Ai sẽ trông con cho tôi đi làm?
Cô em họ tôi vừa sinh cậu con trai đầu lòng, mới 6 tháng cậu bé đã nặng 7 kg, cả nhà ai cũng mừng. Nhưng mừng chưa hết nỗi lo đã đến.
Vốn là chiến sĩ công an, thời hạn nghỉ thai sản đã hết, cô đã phải xin nghỉ thêm 1 tháng. Cũng phải thôi, công việc chuyên ngành, không ai thay ai được. Bà ngoại, bà nội đều là công chức, viên chức cả, chưa ai nghỉ hưu mà trông con hộ cô. Nhà thì bé tí tẹo, nuôi người giúp việc thì vợ chồng cô ra đường ngủ, mà thời buổi bây giờ nào có phải ai cũng có tiền đề mà thuê giúp việc.
Vậy là chỉ còn cách gửi con đi nhà trẻ. Bà mẹ chồng gắt khi cô tỏ ý thương con: “Ngày xưa chúng tao thế cả, ba tháng là đi nhà trẻ hết, cả thằng chồng mày ba tháng cũng ra nhà trẻ cơ quan, đến giờ bú các mẹ chìa vú dọc hành lang cho các con bú, vui ra phết. Khổ một tí, nhưng lớn lên nó vẫn to như con bò đấy thôi”. Thế là hai vợ chồng làm cuộc hành trình tìm kiếm nhà trẻ cho con. Không ai ngờ đó là một cuộc hành trình gian nan, cuộc hành trình vào thái độ vô trách nhiệm đối với những thế hệ tương lai.
Không có cơ sở công lập giữ trẻ dưới 24 tháng tuổi
Điều lệ trường mầm non mới quy định, các trường mầm non tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Chắc mẩm như vậy hai vợ chồng chia nhau đến các trường mầm non gần nhà. Tại phường Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), cô em xin gặp hiệu trưởng trường mầm non phường. Bà hiệu trưởng cười: “Em phải tìm nơi khác rồi, đã mấy năm nay trường tôi không nhận giữ trẻ nữa rồi. Năm ngoái còn giữ trẻ dưới 36 tháng chứ năm nay xem xét chắc cũng không nhận được. Con em mới 6 tháng thì…chịu.” Các trường khác trong phường cũng lắc đầu: Trẻ 3 tuổi cũng đang xếp hàng chưa chắc đã nhận hết được, nhận trẻ 6 tháng, ai mà trông được.
Bà Trần Thị Ngọc Minh, Hiệu trưởng trường Hoàng Văn Thụ cho biết: Năm học trước, trường có một số phòng học diện tích nhỏ, không thể cải tạo thành lớp cho trẻ mẫu giáo. Một số giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu của trường không bắt kịp với chương trình mầm non mới nhưng lại rất có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ… Duy trì lớp nhà trẻ là cách trường tận dụng cơ sở vật chất và năng lực giáo viên. Nhưng, sang năm học 2011 – 2012 này, qua khảo sát số trẻ 5 tuổi trên địa bàn phường quá đông, tới 297 cháu. Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi yêu cầu các trường phải ưu tiên nhận toàn bộ các cháu 5 tuổi trước. Khi còn chỗ mới tuyển tiếp trẻ 4 tuổi rồi 3 tuổi… Vì thế, trường tiếp nhận hết trẻ 5 tuổi trên địa bàn là đã quá tải, không thể còn chỗ nhận các bé từ dưới 36 tháng.
Không có chỗ gửi gần nhà thì gần cơ quan cũng tốt, hai vợ chồng lại chạy quanh. Nhưng thật là thất vọng, không có trường công lập nào nhận các cháu dưới 24 tháng cả. Tại Trường mầm non Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội dù có truyền thống đến 50 năm, đi lên từ mô hình nhà trẻ nhưng từ năm 2004 đến nay đã đóng cửa hẳn lớp sữa, lớp cháo (lứa tuổi nhà trẻ). Bà Thành Thị Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, Hà Nội, khẳng định: “Chúng tôi vẫn khuyến khích các cơ sở mầm non nhận trẻ lứa tuổi 24-36 tháng trong điều kiện có thể thu xếp được, nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu. Riêng lứa tuổi từ 18 tháng trở xuống, hầu hết cơ sở mầm non trên địa bàn không thể nhận”.
