Airbus A320 rơi: Những thi thể đầu tiên được đưa khỏi sườn núi
Các đội tìm kiếm và cứu hộ đang bắt đầu đưa những thi thể đầu tiên của 150 nạn nhân xấu số thiệt mạng trong thảm kịch mang tên Airbus A320, nằm rải rác ở sườn núi Apls hẻo lánh, dốc đứng ở miền nam nước Pháp. Các thi thể chỉ có thể di chuyển bằng trực thăng.
Bao trùm làng Seyne-les-Alpes, ngôi làng miền núi đẹp như tranh vẽ dưới chân dãy Apls hùng vĩ của Pháp, gần hiện trường máy bay Airbus A320 rơi cướp đi sinh mạng của 150 người (bao gồm 144 hành khách, 2 phi công và 4 thành viên phi hành đoàn) là bầu không khí đau thương và ảm đạm.
Trực thăng bay phía trên hiện trường chiếc máy bay Airbus A320 rơi, nơi các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm và thu hồi thi thể các nạn nhân xấu số.
Ngước mắt nhìn ngọn núi hùng vĩ phủ đầy tuyết trắng, nơi chiếc máy bay Airbus A320 gặp nạn, Maurice Borel, một nhân viên cứu hộ tình nguyện đã nghỉ hưu buồn bã nói: “Các nhân viên cứu hộ sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm để khôi phục thi thể các nạn nhân. Trước đây, tai họa như thế này chưa từng xảy ra ở đây”.
Hàng trăm nhân viên tìm kiếm và cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm thi thể các hành khách. Làng Seyne-les-Alpes với dân số khoảng 1.500 người hiện trở thành thành trung tâm chỉ huy hoạt động tìm kiếm cứu, cứu nạn.
Có mặt tại hiện trường là đội cứu hộ bao gồm bác sĩ, y tá, các nhà điều tra, kỹ sư máy bay, quân nhân, các nhân viên cứu hộ…. Các bác sĩ và các nhà điều tra phải trượt xuống sườn núi bằng dây cáp. Do không được huấn luyện để leo núi nên họ đượccác nhân viên cứu hộ địa phương kèm và hộ tống xuống sườn núi để đảm bảo không ai trượt chân và rơi xuống vách núi dốc đứng.
Để bảo vệ hiện trường và các thi thể nạn nhân khỏi chim rừng hay thú dữ, 5 cảnh sát Pháp phải túc trực qua đêm quanh hiện trường.
Hai nhân viên cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ tai nạn.
Fabrice Rouve, 46 tuổi, một nhân viên cứu hộ giàu kinh nghiệm vốn là cựu quân nhân cho biết, nhiệm vụ của họ là tìm kiếm, bảo quản các thi thể nguyên vẹn, thu lượm và gói gọn các mảnh thi thể, sau đó đưa lên trực thăng đang bay quanh hiện trường, sẵn sàng chuyển họ tới trung tâm chỉ huy hoạt động tìm kiếm cứu, cứu nạn.
Brice Robin, một công tố viên địa phương cho biết nhân viên pháp y đã sẵn sàng “nhận dạng các thi thể”.
“Sẽ mất một vài tuần (để nhận dạng các nạn nhân), nhưng mọi người nên chuẩn bị tinh thần rằng, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian. Không thể làm xong mọi việc trong 5 phút được”, ông Robin nói.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay các thành viên của đội cứu hộ đang tham gia tìm kiếm và thu hồi xác máy bay và thi thể các nạn nhân.
Công tác nhận dạng các nạn nhân được cho là sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại vì rất nhiều thi thể bị xé nát thành nhiều phần và nằm lẫn với các mảnh vỡ của máy bay. Theo đề nghị của Pháp, Interpol đã gửi một nhóm chuyên gia đến hỗ trợ việc điều tra và nhận dạng thi thể nạn nhân.
