Âm vang hào khí 50 năm quân và dân thành phố Vinh đáng thắng trận đầu
Sáng 4/8, tại TP Vinh, UBND TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã long trọng kỷ niệm 50 năm quân và dân thành phố Vinh đánh thắng trận đầu tiên cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.
Tại buổi lễ long trọng này, Chủ tịch UBND TP Vinh Nguyễn Xuân Sinh đã ôn lại trận thắng đầu của quân và dân thành phố Đỏ. Cách đây 50 năm, ngày 5/8/1964, ngày mà quân và dân thành phố Vinh cùng với cả nước đã anh dũng đánh thắng trận đầu oanh liệt, mở màn cho những chiến công hiển hách trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược.
Chủ tịch UBND Thành phố Đỏ nhấn mạnh, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu mở rộng leo thang miền Bắc, chúng dựng lên màn kịch hết sức vụng về – màn kịch “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”. Trước những mưu đồ, lời đe dọa và hành động chuẩn bị mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, ngày 28/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt.
Tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu chúng liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại”. Tháng 6/1964, Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng đã ra chỉ thị: “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ”.
Cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn đầu tiên của không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam ngày 5/8/1964 được Mỹ đặt tên là “hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên) với 64 lượt máy bay của hải quân từ hai tàu sân bay Constellation và Ticonderoga đánh phá các khu vực Vinh – Bến Thủy (hai lần), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai và cảng Gianh (Quảng Bình).
Vào lúc 12h25 ngày 5/8/1964, tám máy bay phản lực cường kích cất cánh từ tàu sân bay Ticonderoga chia thành hai tốp, bay thấp trên biển làm cho ra-đa của ta khó phát hiện, rồi đột nhập Cửa Sót (phía nam huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), lợi dụng dãy núi Hồng Lĩnh, Nam Đàn che khuất và bay thấp theo triền sông Lam để đánh phá các mục tiêu ở khu vực Vinh – Bến Thủy.
Vọng quan sát của Trung đoàn 290 ở Cửa Sót đã phát hiện được máy bay địch. Đại đội 14 ra-đa đánh dấu được đường bay của máy bay địch trên tiêu đồ, nhưng do thông tin không thông suốt nên Trung đoàn Phòng không 280 bảo vệ thành phố Vinh không nhận được thông báo kịp thời.
Khi máy bay địch bay vào vùng trời thành phố, hầu hết các đại đội hỏa lực của Trung đoàn 280 đang ở trạng thái chiến đấu cấp 2. Nghe tiếng động cơ máy bay địch, Khẩu đội trưởng khẩu đội 4 Phan Đăng Cát, và các chiến sĩ Đại đội 138 pháo cao xạ 90 mi-li-mét đến vị trí chiến đấu thì kho dầu Vinh đã bị trúng bom địch bốc cháy. Trận địa Đại đội 138 ở xó Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bị trúng đạn rốc-két. Máy bay địch phân tốp, tiếp tục bắn phá các tàu hải quân đậu ở Cửa Hội.
Tốp dẫn đầu là 4 chiếc A4D, tiếp theo là hàng loạt chiếc F8U lợi dụng giờ nghỉ trưa của nhân dân, đã ào ạt đánh vào kho xăng dầu Vinh – Bến Thủy và cảng Cửa Hội. Lực lượng ba thứ quân của ta đã bố trí sẵn sàng, đánh trả quyết liệt ngay từ phút đầu.
Trung đoàn pháo cao xạ (E280) cùng lực lượng công an nhân dân vũ trang, tự vệ nhà máy điện, Trường Đại học Sư phạm Vinh, Nhà máy xay dùng súng máy đặt trên tầng gác cao và súng trường đánh địch. Các khu phố, các xã của thành phố và vùng phụ cận đều đồng loạt nổ súng, nhằm vào máy bay địch nhả đạn.