Bà Nguyễn Tú Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai) cho biết: Trẻ mẫu giáo càng đông thì số lớp dành cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ càng teo tóp. Ví dụ, năm học trước, trường còn phòng học để tuyển được 3 lớp nhà trẻ thì năm nay chỉ có thể tuyển được duy nhất 1 lớp. Dự báo năm sau thì lớp nhà trẻ sẽ bị xóa sổ luôn vì không có phòng trống. Nhà trẻ theo quan niệm của các cô là độ tuổi từ 18 tháng đến 36 tháng, không ai nói tới lớp trẻ dưới 12 tháng cả.
Chính sự bức bách về chỗ gửi trẻ dưới 12 tháng của cô em đã gợi ý cho chúng tôi làm cuộc điều tra về nhu cầu và đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ở Hà Nội và một số thành phố lớn trong nước. Kết quả điều tra thật buồn. Hệ thống giáo dục công lập hầu như đã từ chối nhận giữ trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Bà Đặng Thị Sáu, Phó chánh văn phòng Hội khuyến học Hà Nội, nguyên hiệu trưởng trường mẫu giáo Việt Bun đánh giá, trẻ dưới 12 tháng tuổi gần như không có nổi một chỗ học trường công nào tại Hà Nội. Trong khi đó, nhu cầu gửi con của người dân ở lứa tuổi này rất lớn. “Đây là một hạn chế lớn của giáo dục mầm non. Chúng ta đã bỏ qua thời kỳ vàng của trẻ. Một số trẻ chậm nói, chậm phát triển, đó là hậu quả của việc thiếu môi trường giao tiếp, thiếu môi trường học tập cho trẻ”, bà Sáu nhận định. Ước tính có khoảng hơn 70% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ tại Hà Nội chưa được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở mầm non công lập. Bà Sáu cho rằng, việc chăm các cháu vẫn trông chờ vào gia đình và trường ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình. Vì thế, trẻ phải chấp nhận cảnh “may nhờ rủi chịu”, nơi nào trường tư hoạt động tốt thì trẻ được nhờ, bằng không sẽ chấp nhận nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 577 xã, phường, thị trấn với 6,5 triệu dân, song chỉ có 837 trường mầm non, trong đó 81,6% là trường là công lập, chỉ có 18,4% là trường ngoài công lập và các nhóm, lớp. Theo báo cáo thống kê của các phòng GD-ĐT, đến tháng 5-2011, trẻ mầm non học trong các trường công lập là 319.890 trên tổng số 374.082 trẻ trong độ tuổi của thành phố, tỷ lệ 85,5%..
Học phí các trường công lập chỉ 50.000đ/tháng, theo quy định tối đa không quá 35 cháu/lớp, nhưng thực tế nhiều trường lên tới 65 đến hơn 70 cháu/lớp. Hà Nội hiện có khoảng 11 vạn lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ, thế là một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp đành chấp nhận gửi con ở các nhà trẻ gia đình kém chất lượng.
Theo quy mô phát triển dân số, đến năm 2020 dân số Hà Nội sẽ tăng lên 7,4 triệu người và đến năm 2030 sẽ là 9,5 triệu người. Với sự gia tăng dân số này, Hà Nội cần xây thêm 1.014 trường mầm non, trong khi quỹ đất đang dần bị thu hẹp. Tình hình càng ngày càng khó khăn cho những đứa trẻ mới bước chân vào đời sống. Trong khi đó, những tháng đầu tiên sau khi ra đời các bé phải được chăm sóc tốt nhất để làm tiền đề cho sức khỏe cả đời. Sức khỏe ở đây bao gồm cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần theo đúng định nghĩa của Tổ chức y tế thế giới. Tất cả vì tương lai con em chúng ta, câu khẩu hiệu có mặt ở mọi nơi trên đất nước này nhưng có vẻ nội dung của nó chưa có mặt trong đời sống chúng ta.
