Ám ảnh về cuộc đời bi kịch của người lùn Congo bị nuôi nhốt trong sở thú
Câu chuyện về cuộc đời bi kịch của người lùn Congo này có thể được xem là một trong những sự kiện vô nhân tính gây ám ảnh của thời đại.
Ngày nay, Sở thú Bronx thuộc thành phố New York được xem là sở thú lớn nhất Mỹ với số lượng khỉ đột Congo nuôi nhốt đặc biệt nhiều. Nhưng quay trở lại thời kỳ đầu thế kỷ 20, nơi đây được xem là sở thú vô nhân tính nhất của thời đại khi nhốt một người đàn ông trẻ tuổi trong chuồng thú để làm trò mua vui cho người dân Mỹ thời bấy giờ.
Người lùn của bộ lạc ăn thịt người bị nhốt trong chuồng thú làm trò mua vui
Benga và “người bạn” duy nhất của mình khi bị nuôi nhốt trong Sở thú Bronx.
Video đang HOT
Năm 1906, tên tuổi của Sở thú Bronx bỗng chốc nổi lên như cồn sau khi đem về một “hiện vật sống” có nguồn gốc từ Congo. Đáng ngạc nhiên hơn cả, đó không phải một loài vật nào mới được phát hiện mà là con người bằng xương bằng thịt – một người đàn ông mắc chứng lùn có tên Ota Benga.
Benga được Tiến sĩ Samuel Phillips Verner, nhà thám hiểm kiêm cựu thành viên giáo hội truyền giáo người Mỹ tìm thấy tại nơi giao nhau giữa hai con sông Kasai và Sankuru ở Congo vào năm 1904. Theo lời nói dối của Tiến sĩ Verner, anh là người Bashilele, một bộ tộc ăn thịt đồng loại man rợ của lịch sử nhân loại. Để có được Benga, ông chỉ phải chi ra khoản tiền 5 USD.
Ở độ tuổi vào khoảng 23, Benga chỉ có chiều cao 1m50 và cân nặng 47kg. Với vóc dáng thỏ nhó và hàm răng mài nhọn, ngoại hình của anh trông khá kỳ dị so với những người dân da trắng cao to, mắt xanh mũi lõ. Kể từ khi xuất hiện, chàng trai trẻ tuổi người Congo này nhanh chóng trở thành đề tài nóng sốt trong từng câu chuyện khắp thành phố.
Hàm răng nhọn chính là cái cớ để Tiến sĩ Verner thêu dệt nên câu chuyện rằng Benga là một kẻ ăn thịt người.
Phía sau song sắt của chuồng thú, Benga còn phải chung sống cùng với một con đười ươi nhỏ nữa. Ngoài khu sinh hoạt chung, anh còn có một căn phòng riêng để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt thấp kém này cũng không thể khiến anh cảm thấy thoải mái trong chiếc chuồng nồng nặc mùi phân và nước tiểu.
Vào 2 giờ chiều mỗi ngày, Benga phải rời khỏi phòng ở để xuất hiện trước các du khách. Thông thường, anh làm các trò mua vui trước đám đông. Nhưng thi thoảng, anh chỉ biết ngồi trên ghế, rầu rĩ nhìn bên ngoài qua song sắt.
Cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy bi thảm của người đàn ông xấu số
Sau khi Hội chợ Thế giới kết thúc, Benga quay trở lại Congo cùng với tiến sĩ Verner. Nhưng sau đó không lâu, anh lại tiếp tục quay trở lại “sở thú người”. Trước hành vi vô nhân đạo của Sở thú Bronx, một vị tu sĩ da đen có tên Matthew William Gilbert đã đấu tranh đòi quyền tự do cho Benga.
Benga (thứ hai từ trái sang) và các bạn của mình khi còn sống tại Congo. Ảnh được chụp vào năm 1902.
Vào cuối tháng 9/1906, tức là chỉ sau 20 ngày bị giam giữ, Benga đã được gửi tới Trại mồ côi Howard ở thành phố Brooklyn để chăm sóc. Mặc dù điều kiện sinh hoạt tại đây đã đầy đủ hơn nhưng anh vẫn bị ám ảnh bởi những lời trêu ghẹo của lũ trẻ tại cô nhi viện.
Thời gian sau đó, Benga lại được chuyển tới một trường học nông nghiệp ở gần đảo Long Island với chế độ nửa ngày học, nửa ngày làm. Khi bước sang tuổi 33, tâm trạng của Benga có phần không tốt. Anh thường ngồi gốc cây một mình và lẩm bẩm hát “Con tin mình sẽ được trở về nhà. Chúa ơi, Người sẽ giúp con chứ?”.
Vào ngày 19/3/1916, vào một buổi chiều muộn, Benga đi nhặt củi trong rừng rồi đem về trường nhóm lửa trại. Anh vừa nhảy múa xung quanh đống lửa vừa rên rỉ, than khóc và cầu nguyện. Mặc dù đã nhiều lần chứng kiến việc làm này của Benga nhưng các học sinh trong trường chưa bao giờ thấy anh buồn tới như vậy.
Đêm hôm đó, khi các bạn đi ngủ hết, Benga trốn ra một túp lều gần nhà và kết liễu đời mình bằng một viên đạn xuyên trúng tim. Sau khi qua đời, anh được mai táng tại khu mộ của người da đen tại nghĩa trang thành phố.
TheoChi Mai / Trí Thức Trẻ