Alfred Riedl – người đàn ông dám nhận mọi thử thách
Trong suốt 70 năm sống trên cuộc đời, HLV Alfred Riedl gặp không ít khó khăn và thử thách nhưng ông không bao giờ chùn bước.
Thời còn trẻ, ông Riedl được đánh giá là một tiền đạo đầy sức mạnh với chiều cao 1,86 m. Ông từng là vua phá lưới ở các giải vô địch quốc gia Áo và Bỉ. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ khoe khoang về những thành tích đáng nể của mình.
Sau này, ông làm việc ở nhiều quốc gia và đã quen với những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm.
Năm 1990, sau thất bại 0-1 của đội tuyển Áo trước Quần đảo Faroe, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Áo, ông Beppo Mauhart mời Riedl ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng của ĐTQG nước này. Vị chiến lược gia không ngần ngại thừa nhận rằng mình vẫn còn thiếu kinh nghiệm.
HLV Riedl là người cực kỳ nghiêm túc trong công việc. Ảnh: Minh Chiến.
Nhưng đó cũng là thứ khiến ông Riedl trở nên khác biệt. Ông luôn biết tự phê bình bản thân mình, điều khiến ông luôn được yêu mến ở 17 vị trí công việc trong cả sự nghiệp.
Riedl luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, dù ông có gặp khó khăn đến mức nào. Khi mới nhận lời dẫn dắt CLB Khouribga ở Morocco, ông vừa chữa trị chứng thoát vị đĩa đệm và phải truyền đạt bằng vốn tiếng Pháp ít ỏi.
Năm 1994, khi dẫn dắt CLB hàng đầu Ai Cập là El Zamalek, ông cũng tìm hiểu các phong tục Hồi giáo để hiểu cách sinh hoạt của các cầu thủ hơn. Một trong số đó là việc cầu thủ sẽ không thể tập luyện vào buổi tối do họ phải cầu nguyện.
Video đang HOT
Bảy năm sau, HLV Riedl không ngại nguy hiểm khi trở lại Trung Đông để dẫn dắt Al Salmiya, đội bóng của Kuwait. Khi đó, ông phải luôn mang theo mặt nạ phòng độc bên người để đề phòng các cuộc tấn công do tình hình bất ổn ở quốc gia này.
Kurier gọi ông Riedl là huyền thoại sau những thành tích đã có tại Việt Nam. Ông góp phần biến các cầu thủ kém về mặt thể chất thành những người có khả năng giành chiến thắng ở Đông Nam Á.
Nhờ những thành tích đó, ông luôn được mời tham dự những sự kiện lớn do hai nước cùng tổ chức. Không chỉ vậy, tình cảm của người hâm mộ Việt Nam dành cho HLV Riedl còn lớn đến mức có đến 150 người đăng ký hiến tạng cho chiến lược gia này khi truyền thông đưa tin ông phải thay thận.
Sau đó, một cổ động viên Việt Nam đi cùng bác sĩ của đội tuyển để cùng HLV Riedl sang Vienna thực hiện ca ghép thận.
Sau cuộc phẫu thuật, Riedl lại tiếp tục cuộc hành trình của mình một lần nữa. Ông đến làm việc ở Lào, rồi ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng của Indonesia, nhận được nhiều tình cảm của người dân xứ vạn đảo, giống như những gì đã có ở Việt Nam.
Chiến lược gia người Áo đã sống 13 năm với một quả thận của người Việt Nam. Ông luôn nhớ về điều này.
Ông không bao giờ than vãn. Mặc dù ông biết rằng một ngày nào đó, nhiều loại thuốc sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của ông trong cuộc chiến chống lại các khối u.
Bayu Pradana, tuyển thủ Indonesia từng kể rằng ông Riedl không bao giờ than vãn. Ông luôn hoàn thành công việc, giữ được sự tập trung trong những buổi tập và các trận đấu, dù bị những cơn đau hành hạ.
Dù bị những cơn đau hành hạ, HLV Riedl vẫn hoàn thành tốt công việc mà không hề than vãn. Ảnh: Minh Chiến.
Cuối mùa thu năm ngoái, người ta vẫn thấy ông Riedl vung gậy đánh golf vào mỗi buổi sáng. Đến tháng 12, Liên đoàn Bóng đá Indonesia muốn mời ông ngồi lại chiếc ghế HLV trưởng lần thứ 4. Tuy nhiên, khi chưa kịp nhận lời, ông phải trải qua một ca phẫu thuật do mạch máu bị vỡ.
