Ai kích động bạo lực ở tòa nhà Quốc hội Mỹ?
Phần lớn ý kiến cáo buộc những người biểu tình xâm nhập tòa quốc hội Mỹ ngày 6-1 là người ủng hộ của Tổng thống Trump. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nhóm kích động biểu tình bạo lực là phe chống Trump.
Một nhóm người biểu tình tràn vào quốc hội Mỹ ngày 6-1. Đây cũng là hình ảnh được những người ủng hộ ông Trump sử dụng làm bằng chứng cho tuyên bố “những kẻ tấn công quốc hội thuộc phe chống Trump” – Ảnh: AFP
Vụ xâm nhập chưa từng có tiền lệ buộc lưỡng viện Quốc hội Mỹ phải ngừng cuộc kiểm phiếu cử tri đoàn vốn sẽ xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden. Cảnh tượng bên trong tòa nhà quốc hội (Điện Capitol) được mô tả là “hỗn loạn như một vụ nổi loạn”.
Nước Mỹ đang chia làm hai phe trước sự việc, với phần lớn đều cáo buộc những người tấn công quốc hội là người ủng hộ của Tổng thống Trump. Phe còn lại, gồm những người trung thành với Trump, phủ nhận các thông tin trên báo đài và cho rằng sự việc là do các nhóm khác kích động. Tổng chưởng lý bang Texas, ông Ken Paxton, cũng nằm trong nhóm thiểu số.
“Một cựu đặc vụ Cục điều tra liên bang (FBI) đang có mặt tại hiện trường vừa nhắn tin cho tôi. Anh ta thấy ít nhất một xe chở đầy đám côn đồ Antifa đã thâm nhập vào đám đông ủng hộ Trump đang biểu tình ôn hòa”, nhà báo Paul Sperry, ủng hộ ông Trump, viết trên Twitter.
Antifa là một phong trào tự nhận thiên tả ở Mỹ và có các hành động chống chính quyền Trump cùng các nhóm thiên hữu. Cách đấu tranh của nhóm này gây tranh cãi vì sẵn sàng sử dụng bạo lực để phát đi thông điệp. Trong phong trào đấu tranh cho quyền của người da màu ở Mỹ hồi năm rồi, Tổng thống Trump cáo buộc các nhóm Antifa đứng đằng sau những vụ bạo loạn và cướp phá.
Theo phân tích của đài NBC, có hơn 7.000 bài viết khẳng định các nhóm chống Trump như Antifa là người kích động bạo lực ở Điện Capitol. Mỗi bài viết này nhận được hàng ngàn lượt thích và chia sẻ.
Vệ binh Quốc gia thiết lập hàng rào bảo vệ Điện Capitol tối 6-1 (giờ Mỹ) – Ảnh: AFP
Hiện thủ đô Washington đang trải qua một đêm căng thẳng. Trật tự đã được thiết lập trở lại xung quanh khu vực đặt trụ sở quốc hội Mỹ với sự hiện diện của các binh sĩ có vũ khí.
Thông qua Twitter, Tổng thống Donald Trump thông báo ông đã huy động Vệ binh Quốc gia tiến thẳng Điện Capitol. Tuy nhiên, theo đài Fox News, ông Trump không hề phê chuẩn việc triển khai Vệ binh Quốc gia. Phó tổng thống Mike Pence, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Chris Miller và Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy là những người đã chấp thuận yêu cầu của thị trưởng Washington.
Đài NBC dẫn lời nhiều nhân viên thực thi pháp luật có mặt tại hiện trường cho biết các thiết bị nổ chưa kích hoạt đã được tìm thấy bên ngoài Điện Capitol. Nhà chức trách đang rà soát tất cả các ngõ ngách để bảo đảm không còn thiết bị nào sót lại.
Một quan chức FBI giấu tên cho biết 2 thiết bị nổ đã được tìm thấy tại trụ sở của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đặt tại Washington. Một trong số này đã được vô hiệu hóa an toàn. “Một cuộc điều tra đang được tiến hành”, vị này khẳng định.
Hàng không Mỹ siết chặt an ninh
Hàng không Mỹ siết chặt an ninh các chuyến bay đến và đi khỏi khu vực Washington sau khi người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6-1.
Nguồn tin từ 2 hãng hàng không Mỹ của Hãng tin Reuters cho biết vài hành khách đã nổi loạn trên một số chuyến bay đến Washington hôm 5-1. Điều này đang khơi dậy nỗi lo về sự an toàn của các chuyến bay khi họ rời đi.
Hai hãng hàng không American Airlines và Delta Air Lines ngày 6-1 (giờ Mỹ) cho biết họ đang làm việc cùng lực lượng chức năng các sân bay tại Washington để đảm bảo an toàn của hành khách và nhân viên, sau tình hình hỗn loạn tại Đồi Capitol.
American Airlines đã tăng số lượng nhân viên tại các sân bay ở Washington “để đề phòng” và sẽ không phục vụ rượu trên chuyến bay đến và đi khỏi khu vực này, phát ngôn viên của hãng thông báo.
Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ tuyên bố sẽ “luôn cảnh giác cao độ” và bố trí “nhiều lớp an ninh”. Tuy nhiên, cơ quan này từ chối đề cập chi tiết lý do cho các biện pháp này.
