Ai duyệt pano “kì dị”, sai tên nước?
Liên quan đến Pano “kì dị” in hình cô gái có bàn tay 4 ngón gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến cho rằng, việc đơn vị chịu trách nhiệm đổ lỗi cho kỹ thuật là không thỏa đáng, thiếu trách nhiệm.
Như tin tức đã phản ánh, tấm pano chào mừng ngày 30/4 in hình cô gái với cánh tay mọc từ cổ, bàn tay trái có 4 ngón, bàn tay phải không ăn khớp với bó hoa… thể hiện sự cắt ghép cẩu thả gây phản cảm trong dư luận. Theo đơn vị chịu trách nhiệm, những tấm pano này đã được lập tức tháo gỡ, thay mới trong đêm nhận được phản ánh.
Tấm pano chào mừng 30/4 kỳ dị gây xôn xao dư luận với hình ảnh cô gái cùng bàn tay 4 ngón.
Trao đổi với báo chí về “sự cố” trên, ông Phan Đăng Long – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay, được báo cáo là do lỗi kỹ thuật, thiết kế. Theo ông Long, bản để duyệt, cấp phép được in trên khổ nhỏ nên đơn vị cấp phép đã không phát hiện ra lỗi này.
Đây cũng là lời giải thích của cán bộ Sở Văn hóa – thể thao – du lịch Hà Nội khi trao đổi với phóng viên về những chi tiết “kì dị” của tấm pano gây xôn xao dư luận.
Cán bộ này đã cho biết, lúc phê duyệt, cấp phép bản vẽ chỉ là khổ giấy A4 nên không phát hiện được những chi tiết không hợp lý, khi in bản lớn, phóng to mới phát sinh một số trường hợp bị xấu.
Trước câu trả lời này, phóng viên đã đặt câu hỏi “Nếu đánh giá lỗi kỹ thuật, do bản duyệt, xin cấp phép ở khổ nhỏ vậy sao không yêu cầu đơn vị thiết kế nộp bản to?” thì vị cán bộ này nói rằng “những ngày lễ lớn như dịp 30/4 này có hàng nghìn mẫu tranh cổ động gửi cho các quận huyện để lựa chọn tấm nào đẹp, treo ở đâu thì phù hợp nên không thể in hết bản cỡ lớn được”.
Điều này có nghĩa, việc in bản duyệt ở khổ giấy lớn sẽ gây tốn kém kinh phí cho đơn vị thực hiện. Vậy khi triển khai, những tấm pano sai phải gỡ bỏ, thay bằng tấm mới thì ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm bồi hoàn? Điều lớn hơn là khi những tấm biển “kì dị” được treo trên phố làm người dân mất niềm tin vào cơ quan quản lý thì ai có thế lấy lại hay bù đắp?
Video đang HOT
Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng treo pano lỗi trên các tuyến phố. Vậy phải chăng tất cả các vụ pano lỗi đều do lỗi kỹ thuật? do khâu phóng to?
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đổ lỗi cho kỹ thuật không thỏa đáng, thể hiện sự thiếu trách của những cá nhân, đơn vị liên quan. Dù có thể những sai sót này không lớn, nhưng cơ quan có trách nhiệm phải có phản hồi đề dân biết, phải xử lý trách nhiệm những cá nhân, đơn vị liên quan chứ không phải chỉ gỡ bỏ bano lỗi, thay mới là xong. Ai, đơn vị nào duyệt những pano kỳ dị này? chịu trách nhiệm ra sao? Tất cả cần phải được thông tin rõ ràng để dư luận biết và chia sẻ.
“Từ đơn vị thiết kế đến đơn vị phê duyệt, cấp phép, kiểm tra không thể làm ăn ẩu như thế được. Nếu không làm nghiêm một lần thì hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn”, một độc giả ý kiến.
Trên thực tế, những tấm pano lỗi, phản cảm đã xuất hiện ở những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn những năm trước.
Cụ thể, dịp kỷ niệm ngày lễ 2/9 năm 2013, nhiều người dân Thủ đô không khỏi nhức mắt trước tấm pano ghi sai tên nước Việt Namvới nội dụng “Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 68 năm quốc khánh nước cộng hòa xã hội Việt Nam Việt Nam” được dựng lên tại ngã tư đường Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng và La Thành thuộc quận Đống Đa (Hà Nội). Điều đáng nói, ngay sau khi tấm pano ghi sai tên nước được dựng lên, người dân cho biết đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền sở tại để sửa đổi, song đến nay tấm biển vẫn đứng “hiên ngang” giữa ngã tư phố.
Pano viết sai tên nước xuất hiện trên đường phố Hà Nội trong dịp kỷ niệm ngày 2/9/2013.
