Ẩm thực Pháp qua mắt một Việt kiều
Trong con mắt bạn bè thế giới, nền ẩm thực được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể này nổi tiếng nhất về gan ngỗng, bánh Creps, phô mai và đặc biệt là rượu vang.
Những người bạn Pháp của tôi khẳng định, nếu muốn thưởng thức hết tất cả các món ăn đặc trưng từng vùng miền của Pháp, tôi phải mất đến một năm với mỗi ngày là những món khác nhau. Quả thật món ăn của họ vô cùng đa dạng và phong phú, từng vùng miền đều có những món ăn truyền thống đặc trưng riêng. Tuy nhiên ẩm thực Pháp nổi tiếng nhất về gan ngỗng, bánh Creps, phô mai và các loại rượu vang.
Pate gan ngỗng béo của Pháp rất nổi tiếng. Ảnh: Ouest-france.fr
Những đặc sản trứ danh
Nước Pháp là nơi nổi tiếng về sản xuất gan ngỗng béo, chiếm hơn 70% thị phần thế giới, trong đó tuyệt đỉnh nhất là ở vùng Périgord thuộc tây nam nước Pháp. Ở đây còn nổi tiếng các món ăn chế biến từ vịt, gan vịt, patê gan vịt và nấm cêpes. Tuy nhiên gần đây, một số siêu thị ở Pháp bắt đầu từ chối bán gan ngỗng, gan vịt đóng hộp, bởi họ cho rằng đồng ý tiêu thụ nghĩa là đồng lõa với việc ngược đãi động vật. Ở Anh nhiều năm qua xảy ra nhiều vụ biểu tình yêu cầu các siêu thị ngừng bán gan ngỗng, gan vịt và kêu gọi mọi người tẩy chay sản phẩm mà họ cho là “độc ác” này.
Rượu ngâm với nấm Truffle cũng là đặc sản của vùng Périgord. Truffle là một loại n ấm quý hiếm, đắt nhất thế giới, mọc thành chùm dưới lòng đất, thường ký sinh trong lớp rễ cây sồi và chỉ có ở một số vùng thuộc châu Âu. Để có được một cây nấm Truffle người ta phải kiên trì chờ đợi sự tác động của ánh nắng và mưa dông lên thảm đất suốt năm năm trời mới hình thành nên những cây nấm Truffle và thêm bao nhiêu đó thời gian nữa để nấm chín. Để tìm được nấm, trước đây người ta phải nhờ đến lợn vì khứu giác lợn thính hơn chó, nhưng vì lợn hay “ăn vụng” nên sau này người ta dùng chó cho việc “săn” nấm. Hiện ở Pháp nấm Truffle có giá từ 5.000 – 6.000 euro một ký.
Còn nói về phô mai, có lẽ không quốc gia nào trên thế giới “qua mặt” được Pháp về lượng sản xuất và tiêu thụ cũng như mức độ phong phú về chủng loại. Họ có hơn 500 loại phô mai với mùi vị khác nhau, chủ yếu được làm từ sữa bò, cừu và dê. Nổi tiếng nhất là phô mai Camembert với vị béo của sữa và mùi hương trái cây. Phô mai xanh vùng Roquefort trứ danh với mùi hương khá nồng nhưng dễ gây nghiện. Phô mai Saint – Nectaire lâu đời làm từ sữa bò tươi vùng Auvergne. Phô mai sữa dê Chevre Chaud đem đến cho thực khách mùi vị phô mai kinh điển nhưng độc đáo.
Tuy nhiên, có lẽ rượu vang mới là thứ đặc biệt khi nói về Pháp, mặc dù những người bạn láng giềng là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng khá nổi tiếng về rượu. Đi cả nước Pháp, nơi đâu ta cũng bắt gặp những cánh đồng trồng nho, những xưởng sản xuất rượu. Bước vào các siêu thị lớn ở Pháp, ta không phải gặp hàng ngàn mà là hàng chục ngàn chai rượu với hàng ngàn thương hiệu được bày bán.
Cửa hàng rượu lớn, nhỏ có mặt ở khắp nơi. Các nhãn hiệu rượu nổi tiếng ở Pháp xuất xứ từ các vùng sản xuất rượu lâu đời như Bordeaux, Pomerol, Burgundy, Alsace, Provence hay Thung lũng sông Rhône. Mỗi loại rượu được sản xuất tùy theo đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng riêng của từng vùng, theo từng chủng loại nho, từng công thức chế biến, lưu trữ rượu riêng biệt và trong đó có cả sự nâng niu, chăm chút của những người sản xuất rượu.
