Ai dễ nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTTD) là những bệnh gây tổn thương chủ yếu ở đường sinh sản (âm đạo, tử cung, vòi trứng và buồng trứng ở nữ; dương vật, tinh hoàn ở nam).
Hiện có khoảng 20 bệnh LTTD. Các bệnh thường gặp là: lậu, giang mai, Chlamydia, sùi mào gà, hạ cam mềm, viêm âm đạo, mụn rộp sinh dục, viêm gan siêu vi B, HIV/AIDS. Một số bệnh LTTD có thể điều trị được như: lậu, giang mai, Chlamydia, sùi mào gà, hạ cam mềm, viêm âm đạo. Có bệnh không điều trị được hoặc trị không khỏi hẳn như: HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, mụn rộp sinh dục…
Mầm bệnh cư trú ở dịch nhờn sinh dục, các vết sưng, vết loét, trong máu…, sau đó lây truyền qua các vết trầy xước trong khi quan hệ tình dục (giang mai, hạ cam mềm), vi khuẩn bám dính vào niêm mạc sinh dục (lậu, sùi mào gà, trùng roi, nấm).
Đối tượng nào dễ nhiễm các bệnh LTTD?
Video đang HOT
Bất cứ ai đã có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm bệnh LTTD: Những người có quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn. Người có nhiều bạn tình, người hành nghề mại dâm. Người sử dụng ma túy, đặc biệt là thuốc lắc (ectasy). Vị thành niên và thanh niên trẻ từ 15 – 25 tuổi. Phụ nữ cũng có nguy cơ nhiều hơn nam bị nhiễm các bệnh LTTD, nhất là phụ nữ trẻ vì tần suất quan hệ tình dục nhiều và mạnh bạo hơn nên dễ gây tổn thương cho niêm mạc âm đạo, mở đường cho các bệnh LTTD, nhiễm khuẩn và cả HIV/AIDS xâm nhập.
Đa số bệnh LTTD là tiềm ẩn, phụ nữ thường mắc nhiều hơn nam giới nhưng khó phát hiện hơn, do đó rất nguy hiểm vì không biết mắc bệnh khi nào nên không đi khám bệnh; không biết để phòng ngừa cho người khác nên dễ lây lan ra cộng đồng. Người bệnh thường có tâm lý e ngại, tự ti mặc cảm, muốn che giấu, khi có dấu hiệu bệnh không muốn đi khám mà tự đi mua thuốc uống nên bệnh không hết hẳn. Các bệnh chữa trị được ngày càng ít đi trong khi các bệnh khó trị hoặc không trị khỏi ngày càng nhiều hơn.
Cần làm gì để phòng bệnh?
Để phòng bệnh, nên có đời sống tình dục lành mạnh, một vợ một chồng, dùng bao cao su để phòng lây nhiễm bệnh. Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ. Thăm khám phụ khoa định kỳ, 2 lần/năm để phát hiện bệnh sớm.
Phụ nữ cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và làm những test (xét nghiệm) trong những tình huống sau: Đã có nhiều bạn tình hay bạn tình của mình là người đã có nhiều người tình. Đã từng có quan hệ tình dục với người đã bị bệnh LTTD (bằng chứng là đã có test dương tính với một bệnh LTTD nào đó). Nếu có tiền sử hay bị bệnh LTTD tái diễn thì cũng cần định kỳ làm test phát hiện.
BS. HOÀNG QUYÊN
Theo Khoeplus
Bệnh mụn rộp sinh dục: Dễ bỏ qua, hay tái phát
Mụn rộp sinh dục là mụn nước nhỏ, nốt nhú trên niêm mạc hậu môn hoặc cơ quan sinh dục của nam và nữ, lây truyền qua đường tình dục.
Vì dễ nhầm lẫn và rất dễ lây nhiễm nên bệnh mụn rộp sinh dục thường dễ bị bỏ qua và hay tái phát. Thực chất mụn rộp sinh dục là bệnh thường lây truyền qua đường tình dục do vi-rút gây bệnh cho cả nam và nữ. Biểu hiện của bệnh là những mụn nước nhỏ hay những nốt nhú trên niêm mạc vùng hậu môn hay vùng cơ quan sinh dục (ở âm hộ, dương vật và bìu).
Các mụn nước mọc thành chùm có thể tiến triển thành những ổ loét; thường kèm đau (cảm giác bỏng rát, nhoi nhói) và ngứa tại chỗ, càng đau hơn khi bị dính nước tiểu. Các tổn thương cũng có thể không nhìn thấy nếu như phát triển trong âm đạo, thậm chí cả trên cổ tử cung hay trong niệu đạo của nam giới. Nếu bệnh mụn rộp không phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ để lại các biến chứng và hậu quả khôn lường.
Tránh hoàn toàn quan hệ tình dục khi có đợt bùng phát bệnh (Ảnh minh họa: Internet)
Bệnh rất dễ lây nhiễm trong đợt bùng phát: ngay khi xuất hiện các dấu hiệu cho đến khi lành sẹo hoàn toàn các tổn thương. Trong giai đoạn này, việc mang bao cao su có thể làm giảm bớt nguy cơ bị lây nhiễm chứ không phải loại bỏ hoàn toàn nguy cơ. Có thể bị lây bệnh mụn rộp sinh dục do những mụn nước ở gần vùng cơ quan sinh dục (khi không mang bao cao su), do đó nên cố gắng tránh hoàn toàn quan hệ tình dục khi có đợt bùng phát.
Vậy mụn rộp sinh dục có thể điều trị được không? Có nhiều cách điều trị để hạn chế các đợt bùng phát nhưng không thể làm hết hẳn vi-rút, vì vi-rút sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời. Dù là bị nhiễm lần đầu hay tái phát thì dùng thuốc chống vi-rút (aciclovir) theo đường toàn thân trong 10 ngày cũng có thể hạn chế được cường độ và thời gian kéo dài của đợt bùng phát.
Nếu phụ nữ đã từng mắc mụn rộp muốn có thai, phải thông báo với bác sĩ tình trạng bệnh để cần được điều trị theo đúng chuyên khoa, tránh mọi nguy cơ lây nhiễm cho trẻ. Mụn rộp nguyên phát và mụn rộp cổ tử cung thường gây sẩy thai và đẻ non. Trong số những trẻ sinh ra bởi các bà mẹ mắc bệnh mụn rộp (nguy cơ bị nhiễm là 1/3 với mụn rộp nguyên phát, dưới 1/30 với mụn rộp tái phát) thì một nửa sẽ chết hoặc có tổn thương thần kinh.
BS. Anh Đào
Theo SKĐS
Thế nào là sử dụng bao cao su đúng cách? Sử dụng bao cao su là biện pháp đơn giản, an toàn trong quan hệ tình dục, vừa có hiệu quả tránh thai cao, vừa phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. ảnh minh họa Sử dụng bao cao su là biện pháp đơn giản, an toàn trong quan hệ tình dục, vừa có hiệu quả tránh thai cao,...