Ai cũng có nơi để về
Đợt vừa rồi về thăm nhà, thấy quê mình khác quá đỗi. Tuy Hòa tựa như người thiếu nữ mới lớn, diện lên mình những bộ đồ mới mẻ, yêu kiều hơn khiến con người ta đi xa về không khỏi ngỡ ngàng mà thốt lên “Mình không biết Tuy Hòa cũng có lúc đẹp như vậy”. Đó là lần đầu tiên mình thấy quê mình đổi khác.
Thy Thy
Dọc con đường từ quốc lộ 1A dẫn vào thành phố bé nhỏ ấy, đâu đâu mình cũng thấy hoa nở rộ, đủ màu sắc. 18 năm mình đã sống và lớn lên ở đây cộng thêm 5 năm xa xứ đi đi về về, tự hỏi lòng có bao giờ thấy nhớ miền đất này đôi chút?
Chiều buông xuống, rải rác những cây hoa sữa hiếm hoi thoảng hương ngan ngát. Mình không thích hoa sữa lắm bởi mùi nó hăng hăng, thường làm mình hay nhức đầu nhưng trong cái không gian khiến mình đang ngỡ ngàng ấy, tự nhiên hoa sữa cũng trở nên duyên đến lạ. Mình bắt đầu nhắm mắt, cố hít thật no đầy cái ngây ngây của một buổi chiều yên ả.
Nghe bên tai đâu đó lời bài hát “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm… có lẽ nào anh lại quên em…”. Có lẽ vậy, chỉ có con người lãng quên con người như chính ta cũng đôi lần quên mất mảnh đất với những gì thân quen ruột thịt, từng chối bỏ nơi sinh ra mình vì sự cục bộ không phát triển. Ôm ấp lấy đất Sài Gòn xa hoa lắm mộng rồi cũng… vỡ mộng.
Chiều Tuy Hòa – đó là một buổi chiều yên bình, mình ngồi trên cát trắng và biển Tuy Hòa gợn sóng xanh rì. Những bãi dương bạc màu gió thẳng tắp cho đến những gánh hàng rong xíu xíu đầy những xoài, cóc, ổi, đậu phộng, trứng cút… bày bán cũng bị dẹp sạch. Nghe nói người ta sẽ xây resort hết, sẽ thay đổi bộ mặt biển Tuy Hoà xứng đáng cái danh “400 năm Phú Yên và khai mạc năm du lịch quốc gia 2011″.
Video đang HOT
Mình nghe cũng lớn lắm, không biết họ làm nó to đến đâu… nhưng nhìn lại kinh phí thì không nhỏ chút nào. Nhưng thôi kệ, nếu Tuy Hòa mà đẹp hơn, đẳng cấp hơn thì mình cũng thấy vui và hào hứng dẫn bạn bè về, thậm chí nghĩ xa hơn là trở về sống tại mảnh đất này cũng không có gì khiến mình đắn đo như trước nữa.
Mình còn đôi chút lưu luyến vì nhớ những buổi chiều thong dong trên cát, tìm mấy gánh hàng rong bán những món ngộ ngộ ấy mà nhâm nhi… Thích nhiều lắm, có thứ bánh tráng bé xíu xíu cuộn lại, đem nướng lên rồi phết nước tương đen, tương đỏ nóng nóng, ăn giòn giòn mà lại cực rẻ. Mình nhớ những buổi chiều cùng đám bạn “se” nhau mấy ly rượu nếp ngọt ngây mà say lúc nào không biết.
Rồi nhớ những khi mặt trời xuống lưng chừng con sóng cả đám tụm lại đào cát chôn nhau, không thì tìm đôi nào mải mê tâm sự rồi câu dép mà giấu đi. Nghịch ngợm nhưng ít ra cũng có nhiều kỷ niệm nhớ đời. Vậy đó, giờ lớn rồi, mọi thứ cũng thay đổi. Mình ngồi một mình nhìn xuống bãi biển đang ngả màu hoàng hôn… lặng buồn nghĩ về những điều đã cũ.
