Ám ảnh kinh hoàng của những lao động “chui” trở về từ Syria
May mắn sống sót trở về quê nhà sau bao năm tháng sống trong nỗi sợ hãi, cực khổ, đến giờ những người lao động “chui” ở Syria vẫn mang nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi cảnh bom rơi, đạn nổ nơi xứ người…
Cuộc sống kinh hoàng nơi xứ người
Gặp chúng tôi, chị Lê Thị Thảo, thôn Chí Cường, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa – người trở về từ Syria – vẫn còn ám ảnh bởi những ngày tháng chiến tranh nơi đất khách, quê người. Qua môi giới, năm 2008, gia đình chị vay mượn, gom góp hàng chục triệu đồng để chị được sang Syria làm thợ may.
Vợ chồng chị Lan không ngờ có ngày mình lại được đoàn tụ.
Sang đến nơi, không biết tiếng bản địa, chưa quen đường đi lại, chị Thảo chỉ biết làm việc ở nhà, không dám đi ra đường. Tuy nhiên làm viêc vât vả mà chị không hê được trả lương.
Sau đó, chị Thảo được đưa đến làm giúp việc cho một gia đình tại thành phố Allepo. Nhưng rồi chị cũng không được trả công bởi chủ nhà đã bỏ đi sơ tán bởi cuộc nội chiến. “Bên ngoài, tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ, tiếng súng chát chúa, sau mỗi đợt bắn phá nhìn ra bên ngoài nhà cửa tang hoang… Những lúc như thế tôi cứ nghĩ mình sẽ chết”, chị Thảo nhớ lại.
Những ngày tháng sau đó, chị Thảo lại lưu lạc đến thủ đô Damascus, trong người không một đồng xu dính túi. Nhìn quanh, chỉ thấy cảnh đổ nát, tan hoang. “Sau hơn 5 tháng sống trong tuyệt vọng, ngoài đường cảnh tượng đổ nát, xe cháy, còn có cả người chết”, chị Thảo rùng mình nhớ lại.
Đến tháng 4/2013, chị Thảo được đưa đến Đại sứ quán Philippines. Nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với Đại sứ quán Philippines và Tổ chức di dân quốc tế, chị Thảo đã được trở về quê hương.
Một trường hợp khác cũng rơi vào hoàn cảnh như chị Thảo là chị Dương Thị Lan (35 tuổi, ở xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Năm 2007, cũng qua đường dây môi giới, chị Lan sang Syria làm thuê. Những ngày mới sang, chị Lan đã phải chuyển đến 3 chỗ làm vì không được chủ trả lương. Chỗ làm cuối cùng của chị là ở thành phố Allepo.
Tại đây, dù được chủ lao động hứa trả 150 USD/tháng nhưng rồi cuối cùng chị cũng không nhận được đồng nào. Vì là lao động bất hợp pháp nên chị không biết kêu ai.
Video đang HOT
Hàng ngày, chị Lan phụ giúp chồng sửa xe máy.
Đến giữa năm 2012, cuộc nội chiến xảy ra. Nhiều đêm nằm ngủ, chị choàng tỉnh vì tiếng súng nổ. Ngoài đường phố vắng tanh, nhà đổ sập, xe bốc cháy… “Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy mình bị nhốt trong nhà, họ đã bỏ đi sơ tán hết, 3 ngày liền không có thức ăn. Đến ngày thứ 3 trong lúc đang đứng trên tầng nhìn xuống thấy một người đàn ông, tôi gọi nhưng họ không nghe vì tiếng bom đạn nổ, tôi phải lấy miếng kính ném xuống, lát sau thấy thêm vài người cảnh sát đến phá cửa đưa tôi đến đại sứ quán Philippines. Dọc đường đi toàn cảnh đổ nát, tan hoang”, chị Lan nhớ lại.
Khi đến Đại sứ quán Philippines chị Lan được giúp đỡ chỗ ăn, ở và liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ để đưa chị trở về nước.
Ân hận vì suýt đẩy vợ vào chỗ chết
Mặc dù vợ đã trở về đoàn tụ cùng gia đình sau bao năm xa cách, nhưng đến giờ anh Lê Xuân Sơn, chồng chị Lan vẫn còn ân hận vì quá tin người mà đồng ý cho vợ đi lao động. Anh không ngờ rằng, chừng ấy năm trời, vợ mình phải sống trong nỗi lo lắng, sợ hãi và khổ cực nơi xứ người.
