‘Ai cũng như Trọng Tấn thì trường giải tán lâu rồi’
Đó là chia sẻ của NSND Trung Kiên trước quyết định nghỉ việc đột ngột của học trò cưng Trọng Tấn ở Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Chia sẻ về lý do xin rút khỏi vai trò giảng viên, ca sĩ Trọng Tấn chỉ nói ngắn gọn là “muốn chủ động cuộc sống, công việc và không làm ảnh hưởng đến thời gian và công việc chung của tập thể”. Vì vậy, đến thời điểm này, lý do khiến anh từ bỏ ngôi trường mình đã có nhiều năm gắn bó vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Nhiều người cho rằng, quyết định này của Trọng Tấn ít nhiều có liên quan đến án kỷ luật một năm trước về việc bỏ chương trình biểu diễn Việt Nam – Lào hồi tháng 7/2012. Với kỷ luật này, con đường công danh của anh coi như cũng rất xa…
Tuy nhiên, từng là người thầy của Trọng Tấn trong nhiều năm, lại có mối quan hệ thầy trò rất thân thiết, NSND Trung Kiên cho rằng, hoàn toàn không có chuyện đó. “Đúng là Trọng Tấn là một giảng viên giỏi của trường, bản thân lại là nghệ sĩ có tên tuổi trong lòng công chúng, cậu ấy cũng được kỳ vọng nhiều, có thể sau này sẽ là trưởng khoa nhưng tôi hiểu cậu ấy không nghĩ và cũng không quan tâm đến điều đó. Về thu nhập cũng thế, không phải vì lương giảng viên thấp mà cậu ấy bỏ trường vì cuộc sống hiện giờ của cậu ấy không quá trông chờ vào đồng lương công chức để phải bỏ nghề để đi kiếm tiền ở bên ngoài”.
Ở tuổi 74, NSND Trung Kiên vẫn là nghệ sĩ biểu diễn và giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Tôi không bất ngờ với quyết định xin nghỉ của Trọng Tấn bởi cách đây 2 năm, cậu ấy đã từng nói với tôi là muốn rời trường. Ngày tốt nghiệp của sinh viên do cậu ấy là giảng viên trực tiếp nhưng lại không đến vì đã trót ký hợp đồng biểu diễn ở bên ngoài. Tôi bảo, cậu làm thế là không được. Mình là giảng viên, ngày sinh viên biểu diễn tốt nghiệp phải đến xem các em thi cử ra sao. Lúc đó, cậu ấy đã nói với tôi là muốn xin thôi nghề. Tôi khuyên bảo, người ta hát đến một giai đoạn nào đó cũng phải dừng lại, nhưng cái nghề dạy của mình không mất đi được. Hơn nữa, 2 nghề này bổ trợ cho nhau, đi hát có thêm uy tín cho nghề giảng viên, ngược lại, anh là giảng viên đi hát, người ta cũng quý trọng hơn. Bây giờ, cậu ấy quyết định thật mà không hỏi ý kiến tôi nữa. Trong lòng tôi nghĩ, tại sao là thầy trò thân thiết mà cậu ấy lại không nói gì với mình?”.
Video đang HOT
Không bất ngờ với quyết định nghỉ việc của người học trò, NSND từng có nhiều năm dìu dắt, nhưng bản thân ông thấy tiếc cho những năm tháng Trọng Tấn đã học tập để trở thành một giảng viên giỏi. “Lúc trước, cậu ấy cũng say sưa với nghề dạy học lắm nên mới quyết tâm và nhờ tôi hướng dẫn làm luận án tiến sĩ. Bây giờ giáo viên muốn xin ở lại giảng dạy ở trường khó kinh khủng vì phải có cao học, trình độ. Trọng Tấn đang là giảng viên giỏi, giờ nghỉ việc khiến 14 sinh viên của cậu ấy trở nên bơ vơ. Tất nhiên không có cậu ấy, trường cũng sẽ bố trí người khác, bản thân tôi cũng đang phải ‘gánh’ 2 sinh viên trong lớp cậu ấy, nhưng như thế cũng ít nhiều gây nên sự xáo trộn cho sinh viên.