Rượu Bordeaux nổi tiếng trên toàn thế giới bởi họ xuất khẩu rất nhiều nhưng ở Pháp, Pomerol lại là sự lựa chọn của những người có tiền, bởi rất ngon và khá đắt. Pomerol là một thị trấn thuộc tỉnh Gironde ở vùng Aquitaine, tây nam nước Pháp. Nếu bạn bỏ ra vài trăm euro để mua một chai rượu Pomerol mang về để trong nhà, vài năm sau mang ra bán, chắc chắn rằng bạn sẽ bán được từ gấp rưỡi đến gấp đôi, thậm chí gấp ba giá ban đầu. Theo tài liệu quảng cáo của một vài lâu đài rượu ở vùng Pomerol, Hoàng gia Anh rất chuộng rượu Pomerol và đặt mua đều đặn hằng năm.
Những chùm nho trĩu mọng trên đất Pháp cho ra loại rượu vang với hương vị khó quên. Ảnh: Destination360
Cầu kỳ nhưng khoa học
Theo những người bạn Pháp, ngoài thời gian làm việc, phần lớn thời gian còn lại người Pháp dành cho… ăn uống. Tuy nhiên họ ăn uống rất thanh lịch và tao nhã. Dù bận rộn đến đâu họ cũng ngồi vào bàn ăn và ăn một cách từ tốn. Bạn sẽ chẳng bao giờ bắt gặp một người Pháp vừa đi vừa ăn uống vội vã trên đường. Nhai thức ăn phát ra tiếng kêu, dùng tăm xỉa răng sau khi ăn bị xem là bất lịch sự ở Pháp.
Cách nấu nướng, bày trí thức ăn cũng rất công phu. Khi ăn, họ luôn bắt đầu bằng món khai vị, rồi đến một hoặc hai món chính, cuối cùng là món tráng miệng. Cách họ chọn dao, nĩa cũng tùy vào món ăn. Tôi nhận thấy điều đó khi ăn ở nhà hàng, phục vụ luôn đổi loại dao, nĩa khi mang món mới đến. Họ bảo sẽ thức ăn sẽ kém ngon nếu đựng trong chiếc dĩa hoặc dao, nĩa không phù hợp. Tương tự với rượu, chiếc ly phải phù hợp với từng loại rượu. Ngay cả tư thế ngồi khi ăn uống cũng được người Pháp xem trọng.
Bữa ăn hằng ngày của họ thường có rượu vang, ít nhất là một, hai ly. Ở Việt Nam chúng ta thường phân chia rất đơn giản: rượu vang đỏ dành để uống các món ăn từ thịt, còn vang trắng thì uống khi ăn cá. Thế nhưng với người Pháp, riêng vang đỏ họ có hàng trăm loại với hàng ngàn nhãn hiệu. Thức ăn nào phải chọn rượu nấy.
Ví dụ như khi ăn thịt và một số loài động vật hoang dã, họ uống rượu Pomerol, Margaux, St Emilion hoặc Bordeaux loại mạnh. Còn khi thưởng thức gan ngỗng, thì lại dùng rượu vang trắng ngọt như Mont Bazillac, Sauterne, Bonnezeaux. Còn sôcôla thì lại phù hợp với rượu đỏ ngọt tự nhiên như Maury, Grenache. Nếu muốn nhấm nháp chút vang với các món tráng miệng thì có rượu vang trắng Alsace, Bordeaux.
Tuy nhiên, có một điều ngạc nhiên cho tôi: người Pháp gọi các loại vang là rượu, còn với rượu mà người Việt Nam gọi “rượu mạnh” thì họ lại gọi “alcohol” (cồn). Đa số người Pháp không thích uống “cồn” bởi họ cho rằng rất hại sức khoẻ. Gần như tất cả người Pháp đều uống rượu, kể cả những cô cậu bé tuổi teen. Hoàn toàn không có gì lạ khi bạn nhìn thấy những cô cậu bé 12, 13 tuổi khi ăn tối, cũng uống cùng bố mẹ một, hai ly rượu.
Tác giả trước một nhà hàng đặc sản vùng Périgord. Ảnh do độc giả cung cấp.
Nhiều nhà hàng, khách chỉ cần chọn thức ăn, họ sẽ mang đến cho khách loại rượu phù hợp. Một số nhà hàng trứ danh về rượu, khách đến muốn thưởng thức rượu hơn là ăn thì chỉ cần khách cho biết thích uống loai rượu nào, họ sẽ mang thức ăn phù hợp với loại rượu ấy. Bởi vì nếu chọn không phù hợp, rượu sẽ làm mất mùi thức ăn hoặc thức ăn làm cho rượu kém ngon. Chính vì “cầu kỳ” nên bữa ăn của người Pháp, nhất là bữa tối, thường tiêu tốn nhiều thời gian. Bữa tối đối với họ rất quan trọng bởi đó là thời gian để tận hưởng cùng nhau, để xẻ chia, tâm sự với nhau.
Người Pháp thích nấu nướng và mời bạn bè đến nhà ăn uống. Khi mời bạn bè, họ thường đi chợ vào sáng sớm để chọn thức ăn tươi ngon và dành gần như nửa ngày để nấu nướng. Nếu bạn được một người Pháp mời đến nhà ăn tối, bạn phải mua bó hoa hoặc sôcôla để tặng cho nữ gia chủ, đó là phép lịch sự và họ vô cùng hạnh phúc nếu bạn khen họ nấu ăn ngon.
Bữa sáng của đa số người Pháp không có thịt hoặc các sản phẩm chế biến từ thịt. Những thứ bắt buộc trong bữa sáng của họ gồm bánh mì, bánh sừng bò (croissant), bơ, mật ong, mứt dâu, yaourt, nước cam tươi, cà phê.
Nói chung, ẩm thực của người Pháp vừa là nghệ thuật vừa rất khoa học. Chính vì ăn uống khoa học nên thật khó bắt gặp người lớn hay trẻ em Pháp béo phì. Và có lẽ chuyện ăn uống cũng góp phần làm nên tính cách nói chung của người Pháp: lịch sự, nhẹ nhàng và lãng mạn chăng?
Video đang HOT
Theo VNE
10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2012
Nhật Bản là quốc gia có nhiều thành phố có phí sinh hoạt đắt nhất thế giới với 4 đại diện trong danh sách này.
Hãng tư vấn quản lý toàn cầu ECA International mới đây đưa ra kết quả cuộc khảo sát về mức sống được tiến hành 6 tháng một lần tại 400 thành phố trên toàn thế giới. Cuộc khảo sát này thường được các công ty đa quốc gia sử dụng để tính lương cho nhân viên làm việc tại nước ngoài của mình.
Dựa trên kết quả khảo sát, hãng tin Business Insider đưa ra danh sách 10 thành phố có chi phí sinh hoạt cao nhất thế giới.
10. Geneva, Thụy Sỹ
Xếp hạng năm 2011: 3
Giá vé xem phim: 19,97 USD
Giá một lon soda: 1,29 USD
Giá một tá trứng: 8,06 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 9,1 USD
9. Zurich, Thụy Sỹ
Xếp hạng năm 2011: 5
Giá vé xem phim: 18,59 USD
Giá một lon soda: 1,26 USD
Giá một tá trứng: 7,88 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 9,2 USD
8. Stavanger, Na Uy
Xếp hạng năm 2011: 8
Giá vé xem phim: 17,59 USD
Giá một lon soda: 2,89 USD
Giá một tá trứng: 7,87 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 12,54 USD
7. Caracas, Venezuela
Xếp hạng năm 2011: 13
Giá vé xem phim: 15,81 USD
Giá một lon soda: 2,93 USD
Giá một tá trứng: 3,92 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 11,61 USD
6. Kobe, Nhật Bản
Xếp hạng năm 2011: 10
Giá vé xem phim: 22,84 USD
Giá một lon soda: 1,44 USD
Giá một tá trứng: 4,58 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 8,49 USD
5. Yokohama, Nhật Bản
Xếp hạng năm 2011: 6
Giá vé xem phim: 22,84 USD
Giá một lon soda: 1,59 USD
Giá một tá trứng: 4,34 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 10,3 USD
4. Luanda, Angola
Xếp hạng năm 2011: 11
Giá vé xem phim: 13,1 USD
Giá một lon soda: 1,05 USD
Giá một tá trứng: 5,25 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 7,38 USD
3. Oslo, Na Uy
Xếp hạng năm 2011: 2
Giá vé xem phim: 17,39 USD
Giá một lon soda: 3,2 USD
Giá một tá trứng: 8,38 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 12,89 USD
2. Nagoya, Nhật Bản
Xếp hạng năm 2011: 4
Giá vé xem phim: 22,84 USD
Giá một lon soda: 1,44 USD
Giá một tá trứng: 4,2 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 10,25 USD
1. Tokyo, Nhật Bản
Xếp hạng năm 2011: 1
Giá vé xem phim: 22,93 USD
Giá một lon soda: 1,85 USD
Giá một tá trứng: 6,2 USD
Giá một ly bia tại quầy bar: 10,35 USD
Theo Dantri
Đồng hồ đắt nhất thế giới bị đem đấu giá để trả nợ Chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới từng được bán với giá 11 triệu USD năm 1999 vừa bị một thành viên gia đình hoàng gia Qatar đem ra bán đấu giá cùng với 240 món đồ quý hiếm khác để trả số nợ mắc phải trong "cơn say" sưu tầm hàng độc. Thông tin được tờ Independent của Anh đăng tải hôm...