Ám ảnh làng góa bụa nơi đại ngàn
Cơn lốc ma túy đi qua, Chà Lúm tan tác, hoang lạnh. Những người đàn bà góa chồng, những đứa trẻ sớm phải chịu cảnh mồ côi cứ ám ảnh người nơi xa đến…
Ma túy, HIV đã cướp đi những đàn ông trụ cột ở Chà Lúm
Bản “trắng” đàn ông…
Chà Lúm (xã Yên Tĩnh, Tương Dương, Nghệ An) nằm chênh vênh bên sườn đồi, là một trong những bản xa nhất, khó khăn nhất của Yên Tĩnh. Những ngôi nhà tranh dựa lưng vào nhau để nép mình bên sườn núi cao, chống chọi với những con gió hun hút thổi ràn rạt suốt đêm ngày. Bản heo hút, những khuôn mặt ngơ ngác, nhem nhuốc ló ra từ những cánh cửa xập xệ nhìn những người khách lạ.
Cụ bà Kha Thị La thở dài: “Trước đây bản ta cũng đông vui lắm nhưng từ hồi rộ lên phong trào đào vàng thì lụi dần. Giàu sang mô nỏ thấy, chỉ thấy rặt những đứa ốm đau nghiện ngập mò về bản. Hồi ấy nghiện nhan nhản, có nhà cả cha lẫn con nghiện, nhà thì 3-4 người nghiện. Rồi ăn cắp, trộm cướp đánh nhau xảy ra như cơm bữa…”.
Xen giữa những ngôi nhà tranh rách nát ủ dột với những cột khói bảng lảng bay lên không trung rồi hòa vào màn sương mờ ảo là những ngôi nhà hoang lạnh. Vách nứa đã bị sương gió đánh bật tả tơi, chỉ còn những chiếc cột gỗ đỡ lấy cái mái tranh như đang chực sụp xuống. “Nhiều gia đình tan nát, vợ chồng bỏ đi tứ xứ, để mấy đứa nhỏ ở nhà cho ông bà nuôi. Có nhà nghiện hết, bán luôn cả nhà để hút rồi người chết, người lang bạt đâu đó không rõ. Có nhà cả hai vợ chồng đều nhiễm “ết” rồi lần lượt đi, căn nhà bỏ hoang, chẳng ai dám lai vảng tới gần”, cụ La tiếp tục câu chuyện buồn của bản mình.
Cơn lốc ma túy, HIV chưa qua đi nhưng Chà Lúm đã tan hoang
Ma túy đã tàn phá Chà Lúm như có cơn lốc tràn qua. Chà Lúm xơ xác, hoang tàn, của cải, con người cứ lũ lượt kéo nhau đi. Cái cảnh lá “vàng tiễn lá xanh” đã quen đến nỗi người ta chẳng còn thấy sợ hãi nữa. Những người phụ nữ góa bụa, những đứa trẻ sớm mồ côi, những cụ ông cụ bà “thất thập cổ lai hy” chẳng còn chỗ dựa cứ thui thủi như cái bóng.
Ông Lương Văn Trung nén một tiếng thở dài não ruột: “Mấy năm trở lại đây người già chết thì không thấy, toàn thấy thanh niên chết thôi. Có hôm 2, 3 đứa chết. Bình quân mỗi tháng bản phải làm đám ma một lần, toàn chết trẻ cả. Đứa chết vì sốc thuốc, đứa chết vì con “ết”, đứa chết vì không có thuốc phiện để hút…. Giờ thanh niên trong bản có còn mấy nữa đâu, số còn lại cũng đang sống dật dờ chờ Phà (trời) mang đi”.
