al-Qaeda tuyển quân qua mạng
Sản xuất trò chơi điện tử, phim hoạt hình, sáng tác nhạc hiphop… để truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan, chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược tuyển quân trực tuyến của al-Qeada.
Tháng 12/2009, năm người đàn ông Mỹ đã bị bắt tại Sargodha, Pakistan vì tội chống lại nhà nước Pakistan và tài trợ cho các nhóm khủng bố.
Tất cả những người này đều thuộc tầng lớp trung lưu ở miền Bắc Virginia. Họ đến Pakistan với mục đích gia nhập Jaish-e-Mohammed – một tổ chức bị cấm, chuyên đào tạo khủng bố và thực hiện các cuộc tấn công vào những mục tiêu chính trị. Năm nghi phạm này đã bị tòa án Pakistan kết án 10 năm tù.
Năm kẻ khủng bố người Mỹ bị bắt ở Pakistan
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào mà những thanh niên phương Tây lại bị thuyết phục từ bỏ cuộc sống bình yên, vượt hàng nghìn cây số, trở thành những kẻ khủng bố và thực hiện hành vi bạo lực?
Có nhiều lý do nhưng trên thực tế các tổ chức khủng bố dựa một phần vào mạng lưới internet.
Các phần tử cực đoan đã khai thác triệt để tiện ích, tính năng liên kết mạnh mẽ, biến internet thành một công cụ tuyên truyền đắc lực góp phần gia tăng quân số, mở rộng mạng lưới. Quá trình tuyển quân trực tuyến thường diễn ra với ba bước:
Bước một: “Nhen” những “tia lửa” đầu tiên
Để truyền bá ý thức hệ của mình, những kẻ khủng bố cần tìm kiếm những đối tượng “nhạy cảm” rồi sau đó tìm cách kết nối, gây sự chú ý.
Theo một báo cáo mới đây của Nhóm chống khủng bố thuộc Liên Hợp quốc, các tổ chức khủng bố thường gửi các tin nhắn đơn giản về những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nước cũng như quốc tế, kèm theo đó là giải pháp bạo lực đơn giản.
Nổi lên trong một thập kỷ qua là chiến dịch tuyển quân khủng bố dựa trên ý tưởng về “Jihadi Cool” (Jihadi: Lực lượng thánh chiến). Trong chiến dịch có sử dụng các phương tiện truyền thông lấy cảm hứng từ văn hóa pop bao gồm cả rap, trò chơi điện tử, truyện tranh… mô tả thế giới Hồi giáo ở một khía cạnh sáng sủa, hấp dẫn.
Phổ biến các video hiphop theo chủ đề cực đoan là một cách làm khá phổ biến, Tiêu biểu nhất là bài hiphop, nhạc vũ trường “Dirty Kuffar” (Kuffar: tín đồ) của Sheikh Terra. Bài hát này đã được hàng triệu máy tính trên toàn cầu tải về với những lời lẽ như:
Bình an cho Hamas và Hezbollah,
Osama bin Laden cuốn hút tôi như một vì sao sáng
Giống như cách chúng tôi phá hủy tòa tháp đôi, ha-ha
Một ví dụ khác là những bài hát của Abu Maleeq – một rapper người Đức được biết đến với cái tên khác là Deso Dogg, người đã cải đạo vào cuối năm 2009.
Video đang HOT
Ca từ trong những bài hát của anh ta tập trung lên án các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào Pakistan, tôn vinh tinh thần tử vì đạo.
Những bài hát này được cho là một nguyên nhân thúc đẩy Arid Uka – một thanh niên 21 tuổi người Đức sát hại 2 nhân viên dịch vụ Mỹ hồi tháng 3/2011.
Có không ít trò chơi điện tử lấy cảm hứng từ thánh chiến. Có thể kể đến “Đêm truy bắt Tổng thống Bush” được Mặt trận truyền thông Hồi giáo toàn cầu sản xuất.
Đây là một trò chơi nhập vai tiêu diệt kẻ thù hoàn toàn miễn phí. Người chơi sẽ bắt đầu cuộc chiến của bản thân mình với mục tiêu săn lùng cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Tương tự là loạt trò chơi “Lực lượng đặc biệt” do Hezbollah sản xuất với nội dung chống lại sự xâm lược của Quân đội Israel.
