Việt Tín) hoạt động trên lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, với hơn 120 trang trại chăn nuôi gà gia công ở khu vực phía Bắc. Là một trong 3 công ty có sản lượng gia công gà lớn nhất miền Bắc, thế nhưng cũng không tránh khỏi thách thức trước làn sóng dịch bệnh COVID-19.
Một góc dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty Việt Tín (Ảnh: Phạm Bùi)
Đương đầu với khó khăn
Năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nhưng cũng là một năm không mấy thuận lợi với ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vì dịch tả châu Phi đã khiến không ít trang trại chăn nuôi điêu đứng, số lượng gia súc sụt giảm nghiêm trọng, chất lượng sản phẩm không đạt ở mức cao. Điều này không chỉ chỉ Công ty Việt Tín bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà những trang trại gia công cũng rơi vào cảnh kiệt vốn, không muốn tái đàn.
Sang đến năm 2020 cơ cấu sản xuất, cung - cầu đột ngột có nhiều thay đổi, xáo trộn do đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Từ lượng sản xuất 63.000 tấn thức ăn với tổng doanh thu 599 tỷ đồng của Công ty Việt Tín vào năm 2019, xuống mức 551 tỷ năm 2020. Nguyên nhân là do giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp trong thời gian dài, nền kinh tế bị đóng cửa nên tiêu thụ khó khăn. Thêm vào đó là nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Việc hạn chế đi lại trong thời điểm dịch bệnh đã gây ra đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất, mất liên kết giữa các vùng kinh tế. Thị trường tiêu thụ chậm nên bà con nông dân chậm tái đàn. Trước tình hình đó Công ty đã đưa ra những giải pháp để hỗ trợ bà con, như: tặng thêm 2% gà giống trong tổng số lượng đàn gà; tặng thêm 1kg thức ăn/con gà trong định mức thức ăn giai đoạn 1.
Trên thực tế, Công ty đã ghi nhận những phản hồi tích cực từ phía người chăn nuôi khi liên kết với Công ty Việt Tín. Ông Thái - chủ trang trại chăn nuôi gà gia công (La Hiên - Võ Nhai - Thái Nguyên) chia sẻ: "Với sự hỗ trợ của Công ty Việt Tín, lứa gà thứ 2 nhà tôi sau khi xuất bán còn thừa đến 1,6 tấn cám. Con gà đạt trọng lượng và chất lượng tốt".
Tương tự anh Hoàng Tuấn Vũ (Võ Nhai - Thái Nguyên) cho biết, anh đã hợp tác nuôi gia công cùng Công ty 3 lứa gà từ năm 2020. Lứa thứ nhất vì dịch bệnh nên doanh thu không tốt, lứa thứ 2 gia đình anh thu lãi gần 70 triệu đồng, lứa thứ 3 đang cho thấy hiệu quả tốt. "Lứa thứ 3 này còn 8 ngày nữa mới xuất bán nhưng đến nay gà đã đạt trọng lượng. Con giống phát triển tốt, chúng tôi được cung cấp đầy đủ thức ăn chăn nuôi, thuốc men và kỹ thuật chăm sóc gà từ phía Công ty" - anh Vũ chia sẻ.
Tuy vậy, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp nói chung và Công ty Việt Tín nói riêng. Các thị trường lớn bị đứt gãy chuỗi liên kết do hạn chế đi lại, dẫn đến cung ứng sản phẩm khó, bao tiêu đầu ra không thuận lợi. Đặc biệt, việc giãn cách hạn chế đi lại giữa các vùng cũng khiến cho Công ty Việt Tín không thế sát sao, thanh tra các vùng chăn nuôi liên kết của mình.
Cam kết hướng đi mới trong tình hình mới
Qua làm việc với Chính quyền tỉnh Thái Nguyên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên, Công ty Việt Tín đã đưa ra một số cam kết; vừa là để ổn định tình hình sản xuất tại địa bàn, vừa là những hướng đi mới để khắc phục khó khăn. Công ty cam kết vẫn hợp tác và mở rộng quy mô với các trang trại khu vực Thái Nguyên để đón đầu làn sóng tăng trưởng, khôi phục kinh tế sau dịch. Công ty cam kết cung cấp con giống tốt nhất Việt Nam như: Minh Dư, Ri Hòa Bình... Đồng thời cải thiện tăng trưởng thêm từ 0,2kg-0,3kg/con gà đến thời điểm 95 ngày xuất bán. Song song với đó, Công ty sẽ hỗ trợ thêm 2% con giống bù đắp hao hụt trong quá trình chăn nuôi và áp dụng quy trình 11 loại vaccine cho mỗi lứa gà nuôi 95 ngày.
Đồng thời, Công ty tiếp tục củng cố lại đội ngũ nhân sự đủ Tâm - Tài - Trí - Đức để phục vụ các trang trại chăn nuôi, nhằm mang lại hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đại diện người đứng đầu Công ty, ông Bùi Đức Huyên - Tổng Giám đốc Công ty Việt Tín bày tỏ: "Doanh nghiệp mong muốn và kêu gọi 120 trang trại đang chăn nuôi gia công tại 5 tỉnh, thành hãy tin tưởng những cam kết nêu trên. Không vì những thông tin chưa kiểm chứng mà làm ảnh hưởng đến lòng tin và có những hành động không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với Việt Tín".
Bên cạnh đó, thời gian này do khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, giá đầu ra giảm sâu, giá thức ăn tăng kỷ lục trong 15 năm qua; Công ty đưa ra quyết định tạm thời giảm 20% quy mô để củng cố hệ thống chuẩn bị cho tăng trưởng sau dịch.
Có thể thấy rằng, virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19 dường như là vô hình, nhưng những gì chúng tác động lên đời sống, kinh tế - xã hội là hữu hình. Đứng trước những thách thức mới chưa từng có như vậy, Việt Tín đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn để vươn lên cũng như luôn đồng hành cùng người chăn nuôi vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp Ngày 22/9, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Ngũ cốc Mỹ Ryan LeGrand đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNN) và Hội đồng Ngũ cốc Mỹ (USGC)...