“Vì tin lời một người môi giới ngoài Hà Nội mà suýt nữa tôi đẩy vợ mình vào chỗ chết. Thời gian gần đây nghe thông tin trên ti vi biết bên ấy có đánh nhau, tôi như ngồi trên đống lửa”, anh Sơn chia sẻ.
Ngày trước, cuộc sống gia đình anh chỉ trông chờ vào vài sào ruộng và quán sửa xe máy của anh Sơn nhưng gia đình được đoàn tụ. “Cứ nghĩ để vợ đi mấy năm kiếm ít vốn về đầu tư, mở rộng quán sửa xe, ai ngờ từ ngày đi đến khi về chỉ được gần 30 triệu, số tiền vay đi hiện gia đình vẫn đang phải trả lãi hàng tháng”, anh Sơn thở dài.
Nhớ lại cảnh những ngày tháng vợ chồng sống ly biệt, anh Sơn quả quyết: “Bây giờ ở nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, tôi không bao giờ cho vợ đi làm ăn xa nữa”.
Còn anh Phạm Văn Chiêu, chồng chị Thảo vẫn chưa dám tin vợ mình còn sông trở về. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà anh Chiêu đồng ý cho vợ đi xuất khẩu lao động. Trước khi đi, hai vợ chồng gom góp mãi mới được 1.200 USD để đưa cho người môi giới, chưa kể những chi phí khác để làm thủ tục và đi lại. Sau một năm kể từ ngày đi, chị Thảo mới liên lạc được với gia đình, bản thân chị cũng không biết mình đang ở đâu trên đất nước Syria và chỉ thông báo về quê là giúp việc gia đình nhưng không được trả lương. Những lần liên lạc về gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến năm thứ 4 thì mất liên lạc hoàn toàn.
Sau một thời gian dài mất liên lạc với vợ, anh Chiêu tìm đến cơ quan chức năng trình báo, nhưng do vợ anh là lao động bất hợp pháp nên không giải quyết được. Những ngày tháng mất liên lạc vợ, ở quê, anh Chiêu đi dò hỏi khắp nơi, lo lắng, tuyệt vọng vì không biết làm cách nào để tìm được vợ. Đang trong lúc tuyệt vọng, gia đình anh Chiêu nhận được điện thoại từ nước ngoài liên lạc về từ Đại sứ quán Philippines. “Sau khi có địa chỉ của vợ, tôi làm đơn lên Bộ Ngoại giao xin đưa người về”.
Duy Tuyên – Triệu Ngọc
Theo Dantri
2 phụ nữ Việt trở về từ chiến trận Syria
Mặc dù đã được đưa về tới Việt Nam, song đến bây giờ nghĩ lại những ngày tháng phải sống trong nỗi kinh hoàng ở Syria, chị Dương Thị Lan (huyện Nga Sơn) và Lê Thị Thảo (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng khi từng chứng kiến cảnh tan hoang trong khói bụi, người chết la liệt, tiếng súng vang trời...
Về tới nhà chị Lan vui lắm. Ở trong nhà rồi mà chị vẫn chưa thể tin nổi mình còn sống sót để trở về.
Từ hôm chị Lan trở về, gia đình nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người cứ nghĩ rằng, sau cuộc chiến kinh hoàng ở Syria, người thân sẽ không bao giờ được gặp chị Lan nữa.
Vợ chồng chị Lan-anh Sơn.
Gặp chúng tôi, chị Lan kể lại: Năm 2007, bằng đường dây môi giới ngoài Hà Nội gia đình đã để cho chị đi sang Syria làm giúp việc. Vừa sang tới nơi, trong một thời gian ngắn chị đã phải chuyển tới ba nơi làm việc vì lý do họ không trả lương.
Lần cuối cùng chị đặt chân đến là thành phố Allepo. Ở đây chị làm được gần 1 năm thì xảy ra chiến tranh.
"Ở trong nhà đã nghe súng đạn bắn rầm rầm. Tôi đứng từ trên tầng nhìn xuống đường phố thấy những toà nhà cao tầng đổ sụp xuống, xe cộ bốc cháy, xác người nằm la liệt... Kinh hãi hơn là những đợt bom, súng dội xuống giật đùng đoàng. Lúc này tôi nghĩ rằng mình không thể có cơ hội sống sót trở về", chị Lan kể lại.
