Ai trở thành Tổng thống Zimbabwe sau 37 năm “triều đại” Mugabe?
Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người bị chính Tổng thống Robert Mugabe sa thải, sẽ tuyên thệ trở thành nhà lãnh đạo mới của Zimbabwe sau gần 40 năm cầm quyền của “triều đại” Mugabe.
Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa (Ảnh: EPA)
Reuters dẫn lời Thư ký pháp lý của đảng cầm quyền ZANU-PF cho biết sau khi Tổng thống Robert Mugabe từ chức hôm qua 21/11, cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ tuyên thệ trở thành tân Tổng thống Zimbabwe trong ngày hôm nay hoặc ngày mai.
Trong khi đó, Trưởng ban thẩm tra tư cách nghị sỹ đảng ZANU-PF, ông Lovemore Matuke, tiết lộ với Reuters rằng ông Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức trong vòng 48 giờ tới. Theo đó, ông Mnangagwa sẽ đảm nhiệm thời gian còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Mugabe cho tới khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Zimbabwe, dự kiến diễn ra vào tháng 9 năm sau.
Cựu Phó Tổng thống Mnangagwa, 75 tuổi, đã bị chính Tổng thống Robert Mugabe cách chức hồi đầu tháng này và nhanh chóng rời khỏi Zimbabwe ngay sau đó. Lý do khiến ông bị sa thải được cho là nhằm dọn đường cho bà Grace Mugabe, phu nhân Tổng thống Mugabe, lên nắm quyền thay chồng.
Trong một phát biểu gần đây, cựu Phó Tổng thống Mnangagwa cho biết ông chạy ra nước ngoài vì phát hiện âm mưu ám sát và tuyên bố sẽ chỉ về nước cho tới khi cảm thấy an toàn. Liên quan tới thông tin này, ông Lovemore Matuke cho biết, ông Mnangagwa hiện sống ở một nơi cách Zimbabwe “không xa”.
Tổng thống Mugabe trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập năm 2012 (Ảnh: New York Times)
Ông Matuke hy vọng rằng Tổng thống Mugabe sẽ trao quyền ổn thỏa cho ông Mnangagwa để người kế nhiệm ông có thể tiếp quản công việc điều hành đất nước một cách nhanh chóng. Trước đó, quyết định sa thải Phó Tổng thống Mnangagwa của Tổng thống Mugabe vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe.
Cựu Phó Tổng thống Mnangagwa từng bị xem là nhân vật chính đứng sau cuộc chính biến tại Zimbabwe trong tuần vừa qua. Ông Mnangagwa và Đệ nhất phu nhân Zimbabwe được coi là đối thủ của nhau trong cuộc đua giành ghế Tổng thống kế nhiệm ông Mugabe.
Tổng thống Mugabe ngày 21/11 đã tuyên bố từ chức ngay sau khi Quốc hội Zimbabwe bắt đầu quy trình luận tội ông. Việc Tổng thống Mugabe từ chức đã chấm dứt một “triều đại” kéo dài gần 40 năm tại Zimbabwe. Ông Mugabe là nhà lãnh đạo duy nhất của Zimbabwe kể từ khi quốc gia châu Phi này giành độc lập từ Anh vào năm 1980.
Video đang HOT
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Tương lai nào cho Zimbabwe sau khi Tổng thống 93 tuổi từ chức?
Quyết định từ chức của Tổng thống Robert Mugabe sau 37 năm cầm quyền liệu có mở ra cho Zimbabwe một tương lai tươi sáng hay quốc gia châu Phi này sẽ vẫn chìm trong khó khăn và bất ổn. Điều này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền mới.
Người dân Zimbabwe ăn mừng trên đường phố Harare sau khi Tổng thống Mugabe từ chức (Ảnh: Reuters)
Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Jacob Mudenda thông báo Tổng thống Robert Mugabe đã đệ đơn từ chức ngày 21/11, hàng loạt nghị sĩ có mặt trong nghị trường đã reo hò ăn mừng. Trong khi đó, người dân Zimbabwe đổ xuống các tuyến đường ở thủ đô Harare cũng như các thành phố lớn để thể hiện sự phấn khích sau quyết định được cho là bước ngoặt trong lịch sử Zimbabwe. Họ ca hát, nhảy múa, vẫy cờ dù trời đã tối.
