Ai đang tước đoạt giờ chơi của trẻ?
Tuy chưa có những số liệu khảo sát chính thức nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy giờ chơi của trẻ em Việt Nam ngày càng ít ỏi. Học quá nhiều, ít giờ chơi, hậu quả là đã xảy ra không ít chuyện đau lòng.
Những “cỗ máy” học
Ở những thành phố lớn, không hiếm những “cỗ máy” học: dậy từ 5h sáng, 6h sáng đến trường, 5h chiều bố mẹ đón, 7h tối đi học thêm đến 9h, về nhà lúc đã khuya. Không còn giờ chơi nữa! Cộng thêm chương trình học nặng nề ở trường, môi trường ganh đua quyết liệt vì điểm số, trẻ sẽ ngày càng nặng nề vì áp lực đè nặng.
Không hiếm gặp cảnh học sinh phải ăn, uống trên đường đi học
Tình trạng này được xác nhận bởi các chuyên gia ngày càng nhiều, thậm chí là cả đánh giá của chuyên gia nước ngoài. Tại một cuộc hội thảo tại TP.HCM năm ngoái, TS Jonathan Halévy, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Family Medicine Practice, cho rằng trẻ em Việt Nam bị làm việc quá sức bởi lịch trình học tập chặt chẽ.
“Các bậc phụ huynh Việt Nam rất tận tụy và muốn con mình có được nền giáo dục tốt nhất. Nhiều thanh thiếu niên học các bài học bổ sung về toán học, tiếng Anh… sau giờ học. Sau đó, họ trở về nhà để có một bữa ăn tối nhanh chóng và làm bài tập về nhà của họ. Đến thời điểm họ đi ngủ nó đã gần nửa đêm (hoặc thậm chí là nửa đêm qua). Một số trường học ở Việt Nam làm việc theo ca và các lớp bắt đầu rất sớm, có nghĩa là trẻ em phải thức dậy lúc 5 giờ sáng để đến trường đúng giờ. Điều đó khiến cho đứa trẻ có rất ít thời gian để nghỉ ngơi”, ông Jonathan nói.
Trẻ đang bị tước đoạt giờ chơi bởi áp lực học tập
Những cảnh báo vẫn liên tục được phát đi. Nhưng chỉ đến gần đây, hàng ngàn cha mẹ mới giật mình với một câu chuyện có thật: một nam sinh lớp 9 đã nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập, áp lực điểm số. Bị điểm kém trong khi trước đó luôn được kỳ vọng, lại ở trong một ngôi trường có sự cạnh tranh rất lớn, nam sinh này đã không vượt qua được nỗi thất vọng, bị trầm cảm nặng rồi lựa chọn kết quả cực đoan…
Video đang HOT
Trả lại giờ chơi cho trẻ
Đến khi câu chuyện đau lòng trên xảy ra, nhiều cha mẹ mới bắt đầu hoảng hốt và “tự vấn” lại mình. Không ít cha mẹ viết ngay trên Facebook cá nhân của mình là sẽ không ép buộc con học nữa, không quan trọng điểm số của con như trước nữa.
Nhưng đó chưa phải là cách giải quyết gốc rễ để giải tỏa áp lực cho con khi nền giáo dục vẫn đang bị đánh giá là quá nặng nề. Theo nhiều chuyên gia, cho trẻ được trải nghiệm nhiều giờ chơi hơn mới là cách để trẻ cân bằng, xóa tan áp lực.
TS Tâm lý Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM, cho biết mình từng chứng kiến nhiều trường hợp, buổi chiều cha mẹ chở con đi học thêm, vừa đi trẻ vừa ăn tạm ổ bánh mì, tối về các cháu đã đuối rồi vẫn phải tiếp tục làm bài tập về nhà. Theo ông, về nguyên tắc tâm lý thông thường, con người hoạt động, sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi… phải phù hợp với nhịp sinh học của mỗi người. Nếu học nhiều quá thì trẻ sẽ không đủ thì giờ để cân bằng đời sống tinh thần, dẫn đến các cháu sẽ bị quá tải trong việc học.