Rót chén nước chè uống như để trấn an tinh thần, chị kể tiếp: Chiến tranh, súng đạn cứ triền miên. Sau 1 buổi sáng thức dậy, chị đã thấy mình bị nhốt trong nhà. Chạy xuống xem có ai không thì phát hiện họ (chủ nhà) đã bỏ chị ở lại và đi sơ tán hết từ lúc nào.
"Ba ngày tôi không có thức ăn. Trong lúc đói rã người thì tôi nhìn xuống thấy một người đàn ông, tôi gọi cứu nhưng họ không nghe vì tiếng bom đạn nổ quá lớn. Tôi phải lấy miếng kính vỡ ném xuống, lát sau thấy thêm vài người cảnh sát đến phá cửa đưa tôi đến trại tị nạn ở", chị Lan cho biết.
Quãng đường đến trại tị nạn từ thành phố Allepo đến Đại sứ quán Philippines ở thủ đô Damascus khoảng hơn 100 cây số, nhưng xe của cảnh sát phải đi mất 10 giờ đồng vì gặp bom đạn. Trên đường đi, chị Lan nhìn thấy rất nhiều người chết, nằm la liệt.
"Ở đây, Đại sứ quán Philippines đã hỗ trợ chỗ ăn, ở cho tôi và liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối tháng 3/2012 tôi mới được trở về Việt Nam", chị Lan cho biết.
Anh Lê Xuân Sơn (chồng chị Lan) nói như sám hối: Tôi hối hận lắm rồi. Vì tin lời bà cô ngoài Hà Nội suýt nữa đẩy vợ mình vào chỗ chết.
Chị Lan đi nước ngoài với hi vọng có thêm ít vốn về mở rộng quán sửa xe.
"Cả nhà trông chờ vào 2 sào ruộng, năm được năm mất, quán sửa xe máy tuềnh toàng thu nhập chẳng là bao. Cứ tưởng để vợ đi mấy năm kiếm ít vốn đầu tư, mở rộng quán, ai ngờ từ ngày đi đến khi về gửi được gần 30 triệu, số tiền vay đi nước ngoài hiện gia đình vẫn đang trả lãi hàng tháng", anh Sơn buồn rầu nói.
Cùng chung hoàn cảnh như chị Lan, chị Lê Thị Thảo (thôn Chí Cường, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) một trong những người có được cơ hội sống để trở về nước vẫn còn chưa hết bàng hoàng.
Chị kể: Chị sang Syria để làm giúp việc từ tháng 3/2008 qua người môi giới tại Hà Nội. Theo đó, chị làm việc quần quật cả ngày nhưng họ không trả lương, do ngôn ngữ bất đồng, đường đi lại không biết, lại là lao động bất hợp pháp nên chỉ thui thủi trong nhà.
Sau hơn 2 năm, lần mò mãi chị mới quay lại được công ty môi giới, nơi lần đầu tiên chị đến.
Tại đây, chị Thảo được đưa lên thủ đô Damascus và thả ở đó với 2 bàn tay trắng.
Quang cảnh tan hoang, ngoài đường chủ yếu là quân đội, công an. Sau đó một cảnh sát tuần tra trên đường phố lại đưa chị vào trại tạm giam, ở đó chủ yếu là người Philippines, Indonesia, Châu Phi, duy nhất có chị là người Việt Nam.
"Sau hơn 5 tháng sống trong tuyệt vọng, ngày 25/4/2013, tôi được đưa về Đại sứ quán Philippines, nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với Tổ chức di dân quốc tế, tôi như từ cõi chết trở về", chị Thảo nhớ lại.
Lê Anh
Theo_VietNamNet
Chưa chắc người lao động được hưởng lợi khi tăng lương tối thiểu Do doanh nghiệp đã trả cao hơn so với mức lương tối thiểu nên khi quy định tăng lương, cả doanh nghiệp và người lao động đều phải đóng thêm các khoản phí, trong khi tổng thu nhập không tăng. Đó là nhận định của ông Lê Tiến Trường, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, khi nhận định về lộ trình...