Những vụ đánh trẻ dã man tại các nhà trẻ tự phát vẫn luôn là nỗi ám ảnh của các bà mẹ
Tại sao trường công lập từ chối
Rất đơn giản, trông trẻ dưới 18 tháng vừa không có thu nhập, vừa nguy hiểm. Bà Thành Thị Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, ngoài lý do phải ưu tiên chỗ học cho trẻ mẫu giáo lớn còn có những khó khăn khác. Các cơ sở mầm non công lập không thể có đủ điều kiện an toàn để chăm sóc trẻ 18 tháng tuổi. Với lứa tuổi này phải có phòng rộng rãi, an toàn, có cũi giữ trẻ, xe tập đi và nhiều thiết bị phù hợp khác, giáo viên cũng phải có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ. Dễ xảy ra những sự cố đáng tiếc với trẻ lứa tuổi này nếu giáo viên sơ xuất.
Video đang HOT
Theo quy định về chuẩn diện tích cho trẻ, khối nhà trẻ diện tích phải đạt 2,5m2/trẻ trong khi độ tuổi mẫu giáo chỉ đòi hỏi 1,5m2/trẻ. Với nhóm nhà trẻ, phải bố trí phòng ốc rộng, đồ chơi cá nhân ngay trong lớp và kết cấu phòng đảm bảo an toàn. Đây cũng là yếu tố khiến các trường có cơ sở vật chất còn hạn chế ngại mở lớp nhà trẻ. Về nhân sự, các trường cũng phải ưu tiên giáo viên nhiều kinh nghiệm và bền bỉ để “trụ” tại các lớp độ tuổi nhà trẻ vì công việc vất vả hơn.
Một vấn đề nữa mà một số lãnh đạo các trường mầm non cho biết là kinh phí chi cho trẻ mầm non và trẻ ở độ tuổi nhà trẻ hiện nay đã bị cào bằng. Trong khi đó, trên thực tế, kinh phí và nhân lực phục vụ lớp nhà trẻ trội hơn mẫu giáo rất nhiều. Một hiệu trưởng công tác lâu năm ở một trường mầm non bộc bạch: “Hiệu trưởng không dám mở nhiều lớp vì khó đảm bảo đời sống của giáo viên do học phí nhiều năm nay không đổi. Nguy cơ đau ốm, tai nạn của trẻ lại cao nên ai cũng né, bắt buộc mới phải làm”. Bất cập này khiến các trường mầm non không muốn nhận trẻ ở tuổi nhà trẻ. Vì thế, ưu tiên “phổ cập trẻ 5 tuổi” đã trở thành lý do chính đáng giúp họ công khai từ chối nhu cầu của phụ huynh có con nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Lưu Truyền, quản lý trường mầm non Sóc Nâu (421/12 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP HCM) cho biết: “Việc trông các cháu nhỏ dưới 2 tuổi gặp rất nhiều khó khăn, vì các cháu cần chăm sóc kỹ lưỡng hơn là các cháu lớn rất nhiều. Một cô chỉ trông được một hoặc hai trẻ, nên khó có trường nào đủ giáo viên để làm”. Trường Sóc Nâu hiện chỉ trông một cháu duy nhất 9 tháng tuổi.
Hầu hết cán bộ, giáo viên các trường mầm non đều nói rằng việc nhận trông các trẻ nhỏ dưới một tuổi là rất khó khăn. Nhóm này cần sự quan tâm đặc biệt hơn, cơ sở vật chất tốt, nghiệp vụ chuyên môn cao, đặc biệt là nhu cầu tình thương và điều kiện để phát triển khả năng giao tiếp. Nếu các gia đình muốn gửi con thì cần sự thỏa thuận giữa gia đình với nhà trường. Nhưng như thế thì đóng góp của gia đình cho 1 cháu phải tới 2-3 triệu đồng một tháng (gồm tiền lương cho cô và tiền ăn cho trẻ). Số tiền này cũng vượt quá khả năng của nhiều gia đình trẻ hiện nay.
Trao đổi với nhà báo, Bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bô GD-ĐT) cho biết: “Vấn đề này đã được phản ánh từ lâu và Bộ cũng rất quan tâm. Song trong cơ chế hiện nay, hệ học mầm non chưa phải hệ phổ cập, không được Nhà nước bao cấp. Nhà nước mới chỉ tập trung cho nhóm trẻ 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1, còn nhóm trẻ nhỏ hơn, Nhà nước chưa đủ điều kiện quan tâm. Bộ GD-ĐT chỉ quản lý về mạng lưới giáo dục”.