Khi dịch Covid-19 lan nhanh khắp thế giới, ông vẫn sẵn sàng chia sẻ những thông tin cho giới truyền thông, về cách phòng chống dịch của những vận động viên.
Khi các giải đấu trở lại, HLV Riedl cũng xuất hiện để đưa ra những lời đánh giá và bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho thế hệ cầu thủ hiện tại. Hai tuần sau, ông cùng một người đồng nghiệp trò chuyện về những cuộc phiêu lưu bóng đá trong đời.
Sáng 8/9 (giờ địa phương), HLV Riedl đã dừng lại trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư quái ác và bắt đầu cuộc phiêu lưu mới. Ông qua đời ở nhà riêng tại Pottendorf (Áo). Vợ của ông, bà Jolanda, đã ở cạnh và chăm sóc cho chồng tới những phút giây cuối cùng.
Những cuộc cách mạng bất thành của HLV Riedl
Ôm nhiều hoài bão khi đến Việt Nam làm việc năm 1998, nhưng rồi HLV Alfred Riedl cũng phải ngả theo cách làm bóng đá cũ ở nước ta.
Cố HLV Riedl dẫn dắt Việt Nam trong 3 giai đoạn, và gây dấu ấn trong cả ba. Ảnh: VFF.
Đến Việt Nam lần đầu vào năm 1998, HLV Alfred Riedl tin những kiến thức tích lũy ở châu Âu của ông sẽ giúp ích cho những nền bóng đá đang phát triển. Trong buổi hop báo đầu tiên tại trụ sở VFF, khi được hỏi sẽ mang tới gì cho bóng đá Việt Nam, cố HLV người Áo trả lời ngắn gọn: "4-4-2".
Ngày ấy, bóng đá Việt Nam, từ cấp đội tuyển đến CLB đều nhuần nhuyễn với sơ đồ 5-3-2 (hoặc 3-5-2). Các cầu thủ Việt Nam luôn có tâm thế giữ quân số đông bên phần sân nhà. Cộng với chất lượng ở tuyến tiền vệ và hậu vệ không đồng đều, hầu hết các đội Việt Nam đều khó triển khai những mảng miếng tấn công vì không gian bị bó hẹp.
HLV Riedl nhận ra điều ấy và muốn thay đổi, nhất là khi 4-4-2 giúp tối ưu khả năng hoạt động trong vòng cấm của tiền đạo hàng đầu Đông Nam Á lúc bấy giờ - Lê Huỳnh Đức. Ông thầy sinh năm 1949 chắc mẩm điều ấy, và giữ sự lạc quan suốt thời gian đầu, cho tới khi nhận những kết quả không ưng ý trong quá trình chạy đà cho Tiger Cup 98.
Làm HLV là phải chịu áp lực, đặc biệt là với HLV cấp đội tuyển. Dù chỉ ở Việt Nam vài tháng, chiến lược gia từng giành Chiếc giày đồng châu Âu dần nhận ra những bất hợp lý trong cơ cấu quản lý và tổ chức của bộ máy VFF. Lãnh đạo yêu cầu thành tích rất cao ở cấp đội tuyển, nhưng lại không đầu tư nhiều cho bóng đá trẻ. Ngay cả giải VĐQG cũng chưa lên chuyên nghiệp vào thập niên 90. Cầu thủ mỗi khi lên tuyển, luôn phải đá với tâm thế màu cờ sắc áo là chính, thay vì năng lực.
Những bất cập trong công việc khiến HLV Riedl thốt lên câu nói được cho là bất hủ với bóng đá Việt Nam, kể cả thời điểm hiện tại: "Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc". Và cũng chính bởi việc "giác ngộ" này, tâm thế làm việc của nhà cầm quân người Áo cũng thay đổi. Ông từ bỏ 4-4-2 và trở lại với 5-3-2, nhằm hướng đến giải đấu cận kề là Tiger Cup 98 được tổ chức trên sân nhà.