Một học sinh tranh thủ ăn vội trước giờ bước vào buổi học thêm
“Nhiều trẻ em thành phố lớn lên với tuổi thơ không trọn vẹn, chỉ có mỗi học và học mà không được trải nghiệm những trò chơi tương tác thú vị bên bạn bè… Về phương diện tinh thần, tâm hồn của trẻ sẽ ít có cảm xúc với thế giới xung quanh, dẫn đến nghèo nàn về tình cảm. Một người ít cảm xúc thì ứng xử với thế giới sẽ rất xơ cứng, không dễ dàng thích nghi với những thay đổi của cuộc sống, và dễ khép mình với xã hội. Điều đó còn dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn như trẻ sẽ không có bạn để chơi, lớn lên sẽ như những con “gà chọi”, chỉ biết học mà không có kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. Chính từ đây các em dễ rơi vào cạm bẫy, không có sức đề kháng tinh thần để vượt qua những thất bại”, TS Đinh Phương Duy nói.
Theo Lê Phương – Minh Đăng (Dân trí)
"Học thế này sao con trở thành người bình thường?"
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự hoang mang lẫn bức xúc trước áp lực học tập của con trẻ hiện nay tại buổi nói chuyện chuyên đề về dạy con do Trường THCS-THPT Đức Trí, Phú Nhuận, TPHCM tổ chức. Có người mẹ còn thốt lên: "Học thế này sao các con thành người bình thường?".
Buổi nói chuyện mới đây với chủ đề "Hãy đón nhận con như chính bản thân con". Diễn giả, ThS Đinh Thanh Phương (Hội quán Các Bà Mẹ) đề cập đến những áp lực mà con trẻ đang phải gồng gánh. Người lớn, đặc biệt là cha mẹ đòi hỏi ở các em quá nhiều nên làm mọi cách "ép chín", bắt trẻ già trước tuổi. Họ muốn con phải giỏi hơn nữa hay giỏi cái này rồi thì phải giỏi thêm cái khác...
ThS Đinh Thanh Phương cho hay người lớn đang đòi hỏi vô lý ở con trẻ
Trong quá trình tương tác, tư vấn với phụ huynh, bà gặp rất nhiều tình cảnh con trẻ ám ảnh việc học vì kỳ vọng của bố mẹ. Có em đến mùa thi là đổ bệnh, sốt, nôn ói, đau bụng... mà đi bác sĩ kiểm tra thể chất thì lại không có vấn đề gì. "Bà mẹ nói, chị không hề la hay đánh mắng con. Vậy nhưng, chỉ một ánh mắt buồn phiền, tiếng thở dài thất vọng của ba mẹ cũng có thể hạ gục con trẻ", ThS Đinh Thanh Phương nói.
Không chỉ những em học kém mà bà Phương lưu ý phụ huynh cần chú ý đến cả các em học giỏi, đạt thành tích tốt. Những lời ngợi ca của bố mẹ, của mọi người làm các em không dám dừng lại, luôn phải giồng mình để đạt kết quả tốt hơn nữa hoặc ít nhất giữ được thành tích cũ. Điều này là một sự căng thẳng vô hình lên tinh thần con trẻ. Nhiều bạn trẻ có kết quả học tập rất tốt, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng như rất tươi sáng.. kết cục các em lại chọn cái chết.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh cũng hoảng sợ, hoang mang trước cảnh con trẻ học không có thời gian để nghỉ nhưng họ lại không gỡ bỏ được những áp lực học tập trong nhà trường.
Chị Kim Thư, một phụ huynh ở Gò Vấp, TPHCM cho hay con cái quay cuồng vì học thì làm sao có thể làm người bình thường
Chị Kim Thư, một phụ huynh ở Gò Vấp cho hay, con chị cũng nhiều đứa trẻ khác, quay trong vòng học tập. Đến một ngày vợ chồng chị cùng giật mình nghĩ "Học thế này con mình không thể làm người bình thường được".