Đã rõ, cho đến nay có cảm tưởng rằng trong giáo giục mầm non, chúng ta cũng như người ăn đong, để đáp ứng nhu cầu của đề án phổ cập giáo dục, trẻ 5 tuổi phải được đi học, chúng ta bỏ quên ngay trẻ lới ít tuổi hơn. Nếu có ngày nào đó cần phải ưu tiên nhiều hơn nữa cho trẻ 6 tuổi chắc chúng ta lại phải hy sinh quyền lợi của trẻ 5 tuổi. Đây thực sự là vấn đề lớn không phải chỉ cho các cháu bé mà cho cả tương lai dân tộc. Còn bây giờ những thế hệ công dân tương lai đành trông chờ vào các nhóm giữ trẻ tư thục và… những người trông trẻ tại gia đình, gọi là nhóm giữ trẻ gia đình.
Khủng khiếp ở các nhóm trẻ gia đình và tự phát
Những tin tức hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho chúng ta hình ảnh khủng khiếp của các nhóm trẻ gia đình. Chỉ cần điểm qua các tin trên intenet chúng ta đã thấy rùng mình.
Theo khai nhận của bà Nguyễn Thị Hòa (người giữ trẻ, 41 tuổi) với cơ quan chức năng phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), khoảng 8 giờ ngày 21-3-2012, trong lúc đút cho bé gái Trần Kim Ngân (2 tuổi) ăn điểm tâm bằng hủ tiếu thì bà Hòa phát hiện gương mặt bé trở nên tái xanh và có dấu hiệu nôn ói. Đưa đến bệnh viện, cháu bé tử vong. Khám nghiệm tử thi nguyên nhân tử vong là sặc hủ tiếu.
Gần đây, liên tục xảy ra những sự cố ở những điểm giữ trẻ tự phát tại Bình Dương. Bảo mẫu Trần Thị Phụng “tắm đòn” một bé gái 3 tuổi khiến cháu này suýt chết ngạt; vụ hàng chục trẻ “ngủ mê man” tại một nhà trẻ tư nhân không phép tại khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao. Vụ 27 em mầm non tại phường Bình Hòa, thị xã Thuận An phải vào viện cấp cứu do uống nhầm thuốc khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng… chưa lắng xuống thì nay lại xảy ra thêm vụ cháu Phan Văn Bảo Nam (mới 16 tháng tuổi) hôn mê tại điểm giữ trẻ tự phát ở phường Thuận Giao dẫn đến tử vong sau 5 ngày cấp cứu. Khám nghiệm tử thi cho thấy cháu bé bị nứt sọ do người giữ trẻ đánh rơi cháu từ trên tay xuống đất. Các vụ việc xảy ra dồn dập khiến dư luận dấy lên quan ngại xung quanh các điểm giữ trẻ tự phát trên địa tỉnh Bình Dương.
Ngày 27-2-2012, Công an huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết, đang làm rõ trách nhiệm xung quanh cái chết của bé Nguyễn Ngọc Hiếu (14 tháng tuổi) tại cơ sở giữ trẻ tư nhân Ánh Dương thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc. Bước đầu xác định lúc 8 giờ cùng ngày, cô giữ trẻ phát hiện bé Hiếu bị cắm đầu trong thùng nước đặt trong nhà vệ sinh của cơ sở. Lập tức, bé Hiếu được đưa đến trạm y tế xã Hàm Hiệp, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định bé Hiếu đã tử vong trước đó do ngạt nước.
Trước đó, vào khoảng 9h30 ngày 11-6-2008, cháu Cao Thị Thuỳ Linh được nhân viên của điểm giữ trẻ tư nhân Tư Phát (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai với các triệu chứng lên cơn co giật, sùi bọt mép. Sau đó cháu rơi vào tình trạng hôn mê, huyết áp và nhịp tim đều bằng 0. Sau khi tử vong bệnh viện xác nhận cháu chết do ngộ độc thuốc diệt chuột.