“Hành vi tâm lý đám đông diễn ra trên một vài chuyến bay đến khu vực thủ đô hôm qua là không thể chấp nhận, cũng như đe dọa sự an toàn và an ninh của tất cả những người trên chuyến bay”, bà Sara Nelson – chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không CWA của Mỹ, đưa ra tuyên bố. CWA đại diện cho nhân viên của 17 hãng hàng không Mỹ.
Bà Nelson cũng cho rằng những đối tượng thực hiện “các hành động chống lại nền dân chủ và chính quyền và sự tự do” của công dân Mỹ cần phải bị “tước bỏ quyền tự do tham gia các chuyến bay”. NGUYÊN HẠNH
Thất bại của cảnh sát quốc hội Mỹ trước người ủng hộ Trump
Cảnh sát bảo vệ quốc hội tại Washington dường như không chuẩn bị cho kịch bản người biểu tình tràn vào Điện Capitol, dù có nhiều dấu hiệu báo trước.
Hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào nghị trường Điện Capitol đầu giờ chiều 6/1 (rạng sáng 7/1 giờ Hà Nội), khi cuộc họp chứng nhận kết quả phiếu đại cử tri của quốc hội bị gián đoạn. Đây được coi là vụ xâm nhập nghiêm trọng nhất ở Điện Capitol kể từ sau lần quân đội Anh tiến vào đây đốt phá trong cuộc chiến năm 1814.
Hình ảnh được phóng viên Igor Bobic quay từ bên trong Điện Capitol cho thấy một cảnh sát bảo vệ quốc hội chỉ trang bị dùi cui bất lực trước đám đông đang tràn vào tòa nhà. Anh này tìm cách ngăn cản người biểu tình nhưng cuối cùng phải rút lên tầng hai, trong lúc tuyệt vọng yêu cầu đồng đội hỗ trợ.
Cảnh sát quốc hội Mỹ bất lực trước đám đông biểu tình. Video: Twitter/Igor Bobic .
"Sự việc khiến nhiều người cho rằng cần tăng cường lực lượng cảnh sát, thậm chí là trang bị thêm nhiều vũ khí quân sự cho họ, nhưng thực tế vụ xâm nhập này không phải do có quá ít nhân lực. Cảnh sát Đồi Capitol có hơn 2.000 sĩ quan được trang bị tận răng. Đây là thất bại của lực lượng hành pháp", ký giả Abdallah Fayyad của tờ Boston Globe nhận xét.
Lực lượng cảnh sát khắp nước Mỹ được trang bị đầy đủ để đối phó với các đám đông bạo lực, đặc biệt là ở thủ đô Washington, nơi có những công trình được bảo vệ kín kẽ nhất cả nước và nhiều cơ quan hành pháp liên bang được quyền tự do tuần tra độc lập với cảnh sát.
Cảnh sát thủ đô Washington và đặc vụ liên bang từng hành động cứng rắn trước những cuộc biểu tình vì người da màu hồi giữa năm ngoái. Họ sử dụng triệt để hơi cay, đạn cao su và các khí tài chống bạo động, thậm chí triển khai trực thăng bay thấp để giải tán đám đông.
Các nghị sĩ tìm nơi trú ẩn khi người biểu tình xông vào Điện Capitol hôm 6/1. Ảnh: AFP .
Các lực lượng hành pháp dường như lại phản ứng rất mềm mỏng khi người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào tòa nhà quốc hội tại Đồi Capitol, dù đã có một phụ nữ bị bắn trọng thương và tử vong tại bệnh viện, cùng ba người khác thiệt mạng trong "trường hợp cấp cứu y tế".
"Hai cách phản ứng trái ngược là ví dụ cho thấy thất bại của cảnh sát. Một phía là hành động phô trương sức mạnh thái quá trong các cuộc biểu tình của người da màu, bên kia là lực lượng không được chuẩn bị và quá chậm chạp dù đã có dấu hiệu về biểu tình lớn tại Đồi Capitol từ nhiều tuần trước. Chúng đều nhấn mạnh sự yếu kém đang tràn lan tại các sở cảnh sát Mỹ", Fayyad cho hay.
Fayyad cho rằng đám đông bạo lực xông vào Điện Capitol hôm 6/1 dường như khiến yêu cầu tăng cường cảnh sát ở thủ đô Washington trở nên thiết yếu, cũng như giúp hợp thức hóa sử dụng hơi cay và đạn cao su nhằm vào người biểu tình. "Tuy nhiên, thêm sĩ quan hoặc vũ khí cho những sở cảnh sát yếu kém không làm người Mỹ an toàn hơn. Những sự kiện vừa qua cho thấy điều này chỉ gây ra thêm nhiều nguy cơ", ông nhận định.
Người biểu tình phá hoại phòng làm việc bà Nancy Pelosi ở Quốc hội Mỹ Những người biểu tình xông vào văn phòng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ở Điện Capitol, lật bàn và lục tung phòng làm việc của bà hôm 6/1. Video: Người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ New York Post đưa tin, những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã tấn công vào tòa nhà Quốc hội...