Trong trận chiến đấu đầu tiên, quân dân thành phố Vinh đã bắn rơi hai máy bay phản lực Mỹ (trong đó có chiếc máy bay đầu tiên trong số 8 chiếc bị quân dân miền Bắc bắn rơi trong ngày 5/8/1964 lịch sử, tên “giặc nhà trời” đâm đầu xuống biển, cách Đảo Mắt 2km về hướng tây nam).
16h30 cùng ngày, máy bay địch tiếp tục đánh phá khu vực Vinh – Bến Thủy và cảng Gianh lần thứ hai. Đợt này, địch sử dụng 8 chiếc A.4D cất cánh từ tàu sân bay Ticonderoga tiếp tục đánh vào kho dầu Vinh, các căn cứ hải quân và đánh “trả đũa” các trận địa pháo cao xạ của ta. Ngay từ những phút đầu, hỏa lực tập trung và mãnh liệt của Đại đội 138 pháo cao xạ 90 mi-li-mét, Đại đội 71 pháo cao xạ 57 mi-li-mét và các đơn vị khác bắn rơi một máy bay địch.
Trận đánh kéo dài, ác liệt vì máy bay địch đánh thẳng vào trận địa của các đơn vị pháo cao xạ. Trận địa Đại đội 138 bị trúng gần 100 quả rốc-két. Trận địa Đại đội 71 bị trúng 2 quả bom. Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát bị thương đến lần thứ ba vẫn tiếp tục chiến đấu và đã hy sinh anh dũng trên trận địa. Trận chiến ở khu vực Vinh – Bến Thủy cũng là trận cuối trong ngày 5/8/1964, kết thúc lúc 17h.
Ngay trận đầu tiên mở màn địch đã ném xuống hàng trăm quả bom, bắn hàng trăm loạt đạn rốc két, làm kho xăng dầu bốc cháy dữ dội. Các lực lượng tự vệ và dân quân xã Hưng Dũng; tự vệ, công nhân viên chức thành phố Vinh được huy động đã tập trung mọi phương tiện chữa cháy, di chuyển phân tán hàng trăm tấn xăng còn lại vào các địa điểm dự phòng; ở những nơi khác, công nhân Nhà máy ép dầu, Nhà máy điện, Cty vận tải ôtô hàng hoá, Đội cơ giới xe cần cẩu, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh cùng với quân dân đã di chuyển và sơ tán hàng ngàn tấn thiết bị kỹ thuật, hàng hóa các loại ra khỏi phạm vi thành phố.
Giữa lúc máy bay Mỹ tập trung bắn phá các tàu thuyền của ta, các thủy thủ tàu 186 thuộc Quốc doanh vận tải biển do Lê Văn Tiêu chỉ huy tới ứng cứu và bắn trả máy bay quyết liệt. Thuyền trưởng Lê Văn Tiêu bị thương, một cánh tay bị dập nát, vẫn kiên cường điều khiển con tàu tránh bom đạn địch, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Trung sĩ tự vệ, thợ máy Cao Viết Thao xông vào dập ngọn lửa cháy trên tàu đến cùng. Phà Bến Thủy đã nhanh chóng phân tán 100 xe ôtô đang chờ phà và 300 hành khách đến nơi trú ẩn an toàn. Mặc cho làn đạn quân thù dội xuống, phà Bến Thủy tiếp tục vượt sông chở 10 xe đạn tiếp tế cho các đơn vị pháo chiến đấu. Khi cuộc chiến vừa dứt, phà Bến Thủy tranh thủ chở 398 xe ôtô qua phà suốt đêm.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thành phố Vinh (diện tích chưa đầy 32km2lúc bấy giờ) đã bị địch rải xuống thành phố 250.555 tấn bom đạn, trung bình mỗi đầu người phải hứng chịu 1.900kg, với 8.768 trận đánh phá. Riêng khu vực Bến Thủy chưa đầy 2km2đã gánh chịu 2.912 trận oanh tạc của địch. Cả thành phố gần như không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, hàng nghìn người dân bị chết và bị thương. Vinh đã bắn rơi 146 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay đầu tiên (ngày 5/8/1964), chiếc máy bay thứ 100 (ngày 14/9/1966), thứ 300 (ngày 27/5/1965) của giặc Mỹ trên miền Bắc. Ngày 16/9/1966, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi quân và dân thành phố: “Vinh là thành phố đầu tiên đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Đó là một thắng lợi quang vinh”.