Bác sỹ giám định pháp y Fabrice Mathy chia sẻ, sẽ khó có thể phục hồi hay trả tất cả các thi thể nạn nhân về cho gia đình họ. Tuy nhiên bà nhấn mạnh, dù chỉ chỉ là một cái răng, hay một mẩu xương cũng nhất thiết phải trả về cho gia đình, để họ có thể tiến hành tang lễ cho người thân xấu số và phần nào cảm thấy được an ủi.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua tuyên bố tại hiện trường vụ tai nạn máy bay rằng, sẽ tìm kiếm và đưa toàn bộ thi thể 150 nạn nhân về nhà với người thân.
Hiện một số thân nhân của các nạn nhân đã có mặt tại trung tâm chỉ huy hoạt động tìm kiếm cứu, cứu nạn để đón người thân yêu của họ.
Nhiều gia đình đã bay tới Marseille trong đêm và đi xe buýt để tới được càng gần hiện trường vụ tai nạn càng tốt và bắt đầu ngóng chờ người thân xấu số của họ được đưa lên.
Dưới đây là thông tin cơ bản về nạn nhân trong thảm kịch Airbus A320 tại thời điểm này.
Video đang HOT
Đức
Hãng Germanwings khẳng định, ít nhất 72 người Đức trên máy bay, trong đó có hai trẻ sơ sinh, 16 học sinh trong độ tuổi 15, 16 và hai giáo viên đến từ Haltern, một thị trấn phía bắc của Duesseldorf.
Ca sĩ opera người Đức nổi tiếng Oleg Bryjak, 54 tuổi cũng là một trong số những nạn nhân xấu số.
Chân dung ca sĩ Oleg Bryjak
Tây Ban Nha
Tuy nhiên Bộ trưởng an ninh Tây Ban Nha Francisco Martinez tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng ít nhất 49 người Tây Ban Nha có mặt trên chiếc máy bay xấu số.
Tuy nhiên, hãng Germanwings vừa chính thức tuyên bố, chỉ có 35 hành khách là công dân Tây Ban Nha.
Chân dung nạn nhân Marina Bandres Lopez-Belio
Một trong số các nạn nhân là Marina Bandres Lopez-Belio, 37 tuổi, và con của cô, mang quốc gia Anh. Cô Lopez-Belio sinh ra tại Pyrenees, Tây Ban Nha nhưng sống tại Anh và đã lên chuyến bay 4U9525 để về dự tang lễ của một người thân ở Tây Ban Nha.
Các nạn nhân khác bao gồm một cặp vợ chồng trẻ và một gia đình bốn thành viên.
Các nước EU khác
Ít nhất ba công dân Anh có mặt trên máy bay đã thiệt mạng, theo Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuyên bố.
Ngoài ra, một hành khách người Bỉ, một người Hà Lan và một người Đan Mạch cũng đã được hãng hàng không và chính quyền địa phương xác nhận có mặt trên máy bay.
Mỹ
Hãng Germanwings khẳng định có hai người Mỹ trên máy bay. Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp Manuel Valls lại đưa ra con số là 1.
Nam Mỹ
Hai người Argentina có mặt trên máy bay, hãng Germanwings xác nhận Một hành khách ở Paraguay cũng chịu chung số phận với chiếc máy bay Airbus A320, theo anh trai của nạn nhân.
Chính phủ Mexico khẳng định, 2 công dân nước này có mặt trên máy bay. Bộ Ngoại giao Colombia tuyên bố, 2 công dân nước này có trong danh sách các nạn nhân trong khi Germanwings đưa ra con số chỉ 1 người. Germanwings cũng cho biết, có 2 người Venezuela trên máy bay. Đại sứ Chile tại Pháp xác nhận, một nữ công dân nước này đang sống tại Venezuela đã thiệt mạng trong thảm kịch này.
Australia
Thủ tướng Tony Abbott cho biết có hai công dân nước này trên máy bay.
Nhật
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hai nam công dân nước này là Satoshi Nagata và Junichi Sato đã có mặt trên máy bay. Cả hai người đều sống ở Duesseldorf.
