Ai sẽ là tân Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc?
Bộ Tổng tham mưu và Tổng tham mưu trưởng có vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không phải tâm phúc thì tuyệt đối không thể ngồi vào vị trí này.
Ông Phòng Phong Huy và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey.
Phòng Phong Huy đi lên từ cơ sở, đồng hương với Tập Cận Bình
“Hổ tướng” thứ 3 là Phòng Phong Huy, đương kim Tổng tham mưu trưởng, trong con mắt của giới quan sát hải ngoại ông Huy là người được Hồ Cẩm Đào cất nhắc. Năm 2007, Phòng Phong Huy được điều về làm Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh, trở thành Tư lệnh trẻ nhất trong số các Tư lệnh quân khu. Năm 2009 khi tổ chức kỷ niệm quốc khánh, Phòng Phong Huy đã tháp tùng Hồ Cẩm Đào duyệt binh mà không phải là Tổng tham mưu trưởng đương nhiệm.
Trong tình hình cục diện hiện nay, Phòng Phong Huy là “quân cờ quan trọng” của Tập Cận Bình trong thế cờ cải cách quân đội, Đa Chiều bình luận. Chính vì thế rất nhiều nhà quan sát người Hoa hải ngoại cho rằng sau hội nghị trung ương 4, Phòng Phong Huy sẽ thay thế Thường Vạn Toàn làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Ông Huy sinh năm 1951 ở Hàm Dương, Thiểm Tây và cùng quê với Tập Cận Bình, tốt nghiệp chuyên ngành Chỉ huy chiến lược học viện Quốc phòng Trung Quốc, nhập ngũ tháng 2/1968, đi từ cơ sở tới các chức vụ cấp cao.
Video đang HOT
Theo Đa Chiều, sở dĩ nói Phòng Phong Huy đã trở thành “người ủng hộ kiên định” Tập Cận Bình là vì nhìn từ chức vụ. Tổng tham mưu trưởng phụ trách tổ chức các hoạt động quân sự, điều động chỉ huy các lực lượng vũ trang toàn quốc, một vị trí có thực quyền. Bộ Tổng tham mưu và Tổng tham mưu trưởng có vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không phải tâm phúc thì tuyệt đối không thể ngồi vào vị trí này.
Trong vai trò Tổng tham mưu trưởng, nửa cuối năm nay Phòng Phong Huy đã đưa ra chính sách thu hồi phòng ốc và xe công vượt tiêu chuẩn của đội ngũ sĩ quan, loại bỏ các vị trí dư thừa hoặc không đáp ứng được yêu cầu công việc để phối hợp với chiến dịch chống tham nhũng và hoạt động “giáo dục đường lối quần chúng thực tiễn” mà Tập Cận Bình khởi xướng.
Sái Anh Đĩnh khi còn đeo lon Trung tướng.
Sái Anh Đĩnh, tướng đầu tiên được Tập Cận Bình đề bạt
So với 3 Thượng tướng nói trên, Sái Anh Đĩnh 60 tuổi, chức vụ không cao. Tháng 10/2012 mới trở thành Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, nhưng ông Đĩnh lại là viên tướng đầu tiên được Tập Cận Bình cất nhắc khi chính thức nắm quyền.
Sái Anh Đĩnh nhập ngũ năm 1970, từng làm thư ký cho Trương Vạn Niên, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương. Năm 2002 Sái Anh Đĩnh giữ chức Phó Tham mưu trưởng quân khu Nam Kinh, năm 2004 được điều động làm Tư lệnh Tập đoàn quân 31, năm 2007 về làm Tham mưu trưởng quân khu Nam Kinh, năm 2009 lên lon Trung tướng.
Năm 2011 ông Đĩnh trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng, tháng 10 năm 2012 giữ chức Tư lệnh quân khu Nam Kinh và được thăng lon Thượng tướng tháng 7 năm ngoái. Ông Đĩnh là tướng Trung Quốc đã luân chuyển qua các vị trí từ địa phương lên trung ương rồi lại về địa phương, được xem là người dày dạn kinh nghiệm thực tế.