Một hình ảnh trong trò chơi điện tử “Đêm truy bắt Tổng thống Bush”
Không chỉ có vậy, các chiến binh Hồi giáo còn sản xuất phim hoạt hình. Một bộ phim mới có tên “al-Qaeda ở bán đảo Arab” đã được công bố trên diễn đàn trực tuyến và dự kiến sẽ sớm phát hành. Ngay trong tiêu đề cũng thấy bộ phim chứa đựng mục đích thúc đẩy việc gia tăng quân số của al-Qaeda, truyền bá nhưng tư tưởng khủng bố.
Song song với các sản phẩm truyền thông hiện đại, các chiến binh thánh chiến vẫn không xa rời cách thức truyền thống, họ tiếp tục lưu hành các văn bản tôn giáo, những bài phát biểu và băng hình về khủng bố.
Nổi bật nhất là đoạn băng ghi lại bài phát biểu của giáo sĩ Anwar al-Awlaki – người đã sinh ra ở Mỹ, lớn lên ở Yemen (>> chi tiết). Những nội dung mà giáo sĩ này đề cập có liên quan đến rất nhiều cuộc khủng bố, bao gồm vụ nổ súng Fort Hood tấn công cựu Bộ trưởng Tài chính Anh.
Những video như thế này được xem là điểm khởi đầu cho vụ 5 thanh niên Virginia bị bắt đã nhắc ở trên. Sau khi để lại những bình luận giận dữ trên các trang mạng lưu trữ, nhóm thanh niên đã được Qari Saifullah Akhtar – một phần tử cực đoan có tiếng chú ý. Chính anh ta đã hướng họ vào con đường khủng bố.
Bước hai: Cung cấp “chất đốt”
Sau khi các video làm xong nhiệm vụ truyền bá tư tưởng, đến lượt các diễn đàn, blog, các trang mạng xã hội “vào cuộc”.
Những phương tiện này làm tăng tính kết nối giữa các đối tượng có cùng tư tưởng và các thành viên tổ chức khủng bố, gia tăng những suy nghĩ cực đoan cá nhân.
Có vô số diễn đàn cực đoan, nhưng được biết đến rộng rãi nhất là Mạng lưới điện tử al-Mojahden. Một ví dụ khác là diễn đàn Shumukh al-Islam. Diễn đàn này chủ yếu sử dụng tiếng Arab, bên cạnh đó là tiếng Anh và tiếng Đức.
Nó trở thành tâm điểm của các phương tiện truyền thông chính thống vào tháng trước khi Umar al-Basrawi – một thành viên tích cực của diễn đàn này bài viết kêu gọi các chiến binh thánh chiến kết liễu MC nổi tiếng người Mỹ – David Letterman.
Không chỉ là nơi trao đổi suy nghĩ, bắt liên lạc, tạo dựng mối quan hệ trong thế giới khủng bố, các trang mạng còn là nơi lưu trữ thông tin khổng lồ.
Có thể kể đến trang Tawhed.ws – thư viện trực tuyến về các tác phẩm văn học, bài phỏng vấn, bài giảng bằng cả tiếng Anh và tiếng Arab mang nội dung cực đoan.
Một trong số những bài viết được đọc nhiều nhất là bài viết có tựa đề “Tại sao chúng tôi ghét họ?” cung cấp những luận cứ lý giải tại sao người Hồi giáo phải chiến đấu chống lại người theo Kitô giáo và Do Thái giáo.
Những diễn đàn này là môi trường lý tưởng để những kẻ cực đoan “tu luyện”. Càng tham gia, các thành viên của những diễn đàn càng chìm sâu vào những suy nghĩ tiêu cực, dần trở nên cuồng tín. Những kẻ cầm đầu có thể dễ dàng tìm thấy những chiến binh “ưng ý”, tập trung lực lượng, và khuyến khích bạo lực.
Faisal Shahzad, người đã cố gắng để kích nổ một quả bom ở quảng trường Times đã được tuyển dụng trực tiếp thông qua các diễn đàn như thế này.
Bước ba: Tạo điều kiện “phát nổ”
Trải qua hai bước đầu tiên, một số ít các thành viên sẽ hoàn thành quá trình cực đoan và chấp nhận nhiệm vụ hành động. Nếu những người này không thể đến huấn luyện ở một trại khủng bố ngoài nước, tổ chức sẽ cung cấp mọi vật dụng cần thiết và hướng dẫn để họ có thể hành động tại quê nhà.