Trao đổi với báo chí vào thời điểm đó, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thừa nhận: “Sai sót như vậy là điều không thể chấp nhận được đối với một tấm pano biểu ngữ chào mừng ngày Quốc khánh”.
Theo ông Lợi, để dẫn đến sự sai sót này là do sự thiếu thận trọng của những người trực tiếp làm tấm pano và sự lơ là của cán bộ của Phòng Văn hóa quận Đống Đa trong việc giám sát, kiểm tra việc triển khai hệ thống pano, biểu ngữ chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.
Và khoảng 2 ngày sau khi sự việc được dư luận phản ánh, bí thư quận Đống Đa Lê Tiến Nhật thừa nhận sai sót của quận và cho biết, thành phố chỉ đạo làm pano 2/9, còn việc thiết kế, in ấn là do quận.
“Do sơ xuất trong quản lý, triển khai và thực hiện nên quận đã in sai tên nước trên pano. Quận không đổ trách nhiệm riêng cho ai vì cũng cảm thông cho cán bộ nhiều khi làm việc mệt mỏi nên sai sót”, ông Nhật nói.
Trước đó, dịp chào mừng giải phóng miền Nam năm 2010, một tấm pano mừng giải phóng miền Nam sai chính tả một cách khó hiểu (chữ nước viết thành nớc – PV) được treo ngay bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Các đơn vị chịu trách nhiệm có thể coi những trường hơp trên là sơ xuất nhỏ, do lỗi kỹ thuật nhưng với người dân nó là “thảm họa” thể hiện sự cẩu thả, thiếu sự tôn trọng người dân và làm lãng phí của công.
Theo Đời Sống Pháp Luật
Hà Nội chào mừng ngày 30/4 bằng pano..."kì dị"
Hình ảnh trên tấm pano chào mừng ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước đang được treo trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội cho thấy sự cẩu thả và thiếu tôn trọng với một ngày lễ trọng đại.
Theo phản ánh của độc giả và qua xác minh của phóng viên Báo điện tử Infonet, hiện nay trên một số tuyến đường, phố của thành phố Hà Nội đang treo những tấm pano chào mừng ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, nhưng hình ảnh trên pano lại rất... kì dị.
Tấm pano kì dị đang được treo trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội. (Ảnh do độc giả cung cấp)
Tấm pano này có dòng chữ "Chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước" và kèm theo đó là hình ảnh cây cầu bắc ngang hồ Thủ Lệ, cùng với những tòa nhà cao tầng thể hiện sự phát triển kinh tế của thủ đô.
Tuy nhiên, sự "lạ" nằm chủ yếu ở hình ảnh một người phụ nữ mặc áo dài trắng, tay phải cầm bó hoa hướng dương, tay trái giơ cao. Không khó để người xem nhận thấy đây là một hình ảnh được cắt ghép rất cẩu thả bởi bàn tay phải của người phụ nữ và bó hoa hướng dương "chẳng ăn nhập gì với nhau". Kỳ quặc hơn nữa, cánh tay trái đang giơ lên cao dường như đã được "mượn" của người khác lắp vào bởi nó hoàn toàn khác so với hình ảnh của cánh tay phải, đồng thời người xem cũng dễ dàng phát hiện ra rằng cánh tay trái này được "mọc" ra từ... cổ của người phụ nữ in trên tấm pano.
Nhận được phản ánh của độc giả, phóng viên Infonet đã đi dạo qua thử một vài tuyến phố của Thủ đô và nhận thấy ngoài tấm pano đang được treo trên đường Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm) thì ngay trên đường Đội Cấn (quận Ba Đình), đoạn đối diện với cổng vào khu quần thể Lăng và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một tấm pano với nội dung và hình ảnh giống y hệt. Theo ước lượng của phóng viên, tấm pano này có kích thước khá lớn, chiều rộng khoảng 5m, chiều cao khoảng 3m.
Điều này chứng tỏ, đây là một trong các mẫu pano đã được phê duyệt để thực hiện chương trình truyên truyền, chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.
Hình ảnh do phóng viên Infonet chụp trên đường Đội Cấn (Quận Ba Đình) vào lúc 19h00 ngày 22/4/2015.
Vậy câu hỏi được đặt ra là: Ai đã cấp phép cho một mẫu pano được thiết kế rất cẩu thả và thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với một ngày lễ lớn của đất nước như thế này?
Theo Infonet
Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng vụ chặt hạ, thay thế cây xanh Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - cho biết, thành phố sẽ có báo cáo chi tiết đến Thủ tướng, Ban Bí thư về đề án cũng như quá trình triển khai thay thế cây xanh trên địa bàn. Ngày 24/3, cuộc giao ban báo chí về tổ chức giao thông và kiểm soát xe...