Quan hệ giữa Sái Anh Đĩnh với Tập Cận Bình được cho là bắt đầu từ khi ông Bình còn làm Tỉnh trưởng Phúc Kiến, khi đó Sái Anh Đĩnh là thư ký, tháp tùng Trương Vạn Niên xuống tỉnh này công tác. Sái Anh Đĩnh cũng được cho là người hiểu vấn đề phòng thủ của Đài Loan nhất trong số tướng lĩnh Trung Quốc.
Trong vấn đề quân sự với Nhật Bản, Sái Anh Đĩnh cũng đặc biệt thông hiểu. Quan hệ Trung – Nhật đang căng thẳng như hiện nay có xảy ra xung đột quân sự hay không chẳng ai dám chắc, nên việc ông Đĩnh được Tập Cận Bình cất nhắc đầu tiên sau khi lên chức cũng là điều dễ hiểu. Nhiều khả năng Sái Anh Đĩnh sẽ trở thành Tổng tham mưu trưởng sau hội nghị này, nếu Phòng Phong Huy làm Bộ trưởng Quốc phòng, theo tạp chí “Ngoại giao tham khảo” xuất bản tại Hồng Kông.
Trương Hải Dương khi còn đeo lon Trung tướng.
Trương Hải Dương, tâm phục khẩu phục Tập Cận Bình
Chính ủy Bộ tư lệnh Pháo binh 2 (Tên lửa chiến lược) đương nhiệm, ông Trương Hải Dương được xem như “hổ tướng” thứ 5 của Tập Cận Bình vì ông tâm phục khẩu phục nhà lãnh đạo này.
Ngoài ra đối với Tập Cận Bình, quan hệ và khả năng tập hợp lực lượng của Trương Hải Dương trong quân đội Trung Quốc có thể hỗ trợ rất nhiều trong công cuộc cải cách quân đội mà ông Bình khởi xướng và theo đuổi.
Sau khi đánh đổ Từ Tài Hậu, một loạt tướng lĩnh chỉ huy các đơn vị đầu mối quân đội Trung Quốc viết bài ca ngợi và thề trung thành với Tập Cận Bình. Trương Hải Dương cùng với Tư lệnh Pháo binh 2 Ngụy Phượng Hòa “liên thủ” viết một bài ca ngợi, 16 lần nhắc tên “Tập Chủ tịch”, cam kết kiên quyết ủng hộ “Tập Chủ tịch”, nghe “Tập Chủ tịch” chỉ huy nên giới quan sát người Hoa hải ngoại gọi ông là “trung thành đệ nhất”.
Trương Hải Dương sinh năm 1949, con trai Trương Chấn, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy thời Giang Trạch Dân. Ông cùng với Trương Hựu Hiệp là 2 trường hợp đặc biệt “cha con Thượng tướng”, tức cả cha và con đều đeo lon Thượng tướng quân đội Trung Quốc.
Trương Chấn từng được đích thân Đặng Tiểu Bình cất nhắc để phò tá Giang Trạch Dân sau khi ông nghi hưu. Trong thời kỳ đầy biến động đầu những năm 1990, Trương Chấn đóng vai trò “giữ trận”. Đặc biệt sau sự kiện “Dương gia tướng” dẫn đến sự sụp đổ của anh em Dương Thượng Côn và Dương Bạch Băng, Trương Chấn cùng Lưu Hoa Thanh tái xuất, cùng làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương hỗ trợ Giang Trạch Dân từ năm 1992.
Bình luận của Đa Chiều và “Ngoại giao tham khảo” dựa trên những quan sát, phân tích biến động của chính trường Trung Quốc và những động thái trong quân đội. Tuy nhiên Bắc Kinh có thay đổi nhân sự cấp cao trong hội nghị trung ương 4 hay không còn phải chờ xem.
Theo Giáo Dục