Nghĩa là có đủ các dạng loại nguy hiểm chờ đón các trẻ trong độ tuổi nhà trẻ tại các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập và các nhóm trẻ tự phát. Không những có nhiều tai biến gây thương tật thậm chí tử vong, còn nhiều thủ đoạn như cho trẻ uống thuốc ngủ để các cháu ngủ nhiều đỡ phải chăm, cho trẻ uống các loại thuốc có chứa các loại kháng sinh nội tiết để làm trẻ tăng giữ nước cơ thể, ăn nhiều, gây béo giả tạo… Mấy ngày gần đây dư luận Hà Nội đang xôn xao về các khiếu kiện của các phụ huynh một trường mầm non quốc tế có mức học phí trên 10 triệu đông một tháng nhưng cho trẻ ăn không đủ chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh việc chọn giải pháp gửi con đến “nhà trẻ tư”, nhiều người cũng không còn cách nào khác đành thuê người giúp việc kiêm luôn làm nhiệm vụ trông trẻ. Trong khi đó, được, phần lớn những người đi làm giúp việc đều là những người nông dân có hoàn cảnh khó khăn, họ không biết cách chăm sóc trẻ và thiếu những kiến thức cần thiết cho một đứa trẻ. Đấy là còn chưa nói đến chuyện nhiều người giúp việc còn có vấn đề về trí tuệ hoặc không biết chữ… dẫn đến việc họ không biết dạy dỗ các cháu nhỏ. Câu chuyện này tưởng như rất đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng lớn đối với việc hình thành nhân cách của các cháu, ảnh hưởng tới thế hệ tương lai của một dân tộc. Thực tế, đã có rất nhiều cháu ở nhà với giúp việc bị mắc bệnh tự kỷ, tính tình cáu gắt, còn chuyện nói ngọng, nói tiếng địa phương là chuyện thường ở những gia đình có người giúp việc chăm sóc trẻ con. Và trên thực tế, cũng có rất nhiều vụ việc các cháu bị tai nạn đáng tiếc vì người giúp việc không chăm sóc cẩn thận. Trước đây, tại Hà Đông đã từng xảy ra vụ việc, bà trông trẻ đưa cháu qua đường và bị tai nạn ô tô, đứa trẻ tử vong trong sự đau đớn vô tận của gia đình, còn bà trông trẻ cũng bị thương nặng. Hẳn dư luận cũng chưa thể quên vụ việc đau lòng khi một bà giúp việc đưa cháu vào trong nhà vệ sinh tắm nóng lạnh, bị điện giật chết cả hai.
Có rất nhiều bất cập xung quanh việc trông trẻ tại các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập, nhưng do nhu cầu quá lớn chính các cơ quan chức năng không thể quản lý được. Việc chuyển giao công việc cấp phép cho UBND các phường, xã không có chuyên môn về giáo dục cho thấy số phận của những đứa trẻ đầu đời đã bị thả nổi như thế nào. Mặc dù tại các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn nhà giữ trẻ đã được quy định rất cụ thể, nhưng trong thực tế không có cơ sở giữ trẻ nào tuân thủ các tiêu chuẩn đó.
Khoản 1 Điều 30 Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định:
b) Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không dột nát, được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, đảm bảo an toàn, thoáng, mát, đủ ánh sáng, sàn nhà láng xi măng hoặc lát gạch hay bằng gỗ, được vệ sinh sạch sẽ;
c) Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục có diện tích trung bình tối thiểu 1,5 m2 cho một trẻ;
Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải có hàng rào, cổng và chỗ chơi an toàn cho trẻ; phòng vệ sinh với diện tích trung bình tối thiểu 0,4 m2 cho một trẻ, có đủ nước sạch cho trẻ dùng, thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ mầm non;
Ngoài ra tổ chức, cá nhân thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục còn phải đảm bảo một số điều kiện khác theo Điều 11 Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT, cụ thể như sau:
a) Có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho trẻ em; thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu đảm bảo các điều kiện tối thiểu theo quy định của pháp luật;
b) Có đủ giáo viên, nhân viên theo tiêu chuẩn quy định;( Trẻ từ 6-12 tháng phải tuân thủ 3-4 trẻ/cô giáo; trẻ từ 12-18 tháng phải 5-6 trẻ/cô giáo).
