Ái ngại với chất lượng sống của công nhân
Khoảng 14% số công nhân đang phải sống dưới mức tối thiểu. Mức tiền lương tối thiểu cũng chỉ mới đáp ứng được 40 – 60% nhu cầu chi tiêu của người lao động.
Trong khi đó, việc chăm lo bữa ăn giữa ca cho lao động lại chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng đúng mức. Đây là những công bố mới được Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam đưa ra cuối tuần trước.
Chi tiêu “cách” mức thu nhập
Khảo sát “Tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp” được Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) tiến hành cuối tháng 6/2012. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát mức tiền lương, thu nhập thực tế và chi phí cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của 2.000 người lao động đang làm việc tại 60 doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình khác nhau ở 12 tỉnh, thành phố.
Mức thu nhập thấp, chất lượng bữa ăn giữa ca không bảo đảm đang ảnh hưởng từng ngày đến sức khỏe của người lao động.
Video đang HOT
Kết quả cho thấy, tiền lương cơ bản của người lao động trung bình là 2,43 triệu đồng/tháng. Tiền lương thực nhận của người lao động là 2,86 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương cơ bản từ 10 – 20%. Lao động có mức lương cao nhất trong các lĩnh vực được khảo sát là lao động làm ở các ngành nghề giao thông, xây dựng với 3,53 triệu đồng/tháng, thấp nhất là giày da, chỉ có 2,58 triệu đồng/tháng.
Xét về tổng thu nhập của người lao động (gồm các khoản làm thêm giờ, phụ cấp, trợ cấp, thưởng, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ nhà ở…) và chưa bao gồm tiền ăn giữa ca, mức trung bình là 3,62 triệu đồng/tháng. Trong đó, lao động làm tại các doanh nghiệp khối Nhà nước đạt 4,488 triệu đồng/tháng và làm trong doanh nghiệp FDI là 3,711 triệu đồng/tháng.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, mức chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của một lao động độc thân khoảng 2,058 triệu đồng/tháng, còn lao động nuôi con nhỏ khoảng 3,498 triệu đồng/tháng. Tiếp cận bằng cách khác cũng cho kết quả tương tự: Tiền lương tối thiểu theo vùng chỉ mới đáp ứng được 40 – 60% mức chi tiêu của người lao động. “So sánh với mức chi tiêu thực tế, vẫn còn khoảng 14,5% người lao động có mức chi tiêu dưới mức sống tối thiểu”, một đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định.
Đánh giá về thu nhập của mình so với mức chi tiêu cuộc sống hàng ngày, chỉ có 45% lao động được hỏi cho rằng thu nhập tạm đủ sống và 16,6% cho rằng thu nhập của họ không đủ sống. Riêng 52% lao động làm ở lĩnh vực giày da cho biết họ không hài lòng với công việc và thu nhập hiện tại.
Trước thực tế trên, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn đề nghị: Cần chỉ đạo các cơ quan có chức năng nghiên cứu các phương pháp tính toán lại mức sống của người lao động, xác định tỷ lệ thành phần mức sống tối thiểu theo vùng, làm cơ sở để xây dựng mức lương tối thiểu hợp lý. Đồng thời, cần sớm ban hành Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020 và lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu của người lao động.
Bữa ăn “nghèo”
Đa số lao động được hỏi cho biết, doanh nghiệp tự tổ chức nấu ăn cho người lao động hoặc thuê dịch vụ bên ngoài đáp ứng, tuy nhiên, chất lượng bữa ăn còn đáng ngại. Một đánh giá của Viện Dinh dưỡng cho thấy, khẩu phần ăn của người lao động tại một số khu công nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 89% nhu cầu về năng lượng. Bữa ăn của người lao động không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng. Chỉ có 12% prôtêin, 16% chất béo và 72% là chất bột.
Thậm chí, bữa ăn còn “làm hại” người lao động. Theo số liệu của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), những năm gần đây, bình quân có khoảng 1.500 công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị ngộ độc thực phẩm. Tuy không có ca tử vong nhưng nhiều người nhập viện. Có trên 32% cán bộ công đoàn được hỏi cho rằng bữa ăn giữa ca chưa đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Theo khảo sát, đa số các doanh nghiệp đã có hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động, trong đó có 86,6% người lao động được hỗ trợ toàn bộ tiền ăn ca, bình quân 13,9 ngàn đồng/bữa, tương đương 368 ngàn đồng/tháng. Có 10,4% số lao động cho biết họ được doanh nghiệp hỗ trợ một nửa tiền ăn ca. Cá biệt, có doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 5.000 đồng/bữa, còn lại lao động tự lo.
Vì nhiều điều kiện doanh nghiệp khó khăn, có đến 27% người lao động cho biết họ phải tự lo bữa ăn giữa ca. Điều này dẫn tới thực tế một bộ phận lao động do tiết kiệm quá mức, dẫn đến chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn không đảm bảo.
Trong điều kiện tiền lương tối thiểu còn thấp, để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động, Viện Công nhân – Công đoàn đề xuất Chính phủ cần có quy định khi xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, cần dành quỹ đất cho việc xây dựng các bếp ăn tập thể cho người lao động. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động được đảm bảo cả về lượng và về chất. Bên cạnh đó “cần có những quy định buộc doanh nghiệp phải cung cấp bữa ăn giữa ca cho người lao động và quy định mức tối thiểu phải bằng 1% tiền lương tối thiểu vùng”, ông Đặng Quang Điều góp ý.
Theo Dantri
Nhiều địa phương chưa xử lý nghiêm vi phạm thực phẩm
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ngày 21.10 cho biết trong tháng 8-9 vừa qua tiến hành thanh tra, kiểm tra 121.197 cơ sở trên cả nước, phát hiện 22% (26.576 cơ sở) không đảm bảo điều kiện ATVSTP 44 cơ sở bị đình chỉ, gần 3.000 loại sản phẩm bị tiêu hủy.
Số tiền phạt lên đến 2,19 tỉ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ 2011. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh thành vẫn tái diễn tình trạng xử lý chưa nghiêm các cơ sở vi phạm. Các địa phương như Hải Dương, Yên Bái, Đà Nẵng, Phú Yên hầu như chỉ cảnh cáo trong số hàng chục đến hàng trăm cơ sở vi phạm tại mỗi tỉnh. Chỉ có 4 cơ sở trong số hơn 1.000 cơ sở vi phạm tại 4 địa phương này bị phạt 200.000-400.000 đồng/cơ sở.
Có 15-20% cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở. Nhiều sản phẩm sử dụng hàn the, phẩm màu hoặc phụ gia trong danh mục nhưng quá mức cho phép. Chỉ 3-5% sản phẩm lưu hành được kiểm tra có vi phạm về chất lượng. Ông Trung cho rằng nhiều địa phương chưa chú trọng lấy mẫu sản phẩm xét nghiệm, do đó con số trên chưa phản ánh đúng chất lượng sản phẩm lưu hành.
Theo TNO
Không xác định được sinh vật lạ trong bim bim vì mẫu nước đã... "biến mất" Sau khi có thông tin về việc người dân tự ngâm 1 mẫu bim bim và phát hiện có sinh vật trong đó, cơ quan chức năng đã có kết luận chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, sinh vật trong mẫu bim bim là con gì thì đến nay không ai biết.... Bà Dưa cầm đũa gắp con sinh vật lạ...