Ai ơi đừng lấy chồng xa, cha mẹ tuổi già biết người nào chăm?
Chồng gần chưa chắc đã sướng nhưng chồng xa thì chắc chắn khổ. Đặc biệt là về phương diện tình cảm, lấy chồng xa thiệt thòi đủ đường phụ nữ ạ.
Ông bà ngày xưa có câu: “Con gái mà lấy chồng gần/ Có bát canh cần mẹ cũng mang cho/ Con gái mà lấy chồng xa/ Một là mất giỗ, hai là mất con”. Không chỉ ngày xưa mà kể cả ngày nay, rõ ràng rằng con gái lấy chồng gần thì bố mẹ còn được nhờ, còn đỡ đần đôi chút chứ lấy chồng xa thì coi như… xong.
Nói chẳng đâu xa, Tâm bạn thân tôi, cũng như tôi và bao cô gái khác, Tâm tốt nghiệp một trường có tiếng ở Hà Nội rồi ở lại Thủ đô để làm việc luôn. Sau đó Tâm gặp và yêu Long. Long khá tốt, tính tình dễ chịu, ngoại hình ổn, công ăn việc làm cũng đâu ra đấy. Ngày đầu đưa Long về ra mắt cả nhà, Tâm hí hửng vì nghĩ rằng kiểu gì bố mẹ cũng rất thích anh. Quả thật họ trò chuyện rất rôm rả, Long lại khéo ăn nói nên được lòng các cụ. Nhưng sau khi cả hai trở về Hà Nội, bố mẹ Tâm mới gọi điện lên nói thẳng. Lời nói của họ như sét đánh ngang tai: “Liệu mà chấm dứt đi, bố mẹ không muốn con lấy chồng xa”.
Thế đấy, mọi thứ của Long đều tốt, chỉ trừ việc anh là người Hà Nội. Lấy anh đồng nghĩa với việc Tâm sẽ ở hẳn ngoài này với gia đình chồng. Trong khi đó, nhà Tâm ở tận Nghệ An, cũng chẳng có con trai nên người chị cả là Tâm được xem như anh lớn của cả nhà. Bố mẹ Tâm sợ con lấy chồng xa khổ cực lại không có mình ở bên, phần nhiều là ông bà sợ mất con gái, muốn cô ở gần còn đỡ đần…
Ảnh minh họa
Trên thực tế, mỗi người một quan điểm về việc này, nhưng với tôi, lấy chồng xa không chỉ mang thiệt thòi cho mình mà còn với cả bố mẹ. Hãy thử hỏi những người phụ nữ lấy chồng xa thử xem, đa số câu trả lời bạn nhận được đều sẽ là: “Không nên”, “Đừng dại”, “Khổ lắm”… Bởi lẽ họ đã nếm trải đủ những mất mát, thiệt thòi khi làm dâu xứ người, rời xa vòng tay gia đình rồi. Ai đó đã từng nói rằng, lấy chồng xa không chỉ đơn giản là đến ở với những người xa lạ mà còn là bắt đầu lại cuộc sống của mình ở một môi trường mới. Ở đó, gia đình mới, hàng xóm mới, bạn bè mới… Suy cho cùng, chỉ có chồng là người thân thuộc duy nhất của mình. Nếu mà yên ổn thì không sao, nhưng chẳng may anh ta thay đổi, trái tính trái nết, cư xử như một gã tồi thì coi như đời người phụ nữ rơi vào bi kịch. Rồi chưa kể cuộc sống mẹ chồng – nàng dâu phức tạp nữa. Lúc đó, phụ nữ vừa cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, lại vừa lạc lõng giữa một thành phố xa lạ. Chị em muốn nói cũng không biết nói với ai, muốn khóc cũng không biết khóc nơi nào…
Video đang HOT
Có câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Khi con người ta tổn thương nhất, đau đớn nhất, nơi đầu tiên ta muốn quay về chính là gia đình. Đó là nơi duy nhất luôn sẵn sàng dang tay chào đón chúng ta vô điều kiện. Nhưng nhà xa quá, muốn về với bố mẹ cũng không thể về nổi. Ngoài đèo bòng con cái, công việc còn kinh tế nữa chứ. Về thì được bố mẹ vỗ về, dỗ dành nhưng tiền đâu? Chả lẽ lại bắt bố mẹ nuôi một cô con gái lớn ngần ấy tuổi? Lúc đó bạn sẽ ước, giá mà bố mẹ ở gần, chỉ cần chạy về nhà khóc một trận đã đời là đủ, thậm chí giận chồng thì về ở hẳn với nhà mình cũng chẳng sao…
