Air Force One phiên bản Nhật – chuyên cơ phục vụ Hoàng gia
Nhật Bản có hai chuyên cơ mang tên Air Force One phục vụ thủ tướng, Nhà vua và Hoàng hậu nước này trong các chuyến công du nước ngoài.
Chuyên cơ Air Force One của Nhật Bản tại sân bay Nội Bài trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Ảnh: Giang Huy.
Hai chuyên cơ, tên gọi Air Force One, thường dùng để đưa đón những người quan trọng (VIP) như Nhà vua và Hoàng hậu hay thủ tướng Nhật Bản khi họ công du. Chúng còn được dùng đưa đón công dân Nhật Bản trong trường hợp khẩn cấp và là phương tiện vận tải trong các hoạt động hợp tác hòa bình quốc tế.
Nhật Bản quyết định dùng hai chiếc Boeing 747-400 làm chuyên cơ năm 1987, chủ yếu để phục vụ thủ tướng. Boeing chính thức bàn giao hai chuyên cơ cho Nhật Bản vào tháng 9 và 11/1991. Chúng thuộc quyền quản lý của Cơ quan Phòng vệ Nhật Bản, hiện là Bộ Quốc phòng, từ tháng 4/1992.
Air Force One có lắp thêm các cánh phụ nhỏ trên cánh chính, giúp tăng hiệu suất khí động học. Theo website Bộ Quốc phòng Nhật Bản mod.go.jp, Air Force One dài 70,7 m, rộng 64,9 m, cao 19,06 m, tổ bay từ 17 đến 19 người và có thể chở 150 hành khách.
Khi chở VIP, Nhật Bản sẽ có các biện pháp để tránh tác động tiêu cực đến lịch trình ngoại giao. Một trong những biện pháp đó là có Air Force One thứ hai đi cùng để dự phòng và quân nhân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) chịu trách nhiệm bảo dưỡng đi cùng.
Nội thất máy bay được thiết kế dựa theo đặc điểm của từng khu vực như phòng làm việc, phòng họp, cho phép họp báo ngay trên máy bay.
Nhật Bản đang thay thế hai chiếc Boeing 747 bằng hai chiếc Boeing 777-300ER vào năm 2019.
Video đang HOT
Như Tâm
Theo VNE
Nhật hoàng Akihito - Biểu tượng gần gũi của người dân Nhật Bản
Là người có tư tưởng gần dân, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã nỗ lực hết mình để đoàn kết người dân Nhật Bản vượt qua những thời khắc khó khăn.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Reuters
Nhật hoàng Akihito là nhà vua thứ 125 của Nhật Bản, một trong những quốc gia có chế độ quân chủ được duy trì lâu đời nhất trên thế giới. Vương triều Nhật Bản bắt đầu từ năm 660, khi hoàng đế Jimmu lên ngôi, trở thành nhà vua đầu tiên của đất nước.
Là vị vua kế nhiệm Thiên hoàng Hirohito, người đã dẫn dắt nước Nhật qua Thế chiến II, Nhật hoàng Akihito là vị quân chủ duy nhất trên thế giới hiện nay giữ danh hiệu hoàng đế, theo CNN. Tuy nhiên, sau chiến tranh, vai trò của hoàng đế ở Nhật Bản chỉ còn mang tính biểu tượng, là người đứng đầu quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến.
Theo các nhà sử học, mặc dù không nắm giữ quyền lực như cha và các bậc tiền nhân, Nhật hoàng Akihito đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng lại hình ảnh của hoàng gia và hoàng đế trong suốt thời gian cai trị của mình.
Hiến pháp Nhật năm 1945 duy trì Ngai vàng Hoa cúc ở nước này, nhưng không công nhận vị thế hậu duệ của thần thánh cũng như quyền lực chính trị trực tiếp của Nhật hoàng. Bởi vậy, Nhật hoàng Akihito đóng vai trò là "biểu tượng của quốc gia và sự đoàn kết của nhân dân", ông có được vị thế này là nhờ vào "ý nguyện của nhân dân, người thực sự có quyền lực tối thượng".
Nhà vua Akihito thực hiện các hoạt động được quy định trong hiến pháp như bổ nhiệm thủ tướng, phê chuẩn việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao, triệu tập Quốc hội, công bố luật và các điều ước, trao tặng tước hiệu... Trong các vấn đề quốc sự, quyết định của Nhà vua được đưa ra dựa trên sự tư vấn và chấp thuận của chính phủ Nhật Bản.
Trong bài phát biểu hiếm hoi trên truyền hình sau thảm họa động đất sóng thần diễn ra ở Nhật Bản năm 2011, Nhật hoàng Akihito đã sử dụng tiếng Nhật hiện đại, gần gũi, thay vì ngôn ngữ triều chính vốn xa lạ với đa số người dân nước này.
"Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi hy vọng người dân sẽ cùng nắm tay nhau, đối xử với nhau bằng tình thương và cùng nhau vượt qua những thời khắc khó khăn", ngài nói. Ngài cùng Hoàng hậu Michiko đã tới thăm vùng hứng chịu thảm họa, cúi mình hỏi han những người bị mất nhà cửa, một cử chỉ được coi là biểu tượng cho lòng cảm thông với người dân của Hoàng gia.
Vai trò thật sự của Nhà vua Akihito là vừa đảm bảo sự liên tục, vững vàng cho người dân Nhật Bản, vừa góp phần hàn gắn quan hệ với những quốc gia mà đế quốc Nhật từng xâm lược trong Thế chiến II, theo AsianHistory.
Nhà vua từng tuyên bố ngài ước gì thảm kịch chiến tranh sẽ không lặp lại và "bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc với những người đã ngã xuống trong chiến tranh".
"Akihito là hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản thời hậu chiến thực thi hiến pháp hòa bình, vai trò của ông là biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc", Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia, Tokyo, nhận xét. "Ông ấy rất quan tâm đến những vấn đề chiến tranh và hòa giải với các nước châu Á".
Đưa hoàng gia gần với người dân
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản hỏi thăm người dân ở vùng thiên tai tại Fukushima. Ảnh: Reuters
Nhật hoàng Akihito được coi là một hoàng đế rất gần dân, với những nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi hình ảnh của người đứng đầu Ngai vàng Hoa cúc trong mắt người dân Nhật Bản.
Mỗi năm, ngài gặp gỡ rất nhiều người đủ mọi tầng lớp xã hội tại Hoàng cung, từ các quan chức chính phủ đến lãnh đạo địa phương, nông dân, ngư dân, doanh nhân... Ngài và Hoàng hậu Michiko cũng đến thăm các tỉnh thành, đảo xa, tới các cơ sở phúc lợi, văn hóa và công nghiệp để trực tiếp gặp gỡ, động viên, khích lệ người dân địa phương, đặc biệt là các vùng hứng chịu thiên tai.
Nhà vua và Hoàng hậu cũng không để bụng khi một nữ sinh chụp ảnh họ và đăng lên Twitter khi họ tới thăm khu phố, mặc dù hành động này của cô bé đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong dư luận. Trong khi giới trẻ coi đó là hành động bình thường, nhiều người thuộc thế hệ già lại cho rằng đó là sự bất kính lớn với Nhà vua và Hoàng hậu.
Nỗ lực đưa Hoàng gia gần hơn với người dân còn được thể hiện trong mong muốn thoái vị của Nhật hoàng Akihito. Theo hiến pháp, hoàng đế Nhật Bản là nam giới và họ phải nắm giữ ngôi vị này cho đến khi qua đời. Tuy nhiên, Nhật hoàng Akihito trong bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng 8 năm ngoái bất ngờ tuyên bố muốn nhường ngôi vì tuổi cao, sức yếu.
Theo chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản Eri Hotta, việc Nhật hoàng thoái vị là một vấn đề rất nhạy cảm ở Nhật Bản hiện nay, bởi điều đó đòi hỏi Quốc hội Nhật phải sửa đổi Luật Hoàng gia trong một quá trình rất phức tạp. Nó cũng có thể làm trì hoãn các kế hoạch mà Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi nhằm cải cách hiến pháp hòa bình của đất nước, trao nhiều vai trò hơn cho quân đội.
Nhật hoàng Akihito nhấn mạnh rằng ông muốn thoái vị không chỉ vì do tuổi tác và sức khỏe, cho rằng đây là thời điểm để Nhật Bản xem xét lại quy định về kế vị trong tương lai. Ngài hy vọng rằng các hoàng đế Nhật Bản cũng có thể thoái vị tương tự những gì các nhà vua, nữ hoàng Hà Lan, Bỉ hay thậm chí là Giáo hoàng đã làm trước đây.
Hotta cho rằng thông điệp mà Nhật hoàng Akihito muốn đưa ra là các hoàng đế dù sao cũng đều là con người chứ không phải thánh thần, cũng phải trải qua những quy luật như bất cứ người thường nào khác, trong đó có vấn đề tuổi tác.
"Nhật hoàng Akihito muốn sát cánh cùng người dân, lắng nghe tiếng nói của họ, gần gũi với họ trong từng nếp nghĩ. Chính niềm tin vào người dân và sự sẵn sàng đứng lên vì niềm tin đó của ngài, hơn là việc được ngẫu nhiên sinh ra trong gia đình hoàng tộc, mới là biểu tượng quốc gia đúng đắn của một đất nước Nhật Bản dân chủ", Hotta nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Tổng Bí thư mời tiệc trà Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sáng nay dự tiệc trà do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân chủ trì trước khi rời Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân đón tiếp Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Ảnh: Giang Huy. Đây là hoạt động trong ngày cuối cùng ở Hà Nội của Nhà...