Sắp hết ngày khi những con đường dọc bờ biển lên đèn, thành phố trẻ cũng vội thay áo mát mẻ xuống phố. Mình cứ ngỡ một góc đường Đồng Khởi – quận 1 của Sài Gòn được ai đó mang về Tuy Hòa, khéo léo giăng ngang những đôi mắt ngạc nhiên và môi mấp máy khen “Ôi… đẹp!”. Góc đường Lê Lợi chỗ nhà mình hôm nay cũng được xa xỉ diện màu xanh, đỏ, trắng… chớp nhoáng liên tục. Mình tần ngần bên đường ngắm mãi…
Góc lề đường bên kia, quán bánh canh đêm như cũng ăn theo đôi chút khi cô bán hàng tặc lưỡi: “Vào ăn bánh canh đi con, vừa ăn vừa ngắm. Người ta giăng lên mấy ngày rồi đấy…”. Mình chẳng nỡ chối từ, ấy vậy mới biết được đi xa, về lại Tuy Hòa vẫn thấy vị đậm đà, vừa miệng, ngay cả ớt cay cũng thấy ngon hơn xứ người. Chợt nghe lòng ấm lạ…
Mình nhận ra mình yêu quê hơn cả. Nó mộc mạc, giản dị như con người nơi đây đến cả tiếng nói địa phương cũng chả lẫn vào đâu được. Bởi thế, dù đi đâu, ở đâu xa xôi, vô tình nghe ai đó nói “Dìa Ty Quà uống càee… phơ… đé..é é…” (Về Tuy Hòa uống cà phê đá) là không quen biết cũng nhoẻn miệng cười bởi biết ngay người ấy “Made in Tuy Hòa” rồi.
Nói vậy cũng đủ biết ai cũng có một quê hương để trở về cho dù nơi ấy không hào nhoáng, không rực rỡ. Thậm chí người người ra đi đến những miền xa cố mong tìm cho mình một cuộc đời mới nhưng mình tin trong họ vẫn luôn có những khoảng lặng thân yêu dành cho mảnh đất từng sinh ra và lớn lên. Riêng với mình, hôm nay Tuy Hòa không chỉ là nơi về mà còn có cả những tình cảm rất thiêng liêng của gia đình, bạn bè, anh em… và cả những người dưng “xứ nẫu”.
Mỗi sáng, mình vẫn quen nghe tiếng càu nhàu của ba mình réo gọi: “Con gái gì ngủ nướng thế, sau này mà có chồng chắc nó rượt chạy không kịp”. Mình cũng ráng hé mắt nhìn đồng hồ mới gần 6 giờ. Mẹ mình lúc nào cũng quen đi chợ sáng 4 giờ rưỡi. Mẹ nói lúc đó người ta mới bày bán, hàng nào cũng tươi xanh. Có lần mình cũng ráng dậy sớm theo mẹ ra chợ. Tờ mờ sáng, chợ vẫn còn thắp đèn, tiếng mấy cô hàng thịt nghe chan chát đi kèm tiếng dao đều tay mời gọi không ngớt. Nếu ở Sài Gòn, giờ ấy mình vẫn còn vùi chăn ngủ quên trời đất.
Nhà mình ít người, ba mẹ sinh mỗi hai chị em. Khi xưa còn nhỏ cũng hay chành chọe nhau. Giờ lớn, đi xa mới thấy thương nhiều cái thời mặc chung đồ, chơi chung một con ốc ba cho mà giành giật nhau ỏm tỏi. Giờ em gái mình đã lấy chồng, có con bồng bế. Mình lên chức dì hai nghe vừa lạ, vừa vui. Nhà mình thêm một đứa cháu mười mấy ngày tuổi, miệng chép chép liên tục, nhìn thương không chịu được. Mỗi lần lên xe trở vào thành phố, mình lại thấy thương những điều bình dị ấy, xa lâu lại nhớ nhiều dù cũng có khi tình yêu thương không trọn vẹn.