Đó là giải đấu đáng nhớ, cũng là dấu ấn đầu tiên bên ngoài nước Áo của HLV Riedl, trong đó điểm nhấn đặc biệt là chiến thắng vang dội 3-0 trước Thái Lan ở bán kết. Hình ảnh ông thầy tóc muối tiêu đấm tay vào không trung, sau khi Văn Sỹ Hùng ấn định tỷ số 3-0 hẳn vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người. Tuy nhiên, Riedl không thể leo lên được tột cùng vinh quang bởi cuộc cách mạng nửa vời. Việt Nam thua Singapore 0-1 ở chung kết, bởi cái lưng của Sasi Kumar.
Trong hai năm kế tiếp, HLV Riedl có nhiều thời gian để hướng đội tuyển Việt Nam đi theo 4-4-2, sơ đồ yêu thích của ông, cũng là "mốt" của bóng đá thế giới thập niên 90. Tuy nhiên, ông tiếp tục chối từ. Thay vì tìm kiếm những mảnh ghép phù hợp, ông phát hiện ra chốt chặn Đỗ Khải ở vị trí trung vệ thòng, và tiếp tục giữ 5-3-2 đến SEA Games 1999 rồi Tiger Cup 2000. Cả hai giải đấu, Việt Nam đều giữ được sự chắc chắn nơi hàng thủ, nhưng lại ngã gục ở thời khắc quyết định.
Nguyên nhân trực tiếp có nhiều, nhưng gián tiếp nằm ở việc Việt Nam thiếu những phương án dự phòng chất lượng. Khi thua sút thể lực, hoặc chiến thuật ban đầu không phát huy tác dụng, HLV Riedl không có những con bài thay thế, giống như Quang Hải của HLV Calisto ở AFF Cup 2008. Tuy nhiên, là một người bảo thủ - như nhận xét của nhiều trợ lý, HLV Riedl cho rằng: "Thời tôi huấn luyện, Hồng Sơn hay nhất Đông Nam Á".
Cố HLV người Áo rời Việt Nam sau năm 2000, và trở lại vào năm 2003, khi Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà. Lúc này, sơ đồ 4-4-2 mà ông hằng ấp ủ đã thành hình nhờ bàn tay sắp xếp của HLV Nguyễn Thành Vinh. Bộ khung gồm Văn Quyến, Thanh Bình, Tài Em, Minh Phương, Quốc Vượng, Hữu Thắng được ông thầy người Áo bê nguyên xi tới tận chung kết, thậm chí mang tới cả kỳ SEA Games kế tiếp tại Bacolod, Philippines.
Những tưởng được sử dụng chiến thuật ưa thích và có một thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam, HLV Riedl sẽ cụ thể hóa bằng các danh hiệu, nhưng thực tế ngược lại. Sự nghiệp của ông tiếp tục đi giữa lằn ranh thành công và thất bại. Việt Nam tiếp tục về nhì ở cả hai giải đấu, trong đó ngoài vấn đề tâm lý cầu thủ, còn ở cách ông định hình 11 cái tên ra sân. Công Vinh, một tượng đài của bóng đá Việt Nam sau này, luôn phải dự bị cho Văn Quyến và Phan Thanh Bình bất kể phong độ. HLV Riedl duy trì quan điểm là cần có một tiền đạo cắm khi đá 4-4-2, và Thanh Bình, theo ông, là có tố chất ấy.
HLV Riedl có nhiều công lao với bóng đá Việt, nhưng khi có được thành công, ông lại không đào sâu thêm mà tỏ ra hài lòng với chính cách quản lý "xây nhà từ nóc". Ở cả ba giai đoạn, đội hình và chiến thuật của Việt Nam không có nét mới. Cấu trúc đội hình đá một giải được rập khuôn và lặp đi lặp lại cho tới trận đấu cuối. Đó có lẽ là nguyên do khiến ông bị bắt bài ở những thời điểm then chốt, và không thể hoàn thành cuộc cách mạng dang dở nơi quê hương thứ hai.
Quốc Vượng: Thầy Alfred Riedl là người tâm huyết với bóng đá Việt Nam Cựu tuyển thủ Lê Quốc Vượng tiết lộ rằng huấn luyện viên Alfred Riedl rất thương cầu thủ theo kiểu nghiêm khắc và ai từng làm việc với ông đều kính nể và cảm phục con người này. Huấn luyện viên Alfred Riedl qua đời mang tới nỗi buồn cho nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam. (Ảnh: Đỗ Đen/Vietnam ) "Tôi đang...