Nếu theo đúng các tiêu chuẩn này, tất cả các nhóm trẻ, các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập đều phải đóng cửa. Nhưng theo một ông chủ tịch phường ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) xin được giấu tên: Nếu đóng cửa tất cả các nhóm trẻ ngoài công lập thì hàng trăm cán bộ công nhân phải nghỉ việc và đó sẽ là thảm họa với địa phương.
Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân một xưởng may mặc cho biết, thu nhập bình quân một tháng của chị chỉ khoảng 3 triệu đồng, cộng thêm thu nhập của chồng cũng chỉ ở mức 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, ngoài việc trả tiền thuê nhà và chi phí thường ngày, chị không thể thuê người giúp việc để trông con mà buộc phải tìm đến nhóm trẻ tự phát để gửi cô con gái nhỏ. Biết con mình đối diện với nguy cơ cao khi mang đến gửi ở các nhóm trẻ gia đình, bởi hầu hết những người trông trẻ đều không có trình độ, thậm chí không biết làm gì mới trông trẻ, nhưng các ông bố, bà mẹ có con nhỏ đành nuốt nước mắt vào trong, vì họ còn phải lo cho cuộc sống mưu sinh. Người phụ nữ sau 4 tháng nghỉ hộ sản, phải tiếp tục công việc của mình, hiếm hoi có những gia đình may mắn có ông bà giữ giúp cháu, còn lại họ phải xoay xở bằng việc mang con đi gửi. Trong khi đó, việc quản lý các nhóm trẻ tự phát còn nhiều bất cập nên nơi này tiềm ẩn không ít những nguy cơ bất ổn cho trẻ.
Vấn đề phải giải quyết ở cấp vĩ mô
Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ, trước đây, tại các nhà máy, nông trường đều có nhà trẻ để trông giữ con cán bộ, công nhân phải làm ca kíp từ khi mà mẹ hết chế độ nghỉ sinh. Khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, hệ thống trường này cũng mất luôn khiến cả một đội ngũ công nhân, nhân viên “méo mặt” khi không biết gửi con ở đâu để đi làm.
Vấn đề ở chỗ, hiện nay cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho hệ thống trông trẻ dưới 24 tháng tuổi đồng thời có kế hoạch xã hội hóa việc trông giữ trẻ một cách khoa học và có trách nhiệm. Trước mắt cần vận động các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động xây dựng các nhà trẻ cho con các công nhân cho doanh nghiệp, cho phép các cơ qouan khôi phục các nhà trẻ cơ quan với sự hỗ trợ tài chính từ khoản tiết kiệm chi thường xuyên. Trong tất cả quy hoạch phát triển tương lai cần lưu ý đến các cơ sở giáo dục nhà trẻ.
Xin lưu ý việc bỏ trống trách nhiệm đối với những đứa trẻ mới sinh chính là vô trách nhiêm với tương lai.
Như trên đã phân tích vì nhiều lý do khiến các trường mầm non “đóng cửa” với lứa tuổi nhà trẻ. Trong đó có lý do trông các cháu ở độ tuổi nhà trẻ quá vất vả, các cô bảo mẫu không thể đảm đương được. Vậy thì họ thử xem các hộ lý y tá ở các bệnh viện Nhi, bệnh viện sản, đã phải làm gì để chăm sóc những đứa trẻ là con cái của bất cứ ai, trong đó có cả con của những cô bảo mẫu. Và những hộ lý, y tá kia, họ cũng có con nhỏ, họ cũng chỉ được nghỉ thai sản 4 tháng. Vậy ai sẽ là người trông con cho họ để họ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hay những chiến sĩ công an như cô em họ tôi, công việc của họ phải đối mặt với nguy hiểm để bảo vệ bình yên cho cuộc sống, trong đó có cả cuộc sống của những người làm trong ngành giáo dục. Vậy ai sẽ trông con cho họ? Câu hỏi: Ai sẽ trông con cho tôi đi làm? Giờ đây đã không phải là câu hỏi của một người, một vài người, mà là câu hỏi lớn của toàn xã hội. Câu hỏi này xin được dành cho những nhà quản lý giáo dục?
Theo ANTD
Thâm nhập một điểm giữ trẻ chui
Đã nghe rất nhiều về các cơ sở giữ trẻ chui, nhưng khi được thấy tận mắt chúng tôi lại càng xót xa hơn cho thân phận những em bé và thêm thương cảm cuộc đời của bố mẹ chúng, những người công nhân ngụ cư.