Kazakhstan
Bộ Ngoại giao Kazakhstan xác nhận ba công dân nước này là Erbol, Adil Imankulov và Aizhan Isengaliyeva – nằm trong số 150 nạn nhân.
Bộ này cho biết đang cố xác nhận thông tin về hành khách thứ 4 mang quốc tịch Kazakhstan có mặt trên máy bay từ chính quyền Đức.
Trung Đông
Có 5 công dân Trung Đông trên máy bay bao gồm một cặp vợ chồng mới cưới người Ma-rốc, hai người Iran và một người Israel.
Theo NTD
Người nhà nạn nhân Airbus A320: Từ bình tĩnh đến "hóa điên"
Nỗi đau của các gia đình nạn nhân trong thảm kịch Airbus A320 nhân lên gấp bội khi đi kèm với đó là sự giận dữ, phẫn nộ tột cùng khi được tin cơ phó cố tình lái máy bay đâm vào núi, cướp đi mạng sống của 149 người khác.
Mặc dù đau đớn vì đột ngột mất đi người thân, gia đình các nạn nhân vụ Airbus A320 sáng 26.3 vẫn gắng gượng tập trung ở sân bay Marignane của thành phố cảng Marseille, nước Pháp để ngóng tin tức.
Và tất cả mọi người đều bị sốc nặng khi trong cuộc họp báo được tổ chức tại đây, vị công tố viên thành phố Marseille thông báo với họ rằng, cơ phó người Đức Andreas Lubitz, 27 tuổi đã cố tình "hủy diệt" máy bay, lái chiếc Airbus A320 đâm vào núi, cướp đi sinh mạng của 149 người khác.
Một phụ nữ òa khóc khi hay tin người thân gặp nạn trên chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 rơi xuống vùng núi cao hẻo lánh Apls, miền nam nước Pháp hôm 24.3.
"Ban đầu, khi đến đây, họ đều cố gắng giữ bình tĩnh và giữ yên lặng", một trong các thông dịch viên tại cuộc họp báo ở Marseille trả lời phỏng vấn báo Pháp La Provence. "Khi công tố viên xuất hiện để công bố những thông tin liên quan đến người thân của họ, họ bắt đầu đặt ra rất nhiều câu hỏi. Mọi người đều sốt sắng muốn biết, chuyện gì đã xảy ra với những người thân yêu của họ. Mọi người muốn biết, người thân của họ phải chịu đựng những gì trong những phút cuối cùng", thông dịch viên cho biết.
Tuy nhiên, sau khi công tố viên tiết lộ chi tiết thông tin thu được từ máy ghi dữ liệu buồng lái, mọi nỗ lực giữ bĩnh tĩnh bị phá vỡ, mọi người đều sụp đổ. Những tiếng la hét, kêu gào như điên dại vang lên khi công tố viên công bố rằng, cơ phó máy bay Andreas Lubitz đã cố tình lái phi cơ đâm vào sườn núi hẻo lánh miền nam nước Pháp, giết chết những người thân yêu của họ.
"Những tiếng la hét, kêu gào điên dại vang lên. Nước mắt vỡ òa. Nhiều người nức nở. Thật khó để chịu đựng nỗi đau đó. Thật khó khăn đối với họ (gia đình các nạn nhân) cũng như chúng tôi để tiếp nhận thông tin đó. Rất nhiều bác sĩ và chuyên gia tâm lý đã đến an ủi, xoa dịu họ", người thông dịch viên nói.
Một số người cố nén lòng, đặt câu hỏi "Vì sao?" đầy ám ảnh về động cơ của cơ phó - người được mô tả là vẫn thở rất bình thường và không một chút do dự khi lái máy bay đâm vào núi, giết chết hàng trăm người vô tội.
"Chúng tôi chưa thể lý giải động cơ của anh ta", công tố viên Marseille Brice Robin tuyên bố.