Ảnh minh họa
Chưa hết, phụ nữ khi lấy chồng thì nghĩ đến tình yêu và hạnh phúc của mình là chính chứ họ đâu có thì giờ nghĩ dông dài. Chỉ đến khi mọi chuyện xảy ra, phụ nữ mới “giật mình”. Hãy nhớ rằng thời gian không chờ đợi và ưu ái ai bao giờ. Bố mẹ đều đã có tuổi rồi, nào ai dám chắc mai kia mốt nọ họ vẫn sẽ khỏe mạnh được? Nếu lấy chồng xa, bố mẹ ốm đau mình có thể bỏ công bỏ việc, bỏ chồng con mà về chăm nom được hay không? Khi bố mẹ mình khổ nhất, đau nhất, mình lại không thể ở bên. Trong khi đó, một thân một mình đến ở với những người xa lạ, “vứt bỏ” mọi thứ để sống cùng họ, dù khó chịu thế nào cũng vẫn phải lo toan mọi việc đâu ra đấy. Nghĩ đến đây, hẳn cô nàng nào cũng thấy cay xè sống mũi…
Tôi vẫn nhớ như in ngày ông nội mất, năm ấy ông đi rất đột ngột, không nói trước lời nào với con cháu trong nhà. Sau những cuộc điện thoại, mọi người bắt đầu tập trung lo công việc cho ông. Tất cả đều đã có mặt đông đủ, chỉ có cô tôi là vẫn chưa có mặt bởi ở quá xa. Ngay khi nhận tin, cô tôi bủn rủn tay chân ra bắt xe về quê. Dù đã rất cố gắng nhưng mọi người không thể đợi cô có mặt, đành phải nhập quan và làm lễ trước cho ông. Có lẽ cả đời này tôi sẽ không quên được hình ảnh cô tôi về đến đầu ngõ, vừa chạy vào nhà vừa khóc nấc lên: “Ba ơi, ba ơi!” trong vô vọng…
Sau này, cô nói với chúng tôi rằng, chặng đường mấy trăm cây số đó dài hơn tất thảy mọi hành trình cô từng đi. Nằm trên xe về quê, nước mắt cô cứ chảy dài vì biết chắc rằng mình về không kịp nữa rồi. Lúc ấy, cô chỉ ước năm xưa mình nghe lời bà, công tác gần nhà một chút, lấy chồng gần nhà một chút thì có lẽ đã khác, it nhất cô cũng được nhìn mặt ông lần cuối…
Ảnh minh họa
Rồi chưa kể lễ tết, công việc ở quê ngoại, muốn về nhà là biết bao khó nhọc. Lấy chồng thì phải ăn tết nhà chồng đã đành, phụ nữ lấy chồng xa nhiều khi cả tết còn chẳng thể về thăm nhà. Thời điểm gia đình đoàn viên, nhìn mọi người quây quần bên nhau, chỉ có điều bố mẹ mình ở nhà thì côi cút một mình…
Dĩ nhiên không có gì là chắc chắn 100% cả, chồng gần hay chồng xa thì cũng có lúc này lúc kia. Suy cho cùng, phụ nữ trước khi quyết định kết hôn thì phải nghĩ cho kỹ, tự hỏi bản thân nếu rơi vào những trường hợp như trên thì sẽ giải quyết thế nào. Chọn con tim đã đành, cũng phải dùng đến lý trí nữa.
Theo eva.vn
Nghỉ lễ mẹ chồng nhất định không cho con dâu về ngoại, cô nàng đành chờ thời điểm "vàng" rồi dứt khoát tuyên bố
Giờ thì Thùy đã đoán được chuyện lúc nãy mẹ chồng với em chồng mình thì thầm dưới bếp là gì, mà khi thấy Thùy thì hai người đột nhiên im bặt.
Vậy là kì nghỉ lễ dài mà nhiều người mong đợi cuối cùng cũng đã tới. Thế nhưng, ai mong thì mong chứ với Thùy, nghỉ dài hay ngắn cũng chẳng khác gì nhau. Bởi lẽ, có kì nghỉ lễ nào cô được rảnh rang về thăm bố mẹ đẻ đâu.
Lấy chồng xa vài trăm cây số, tiếng là giờ có tàu xe thuận tiện nhưng mỗi năm Thùy cũng chỉ về nhà bố mẹ được một, hai lần. Một phần là vì bận bịu công việc, con nhỏ. Song lí do chính là Minh - chồng Thùy luôn muốn là nghỉ lễ thì phận dâu con như Thùy phải về nhà chồng, còn nhà mẹ đẻ thì Tết về là được.
