Ai sẽ bồi thường cho người thụ án oan?
Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tù chung thân về tội giết người đã ở tù 10 năm được thả, một lần nữa dư luận lại đặt vấn đề về chuyện bồi thường án oan sai.
Ông Chấn ngày được thả về sau hơn 10 năm ngồi tù – Ảnh: Hà An
Thanh Niên Online trao đổi với nhiều chuyên gia pháp lý xung quanh vấn đề này để có cái nhìn đa chiều về vụ việc.
Cơ quan quyết định cuối cùng sẽ phải bồi thường
Không riêng gì vụ việc của ông Chấn mà những vụ việc khác tương tự, khi có kết luận bị kết tội oan sai thì sẽ áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước để bồi thường. Theo đó, cơ quan nào có quyết định cuối cùng kết tội oan cho ông Chấn thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Cụ thể, vụ ông Chấn đã qua xét xử 2 cấp, cuối cùng là TAND tối cao xét xử phúc thẩm tuyên y án chung thân.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Khoản 2 Điều 32, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, tòa án cấp phúc thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội; Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án phúc thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội; Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Tòa án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, nếu kết luận ông Chấn không có tội thì cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường sẽ là TAND tối cao”.
Ứng tiền từ ngân sách nhà nước
Luật quy định rất đầy đủ nhưng hiện nay vấn đề quy trách nhiệm cá nhân để thu hồi lại cho ngân sách nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM
Video đang HOT
Cũng theo quy định của pháp luật hiện nay, nguồn tiền bồi thường là từ ngân sách nhà nước được ứng ra để bồi thường khắc phục sai lầm trước. Sau đó, sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân (thẩm phán) đã tham gia xét xử vụ án ở cấp phúc thẩm để quy trách nhiệm và buộc cá nhân bồi thường lại.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) nêu ý kiến: “Luật quy định rất đầy đủ nhưng hiện nay vấn đề quy trách nhiệm cá nhân để thu hồi lại cho ngân sách nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ”.
Luật sư Lý Ngọc Hải (Văn phòng luật sư Lê Thị Minh Nhân) cho rằng, ngân sách nhà nước có được từ tiền thu thuế của người dân nộp, vấn đề bồi thường oan sai cũng chỉ mới dừng lại ở việc lấy ngân sách bồi thường. Như vậy, chẳng khác nào lấy tiền thuế của dân để trả cho những việc làm sai trái của cán bộ công chức.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia pháp lý lo lắng quy định quy trách nhiệm cá nhân thì được nhưng việc thu hồi tiền bồi thường cho ngân sách khó khả thi vì lương công chức thấp lại không có gì ràng buộc.
Tuy nhiên, luật sư Nghiêm cho rằng nguyên nhân “vướng” vì không làm đến tận cùng.
“Những cá nhân có những phán quyết sai là những người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Những người này tài sản của họ rất nhiều. Nếu chúng ta làm đến tận cùng, truy đến tận cùng buộc trách nhiệm cá nhân, bắt các cá nhân có những quyết định sai trái phải bồi thường, thậm chí bán nhà đi mà đền thì sẽ hạn chế được rất nhiều án oan sai xảy ra và ngân sách nhà nước không thất thoát”, luật sư Nghiêm nói.
Song song đó, luật sư Lý Ngọc Hải còn đề xuất mạnh hơn là cần phải sửa Luật Hình sự, thêm tội danh, quy trách nhiệm hình sự những người truy tố, xét xử oan sai thì mới hạn chế triệt để vấn đề án oan.
Không có sự bồi thường nào bù đắp được những thiệt hại
Sẽ chẳng có sự bồi thường nào có thể bù đắp được những thiệt hại mà người bị oan sai phải chịu, mức bồi thường dù bao nhiêu đi nữa cũng chỉ đáp ứng được một phần những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà thôi
Luật sư Trần Ngọc Quý, Đoàn luật sư TP.HCM
Liên quan đến mức tiền cũng như các khoản phải bồi thường, luật sư Hà Hải phân tích, nếu ông Chấn bị oan thì có quyền yêu cầu bồi thường: thiệt hại về tài sản (gồm những tài sản bị phát mại, bị hư hỏng, khoản tiền đã nộp cho nhà nước… do không sử dụng là hậu quả của việc kết án, quyết định oan sai…); thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (nếu xác định được thu nhập của ông Chấn trước khi bị bắt là 5 triệu đồng/tháng thì bồi thường mức tương ứng, nếu không xác định được thì lấy mức lương tối thiểu năm 2013 là 1.150.000/tháng); thiệt hại do tổn thất về tinh thần, được xác định là 3 ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù (có thể tính bằng công thức: 1.150.000/22 x 365 ngày); thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ… và khôi phục danh dự.
