Âm vốn chủ sở hữu, DongA Bank muốn phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn
“Để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo DongA Bank có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỷ đồng, DongA Bank phải thực hiện việc bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo đáp ứng quy định của pháp luật”, tờ trình của DongA Bank cho biết.
Âm vốn chủ sở hữu, DongA Bank muốn phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn
Ngày 12/10 tới, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 sau nhiều năm trì hoãn khi phải vào diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.
Theo tài liệu đại hội cổ đông, DongA Bank đã thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của DongA Bank tại thời điểm 31/12/2018.
Số liệu đã kiểm toán của EY cho thấy, tính đến ngày 31/12/2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongA Bank có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.
“Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo DongA Bank có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỷ đồng, DongA Bank phải thực hiện việc bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo đáp ứng quy định của pháp luật”, tờ trình của DongA Bank cho biết.
Về hình thức chào bán cổ phần, ban lãnh đạo ngân hàng này cho hay căn cứ vào tình hình hoạt động hiện nay, DongA Bank chỉ có thể thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, DongA Bank không thể thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu được vì không đáp ứng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11.
Do đó, DongA Bank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.
DongA Bank dự kiến sẽ chào bán cho đủ số lượng cổ phần để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ ngân hàng đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng). Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần.
Video đang HOT
Được biết, vốn điều lệ trước khi phát hành của ngân hàng này là 5.000 tỷ đồng, tương ứng với 500 triệu cổ phần.
DongA Bank sẽ ưu tiên phát hành cho cổ đông hiện hữu. Trường hợp cổ đông hiện hữu đăng ký mua cổ phần không đủ số lượng chào bán theo phương án này thì sẽ phát hành cho nhà đầu tư bên ngoài đủ điều kiện theo qui định của pháp luật.
Số lượng nhà đầu tư tham gia đợt chào bán là dưới 100 người (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), trong đó, tổng số cổ phần sở hữu sau khi mua thêm phải đáp ứng các quy định sau về giới hạn sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng. Số cổ phần chào bán cho nhà đầu tư tham gia đợt chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày DongA Bank hoàn thành đợt chào bán (trừ trường hợp chuyển nhượng cổ phần đã chào bán của cá nhân cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chuyển nhượng cổ phần giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp).
“Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần sẽ được sử dụng để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực tài chính để DongA Bank tăng cường năng lực cạnh tranh, tiếp tục phát triển bền vững”, ban lãnh đạo DongA Bank cho biết.
Nếu đại hội đồng cổ đông không thông qua phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ; hoặc không có cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư bên ngoài đăng ký mua cổ phần; hoặc cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư bên ngoài có đăng ký mua cổ phần nhưng không mua đủ số lượng cổ phần cần chào bán; hoặc cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư bên ngoài đã đăng ký mua cổ phần nhưng không nộp đủ tiền và đúng thời hạn, HĐQT DongA Bank sẽ báo cáo Ban kiểm soát đặc biệt DongA Bank, Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước xem xét tái cơ cấu ngân hàng theo phương án khác theo quy định của pháp luật.
Minh Tâm
Theo Vietnamfinance.vn
Tăng vốn ảo: Mảng tối cần lộ sáng!
Thời gian gần đây, dư luận đang dồn sự quan tâm đến vụ lừa đảo diễn ra trên diện rộng tại CTCP Địa ốc Alibaba với tổng số tiền của các bị hại lên tới 2.500 tỷ đồng. Sau khi vụ việc vỡ lở, một câu hỏi được đặt ra?
Thời gian gần đây, dư luận đang dồn sự quan tâm đến vụ lừa đảo diễn ra trên diện rộng tại CTCP Địa ốc Alibaba với tổng số tiền của các bị hại lên tới 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh những hình thức lừa đảo tinh vi đến từ con người của công ty, một yếu tố khác cũng gây dựng được lòng tin và uy tín đối với khách hàng chính là đà tăng vốn "khủng" của "doanh nghiệp ma" này. Theo đó, Alibaba tăng vốn điều lệ rất nhanh từ mức 20 tỷ đồng khi thành lập năm 2016 lên 1.600 tỷ đồng vào năm 2017 và 5.600 tỷ đồng vào năm 2019. Sau khi vụ việc vỡ lở, một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng mô hình CTCP lại dễ dàng tăng vốn đến vậy? Nếu Alibaba đưa cổ phiếu lên sàn thì các nhà đầu tư (NĐT) sẽ ra sao? Câu chuyện tăng vốn ảo của doanh nghiệp lại một lần nữa được nhắc lại như một mảng tối với những khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy.