Ca sĩ Trọng Tấn.
Khi được hỏi, NSND Trung Kiên nghĩ rằng quyết định này của Trọng Tấn cho thấy anh cũng không đắm đuối với nghề nên mới xin nghỉ để lựa chọn công việc biểu diễn? Ông nói: “Đó mới là cái quan trọng. Làm thầy mà không say đắm, không làm được và cũng đừng làm nữa. Quyết định như thế cũng có cái lý của cậu ấy. Phải có tâm huyết với nghề mới làm được. Nếu cứ đi dạy rồi tiếc chuyện bỏ một show mất mấy chục triệu làm sao dạy được. Tôi không biết Trọng Tấn có suy nghĩ này không, nhưng ở trường, cậu ấy cũng được tạo điều kiện để đi biểu diễn ở bên ngoài, không phải như ngày xưa bị cấm đoán. Tôi không phê phán gì nhưng cũng không biết có thể dùng chữ ‘thông cảm’ ở đây được không, vì nếu ai cũng như cậu ấy, cả cái học viện này giải tán rồi. Trong khi đó, nhiều giáo sư già như khoa piano chẳng hạn, chỉ có vài sinh viên nhưng họ vẫn hàng ngày đạp xe đạp đến dạy.
Cá nhân tôi cũng thế, luôn biết ơn ngôi trường đã đào tạo cho mình nên đến bây giờ tuy đã nghỉ hưu, tôi vẫn quay lại trường giảng dạy. Thậm chí, khi được điều động lên Cục, lên Bộ Văn hóa làm Thứ trưởng, tôi tự hào vì mình chưa bỏ trường một lần nào. Tất nhiên mình không nên so sánh với các bạn trẻ bây giờ vì thế hệ khác, hoàn cảnh khác. Cho nên trong chuyện này tôi không phê phán gì vì như thế thành ra vô duyên lắm. Mỗi người có một lựa chọn, một quyết định, mình không phán xét được đâu”.
Nhiều năm gắn bó với Học viện âm nhạc quốc gia, NSND Trung Kiên nói: “Theo trí nhớ của tôi, hình như chưa có ai xin nghỉ việc như Trọng Tấn. Nếu có, nó ở hoàn cảnh khác chứ không phải xin nghỉ để trở thành nghệ sĩ tự do như vậy”.
Theo GiadinhNet
Ca sĩ Trọng Tấn nộp đơn từ bỏ Nhạc viện quốc gia
Nam ca sĩ đã gửi đơn xin nghỉ việc lên lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, quyết định từ bỏ sự nghiệp tại ngôi trường đào tạo nghệ thuật anh đã gắn bó gần chục năm qua.
Cùng với tình yêu say đắm trong nghệ thuật, đất trời còn phú cho Trọng Tấn một giọng hát tuyệt đẹp, mỗi khi anh cất tiếng hát, người nghe lại thấy toát lên sự lịch lãm và thanh cao, giàu tình cảm, một chất giọng mà ít các ca sĩ cùng thế hệ có được. Bước vào con đường hoạt động nghệ thuật không bao lâu, cái tên Trọng Tấn đã nhanh chóng chiếm trọn tình yêu của khán giả yêu mến nghệ thuật âm nhạc trên khắp cả nước và cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.
Từ một cậu học trò khối A, chưa có chút kiến thức gì về nhạc lý, Trọng Tấn lại quyết định nộp đơn thi vào Nhạc viện Hà Nội để theo đuổi con đường nghệ thuật chỉ bởi một lý do rất giản đơn: "Gia cảnh khó khăn không có điều kiện theo học Đại học nên thi vào Trung cấp thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội để không phải mất tiền đóng học phí". Phải nói rằng, việc này đối với anh cho đến nay là một "sự lựa chọn hoàn hảo".
Sở hữu chất giọng tenor thính phòng với làn hơi khỏe, chắc, đầy đặn, âm vực rộng, truyền cảm... Nghe Trọng Tấn hát từ những bản tráng ca, hay những bản tình ca về quê hương đất nước cho đến những bài hát đậm chất trữ tình đều khiến cho người nghe cảm nhận được ở anh một giọng hát hết sức chỉn chu, chuẩn mực cùng căn bản nhạc lý vững vàng.