"Tôi rất phấn khởi, không chỉ cho bản thân tôi mà còn cho con tôi và toàn bộ đất nước này. Con gái tôi sẽ lớn lên trong một đất nước Zimbabwe tốt hơn", Mildred Tadiwa, một trong số người dân xuống đường ăn mừng sự kiện Tổng thống Mugabe từ chức, nói với Guardian.
"Chúng tôi rất vui mừng. Đã đến lúc "thay máu". Tôi 36 tuổi và tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này suốt cả cuộc đời mình. Cho đến tận bây giờ, tôi mới chỉ biết đến một nhà lãnh đạo duy nhất", William Makombore, nhân viên ngành tài chính, cho biết.
Hiện chưa có thông tin chi tiết từ các tướng lĩnh hay các quan chức chính phủ về kế hoạch tiếp theo đối với Tổng thống Mugabe và gia đình ông sau khi ông từ chức. Tuy nhiên, ông Mugabe được cho là sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được các điều kiện nhất định sau khi ông chấp thuận từ bỏ ghế tổng thống sau 37 năm cầm quyền.
Đất nước kiệt quệ
Tổng thống Mugabe và Đệ nhất phu nhân Grace - người nổi tiếng với lối sống xa hoa và sở thích mua sắm hàng hiệu (Ảnh: Reuters)
Sau khi rời khỏi vị trí lãnh đạo sau 37 năm, Tổng thống Robert Mugabe đã biến Zimbabwe từ một quốc gia giàu có thành một đất nước nghèo nàn và bất ổn. Ông đã để lại cho Zimbabwe một mớ hỗn độn với không ít khó khăn, trong đó rõ nét hơn hơn là là sự chia rẽ trong nội bộ dân chúng và sự kiệt quệ của nền kinh tế quốc gia.
Theo giới phân tích, lạm phát đang "hủy diệt" Zimbabwe với đồng nội tệ gần như vô giá trị. Nền công nghiệp phát triển ì ạch. Tỷ lệ thất nghiệp như quả bom hẹn giờ. Dự trữ ngoại hối ở mức thấp báo động. Hệ thống giáo dục, lĩnh vực vốn là niềm tự hào của Zimbabwe, đang bị đe dọa trong khi nhiều lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước cũng đang trong tình trạng "thoi thóp".
Trên trường quốc tế, Zimbabwe đang bị cô lập. Các nhà đầu tư nước ngoài tránh né thị trường Zimbabwe do chính sách thiếu cởi mở của Tổng thống Mugabe. Ngoài ra, tiềm năng du lịch để thu hút khách nước ngoài tới Zimbabwe gần như là con số 0 tròn trĩnh trong khi quốc gia châu Phi này vẫn đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Về chính trị, các thể chế dân chủ tại Zimbabwe đang ngày càng suy yếu. Các cuộc bầu cử định kỳ không được coi trọng tại quốc gia này. Khi Tổng thống Mugabe nhận được tỷ lệ ủng hộ thấp trong cuộc bỏ phiếu đáng tin cậy, ông bác bỏ luôn kết quả, "dằn mặt" người giành được tỷ lệ ủng hộ cao hơn và chặn luôn khả năng chuyển giao quyền lực cho phe đối lập dù đây là lựa chọn của đa số người dân. Vai trò của đảng đối lập tại Zimbabwe gần như không tồn tại và Tổng thống Mugabe cầm quyền như thể đây là quốc gia độc đảng.
Nhiệm vụ khó khăn
Người dân Zimbabwe theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Mugabe sau khi ông bị quân đội quản thúc (Ảnh: Reuters)
Theo The Nation, cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người kế nhiệm Tổng thống Mugabe, sẽ phải kế thừa toàn bộ gánh nặng này từ người tiền nhiệm. Ông Mnangagwa sẽ phải đảm đương hàng loạt trọng trách khó khăn gồm hòa giải, tái thiết và phục hồi đất nước Zimbabwe. Nói cách khác, tân tổng thống sẽ phải tìm cách xoa dịu tâm lý bất an của người dân, đẩy mạnh hòa hợp dân tộc và lấy lại niềm tin quốc gia.
Nhiệm vụ đầu tiên của ban lãnh đạo lâm thời là thống nhất một đất nước Zimbabwe bị chia rẽ và nuôi dưỡng nền văn hóa dân chủ vốn bị bỏ bê suốt hàng chục năm qua. Trong bối cảnh của Zimbabwe hiện nay, một chính phủ thành công phải là một chính phủ đoàn kết, quy tụ đại diện của tất cả các nhánh quan trọng, bao gồm cả đảng cầm quyền và đảng đối lập, các nhóm xã hội dân sự, lực lượng vũ trang, lực lượng lao động và cả các nhóm tôn giáo.