Chiêu trò khó lường
Không phải doanh nghiệp nào cũng trân trọng đồng vốn huy động được theo đúng với tiêu chí đặt ra là để đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Thậm chí, có những doanh nghiệp tăng vốn chẳng hề quan tâm tới hoạt động kinh doanh mà mục tiêu duy nhất là tìm cách biến nguồn tiền đó thành của riêng mình bất cứ giá nào. Câu chuyện cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh với tất cả các NĐT trước khi có sự can thiệp của các cơ quan quản lý.
Giờ đây đã qua rồi cái thời huy động vốn dễ dàng. Bởi vậy, các chiêu trò trên TTCK cũng bắt đầu xuất hiện nhằm thu hút được dòng tiền khổng lồ từ TTCK. Theo đó, hàng năm các doanh nghiệp vẫn xin ý kiến cổ đông tăng vốn, bất chấp tình hình kinh doanh bết bát, thị giá dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp).
Sau khi có ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ, các doanh nghiệp sẽ chờ đợi thị trường sôi động, rồi công bố kế hoạch này. Sau đó, các thông tin tích cực của doanh nghiệp bắt đầu liên tục xuất hiện, kéo giá cổ phiếu tăng mạnh. Nhiều cổ phiếu có thị giá thấp hơn mệnh giá nhưng đã vượt giá phát hành, tạo ra một khoảng giá chênh lệch. Theo đó, NĐT sẽ buộc lựa chọn nộp tiền hoặc mất đi khoảng chênh lệch đó. Thành công bước đầu đã có nhưng tất nhiên số NĐT am hiểu và thuần túy lướt sóng không nộp. Số cổ phần dư này sẽ được phát hành lại cho một đối tác nào đó.
Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/06/2015 đã có những quy định kiểm soát phát hành tăng vốn ảo, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn lách luật và thực hiện thành công.
Đến lúc này, câu chuyện tăng vốn ảo sẽ bắt đầu khi một vài đối tác nào đó đăng ký mua cổ phần trên. Có những đối tác chỉ vừa mới thành lập hoặc lại có quan hệ với chính doanh nghiệp đó. Bản thân những ông chủ doanh nghiệp đó vốn nắm giữ lượng cổ phần lớn cũng nộp tiền, nhưng sau đó họ sẽ nhanh chóng rút ra bởi nguồn vốn này chủ yếu vốn vay ngắn. Việc nộp tiền như trên chủ yếu che mắt NĐT để họ tin rằng Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng bỏ tiền ra để tham gia đợt phát hành này. Nếu việc tăng vốn này được cơ quan quản lý "thông qua", coi như thành công về mặt giấy tờ và sổ sách.
Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó bắt đầu lao dốc mạnh. Bởi vì trong đợt phát hành trên, các đối tác lớn của doanh nghiệp đó không bỏ ra đồng nào, nên việc họ bán mạnh ra bất cứ giá nào. Theo đó, những NĐT ham mê vào sóng của cổ phiếu chính là người chịu thiệt hại lớn nhất.
Khoảng trống pháp lý
Còn nhớ năm 2018, CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (mã TTB) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 225 triệu đồng vì nhiều lỗi. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu TTB thực hiện kiểm toán tình hình sử dụng vốn đối với 3 đợt tăng vốn trong năm 2016 từ 73,5 tỷ đồng lên 387 tỷ đồng.
Câu chuyện tại TTB khiến NĐT đặt dấu hỏi về các đợt tăng vốn của nhiều doanh nghiệp khác và chờ đợi những thông tin được công khai theo đúng quy định. Thị trường còn ghi nhận một số trường hợp tăng vốn khó hiểu khác như CTCP Tập đoàn Thiên Quang (ITQ) khi doanh nghiệp này phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá, trong khi thị trường đang giao dịch dưới mệnh giá.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, đã có những vụ việc điển hình về tăng vốn ảo, thao túng giá chứng khoán bị điều tra, truy tố, xét xử. Không gì khiến NĐT mất niềm tin bằng những vụ lùm xùm "bán giấy lấy tiền" như đã xảy ra ở MTM, KSA. Những cổ phiếu được phát hành không kèm theo đồng vốn thật được bán với bất cứ giá nào cũng lãi. Nhiều NĐT mất tiền bức xúc với câu hỏi: Phải có ai đó, cơ quan nào đó, cơ chế nào đó để ngăn chặn những sai phạm này? Sự bức xúc và đòi hỏi của NĐT không phải là vô lý.
Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng (chuyên gia về quản trị doanh nghiệp) đưa ra khuyến nghị, cần chứng minh nguồn tiền hợp pháp trong các đợt tăng vốn của doanh nghiệp. Theo ông Thắng, tăng vốn ảo, sở dĩ được gọi là "ảo" vì không có tiền thật đưa vào doanh nghiệp.