Càng tự hào về những chiến công đó, chúng ta càng biết ơn các anh hùng liệt sĩ, những đồng chí thương binh đã xả thân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trận đầu đánh Mỹ của quân và dân thành phố. Ngay khi chiến tranh còn diễn ra ác liệt Đảng, Nhà nước đã tuyên dương các đơn vị anh hùng: Dân quân tự vệ phà Bến Thủy, Nhà máy điện, Nhà máy gỗ; Dân quân tự vệ làng Đỏ cùng các cá nhân anh hùng: Phan Đăng Cát; Nguyễn Trọng Tường, Nguyễn Hữu Tùng (Phà Bến Thủy); Trương Quang Thâm, Huỳnh Ngọc Đủ (Nhà máy điện); Trần Đình Lư, Nguyễn Thị Hạnh (Công an nhân dân)…
Chủ tịch UBND TP Vinh cũng khẳng định, kỷ niệm 50 năm quân và dân thành phố Vinh đánh thắng trận đầu chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ cũng là thời điểm tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế.
Và chúng ta đặc biệt ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa rằng: “Dị bất biến, ứng vạn biến”, với phương châm chiến lược: “Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích”.
Một số hình ảnh kỷ niệm 50 năm quân và dân thành phố Vinh đáng thắng trận đầu do PV Dân trí ghi lại:
Các diễn viên tái hiện lại chiến thắng trận đầu của quân và dân thành phố Vinh.
Những chiến sĩ hải quân gợi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu trong trận thắng đầu tiên của quân và dân thành phố Đỏ anh hùng.
Những bức ảnh, những địa danh nơi có các chiến sỹ tham gia trận đánh đầu tiên được khắc ghi và tặng cho UBND TP Vinh trong ngày lễ kỷ niệm long trọng này.
Video đang HOT
Những chiến sĩ quân và dân từng tham gia trận đánh dự lễ kỷ niệm 50 năm.
Cụ Phạm Thị Ninh – người mẹ có 5 người con đi bộ đội, là người mẹ của 2 liệt sỹ tham dự lễ.
Đại tá Hoàng Thước – người từng vào sinh ra tử trong trận chiến đánh thắng trận đầu tiên của quân và dân thành phố Vinh.
Nguyễn Duy
Theo Dantri
Xúc động bài thơ viết cho liệt sĩ đầu tiên của bản hùng ca đánh thắng trận đầu
50 năm, thời gian đã quá lâu rồi, vậy mà nước mắt vẫn rơi trên khuôn mặt của Nhà thơ Duy Thảo. Giọng của ông đã lạc điệu, như cái ngày ông nén nỗi đau viết riêng cho người đồng đội "Thương tích đầy mình vẫn gan dạ đánh Mỹ".
Liệt sĩ Phan Đăng Cát sinh ngày 14/6/1943, hi sinh ngày 5/8/1964, là Liệt sĩ đầu tiên của bản anh hùng ca đánh thắng không quân Mỹ.
Liệt sĩ Phan Đăng Cát (ảnh Tư liệu)
Tác giải Nguyễn Khắc Thuần trong một bài viết của mình của về Liệt sĩ Phan Đăng Cát đã thuật lại lời Đại tá Bùi Thúc Nhâm, nguyên Chủ nhiệm Phòng không Quân khu 4, nguyên Trưởng Ban Tác chiến Trung đoàn 280 trong trận đầu 5/8/1964:
"Phan Đăng Cát hiền lành, ít nói nhưng lại rất nhanh nhẹn, linh hoạt, có sức khoẻ và trí nhớ rất tốt. Vào quân đội huấn luyện tân binh, anh đạt ngay danh hiệu: Chiến sĩ toàn năng. Môn kiểm tra nào cũng đạt loại giỏi và được chọn đi đào tạo khẩu đội trưởng. Vào huấn luyện binh chủng pháo 57 mm, thời kỳ đó là loại vũ khí hiện đại, yêu cầu 5 pháo thủ đều vừa phải tinh thông kỹ thuật, vừa phải hiệp đồng chặt chẽ với nhau, viên đạn mới trúng kẻ thù. Anh chăm chỉ, cần mẫn nên cả kỹ thuật lẫn chiến thuật đều đạt loại xuất sắc. Vì thế, khẩu đội 8, Đại đội 138 do anh làm khẩu đội trưởng luôn là cánh chim đầu đàn của Trung đoàn.