Công tố viên Marseille Brice Robin trong buổi họp báo
Trong khi đó, bao trùm thành phố Haltern-am-See (Đức), quê hương của đoàn học sinh gồm 16 em đều trong độ tuổi 15, 16, thiệt mạng khi đang ngồi trên chiếc máy bay xấu số để trở về nhà là bầu không khí tang thương, sốc và phẫn nộ. Các em học sinh và 2 giáo viên đã mãi mãi ra đi sau chuyến thực tế kéo dài 1 tuần rất bổ ích và thú vị tại Barcelona, Tây Ban Nha theo một chương trình trao đổi học sinh.
Một giáo viên trường Joseph-Koenig-Gymnasium, nơi 16 học sinh học tập chia sẻ toàn bộ thành phố đang phẫn nộ trước tin cơ phó đã cố tình "hủy diệt" máy bay.
"Một cuộc tự sát sao có thể dẫn đến cái chết của 149 người khác chứ?", một giáo viên cất lời.
Một nữ sinh trường Joseph-Koenig-Gymnasium, nơi 16 người bạn của cô thiệt mạng trong thảm kịch mang tên Airbus A320 khóc nức nở
Hiệu trưởng của trường Joseph Koenig Gymnasium, ông Ulrich Wessel cho hay, chính ông là người thông báo diễn biến mới nhất của thảm kịch với các giáo viên và "tất cả họ đều choáng váng như tôi".
"Nếu nguyên nhân gây ra tai nạn là lỗi kỹ thuật thì nó có thể được sửa chữa để ngăn chặn các sự cố trong tương lai. Nhưng trong trường hợp này, một cuộc tự sát lại có thể dẫn đến cái chết của 149 người khác. Và đó chính là điều khiến tất cả chúng phẫn nộ. Tôi không thể tưởng tưởng nội gia đình các nạn nhân đang phải chịu đựng những gì", ông Wessel nhấn mạnh.
Học sinh trường Joseph Koenig Gymnasium đau đớn trước sự ra đi đột ngột của các bạn học.
Ông Bodo Klimpel, thị trưởng của thành phố Haltern-am-See chia sẻ: "Tôi choáng váng, phẫn nộ, sốc và không thể nói nên lời trước thông tin mới nhất này. Tôi tự hỏi khi nào cơn ác mộng này sẽ kết thúc".
"Các gia đình nạn nhân đã phải chịu đựng đủ những đau đớn và mất mát khi hay tin nguời thân của họ đột ngột ra đi. Nhưng khi nguyên nhân được làm sáng tỏ là do một cá nhân cố tình gây ra, nỗi đau thậm chí càng nhân lên gấp bội. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi chuyện này", ông Klimpel phát biểu trong một cuộc họp báo.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã lên tiếng tuyên bố, thông tin mới nhất về vụ tai nạn mang lại "một bi kịch mới". Đức có 75 công dân trên máy bay.
Các quan chức Pháp, Đức và Mỹ cho biết, họ chưa xác định được liệu có dấu hiệu của chủ nghĩa khủng bố trong vụ tai nạn này hay không. Hiện họ đang tập trung điều tra "đời sống cá nhân, gia đình và môi trường làm việc của cơ phó nhằm cố gắng xác định động cơ thúc đẩy anh ta hành động cực đoan như vậy.
Ngày 24.3, chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 của hãng hàng không giá rẻ Germanwings bị rơi xuống thung lũng giữa vùng Digne và Barcelonnette (tỉnh Alpes-de-Haute-Provence, miền Nam nước Pháp) trên đường bay từ thành phố Barcelona của Tây Ban Nha tới thành phố Dusseldorf của Đức. Giới chức trách Pháp khẳng định, Airbus A320 đã vỡ tan tành và toàn bộ 150 người trên máy bay đã thiệt mạng (bao gồm 144 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn).
Theo Dân Việt
Những vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất tại Pháp Chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings (Đức) chở 150 người rơi tại miền nam nước Pháp là vụ tai nạn hàng không đầu tiên tại quốc gia này trong 15 năm qua. Theo tin tức trên Guardian, vụ thảm kịch hàng không gần đây nhất của Pháp xảy ra vào ngày 25/7/2000 khi một chiếc máy bay Concorde rơi...