Ông Lương Văn Tình có 3 người con trai thì 2 đứa con của ông đã chết vì nghiện ngập (có bị nhiễm HIV hay không chính ông cũng không biết). Anh con út Lương Văn Kháy (SN 1983) thì nằm quắt queo trong xó nhà, bắt đầu bốc mùi khó chịu của người lâu ngày không tắm. “Người ta bảo hắn ở giai đoạn cuối rồi, không cứu được nữa. Hắn nghiện nặng quá, hết hút rồi chích, đến khi đổ bệnh thì về làm khổ hai cái thân già ni. Chắc nó cũng không còn trụ được bao lâu nữa. Rứa là tui hết con trai rồi”, từ hai kẽ mắt của ông Tình, dòng nước mờ đục chảy ra. Hai lần làm đám ma cho con, ông bà đang chuẩn bị mất nốt đứa còn lại…
Ông Phó Bí thư bản Chà Lúm Lương Văn Đồng nhẩm tính: Bản Chà Lúm có 190 hộ dân thì có hơn 100 người nghiện, hầu hết là thanh niên, trai tráng và trung niên. Số người chết cũng chiếm hơn quá nửa số nghiện. Và số phụ nữ góa chồng cũng tương đương số người đã chết vì ma túy, vì con “ết”.
… và “góa” chồng
Những đám ma đi trong vội vã như để trốn chạy thực tế phũ phàng nhưng có một thực tế khiến những người có trách nhiệm không khỏi day dứt: sau những đám tang là những người đàn bà góa bụa, những đứa trẻ mồ côi ngơ ngác. Vành khăn tang luôn ám ảnh trên đầu những người phụ nữ và những đứa trẻ tội nghiệp. Những sơn nữ Chà Lúm cũng khó kiếm được tấm chồng tử tế vì cái tiếng bản “ết”, vì có cha, chú chết vì căn bệnh thế kỷ này. Tình trạng “âm thịnh dương suy” ở đây vì thế càng trở nên trầm trọng hơn.
Những đứa trẻ mồ côi ngơ ngác…
Video đang HOT
Chị Vi Thị E. đang ở nhờ nhà ông chú với 2 đứa con. Căn nhà của chị đã được ông chồng “bán hóa giá” để có tiền thỏa mãn cơn đói thuốc vật lên vật xuống. Chồng chết, 3 mẹ con trở nên bơ vơ. Thương tình, ông chú cất cho 3 mẹ con một cái chòi con con, cũng chẳng thể gọi là nhà được. Cái chòi tối âm u, đầy mùi ẩm mốc, quần áo vắt tứ phía, vứt la liệt lên cái giường ọp ọep – thứ tài sản đáng giá duy nhất của 3 mẹ con.
Ngồi thu lu trên giường, đôi mắt chị E. rơm rớm nhìn đứa con gầy nhẳng – biểu hiện thiếu ăn triền miên – rồi nhìn lên chúng tôi phân trần: “Hồi bố hắn còn sống, mẹ con tôi đã chẳng được sống yên ổn. Trong nhà, từ con lợn, con gà đến cái mâm, cái xoong đều bị anh ấy bán hết để mua thuốc. Khi không còn chi để bán anh ấy dỡ nốt cái nhà để đổi thuốc.
Nhà hết, đói thuốc, anh lôi vợ con ra chửi bới rồi đuổi đánh. Giờ tôi chỉ ước có căn nhà lành lặn cho con ở thôi chứ cái chòi này mưa thì dột, mùa rét gió lùa vô thông thống như ở ngoài rừng”. Ước nguyện của chị E. chắc cũng sắp trở thành hiện thực khi ông Vi Vũ Quang – Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh quả quyết, xã đang cố gắng huy động sự đóng góp sức người, sức của từ các tổ chức, đơn vị để dựng nhà cho các hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Không những mất nhà, mất cửa, mất chồng vì ma túy, những người phụ nữ nơi đây còn phải chịu cảnh bạo hành từ chồng khi anh ta thiếu thuốc. Ôm đứa con nhỏ mặt bủng beo, nhem nhuốc, chị Ngân Thị H. sụt sùi: “Có chồng như tui còn khổ hơn ở góa. Mỗi lần chồng lên cơn nghiện, tui phải bế con chạy vào rừng. Nếu không, anh ấy cầm tóc, túm đầu đánh như đánh con trâu, con bò vì tội… không có tiền để mua thuốc”. Chồng chị H. là anh Lương Văn N. là một trong những con nghiện có thâm niên ở Chà Lúm và cũng mới mất cách đây ít lâu.