Mà rõ ràng các cháu đang không bình thường. Bình thường sao được khi hết học ở trường rồi lại đi học thêm, đêm về làm bài, thời gian ngủ không đủ, không có thời gian vui chơi, đến ăn uống cũng phải vội vàng. Đúng như diễn giả Đinh Thanh Phương nói: "Chúng ta đang quá đáng với con trẻ. Người lớn đi làm 8 tiếng về còn phải nghỉ ngơi".
Biết vậy nhưng chính chị Thư cũng không biết phải tháo gỡ áp lực như thế nào vì nếu để buông bỏ, không kỳ vọng thì lo con sẽ không có động lực để cố gắng. Chị cũng như nhiều phụ huynh cũng lúng túng không biết làm cách nào để kỳ vọng của bố mẹ trở thành động lực chứ không phải áp lực cho con.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, công tác trong ngành y nói rằng gia đình bà, nhiều đời làm trong ngành y nhưng quan điểm rất rõ ràng, con cái sẽ chọn lựa nghề nghiệp mà các con yêu thích nên họ cố gắng xem việc học của con thật nhẹ nhàng.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cũng cho biết, ngày nào bà cũng nhận được tin nhắn từ giáo viên, nhà trường nhắc nhở con làm bài tập
Nhưng rồi, bà nói rằng buông bỏ làm sao được khi mà ngày nào cũng như ngày nào, bà cũng nhận được tin nhắn từ nhà trường, từ giáo viên thông báo hôm nay con phải hoàn thành những bài tập nào, nội dung gì, môn này đến môn khác. Mình chỉ đọc tin đã hoảng hỏi con trẻ làm sao. Đi học về con ăn uống đại khái rồi ôm lấy sách vở để làm bài tập.
Theo bà, giáo viên cũng bị áp lực ở trên xuống nên chúng ta phải xem lại chương trình học. Người mẹ đề xuất, các cháu học hai buổi rồi thì làm sao để buổi sáng là học chương trình chính, buổi chiều xem lại bài tập rồi tham gia câu lạc bộ, năng khiếu, vui chơi. Về nhà là để các em tham gia vào sinh hoạt gia đình.
"Ngày xưa chúng ta phải xếp hàng để đi mua gạo nhưng giờ chúng ta phải xếp hàng đi chữa bệnh. Trong đó có nhiều bệnh vì học. Các con bây giờ khổ quá!", bà Hạnh nghẹn lời.
Chia sẻ tâm can của người mẹ đã thay lời cho phụ huynh tham gia chương trình, mọi người gật gù rồi vỗ tay liên tục.
Sau khi phát biểu, bà Hạnh bấm điện thoại, mở cho PV Dân trí xem hàng chục tin nhắn từ giáo viên, nhà trường gửi qua hệ thống liên lạc điện tử cho phụ huynh để nhắc nhở con làm bài tập.
ThS Đinh Thanh Phương đồng tình, việc để bố mẹ tháo bỏ được áp lực cho con là chuyện không dễ dàng. Cha mẹ phải xách định rõ mình muốn con như thế nào. Nếu bị áp lực, đứa trẻ có thể thành công như chưa chắc đã hạnh phúc. Điều cần thiết nhất là cha mẹ cần phải dành thời gian, có những khoảnh khắc sống chung với con để hiểu con thật sự muốn gì, đừng đòi hỏi quá nhiều ở con mà hãy chấp nhận một số điểm nào đó chưa hoàn thiện của con.
Theo Hoài Nam (Dân trí)
Hoang tưởng, cắt tay tự tử vì được kỳ vọng quá nhiều Có trường hợp khi nghe thấy "người lạ" xui không học nữa, lấy lưỡi lam cắt tay tự sát thì gia đình mới phát hiện bị bệnh hoang tưởng. Cậu bé 12 tuổi nhập viện tâm thần vì bố mẹ ép học nhiều quá Ngày 7/4 hằng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là ngày Sức khỏe tâm thần...