Trang bìa một cuốn tạp chí Inspire do al-Qaeda phát hành
Năm thanh niên Virginia đã bị bắt với bản đồ của một căn cứ không quân và một nhà máy điện hạt nhân ở phía tây tỉnh Punjab. Đây là những bằng chứng được gán với một âm mưu khủng bố.
Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp từng cá nhân như vậy, các tổ chức khủng bố cũng cung cấp những “cẩm nang hướng dẫn hoạt động” cho các tân binh. Việc này trở nên dễ dàng rất nhiều nhờ các công cụ trực tuyến.
Mùa hè năm 2011, trên tạp chí Inspire – ấn phẩm phát hành hằng quý của al-Qaeda – có những bài viết như “Các tư thế tốt nhất khi dùng AK-47″, “Phá hủy tòa nhà cao tầng”, “Làm bom trong bếp của mẹ bạn”, loạt bài “Mong đợi điều gì ở thánh chiến?”…
Kết quả của các chiến lược tuyển dụng trực tuyến không phải là những chiến binh thành thạo, tinh vi, làm việc chuẩn xác mà là những đối tượng liều lĩnh và có phần thất thường.
Năm 2008, Nick Reilly đã thất bại khi thực hiện một cuộc tấn công tự sát ở Exeter (Anh) chỉ vì thiết bị phát nổ sớm.
Để chuẩn bị cho cuộc tấn công, Nick đã học cách chế bom thông qua internet và dễ dàng có được những vật liệu cần thiết để thực hiện.
Reilly ta đã liên hệ với 2 người đàn ông không rõ nguồn gốc từ Pakistan và họ đã chỉ dẫn anh ta trong suốt giai đoạn chuẩn bị. Reilyy chưa bao giờ đến Pakistan hay trải qua bất cứ một khóa huấn luyện khủng bố nào.
Dù không thiện chiến, chuyên nghiệp, nhưng lực lượng chiến binh khủng bố được tuyển dụng qua mạng cũng rất đắc dụng.
Đội quân này khiến cho các cơ quan chức năng phải đau đầu vì chúng thường khó phát hiện, theo dõi, có thể có mặt ở bất cứ đâu và gây ra thiệt hại đáng kể.
Cho đến nay, chính phủ các nước vẫn chưa có nỗ lực hiệu quả nào nhằm chống lại các chiến dịch truyền thông, tuyển dụng trực tuyến của các tổ chức khủng bố.
Điều đó đồng nghĩa với những “xúc tu” của “con bạch tuộc” khủng bố vẫn đang âm thầm lan rộng, len lỏi mọi ngóc ngách, tiềm ẩn nhiều hậu họa khó lường.
Theo Báo Đất Việt
Pakistan: Nổ tại thủ đô khiến 6 người bị thương
Giới chức Pakistan cho biết đêm 29/9, một vụ nổ đã xảy ra tại khách sạn Citi nằm ở khu thương mại sầm uất của thủ đô Islamabad, làm sáu người bị thương, trong đó có ba phụ nữ và một trẻ em.
Hiện trường một vụ nổ bom tại Pakistan sáng 19/9. (Nguồn: THX/TTXVN)
Cảnh sát tại hiện trường cho biết vụ nổ xảy ra ở tầng thượng khách sạn và nguyên nhân vẫn chưa được xác định.
Tại thủ đô Islamabad luôn được bảo vệ rất chặt chẽ và ít khi xảy ra các vụ tấn công của phiến quân. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, phong trào Taliban ở Pakistan - nhóm phiến quân có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qeada, đang tiến hành nhiều vụ đánh bom liều chết nhằm góp phần vào một chiến dịch lật độ Chính phủ Pakistan do Mỹ hậu thuẫn./.
Theo TTXVN
Mỹ tố Trung Quốc gom xác UAV Cơ quan tình báo Mỹ cho biết, Trung Quốc đã liên hệ Al Qeada để mua lại xác UAV Predator của Mỹ bị rơi tại Yemen. Hãng thông tấn AFP dẫn lời cơ quan tình báo Mỹ cho biết, trong năm 2010, một chiếc UAV MQ-1 Predator của Mỹ đã gặp nạn trong khi đang làm nhiệm vụ tại Yemen, mặc dù cảnh...