… và những đàn bà góa là những người phải gánh chịu hậu quả của cơn khát làm vàng, nghiện ngập và nhiễm HIV ở Chà Lúm
Đưa bàn tay gân guốc, đầy vết chai sạn quệt dòng nước mắt lăn ra, ông Lương Văn Trung kể: “Tôi có duy nhất 1 thắng con trai, sau cái đợt đi đào vàng về thì nó nghiện. Ít lâu sau thì nhận được thông báo nhiễm HIV. Nó chết được 1 năm thì vợ nó cũng theo chồng, để cho 2 thân già này 2 đứa cháu côi cút, may là chúng không bị nhiễm bệnh như bố mẹ. Hai thân già này như ngọn đèn dầu trước gió, chẳng biết sống được bao lâu nữa, chỉ thương chúng còn nhỏ quá, chưa biết đi nương đi rẫy kiếm ăn”.
Có chồng chết vì “ết” – bản lý lịch không mấy sáng sủa đó khiến những người đàn bà góa chồng ở Chà Lúm khó có cơ hội đi bước nữa. Trong khi đó, số phụ nữ cùng cảnh ngộ như họ cũng đang tăng dần theo từng tháng, từng năm. Ánh mắt sầu thảm của chị Vi Thị E., chị Ngân Thị H., ánh mắt ngơ ngác, buồn thăm thẳm của những đứa trẻ mồ côi ở Chà Lúm cứ ám ảnh chúng tôi mãi không thôi.
Theo Dantri
Người đàn bà lúc nào cũng sợ mình chết
Lâu rồi chúng tôi mới gặp lại chị và những đứa con đáng thương. Vẫn là những đứa trẻ sống trong mặc cảm của bệnh tật, của nghèo đói bủa vây. Âu lo hơn khi người mẹ là trụ cột của gia đình đang sắp ngã quỵ vì căn bệnh tim quái ác.
Phải băn khoăn lắm chị Phạm Thị Thủy mới tìm lại chúng tôi để nhờ giúp đỡ, bởi cách đây 3 năm về trước, những đứa con của chị đã được bạn đọc Dân trí giúp đỡ rất nhiều. Nhưng lần này, căn bệnh tim quái ác hành hạ khiến mạng sống của chính mình trở nên nguy nan, chị không còn biết cách nào khác.
Căn bệnh tim mà chị Thủy chịu đựng đã bao năm nay giờ khiến tính mạng chị như "ngàn cân treo sợi tóc"
Chị Thủy chính là mẹ của bé Lương Văn Nam, cậu bé bị căn bệnh vảy nến kỳ lạ mà chúng tôi đã từng thông tin trong bài "Nghẹn ngào trước cảnh cậu bé 13 tuổi mắc bệnh lạ" ở làng Hoàng Xá, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội.
"Em chết thì cũng tại số của em, đành chịu. Nhưng em thương các con quá, chúng còn quá bé mà lại đang gánh trên người bao bệnh tật. Mẹ em thì đã quá già yếu, còn chồng lại bị chứng dở người đã bao năm nay", chị Thủy bắt đầu lăn dài nước mắt khi kể về những nỗi khổ tâm chồng chất bấy lâu.
Đại gia đình chị Thủy vẫn trông chờ vào những đồng thu nhập ít ỏi từ nghề thủ công dát vàng mã
Vẫn căn nhà xưa cũ, vẫn những con người xưa cũ. Và bệnh tật mà họ mang trên người thì ngày một nặng hơn. Cậu bé Lương Văn Nam, con trai đầu của chị bị mắc căn bệnh vảy nến kỳ lạ, khiến da sần sùi và thường xuyên bong tróc đau đớn. Căn bệnh đã biến cậu bé thành một người "kỳ dị", khiến những ai lần đầu gặp cậu đều không khỏi sợ hãi. Nhưng thực ra em là một cậu bé rất ngoan hiền, yêu thương các em hết mực. Biết mẹ và bà vất vả vì mình, Nam dành hết thời gian để làm việc giúp đỡ mẹ kiếm tiền nuôi các em ăn học.
