Ai lãnh đạo Trung Quốc nếu Tập Cận Bình bất ngờ rời chức vụ?
Hiến pháp năm 1982 của Trung Quốc đã quy định phương án cho tình huống “bất khả kháng” này.
Hiến pháp Trung Quốc quy định về người đứng đầu quốc gia
Thời báo Hoàn Cầu, thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo, cho hay, Hiến pháp Trung Quốc năm 1982 – sau thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976) – đã khôi phục chế độ Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước.
Cơ chế này được duy trì liên tục đến nay qua ba lần Trung Quốc sửa đổi hiến pháp vào các năm 1988, 1993 và 1999.
Hiến pháp Trung Quốc quy định:
“Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giống với nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại). Liên tục giữ chức không được vượt quá hai nhiệm kỳ.
Video đang HOT
Khi chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị khuyết, sẽ do Phó chủ tịch nước kế nhiệm.
Khi chức vụ Phó chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị khuyết, sẽ do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu bổ sung.
Khi chức vụ Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị khuyết, sẽ do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu bổ sung. Trước khi bầu bổ sung, sẽ do Ủy viên trưởng Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Nhân đại) tạm thời giữ chức Chủ tịch nước.”
Phó chủ tịch nước Trung Quốc hiện nay là Lý Nguyên Triều. Theo hiến pháp nước này, nếu Chủ tịch Tập Cận Bình vì một lý do nào đó “không thể hoàn thành nhiệm vụ” thì ông Lý sẽ mặc định trở thành Chủ tịch Trung Quốc mà không cần triệu tập các hội nghị của Bộ chính trị hay Quốc hội nước này để “xác nhận”.
Điều đặc biệt ở Trung Quốc là kể từ thời kỳ lãnh đạo của Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc luôn được chọn kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước.
Ông Tập được bầu làm Tổng bí thư tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, tổ chức tại Bắc Kinh từ 14 đến 18/11/2012. Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch nước bởi Đại hội Nhân đại toàn quốc khóa XII diễn ra vào tháng 3/2013.
Nếu kế nhiệm Tập Cận Bình do “tình thế bắt buộc”, Lý Nguyên Triều sẽ chỉ nhận chức Chủ tịch Trung Quốc, còn các vai trò lãnh đạo khác do ông Tập nắm giữ sẽ được Bắc Kinh xử lý bằng những biện pháp riêng.
Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều. (Ảnh: Xinhua)
Rủi ro bất ổn nếu ông Tập bất ngờ “rời chức vụ”
Theo thông lệ được giới cầm quyền Trung Quốc thực hiện từ thời ông Giang, nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo sẽ cơ bản được xác định tại đại hội 19 của ĐCSTQ vào mùa thu năm 2017, đánh dấu nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng của ông Tập.
Từ 24-27/10 tới, ĐCSTQ sẽ tổ chức Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ 6. Giới quan sát quốc tế nhận định đây là hội nghị quan trọng để Tập Cận Bình trù bị về mặt nhân sự, sẵn sàng cho cuộc chuyển giao quyền lực vào năm sau.
Cùng thời điểm này trong thời kỳ lãnh đạo của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, dư luận quốc tế đã “ngầm xác định” được nhà lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc chính là ông Tập.
Tuy nhiên, truyền thông thế giới hiện nay hoàn toàn mơ hồ trong nhận định ai là người kế nhiệm ông Tập Cận Bình.
Nhiều cái tên sáng giá đã nổi lên như Chánh văn phòng trung ương Lật Chiến Thư, Bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa hay Trưởng ban Tổ chức Trung ương Triệu Lạc Tế… nhưng không nhân vật nào được truyền thông nhà nước Trung Quốc “đánh dấu” rõ ràng.
Điều này làm dấy lên nghi vấn rằng các lãnh đạo ở Trung Nam Hải sẽ phải xử lý ra sao một khi ông Tập gặp “sự cố”.
Tính đến nay, lịch sử “nước Trung Quốc mới” chưa có tiền lệ kế nhiệm chức Tổng bí thư vào giữa nhiệm kỳ (5 năm) do “vấn đề ngoài ý muốn”.
Trong trường hợp ông Tập phải rời các chức vụ của mình vì nguyên nhân khách quan, điều đó sẽ khiến vị trí Tổng bí thư ĐCSTQ cùng chức Chủ tịch Quân ủy trung ương, vốn cũng do Tổng bí thư kiêm nhiệm, bị khuyết.
Ông Lý Nguyên Triều có thể kế nhiệm chức Chủ tịch Trung Quốc và được quyền bố trí nhân sự theo trách nhiệm được hiến pháp trao cho, nhưng vai trò Chủ tịch Quân ủy có ý nghĩa kiểm soát quân đội sẽ không đến tay ông, trừ khi ông này được bầu làm Tổng bí thư tại một đại hội đảng Trung Quốc.
Kiểm soát quân đội là một bài toán khó mà ông Tập đã phải dùng đến cả một cuộc đại cải tổ và chiến dịch chống tham nhũng để thực hiện. Việc ông rời vị trí lãnh đạo Quân ủy giữa chừng hiển nhiên sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu giữa các thế lực trong Trung Nam Hải.
Nếu không giành được sự ủng hộ của các nhóm có ảnh hưởng như hậu duệ cách mạng “Hồng nhị đại” hoặc các cựu lãnh đạo về hưu, chức vụ Chủ tịch nước “ngẫu nhiên” này của người kế nhiệm theo hiến pháp nhiều khả năng chỉ là hình thức.
Theo Soha News