Khoảng 20h ngày 25/11, sau khi lân la hỏi han, thăm dò, chúng tôi quyết định trong vai nữ công nhân đi tìm chỗ gửi con để đột nhập vào một vài hộ trông trẻ gần khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM.
Tan ca tối, hối hả về đón con
Con đường Huỳnh Tấn Phát bị triều cường dâng cao, ngập lênh láng. Như bao người công nhân khác hối hả giờ tan ca, chiếc xe máy của tôi "bảy nổi ba chìm" trong...nước cống. Một nữ công nhân thiếu kiên nhẫn vì sợ trễ giờ đón con (trên xe máy có gắn ghế ngồi cho con nít), rồ ga chạy nhanh làm nước sình bắn tung tóe.
Tôi bám theo xe chị, chạy vào hẻm số 502 đối diện siêu thị điện máy Thiên Hòa. Chạy được một quãng, người phụ nữ ấy rẽ vào một con ngách tối om, không đèn đóm. Chị dừng lại, đập cửa căn nhà có cổng rào kín mít.
Một người đàn bà trung niên bồng đứa bé chừng 3 tuổi chạy ra, hai mẹ con nữ công nhân ôm nhau chóng vánh rồi như vội vã công chuyện, chị hấp tấp đặt con lên xe, rồ ga chạy.
Nơi mà 10 em bé được trông giữ chỉ rộng chưa đầy 15 mét vuông
Tôi quay trở ra đầu hẻm, hỏi thăm bà bán hàng tạp hóa chỗ gửi trẻ.
Người đàn bà dáng đậm đà nhiệt tình, hồ hởi: "Công nhân gửi con để tăng ca hả? Chỗ gửi thì thiếu gì, tuy nhiên giá cả quyết định chất lượng đấy nhé".
Nói rồi người phụ nữ quay sang hỏi luôn chị bán chuối chiên bên cạnh: "Sao Thúy, mày có nhận không? Nhận một đứa về mà trông cũng...được!".
Nhìn tôi mắt tròn mắt dẹt, người phụ nữ cười ha hả: "Thôi, để cô chỉ cho mày nhà bà Hường, cái nhà có cổng xanh xanh trong ngách kia kìa. Nếu bà ấy không nhận thì mày đem ra đây, cô trông giúp cho. Cô tên là Liễu, nhớ nhé!".
Tôi đến trước chiếc cửa màu xanh theo chỉ dẫn của bà Liễu gọi cửa thì một người phụ nữ gầy gò, cỡ ngoài 40 tuổi đánh tiếng, chạy ra, hất hàm: "Có gì không?".
Sau khi tôi nói chị Liễu giới thiệu vào gửi trẻ thì các nếp nhăn trên mặt người phụ nữ ấy giãn ra, thay vào đó là một nụ cười thân thiện: "Thế hả, vào đi rồi nói chuyện".
15m nuôi 10 đứa trẻ
Vào được chỗ giữ trẻ của gia đình bà Hường vô cùng khó khăn, phải để xe ở ngoài vì lối đi chỉ rộng chừng hơn nửa mét.
Căn nhà áng chừng chưa được tới 15 mét vuông, khắp nơi giăng đầy quần áo. Bày giữa nhà là một cái võng, một cái xe tập đi của em bé. Mấy chiếc bình sữa của bé được treo trên tường nứt nẻ, nổi mốc đen.
Nhà vệ sinh xuống cấp được bố trí luôn trong khoảng không gian rộng chưa tới 15 mét vuông ấy, chỉ ngăn cách với nơi giữ trẻ bằng một chiếc cửa nhựa kéo nửa kín, nửa hở. Thành viên trong nhà bà Hường cả thảy gồm 5 người. Tất cả sinh sống ở đây thôi đã thấy...tức thở, huống hồ còn nhận nuôi thêm trẻ con.
Như để quảng cáo sự bề thế cho "trường mầm non" của mình, bà Hường thao thao bất tuyệt: "Vì em được người quen giới thiệu nên chị mới tiếp đấy nhé, chỗ của chị đông lắm, mà phải... nhìn mặt mới nhận. Cơ sở của chị uy tín nên người ta gửi đông. Chị nhận trông đến hơn 10 đứa cơ đấy".