3 đứa con "mỗi đứa một bệnh" của chị Thủy gồm Lương Văn Nam, Lương Thị Huệ, Lương Thị Thùy Linh cách đây 3 năm về trước
Giờ 3 anh em đã lớn hơn trước, nhưng bệnh thì vẫn đeo đẳng suốt chừng ấy thời gian
Em gái của Nam là Lương Thị Huệ, năm nay đã 12 tuổi, cao nhẳng hơn so với 3 năm về trước. Có điều, cơ thể của cô bé vẫn gầy tong teo do căn bệnh tim bẩm sinh chưa được điều trị. Cô em gái út xinh xắn Lương Thị Thùy Linh ngày nào giờ đã sớm mang dáng vẻ nhọc nhằn, bươn chải để sống của những gia đình nghèo khổ.
"Các con của em vẫn thế, gánh trên người bao bệnh tật mà không biết kêu với ai. Không có tiền thì mẹ con chỉ biết nhìn nhau mà khóc, anh à", chị Thủy nói với tôi. Bản thân chị Thủy cũng là người mang căn bệnh tim đã bao năm nay mà không dám đi phẫu thuật. Chị thấy trong người còn khỏe nên cứ ở liều. Nói đúng hơn chị sợ chết. "Em sợ nếu phẫu thuật mà chẳng may có mệnh hệ gì, thì ai sẽ nuôi các con của em, ai sẽ chăm mẹ già và chồng ? Em mà chết thì họ sẽ sống như thế nào ?", chị hỏi tôi mặc dù câu trả lời là quá khó cho người đối diện.
Điều làm chị Thủy đau đáu trong lòng là nhỡ chị có mệnh hệ gì thì các con sẽ sống ra sao
Nhưng, đấy là những thàng ngày còn "khoe khỏe" trong người. Chứ bây giờ chị không thể cố được nữa. Những cơn đau tim làm chị ngất liên tục, đến thở cũng đã là khó khăn huống hồ làm những việc nặng nhọc. Hơn bao giờ hết chị cảm thấy bóng dáng của tử thần đang bủa vây, treo lở lửng trên đầu chị.
"Em đi khám, các bác sĩ bảo phải mổ gấp. Chậm ngày nào thì tính mạng nguy kịch ngày đó. Các bác sĩ ở Viện Tim mạch Hà Nội đã chỉ định ngày giờ phẫu thuật nhưng em vẫn còn chần chừ, bởi lấy đâu ra tiền để phẫu thuật đây ?", chị Thủy lại nói.
Ba năm về trước, đứa con trai của chị là Lương Văn Nam đã được các nhà hảo tâm giúp đỡ một khoản tiền. Cũng nhờ số tiền đó mà chị dành dụm để chèo chống cả gia đình vượt qua bệnh tật, khó khăn của cuộc sống. Chị bảo cả gia đình đều trông chờ vào cuốn sổ tiết kiệm 60 triệu đồng, nhưng nó cũng chỉ mới trả được một nửa chi phí cho ca phẫu thuật tim của chị sắp tới.
Tôi hiểu sự rối bời của chị, bởi nếu không phẫu thuật gấp thì tính mạng của chị khó giữ. Nhưng phẫu thuật thì chưa đủ tiền, và rồi cái đại gia đình của chị cũng sẽ "đứt gánh" vì nợ nần chồng chất, khó khăn bủa vây.
"Cái Huệ, cái Linh học giỏi lắm. Thằng Nam cũng nghị lực lắm. Chúng học và làm cũng chỉ vì thương mẹ, thương bà. Nhỡ may tôi có mệnh hệ gì, cuộc đời của các cháu sẽ đi về đâu ?', chị Thủy lại hỏi tôi. Câu trả lời thật khó có lời giải đáp.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 817: Chị Phạm Thị Thủy, thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội.
ĐT: 01646.336.734
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
Theo Dantri
Thâm nhập đường dây trai bao Với chút mã bề ngoài và lòng nhiệt tình, tôi đã xâm nhập thế giới trai bao. Được nuôi, được cưng chiều, nhưng trai bao quả là "nghề" khắc nghiệt. Họ phải sống chung với nhiều giới tính, nhiều chiêu trò, và chưa ai có được hạnh phúc cho riêng mình. "Cho em xin vào nghề" Tiếp xúc với giới trai bao Sài...