Là một học trò "cưng" của NSND Trần Hiếu, với hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật và trung thành với dòng nhạc cổ điển, Trọng Tấn vẫn luôn nỗ lực để giữ hình ảnh và niềm yêu mến của công chúng đối với con đường mình đã theo đuổi. Những ca khúc đã được đóng đinh tên tuổi của những bậc "tiền bối" như NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ, NS Kiều Hưng, Ngọc Tân... qua sự thể hiện của anh vẫn tạo được dấu ấn đẹp và riêng biệt, đầy xúc cảm.
Kinh nghiệm của những năm tháng "vừa học, vừa hành" của Trọng Tấn đã giúp ích rất nhiều cho việc giảng dạy tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và ngược lại, việc giảng dạy cũng giúp cho anh có thêm nhiều kiến thức và hoàn thiện bản thân hơn. Ngoài việc dạy học trò về kỹ thuật thanh nhạc và kỹ năng biểu diễn, anh còn định hướng cho các em về thẩm mỹ âm nhạc để các em có thể xác định được con đường âm nhạc phù hợp với bản thân, phát huy tối đa tiềm lực sẵn có của các em. Chính điều đó đã tạo nên một thầy giáo Trọng Tấn giảng dạy thanh nhạc được học trò rất yêu quý, ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, với tất cả danh vọng hay tiền bạc mà nghệ thuật đã ưu ái dành tặng cho Trọng Tấn cũng đã không đủ sức để níu giữ chân "thầy giáo Vũ Trọng Tấn". Quyết tâm bỏ lại những ngày tháng cống hiến ở ngôi trường ươm mầm cho những tài năng âm nhạc tương lai, anh đã gửi đơn xin nghỉ việc lên lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, quyết định từ bỏ sự nghiệp tại ngôi trường đào tạo nghệ thuật mà anh đã gắn bó gần chục năm qua.
Nghe tin này, rất nhiều người, nhiều bạn bè, đồng nghiệp, bên cạnh sự ngạc nhiên là thái độ tỏ ra nuối tiếc, bởi hiện nay để có "chân" trong biên chế Nhà nước không đơn giản, nhất lại là biên chế nhà nước làm giáo viên giảng dạy tại Học viện Âm nhạc. Hơn nữa, anh cũng đang chuẩn bị làm luận án tiến sĩ về chuyên ngành nghệ thuật này.
Tuy nhiên, cũng rất nhiều khán giả mến mộ Trọng Tấn lại ủng hộ quyết định của anh. Nếu cứ chỉ vì hai tiếng "biên chế" và khép mình trong công việc đào tạo tại Học viện, anh không có nhiều thời gian để cống hiến cho nghệ thuật. Trong khi công chúng yêu mến nghệ thuật âm nhạc luôn từng phút, từng giờ, đòi hỏi được hưởng thụ nghệ thuật ca hát chân chính đầy sức cuốn hút từ anh. Với họ, khi Trọng Tấn không còn bị bó buộc về công việc và thời gian, anh sẽ dành trọn sức mình để phục vụ khán giả, phục vụ bộ môn nghệ thuật mà sở trường của anh là biểu diễn phục vụ công chúng.
Hy vọng sau quyết định đầy thử thách này, ca sĩ Trọng Tấn sẽ tiếp tục tỏa sáng trên con đường mà anh đã chọn.
Theo Nghệ thuật Biểu diễn
Trọng Tấn nghỉ dạy không phải do chưa có danh hiệu NSƯT Trước nghi vấn này, ca sỹ Trọng Tấn khẳng định, anh không quan tâm đến danh hiệu, chỉ nghĩ đến việc mình cống hiến cho công chúng thế nào. Có lẽ Trọng Tấn là ca sĩ "chuyên trị" dòng nhạc đỏ đầu tiên nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả trước thông tin anh xin rút khỏi vị trí giảng...