“Trước hết, mức bồi thường cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc thương lượng giữa ông Chấn và cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.
Trong trường hợp, các bên không thể thỏa thuận và thương lượng được, ông Chấn có quyền khởi kiện ra tòa. Tất nhiên, sẽ chẳng có sự bồi thường nào có thể bù đắp được những thiệt hại mà người bị oan sai phải chịu, mức bồi thường dù bao nhiêu đi nữa cũng chỉ đáp ứng được một phần những thiệt hại về vật chất và tinh thần mà thôi”, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ.
Theo TNO
Phó Chủ tịch Bắc Giang đến nhà động viên ông Chấn
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết việc oan sai củaanh Nguyễn Thanh Chấnlà trường hợp đáng tiếc. UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh Bắc Giang rút kinh nghiệm, làm rõ đầu đuôi sự việc để trả lời công luận.
Ngày 7/11, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: "Liên quan đến án oan sai của anh Nguyễn Thanh Chấn, tôi cũng mới nghe qua thông tin đại chúng chứ chưa được báo cáo cụ thể.
Gia đình ông Chấn mừng rỡ khi ông được tha tù sau 10 năm.
Vụ việc diễn ra hơn 10 năm nay, có thể nói đây là việc hết sức đau lòng. Chúng tôi cũng chỉ đạo Công an tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm. Đây là lĩnh vực theo dõi của ngành Tư pháp. Những người có trách nhiệm sau này sẽ phải xem xét".
Ông Linh cũng cho biết, trước mắt UBND tỉnh sẽ giao cho chính quyền huyện Việt Yên, MTTQ, các đoàn thể động viên về mặt tinh thần và vật chất. Nếu nhà ông Chấn là hộ nghèo thì phải xem xét đúng chính sách. Đây lại là gia đình liệt sĩ nên càng phải lưu tâm.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc tỉnh Bắc Giang có nhận được đơn thư kêu oan của ông Chấn hay không, ông Linh cho hay: "Mỗi một năm tỉnh Bắc Giang nhận hàng chục ngàn đơn. Giờ nói biết hay không phải rà lại quyết định cũ.
Gần 3 năm phụ trách tôi chưa nhận được đơn này bao giờ. Trách nhiệm của UBND tỉnh không có thẩm quyền giải quyết mà chỉ chuyển cho cơ quan chức năng giải quyết. Việc này là trách nhiệm của cơ quan tư pháp".
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Linh cũng đã dẫn đầu đoàn UBND tỉnh đến nhà ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên) để thăm hỏi động viên.
Cũng trong ngày 7/11, rất nhiều cơ quan báo chí đã liên hệ với 3 cơ quan tư pháp là TAND, VKSND, Công an tỉnh Bắc Giang để tiếp xúc với những điều tra viên, thẩm phán - chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm ông Chấn.
Bà Bùi Thị Ngân - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
VKSND tỉnh Bắc Giang cũng đã yêu cầu các cá nhân liên quan đến vụ việc làm bản tường trình, nghiêm túc kiểm điểm.
Cũng theo bà Ngân, vụ việc này đã diễn ra 10 năm rồi nên bà không thể nhớ được. Việc xử lý cán bộ như thế nào, Viện KSND tối cao sẽ có chỉ đạo.
"VKSND Tối cao sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra, VKSND tỉnh cũng như của tòa án từ khâu điều tra đến truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong vụ án này thuộc về VKSND Tối cao"- bà Ngân khẳng định.
Trong một diễn biến khác, một lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang cho hay, hội đồng xét xử vụ án 10 năm trước có 5 người (gồm 2 thẩm phán). Hiện, 1 thẩm phán chuyển sang làm thẩm tra viên là ông Nguyên Minh Năng - Chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Năng hiện đang phải điều trị bệnh tai biến mạch máu não. Người còn lại là ông Trần Văn Duyên đã nghỉ hưu từ năm 2006.
Cuối ngày 7/11, nhiều phóng viên đã tìm cách liên hệ với các điều tra viên liên quan trong vụ án này. Tuy nhiên, không một ai trong số các điều tra viên từng xét hỏi Nguyễn Thanh Chấn trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Theo Vietnamnet
Án oan Bắc Giang: Khi người hỏi cung bụng bồ dao găm Trong 10 năm ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) ngồi tù oan, các điều tra viên bị tố ép cung ông đã chuyển nhiều vị trí công tác, trong đó có người đã tử vong trong một tai nạn giao thông. 10 năm, có nhiều việc ông Nguyễn Thanh Chấn đã quên,...