Cũng vì chuyện này mà hầu như dịp nghỉ lễ nào hai vợ chồng cũng cãi nhau. Bố mẹ Thùy thì dù mong con, nhớ cháu vẫn luôn khuyên Thùy làm tròn bổn phận với bên chồng, có chuyện gì thì cố gắng nín nhịn một chút để nhà cửa êm ấm. Mỗi lần nghe thế Thùy lại càng ấm ức, muốn về với bố mẹ lắm mà chẳng biết làm thế nào, chỉ trách mình lúc trước bất chấp lời can ngăn của mẹ mà lấy chồng xa, không chút mảy may suy nghĩ đến những chuyện sau này...
Mang theo nỗi ấm ức về đến nhà chồng, Thùy cũng đành cố gắng nén lại mà tươi cười chào hỏi, rồi lại bận rộn với những bữa ăn "đoàn viên" của nhà chồng. Tiếng là nghỉ lễ, nhưng cũng như bao dịp lễ tết khác, Thùy hầu như chẳng có mấy thời gian dành cho bản thân. Hết nấu nướng, dọn dẹp lại cho con ăn uống, tắm rửa. Thùy không ngại những việc đấy, cũng không than thở cho bản thân mà chỉ thấy chạnh lòng. Nhìn bên nhà chồng con cái sum họp đầy đủ, nói cười tíu tít, Thùy cố nén nước mắt khi nghĩ đến bố mẹ mình lủi thủi ở nhà. Cũng là có con, có cháu, nhưng con gái - cháu ngoại của bố mẹ Thùy lại là con dâu - cháu nội của nhà người ta mất rồi!
Ảnh minh họa
Dịp lễ này bố mẹ chồng Thùy vui lắm, vì các con các cháu về đủ hết: con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại... Cả nhà lúc nào cũng rộn ràng. Thôi thì Thùy cũng nghĩ đấy là chút niềm vui cho tuổi già của bố mẹ chồng nên cũng không suy tính chuyện bên nội bên ngoại nữa. Sau này điều kiện kinh tế dư dả hơn thì cô tranh thủ về thăm bố mẹ mình nhiều hơn vậy. Thế nhưng, Thùy không ngờ là mình cuối cùng chẳng sống yên ổn được với cái suy nghĩ an phận ấy.
Bữa cơm hôm đó, cả nhà chồng Thùy nâng cốc rất vui vẻ để chúc tụng cho sự sum họp. Bố chồng Thùy gật gù: "Chẳng mấy khi con cháu về được đông đủ thế này!". Mẹ chồng Thùy nhanh nhẹn tiếp lời: "Đúng đấy ông ạ! Ngày xưa tôi cứ lo lúc con Lan đi lấy chồng rồi thì lễ tết nhà mình khó mà đông đủ được. Cũng may nó lấy chồng gần, thích lúc nào là về nhà mình lúc ấy. Chứ tôi mà không gàn, để nó lấy chồng xa thì đúng như người ta nói đấy, hoài con mà gả con xa - một là mất giỗ, hai là mất con! Như con Thùy...". Hình như biết mình lỡ lời, bà cười cười giục cả nhà ăn cơm. Nhưng Thùy thì đã không thể ngăn dòng nước mắt trào ra được nữa...
Giờ thì Thùy đã đoán được chuyện lúc nãy mẹ chồng với em chồng mình thì thầm dười bếp là gì, mà khi thấy Thùy thì hai người đột nhiên im bặt. Mẹ chồng Thùy một mặt luôn viện đủ lí do để con trai mình đưa vợ con về, mặt khác lại khuyên con gái tìm cách về nhà mẹ đẻ. Cô gạt vội dòng nước mắt tuôn rơi: "Vâng, chứ như con thì thà không có còn hơn. Bố mẹ con không biết mong con nhớ cháu nên mới đồng ý gả con xa thế này. Tiện đây con cũng xin phép bố mẹ, lần sau nghỉ lễ, bố mẹ đã có con gái mình về chơi, nên con xin phép đưa cháu về bên ngoại. Bố mẹ con mong con về cũng như bố mẹ mong em Lan đấy ạ!".
Theo tintuconline.com.vn
Chiều nào bà nội cũng gửi cháu rồi 'mất tích' gần một tiếng, vợ chồng con trai há hốc miệng khi biết sự thật Có hôm Hằng về sớm, thấy con trai đang ở bên nhà hàng xóm còn mẹ chồng không biết đi đâu. Sự việc diễn ra nhiều lần khiến cô và ông xã bắt đầu nghi ngờ. Hằng và Tùng cũng giống như bao cặp vợ chồng trẻ khác, sau khi kết hôn rồi sinh con, vì điều kiện kinh tế chưa cho phép...