Đóng quân cách nhà chưa đầy 20 km, gần 1 năm Phan Đăng Cát vẫn chưa có dịp về thăm nhà. Trực chiến căng thẳng, mỗi lẫn đơn vị được vài người nghỉ phép, Cát đều nhường cho đồng đội ở xa đi trước. Trưa 5/8/1964, cầm tờ giấy nghỉ phép trong tay, anh bịn rịn tạm biệt khẩu đội. Vừa rời trận địa được gần 2km, tiếng kẻng báo động máy bay địch của Trạm 05 trên núi Quyết khua vang. Một tốp giặc bay A4 từ phía Đông lao vào bầu trời Vinh. Không phút chần chừ, Phan Đăng Cát chạy như bay về trận địa, nhảy vào công sự chỉ huy khẩu đội chiến đấu.
Có anh, khẩu đội như được tiếp thêm sức mạnh. Các trận địa phòng không trên núi Quyết, trên các nhà cao tầng, lưới lửa phòng không của Trung đoàn 280 đã nhã đạn chính xác chặn đứng các đường bổ nhào ném bom của máy bay Mỹ. Là trận địa pháo trung cao chủ lực của thế trận phòng không Vinh, hoả lực ánh chớp đầu nòng súng nên sau 3 lần nổ súng, trận địa Đại đội 138 của Phan Đăng Cát đã lọt vào tầm ngắm của 8 máy bay Mỹ. Chúng thay nhau bắn rốc-két, ném bom vào trận địa. Một mảnh cắm vào hông phải làm anh Cát khịu xuống. Như có sức mạnh lạ kỳ, anh lại đứng lên, tay nắm chặt thùng đạn để đứng thẳng anh tiếp tục chỉ huy khẩu đội. Lại một trận bom dội vào trận địa, biết Phan Đăng Cát bị thương lần thứ 2, Đại đội trưởng ra lệnh cho tổ cứu thương đưa anh về phía sau. Cố nén cơn đau, Phan Đăng Cát vẫn dõng dạc: "Tôi còn chiến đấu tốt, xin được ở lại trận địa!".
Trong lần tấn công thứ 7 của máy bay Mỹ, một mảnh bom cắm vào ngực trái, lúc này anh Cát mới chịu trao cờ chỉ huy và trút hơi thở cuối cùng trên tay đồng đội.
Hai 21 tuổi đời, 3 tuổi quân, gương chiến đấu dũng cảm của Phan Đăng Cát đã đi vào lịch sử Bộ đội Phòng không Việt Nam".
Từng là đồng đội của liệt sỹ Phan Đăng Cát, nhà thơ Duy Thảo (quê Đức Thọ, Hà Tĩnh), lúc ấy là binh nhất, nhớ lại, "Tôi và anh Cát ở cùng Trung đoàn 280 với nhau. Tôi ở Đại đội 5, pháo 57 ly, bảo vệ sân bay Vinh; anh Phan Đăng Cát ở Đại đội 1, bảo vệ khu vực trọng điểm Bến Thủy đóng tại Xuân An, Nghi Xuân. Do đã khâm phục ý chí rèn luyện của anh ấy, nhất là sáng kiến làm mô hình học cụ rèn luyện bắn máy bay địch được phổ biến rộng rãi trong các đơn vị, nên chiều hôm đó (5/8/1964- PV) nghe tin anh Cát hy sinh sau 3 lần bị thương vẫn kiên cường phất cờ chỉ huy khẩu đội nhằm thẳng máy bay địch nhả đạn tim tôi quặn thắt.