Chính phủ lâm thời cần tạo ra "sân chơi" bình đẳng cho các đảng phái chính trị trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống sắp tới. Ngoài ra, Zimbabwe, dưới sự lãnh đạo của chính phủ lâm thời, cần chấm dứt các tư tưởng thù địch và khép kín. Thay vào đó, quốc gia châu Phi này cần mở cửa và kết bạn với thế giới bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.
Nhà lãnh đạo mới
Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa đứng sau nhà lãnh đạo Robert Mugabe trong một sự kiện tại Harare (Ảnh: AP)
Theo giới phân tích, cựu Phó Tổng thống Mnangagwa, 75 tuổi, không phải là một gương mặt sẽ cho thấy sự thay đổi đột biến tại Zimbabwe. Từng là cánh tay phải của Tổng thống Mugabe trong nhiều năm, vai trò của cựu Phó Tổng thống Mnangagwa bắt đầu mờ nhạt dần khi tầm ảnh hưởng chính trị của Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe tăng lên trong cuộc đua giành ghế tổng thống. Bản thân ông Mnangagwa cũng bị chỉ trích vì một loạt cáo buộc liên quan tới vấn đề tham nhũng và lạm dụng nhân quyền. Đây cũng là những cáo buộc từng nhằm vào Tổng thống Mugabe và khiến hình ảnh của nhà lãnh đạo này ngày càng xấu đi trong mắt người dân.
Là người nổi tiếng bởi những thủ đoạn thao túng quyền lực ở mọi cấp, ông Mnangagwa được người dân Zimbabwe nể sợ hơn là khâm phục. Tuy vậy, ông vẫn có khả năng tạo ra được một nền tảng ủng hộ vững chắc trong lực lượng an ninh và quân đội. Ông từng đảm nhận nhiều vị trí cấp cao như bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Chủ tịch Hạ viện. Cựu Phó Tổng thống Mnangagwa đã bị chính Tổng thống Mugabe cách chức hồi đầu tháng này và nhanh chóng rời khỏi Zimbabwe ngay sau đó. Ông cũng bị xem là nhân vật chính đứng sau cuộc chính biến tại Zimbabwe trong tuần vừa qua.
Một số ý kiến cho rằng việc Tổng thống Mugabe từ chức và trao quyền lãnh đạo cho Phó Tổng thống Mnangagwa chỉ là câu chuyện mang tính hình thức, còn bản chất của vấn đề không được giải quyết, ít nhất cho tới khi Zimbabwe tổ chức tổng tuyển cử vào năm sau. Tuy vậy, đối với người dân Zimbabwe, sự ra đi của Tổng thống Mugabe ít nhất cũng mang lại cho họ tia hy vọng về tương lai mới của đất nước.
Trong tuyên bố duy nhất trước công chúng sau khi xảy ra cuộc chính biến tại Zimbabwe và được đưa ra chỉ vài giờ trước khi ông Mugabe từ chức, cựu Phó Tổng thống Mnangagwa nói rằng mong muốn của ông là được "chung tay" với tất cả người dân Zimbabwe trong "một kỷ nguyên mới".
"Trong kỷ nguyên mới của Zimbabwe, điều quan trọng đó là tất cả mọi người sẽ cùng chung tay để tái thiết đất nước thành quốc gia huy hoàng nhất. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng đảng ZANU-PF mà còn là nhiệm vụ của tất cả người dân Zimbabwe", ông Mnangagwa nhấn mạnh.
Tổng thống Mugabe ngày 21/11 đã tuyên bố từ chức ngay sau khi Quốc hội Zimbabwe bắt đầu quy trình luận tội ông. Việc Tổng thống Mugabe từ chức đã chấm dứt một "triều đại" kéo dài gần 40 năm tại Zimbabwe. Ông Mugabe là nhà lãnh đạo duy nhất của Zimbabwe kể từ khi quốc gia châu Phi này giành độc lập từ Anh vào năm 1980.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Phó Tổng thống "cá sấu" của Zimbabwe từ chối về nước vì sợ bị ám sát Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa tuyên bố ông sẽ không trở về nước cho tới khi đảm bảo về vấn đề an ninh và Tổng thống Robert Mugabe phải từ chức ngay lập tức. Cựu Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa (Ảnh: AFP) Theo BBC, trong phát biểu đầu tiên kể từ khi chính biến nổ ra ở Zimbabwe, cựu Phó...