Ai đứng sau hàng trăm cuộc biểu tình chống Tổng thống Trump?
Những người đứng sau cuộc biểu tình “Phụ nữ Tuần hành 2017 là những nhân vật quyền lực và rất có ảnh hưởng. Nhóm tổ chức cũng khẳng định họ không biểu tình để “chống đối Trump”.
Ngay vào ngày thứ hai trên cương vị tổng thống của Trump, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối ông diễn ra không chỉ tại Mỹ mà nhiều nước khác trên thế giới. Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra ở thủ đô Washington của Mỹ vào một ngày sau lễ nhậm chức của Trump, sau đó lan ra nhiều địa điểm khác trên toàn quốc.
Theo Washington Times, quy mô người biểu tình năm nay chắc chắn đã vượt qua những con số kỷ lục trước đó trong dịp lễ nhậm chức của Tổng thống Richard Nixon năm 1973 (khoảng 25.000 – 30.000 người) hoặc của Tổng thống George W. Bush (khoảng 30.000 người).
New York Times ngày 22/1 nói số người tuần hành đông tới gấp 3 lần người dự lễ nhậm chức của Trump, có thể đến nửa triệu. Hàng loạt cuộc biểu tình khác cũng diễn ra ở 408 địa điểm trên toàn nước Mỹ và tại 168 quốc gia khác.
Số người tập trung về thủ đô Washington D.C. ngày 21/1 để biểu tình có thể lên đến nửa triệu người. Trước đó 1 ngày, đây là nơi diễn ra lễ nhậm chức của Trump và số người tham dự ước tính khoảng 250.000. Ảnh: Reuters.
Những người phụ nữ quyền lực
Video đang HOT
Phong trào rầm rộ nhất chính là “Phụ nữ Tuần hành 2017. Nhóm khởi xướng cho biết chiến dịch này nhằm thúc đẩy nữ quyền, vận động các cải cách về nhập cư, quyền lợi cho cộng đồng đồng tính và chuyển giới…
Vox cho biết 4 người đứng sau phong trào rầm rộ này, bao gồm 3 người phụ nữ là các bà Linda Sarsour, chủ tịch Hội người Mỹ gốc Arab tại New York; Tamika Mallory, giám đốc Mạng lưới Hành động Toàn quốc (NAN); Carmen Perez, giám đốc nhóm Quy tụ vì Công lý.
Họ đều là những người có ảnh hưởng trong từng cộng đồng của mình, từng dẫn đầu một cuộc tuần hành lớn từ New York đến Washington hồi năm 2015 để yêu cầu cải cách hệ thống tư pháp hình sự Mỹ.
Ban tổ chức khẳng định phong trào không hoàn toàn chỉ là “chống đối Trump”. CNN cho biết họ muốn gửi thông điệp tích cực rằng “nữ quyền cũng là nhân quyền” và sự kiện là các chuỗi “tuần hành” chứ không phải “biểu tình”.
“Đây là cơ hội để đưa những cuộc đối thoại đến tận cùng. Nếu mục tiêu ngắn hạn của bạn là chỉ thu hút nhiều người tham dự thì nó chưa chắc sẽ có tính đánh động. Nhưng nếu mục tiêu lâu dài là xem các cuộc tuần hành như chất xúc tác cho tiến bộ xã hội và những thay đổi chính trị, thì nó phải bao hàm những quan điểm về chủng tộc và đặc quyền theo đẳng cấp”, bà Sarsour, một người Hồi giáo, nói với New York Times.
Các thông điệp tuần hành không đề cập trực tiếp đến tên của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, việc chọn thời gian và địa điểm rõ ràng đã thể hiện rõ ý đồ của nhà tổ chức.
Nhiều phụ nữ Mỹ phẫn nộ và bàng hoàng khi người dân nước này chọn một người bị cáo buộc là coi thường phụ nữ như ông Trump thay vì bà Hillary Clinton, một chính khách đầy kinh nghiệm và từng được kỳ vọng trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên.
Nữ diễn viên Scarlett Johansson phát biểu trong cuộc biểu tình ở Quảng trường Quốc gia tại Washington D.C.. Women’s Marches được rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí ủng hộ và kêu gọi mọi người tham dự. Ảnh: AFP.
Bên cạnh phong trào tuần hành Women’s Marches, rất nhiều cuộc biểu tình riêng lẻ khác cũng diễn ra tại Mỹ. Những người tổ chức không hoàn toàn là phụ nữ, mà gồm nhiều gương mặt nam giới nổi tiếng như đạo diễn Michael Moore, các diễn viên Robert De Niro và Mark Ruffalo, thị trưởng New York Bill De Blasio.
“Đây là thời khắc rất nguy hiểm của nước Mỹ. Chúng ta phải ngăn chặn người Trump. Ông ta không thể tại vị đủ 4 năm”, đạo diễn Moore nói, đồng thời kêu gọi hưởng ứng biểu tình “100 ngày chống Trump”.
Trump không nao núng
Theo ABC News, Trump theo dõi rất kỹ lưỡng những cuộc biểu tình này trên truyền hình. Đoàn xe chở ông hôm chủ nhật vừa qua để về Nhà Trắng cũng đi qua một tuyến đường để ông có thể nhìn thấy rõ những hoạt động biểu tình.
Trong những ngày đầu tiên, như đã quen với sự phản đối, Trump không tỏ ra nao núng mà ông vẫn tiếp tục dấy lên những cuộc chiến nhỏ.
Ông đến trụ sở CIA để gặp gỡ lãnh đạo tình báo, một động thái “bắc cầu” nhưng không quên tấn công báo chí về việc đưa tin không chính xác với số lượng người đến xem lễ nhậm chức. “Tôi đang chiến đấu với truyền thông”, Trump nói trước những lãnh đạo tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống khủng bố của đất nước.
Mặc cho nửa triệu người biểu tình phản đối các chính sách của mình ngay Washington D.C., tân tổng thống Mỹ thản nhiên đến thăm trụ sở CIA và chỉ trích báo chí “thiếu trung thực”. Ảnh: AFP.
Những quan chức CIA cấp cao im lặng khi vị tổng tư lệnh phát biểu ngoài chủ đề. Thư ký báo chí của Trump, Sean Spicer, sau đó củng cố thông điệp này khi tức tối lên án giới truyền thông trong phòng họp báo tại Nhà Trắng.
Qua ngày đầu tiên cho thấy có thể cách điều hành trong tương lai của Trump (hoặc ít nhất là ở thời điểm hiện tại) sẽ là chú trọng khắc phục những vấn đề nhỏ, không tỏ ra chút nao núng trước những thách thức, tự tạo ra những “sự thật” của riêng ông.
(Theo Zing News)