Dẫu có những bôn ba ngược xuôi nhưng mình tin quê mình sẽ còn đổi khác, đẹp hơn với những tình cảm và giá trị tốt đẹp của mỗi người. Nơi đó có gia đình chở che mình khi va vấp trên đường đời, có những con đường nhỏ chở yêu thương dọc khắp mỗi chân trời sẽ đi qua. Sau này, sẽ có nhiều người tứ phương ghé Tuy Hòa và biết đâu “một nửa” của mình cũng sẽ đến đó. Mình sẵn sàng nắm tay người ấy và tự hào nói rằng “Đến Tuy Hòa quê em rồi đó…”.
Theo Ngoisao
Mê người "khổ kín"
Mỗi lứa tuổi, mỗi chặng đời, tôi đều bị một týp phụ nữ cuốn hút.
Hồi mới lớn, tôi thích những người con gái lớn tuổi hơn tôi mà bụi bụi. Ngày đó, với mấy người quen mà tôi gọi chị xưng em là tôi mê sạch trọi. Tôi cứ mê say mà không giải thích được vì sao hồi đó cái chị A, chị B hay mặc quần jeans bạc màu, sờn rách với mớ tóc dài rối tung, khuôn mặt không thèm son phấn hấp dẫn mình dữ vậy. Rồi trưởng thành hơn, tôi bỗng thích mấy cô bé dịu dàng, yếu đuối. Tôi luôn bị mấy người kiểu này hấp dẫn. Tôi kêu họ bằng nhỏ này, nhỏ kia và nhỏ nào tôi cũng đắm đuối. Tôi không hiêu vì sao cái cô bé hàng xóm ưa nhõng nhẽo, gầy như que củi đó lại có thể khiến mình "lên bờ xuống ruộng" tới vậy? Không bao giờ tôi giải mã được sức hấp dẫn của các cô ấy suốt một chặng yêu, cho tới hồi hết yêu thì đành thôi vậy.
Bước sang tuổi 40 và giờ cũng đi qua tuổi 55, 56. Tôi bỗng tìm thấy nơi những người phụ nữ ít nói, lặng lẽ những nét đẹp chín muôi. Và mình luôn bị sự đằm thắm của họ cuốn hút. Cũng có khi mình bị lừa vì họ "già nghề, diễn giỏi". Nhưng, nếu như một ai đó không có sẵn sự sâu sắc và phong phú của nội tâm thì dù đóng kịch khéo tới đâu cũng có lúc bị lộ. Những tinh tế thật sự, những xúc cảm chân thành, rốt lại vẫn cứ cuốn hút mình. Vẫn luôn đẩy mình xích lại gần hơn những phụ nữ như vậy. Cứ luôn muốn được cận kề. Mình luôn bị mấy người dạng đó hút hồn. Không hiểu sao khi ngắm nhìn họ, ngồi lại với họ hay chuyện trò cùng họ mình lại thấy được sẻ chia, đồng cảm. Mỗi người trầm lặng một nỗi đau nào đó trong hôn nhân. Một sự buồn khổ nào đó về đường con cái, về gánh nặng gia đình, công việc... Họ cứ muốn bưng bít, giấu diếm những nỗi lòng của họ mà mình thích được khơi gợi, nhưng lại không cần họ phải kể ra.
Mới đây, đọc tạp bút " Khi con nhìn xuống" của nhà văn Dạ Ngân, tôi mới biết tạng người như vậy được xếp vào loại "khổ kín". Thì ra lâu nay mình bị týp người này quyến rũ. Thì ra, lâu nay mấy người "khổ kín" có hấp lực ghê gớm với mình. Mê người "khổ kín", nhưng chịu, tôi không thể giải mã được vì sao...
Theo PNO
Hãy tha lỗi cho anh Tình yêu đầu khó quên, cứ tưởng chúng tôi đến được bến bờ hạnh phúc ai ngờ khi em ra trường cũng là lúc chúng tôi mỗi người một ngả... Gặp lại em trong một chiều cuối đông giá rét, tôi quá ngạc nhiên trước sự đổi thay của em. Khuôn mặt hốc hác, ánh mắt thâm quầng của người thiếu ngủ, nhiều...