Từ nhiều vụ việc xảy ra trên thị trường, có thể thấy những cá nhân đăng ký mua cổ phần đã nộp tiền vào tài khoản của doanh nghiệp để chứng minh với cơ quan quản lý nhưng sau đó, tiền đã được rút ra bằng nhiều cách khác nhau. "ể hạn chế tình trạng này, tôi cho rằng, cần sớm hướng tới thông lệ của quốc tế, đó là phải chứng minh nguồn tiền hợp pháp. Việc này sẽ chấm dứt tình trạng những ông chủ doanh nghiệp tìm cách đưa tiền cho một nhóm cá nhân đứng tên mua cổ phần rồi lại âm thầm rút ra", ông Thắng nêu ý kiến.
Theo ông Thắng, có thể có những ý kiến cho rằng việc này gây phiền hà, khó khăn cho NĐT, rằng khó thực thi trong điều kiện của Việt Nam, nhưng đây là xu hướng quản lý cần hướng tới. Hơn nữa, nếu dòng tiền NĐT đưa vào mua cổ phần là tiền sạch, tiền hợp pháp, chắc rằng khó có chuyện tiền bị rút ra tùy tiện qua các giao dịch đáng ngờ.
Thực ra, nhận diện chiêu trò tăng vốn ảo không quá khó, nếu kinh nghiệm nhận diện sự vô lý ngay từ kế hoạch phát hành tăng vốn. Còn những NĐT có am hiểu về tài chính sẽ nhận thấy sự bất thường trong báo cáo tài chính gần nhất sau đợt tăng vốn trên. Về nguyên lý kế toán, sau khi phát hành thành công, thì doanh nghiệp tăng vốn ảo sẽ có một lượng tiền mặt thu được đúng bằng số tiền phát hành ra trừ đi một số chi phí phát sinh. Trên báo cáo tài chính quý gần nhất, khoản tiền này sẽ phải được thể hiện ở 2 mục: tiền hoặc tương đương tiền và đầu tư ngắn hạn (tiền gửi).
Để xóa dấu vết tăng vốn ảo, doanh nghiệp đó sẽ phải tìm cách làm biến mất số tiền từ tăng vốn ảo khỏi 2 mục trên bằng nhiều cách khác nhau. Theo đó, trên bảng cân đối kế toán xuất hiện nhiều khoản, như: cho cá nhân vay tiền, khoản phải thu lớn, chuyển tiền đầu tư ngắn và dài hạn vào danh mục nào đó mà không rõ nguồn gốc, tài sản vô hình tăng mạnh...
Ngoài ra còn có một kiểu tăng vốn ảo kinh điển hơn nữa là niêm yết cửa sau mà mới chỉ có một vài doanh nghiệp thực hiện thành công, như CTCP Đầu tư Alphanam, Công ty CP Luyện thép Sông Đà... Chẳng hạn một ông chủ có doanh nghiệp A đang niêm yết và một doanh nghiệp B chưa niêm yết. Trước khi hoán đổi cổ phiếu B thành cổ phiếu A, chủ doanh nghiệp này sẽ tăng vốn mạnh doanh nghiệp B. Trên thực tế, những lần tăng vốn của doanh nghiệp B chẳng có ai kiểm chứng, cũng chẳng mấy NĐT có cơ hội kiểm tra do chưa niêm yết. Sau khi hoán đổi, NĐT hiện hữu sẽ bị thiệt hại lớn do những NĐT lớn từ doanh nghiệp được hoán đổi bán ra, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.
Mặc dù Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/06/2015 có mục đích kiểm soát chặt hoạt động phát hành riêng lẻ nhằm đảm bảo sự minh bạch cũng như bảo vệ lợi ích của NĐT cá nhân, nhưng hiện nay vẫn còn xuất hiện những chiêu trò tăng vốn ảo. Bởi vậy, cần có sự vào cuộc mạnh tay của các cơ quan quản lý để chặn đứng vấn đề này.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), nhiều Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn, nâng mức xử phạt hành chính như trong dự thảo liệu có đủ tính răn đe, phù hợp với quy mô thị trường trong hiện tại và tương lai? Các quy định về quản trị đối với công ty đại chúng có bám sát quy tắc của OECD về đối xử bình đẳng đối với cổ đông, ngăn cấm giao dịch nội gián hay chưa...?
Các NĐT kỳ vọng, những chiêu trò tăng vốn ảo tại TTCK Việt Nam sẽ cơ bản được giải quyết sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành. Tuy nhiên, quy định nào cũng vẫn sẽ tồn tại những kẽ hở, việc có lợi dụng các kẽ hở để thực hiện hành vi hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức của các chủ thể có liên quan gồm DN, công ty tư vấn, công ty kiểm toán...
Khánh An
Theo Congluan.vn
Nâng hạng, chờ phán quyết từ FTSE Nâng hạng là câu chuyện dài kỳ của thị trường chứng khoán Việt Nam song vẫn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tại mỗi thời điểm các tổ chức xếp hạng thị trường công bố kết quả. Kỳ vọng chuyển biến vào đầu năm 2020 Ngày 26/9, FTSE dự kiến công bố kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán....