Ấm bụng với bát Sủi Dìn nóng
Giữa trời đông giá rét, được quây quần bên bạn bè, gia đình, ăn bát Sủi dìn nóng hổi, với miếng bánh bột nếp mềm dẻo, vị thơm của gừng, vị bùi của lạc, vừng, dừa, vị thanh của đường thốt nốt (đường mía) làm ta cảm thấy ấm lòng hơn.
Làm Sủi dìn không phải quá khó, nhưng để có một bát Sủi dìn ngon đòi hòi rất nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ. Khâu chuẩn bị nguyên liệu khá kỳ công bởi bột nếp phải xay nước sau đó cho hút ẩm bằng gio bếp hoặc mùn cưa đến độ mềm, dẻo nhất định vừa đủ để nặn những viên bánh. Khi làm cần khéo léo để nhân không bị bật ra ngoài vỏ, khi luộc chú ý để đủ độ chín là vớt ra bát, nếu để chín quá dễ bị vỡ nhân.
Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên liệu khác để tạo nên món Sủi dìn ngon như nước gừng nóng được chế biến bởi gừng nướng vừa đủ, đường thốt nốt (hoặc đường mía) cho nước có màu vàng đục đặc trưng; cùi dừa nạo; lạc rang giã rối; vừng đen.
Sau công đoạn sơ chế, các viên bánh đã luộc chín được bỏ vào bát con, bên trên rắc vừng, lạc, dừa nạo, và cuối cùng là chan nước gừng nóng vào.
Thực khách bê bát Sủi dìn nóng lên và cảm nhận hương vị thơm của gừng, cắn miếng bánh mềm dẻo có vị ngọt thanh của đường, vị bùi của lạc, vừng, dừa. Giữa trời đông buốt giá, bạn bè, gia đình quây quần bên nhau cùng thưởng thức bát Sủi dìn nóng như cảm thấy ấm lòng hơn.
Ở Tp Hạ Long (Quảng Ninh), mấy năm trước có một chị trung tuổi (hình như tên Thoa?) bán Sủi dìn cùng với hạt dẻ rang nóng, ngô nướng, khoai nướng buổi tối trước cửa Công ty sách và thiết bị trường học rất đông khách. Bẵng đi một thời gian không thấy chị bán nữa, có người bảo hình như chị đi nước ngoài?
Video đang HOT
Mấy hôm nay trời rét buốt, tự nhiên thấy nhớ và thèm món Sủi dìn, đi một vòng Hạ Long để tìm và phát hiện ra một quán rất ổn. Đó là quán cô Hải, nằm đối diện Trung tâm xúc tiến việc làm Quảng Ninh (đường Trần Hưng Đạo). Quán được bán từ 20h tối ngày hôm trước đến khoảng 2h sáng ngày hôm sau. Qua thao tác có thể nhận biết chủ quán đã có nhiều kinh nghiệm với món Sủi dìn.
Lòng cảm thấy vui, vì bây giờ giữa đêm đông bỗng thèm bát Sủi dìn nóng thì đã có chỗ để thỏa mãn cơn thèm.
Theo Giadinhnet
Bánh đa kế, món quà quê dân dã
Người bán một tay cầm bánh đa, một tay cầm quạt, phe phẩy trên chậu than hồng. Những chiếc bánh cứ thế mà nở phồng, nóng hổi, thơm lừng theo gió quạt.
Từ một món ăn miền quê dân dã, bình dị, ngày nay bánh đa nướng trở thành đồ ăn không thể thiếu trên bàn nhậu của người dân thành thị. Nói đến bánh đá nướng, ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến bánh Kế ở Bắc Giang. Món ăn chơi tưởng chừng khô khốc lại trở nên giòn tan, bùi lạ dưới bàn tay khéo léo của người dân làng Kế - ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang.
Những phên bánh phơi tròn dưới nắng. Ảnh: chudu.
Vào những ngày nắng khi đi ngang qua Dĩnh Kế, ai nấy đều thích thú trước khung cảnh hàng trăm chiếc phên phơi bánh đa tròn, trắng muốt, dọc theo quốc lộ 1A, trong đường làng, ngõ xóm, sân nhà. Người dân làng Kế làm bánh đa quanh năm, đặc biệt nhộn nhịp vào những lúc nông nhàn.
Để làm nên những chiếc bánh đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nguyên liệu chính làm bánh đa Kế là gạo loại ngon, ngâm nước để căng mọng rồi xay nhuyễn, tạo thành bột mịn, trắng muốt. Theo kinh nghiệm của người dân làng Kế, để có được chiếc bánh hảo hạng thì khâu quan trọng nhất là tráng bánh.
Vừng, lạc khiến bánh đa Kế trở nên thơm, bùi và dễ ăn hơn. Ảnh: dangcongsan.
Tuy tráng bánh đa có nhiều điểm tương đồng với tráng bánh cuốn nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt khéo léo của người thợ lành nghề. Là loại bánh dùng để nướng nên khi tráng phải dày hơn. Bánh được tráng hai lần, sau khi lớp một chín nhưng vẫn còn ướt, lớp hai được trải đều ngay trên lớp một, tuy nhẹ tay nhưng đều và phẳng.
Trăm hay không bằng tay quen, hàng trăm chiếc bánh tráng ra lò đều chằn chặn cả về kích thước lẫn độ dày. Chúng được khéo léo lấy ra khỏi nồi hơi bằng cách quấn quanh một ống nứa to và dài rồi trải đều ra phên, mà bánh vẫn không hề bị rách hay méo mó.
Điểm đặc biệt dễ nhận ra ở bánh đa Kế chính là lớp vừng lạc ở bên trên. Do đó, trước khi đem bánh ra phơi, người làng Kế thường rắc rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập lên mặt bánh còn bốc hơi nóng hổi. Tuy nhiên, không phải rắc thế nào cũng được. Lạc vừng rắc phải đảm bảo trải đều trên mặt bánh, nhưng tập trung ở phần tâm để khi nướng lạc vừng chín tới. Điều này không những giúp bánh đa Kế ăn vừa miệng mà còn vừa mắt người ăn.
Bánh đa Kế đóng thành từng gói là món quà yêu thích của du khách khi ghé đến Bắc Giang. Ảnh: chudu
Phơi bánh cũng đòi hỏi kỹ thuật được đúc kết qua nhiều năm. Nắng không quá nhạt nhưng cũng không được quá gắt. Khi đủ thời gian để bánh se mặt nhưng vẫn dẻo, người làm nghề phải kịp thời gỡ bánh cho khỏi dính vào phên tránh bị vỡ, hoặc thủng, rồi mới lật bánh sang mặt bên kia và phơi tiếp cho đến khô kiệt, bánh mới giòn.
Trước khi đem bán, bánh được nướng quạt trên than hoa đỏ lửa. Khâu nướng không chỉ làm chín bánh mà còn giúp định hình dáng bánh. Một tay cầm bánh đa, một tay cầm chiếc quạt nan, người nướng phải quạt đều tay, liên tục, những chiếc bánh đa được lật đi lật lại thoăn thoắt cho đến khi chuyển sang màu vàng rộm, mùi hương thơm tỏa. Thi thoảng họ dừng lại uốn những chiếc bánh cho khỏi bị vênh, tròn đều.
Khi ăn những chiếc bánh đa có vị bùi, ngọt, giòn và thơm lừng. Thưởng thức món quà quê dân giã ấy là trải nghiệm một phần văn hóa trong đó mà theo như người Dĩnh Kế, đó là thưởng thức một loại hình ẩm thực truyền thống. Nó gợi nhắc đến hình ảnh những phiên chợ quê vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nơi các bà các mẹ vẫn hay đi chợ mua bánh đa Kê về làm quà cho con cháu.
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com - Theo Vnexpress
[Chế biến] - Gà chiên lạc Món gà chiên lạc thơm ngon, có vị ngọt của thịt gà một chút bùi bùi của lạc rất hấp dẫn. Cách làm gà chiên lạc không khó nhưng để hoàn thiện món ăn này đòi hỏi chị em phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu, gia vị. Nguyên liệu: - 2 cái ức gà - 100g lạc rang, xát bỏ vỏ - 5cm...