Nghe đến đây, tôi cố lắp bắp hỏi: "Mà con em còn bé lắm, mới hơn 10 tháng, em lại hay về trễ, chị nhận được không?".
Đây là nơi để bình và sữa gia đình gửi cho các bé
Người đàn bà cười khà khà: "Em gửi con lần đầu hả, hèn chi! Con thế mà bé à, bé...gì, ở đây chị trông có đứa mới 3 tháng. Đứa nào thích nằm võng chị cho nằm võng, chán võng thì xuống đất nằm chiếu. Gửi trễ cũng chẳng sao, sau "giờ hành chính" chị tính thêm tiền, 11 đêm giờ đón cũng được".
Tôi tiếp lời: "Đông thế chúng nó đánh nhau làm sao hả chị?" thì chồng bà Hường cười khanh khách trả lời: "Đánh thế nào được, đánh để chết à? Tôi nói cho cô biết nhé, nhà tôi không gắn biển hiệu nhận giữ trẻ mà đã đông đến thế, vậy là đủ hiểu chất lượng ở đây ra sao rồi đấy!!".
Tôi làm bộ bằng lòng, bàn tiếp sang chuyện giá cả. Bà Hường đề nghị một tháng học phí là 650.000 đồng, tiền ăn một ngày 20.000 đồng, sữa tự túc. Nếu sau 17h30 chưa đón con thì một tiếng tính 5.000 đồng. Giá trên chưa có phí cho ngày chủ nhật. Chủ nhật công nhân đem con đến gửi sẽ tính như phí tăng ca, tương đương 5.000 đồng/tiếng.
Tôi cúi gằm mặt than thở: "Ôi cô ơi, cô tính phí ngoài giờ thế thì chết con, con làm công nhân lương cứng có một triệu hơn, khi nào tăng ca thì may ra được 3 hoặc 4 triệu. Tiền gửi con cao thế thì con xoay xở làm sao?".
Nắn gân thấy "gà" này "không béo", bà Hường cười, làm bộ thông cảm: "Ờ, nói thì nói thế thôi, chứ cô thương người lắm, con khó khăn cô chỉ tính tiền tiếng đầu, còn mấy tiếng sau cô khuyến mại".
Tôi lủi thủi ra về, hẹn chiều thứ 7 sẽ mang con đến.
Vừa dắt xe ra khỏi cổng, một chị vẫy tôi lại ra chiều thấu hiểu: "Gái ơi, chị bảo, em đừng gửi con ở đó. Rẻ hơn chỗ khác thật mà bà ý xếp lớp em bé như cá mòi, tội lắm! Con em ăn thì ăn, không ăn thì đói luôn, đông thế sao bà ý trông hết được. Trẻ gửi trong đấy đứa nào về cũng bị muỗi đốt tùm lum sưng cả mặt. Em đem bé vào trường mầm non tư thục bên hẻm trên mà gửi, người ta cũng nhận trông buổi tối đấy".
Sau khi ghé vào trường mầm non người phụ nữ mách, tôi thấy điều kiện vật chất tuy có tốt hơn thật nhưng giá thành cũng "tốt" tới tận 1,5 triệu/tháng, tiền phụ phí ngoài giờ cũng cao gấp 3, một tiếng hết 15.000 đồng.
Tôi quay về bỗng cảm thấy nghẹn ngào, thương cảm cho người công nhân và con cái của họ. Bởi nếu là họ, vì cuộc sống mưu sinh tôi cũng đành cắn răng mà đem con đến gửi ở những khu nhà ổ chuột như của bà Hường mà thôi!
Theo Vietnamnet
Bảo mẫu cho trẻ ăn "tát" bị buộc thôi việc Sau khi bị bảo mẫu Võ Thị Kim Phượng tát, bé Nguyễn Lưu Thuận Thiên đã sốt cao, ói và liên tục hoảng sợ. Nhà trẻ mầm non Thiên Thần. Chiều 24/3, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, chủ nhà trẻ mầm non Thiên Thần (phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9 - TP HCM), đã giải bày về việc bảo mẫu tát vào...