Lúc bấy giờ địch đánh ác liệt, nén nỗi đau thương, những đồng đội như tôi tự hứa với mình phải chiến đấu hết mình, lấy gương hi sinh của liệt sỹ Phan Đăng Cát để đối đầu với đế quốc Mỹ, đánh cho "Quân cướp quen nghề tan xác chúng ra".
Nhà thơ Duy Thảo cầm cuốn nhật ký có bài thơ viết về Liệt sĩ Phan Đăng Cát mà ông viết, lưu giữ suốt 50 năm qua
Nhận được tin buồn, chàng lính binh nhất Duy Thảo tự hứa nhất định có dịp về trận địa Xuân An để chứng kiến mảnh đất anh hùng - nơi đồng đội mình đã ngã xuống. Chẳng ngờ, chỉ sau đó mấy hôm, chính đại đội nơi anh ở lại được lệnh cơ động kéo pháo sang Nghi Xuân vào chiếm lĩnh trận địa cắm chốt ngay tại bãi pháo mà Đại đội 1 có khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát vừa hy sinh đã chuyển đi. Cũng tại đây ngày 18/8/1964, đại đội 1 của anh đã góp phần xứng đáng bắn rơi 1 máy bay T28 của giặc Mỹ, Đơn vị vinh dự được Đại tá Phùng Thế Tài bấy giờ là Tư lệnh Quân chủng Phòng không -Không quân về thăm khen ngợi và chụp ảnh chung với CB,CS đại đội.
Cũng từ đây binh nhất Duy Thảo nung nấu ý tưởng viết bài thơ để tưởng nhớ hương hồn đồng đội Phan Đăng Cát. Nhưng rồi đơn vị anh cùng các đại đội khác có lệnh hành quân chuyển ra Quốc Oai (Hà Tây) huấn luyện, thành lập đơn vị mới Trung đoàn 232.
Phải mấy tháng sau, trong lần được về thăm và vĩnh biệt người chị gái bị ung thư giai đoạn cuối, Duy Thảo - lúc này đã được thăng hạ sỹ, khẩu đội trưởng - mới có dịp ghé lại trận địa pháo Xuân An một lần nữa nơi khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát hi sinh.
Có mặt tại trận địa pháo nơi trận đầu thắng Mỹ ấy, tác giả Duy Thảo đã dồn bao nén đau thương dành tình cảm lắng sâu cho người đồng đội. Cứ như mạch nguồn có sẵn, trong đầu anh cứ tuôn trào ra những vẫn thơ dành riêng cho người đồng đội đã anh dũng hi sinh. Bức chân dung về khí phách của một người lính trẻ gan dạ, dũng cảm trước súng đạn của kẻ thù xâm lược, chân tình, chan chứa niềm yêu thương với đồng đội, đồng bào đã được anh tái hiện trong những vẫn thơ giản dị, chân thật.
Trở về đơn vị ở mới, Duy Thảo đã chép lại bài thơ vào cuốn nhật ký đời lính của mình. Những vần thơ về người đồng đội quê làng Hoàng Cần, huyện Hưng Nguyên, (tỉnh Nghệ An) mà chưa một lần nhà thơ Duy Thảo cho xuất bản ấy đã lấy đi bao nước mắt của ông mỗi dịp Đất nước kỷ niệm Ngày chiến thắng trận đầu của Quân chủng Hải quân và Phòng không Không quân VN anh hùng:
Trích đoạn bài thơ "Chiến công đầu còn vang mãi bài ca" về Liệt sỹ Phan Đăng Cát do chính nhà thơ Duy Thảo đọc được PV Dân trí ghi lại
Rời đơn vị sau trận đầu nổ súng
Hôm nay về thăm mảnh đất chiến công
Thân thuộc quá ơi Sông Lam, Bến Thủy
Giọng đò đưa vẫn man mác xuôi dòng
Tàu cập cảng cờ tung bay trước gió
Xe nối xe thêm nhộn nhịp chuyến phà
Đỉnh núi Quyết ngẩng cao đầu kiêu hãnh
Chiến công đầu còn vang mãi bài ca
Tha thiết quá ơi màu xanh giản dị
Vẫn ngày đêm trên mâm pháo sẵn sàng
Phan Đăng Cát anh có còn đứng đó?
Dồn lời thơ cho tôi chép lên trang
Cho tôi được ngắm lại người đồng chí
Sinh hoạt quanh năm giản dị, ít lời
Tắm mưa nắng từ hồi còn tấm bé
Dồn nhiệt tình cho lứa tuổi đôi mươi
Quê hương anh, đất Hoàng Cần, Xứ Nghệ
Xót xa lòng những kiếp sống ngày xưa
Hạt lúa lép cũng vào tay địa chủ
Hạt cháy đồng lại tiếp đến lụt, mưa
Lớp cha ông đứng lên từ độ ấy
Dành áo cơm dành cuộc sống xóm làng
Cờ Xô Viết từng thấm bao nhiêu máu
Trên con đường ra Thái Lão nghĩa trang
Mới 6 tuổi đã biết thương cha mẹ
Buổi chăn trâu còn cắt cỏ đem về
Lần bộ đội đến đóng quân trong xóm
Cùng trẻ làng Cát chỉ trỏ vui ghê
17 tuổi lòng như con cá chậu
Háo hức đi tuyển nghĩa vụ hai lần
Hai lần trật trở về nhà buồn xỉu
Bực cho mình nằm nhịn cả bữa ăn
Cho tới hôm ước mơ thành sự thật
Đêm cuối cùng còn mang xắc đi tiêm
Tiễn chân anh, bà con lưu luyến mãi
Tính cần cù người y tá xã viên
Tôi về đây nâng niu từng kỷ niệm
Mỗi mô hình học cụ anh làm ra
Nhớ thuốc kẹo anh chia cho đồng đội
Trưa mồng 5 hoãn chuyến phép thăm nhà
Một đêm trước anh còn ngồi tâm sự
Câu chuyện quê hương lắm cái tâm tình
Bỗng súng địch từ ngoài khơi vọng tới
Câu chuyện vội dừng, đôi mắt quắc lên
Nhớ mãi chứ anh một phông thuốc lá
Quà anh mang về dành bạn đến thăm
Chiếc áo dệt kim dành riêng cho vợ
Đã động viên mình phục vụ yên tâm
Và đây nữa mấy tấc phin bạn gửi
Anh nhận về thêu hộ chiếc gối xinh
Ơi đồng đội tấm lòng sao đẹp thế
Mười ngày vui cũng chẳng hưởng riêng mình
Tôi về đây ngắm kỹ từng ngọn cỏ
Chỗ đất này hôm anh nắm phất cờ
Cho khẩu đội nhằm kẻ thù nhả đạn
Tưởng như còn nghe dõng dạc tiếng hô
Bom đạn xối quyết không rời vị trí
Bị thương 3 lần không một tiếng kêu ca
Cùng đồng đội như thiên thần đứng đó
Quân cướp quen nghề, bắn tan xác chúng ra
Ơi đồng chí người đoàn viên dũng cảm
Trước quân thù chẳng tiếc máu tiếc xương
Chẳng tiếc cả niềm vui mình được hưởng
Góp phần vào cho cuộc sống quê hương
Đội ngũ hôm nay tôi về thăm lại
Rắn rỏi, hiên ngang nơi bệ pháo vươn nòng
Lá ngụy trang mang Mùa Xuân kiêu hãnh
Chiến công đầu và tiếp tiếp chiến công !
Văn Dũng
Theo dantri
Trận đánh nửa thế kỷ trước trong ký ức người lính Hải quân "Đó là một trong những giai đoạn khó quên của cuộc đời lính chúng tôi. Cùng với quân dân cả nước, lính Hải quân tự hào đã góp một phần trong chiến thắng đầu tiên ấy", người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng xúc động nhớ lại trận đánh lịch sử của 50 năm về trước. Tự hào là thế hệ đầu của Hải...