Ai chịu trách nhiệm trong vụ mua bán trẻ ở chùa Bồ Đề?
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, PGS. TS Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Cần có biện pháp quản lý các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, kể cả nơi nuôi trẻ mang tính từ thiện, thiện nguyện; cần sớm làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và những người liên quan…
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) là bài học đối với các cơ quan quản lý nhà nước về công tác quản lý các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tự nguyện, từ thiện. Qua đây, cần sớm làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và những người liên quan để ổn định dư luận.
Cần tổng rà soát
Vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) cho thấy việc nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở tự nguyện/từ thiện còn lỏng lẻo, dễ bị những đối tượng xấu lợi dụng, trục lợi và điều kiện chăm sóc trẻ ở đây cũng không được đảm bảo?
Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải
Việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa tại các cơ sở thiện nguyện, từ thiện và nhà chùa là một truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”. Bản thân một số cơ sở từ thiện và chùa Bồ Đề lâu nay đã làm rất tốt việc nhân đạo này. Chúng tôi cũng đã từng đến thăm, tặng quà các cháu ở chùa Bồ Đề.
Tuy nhiên, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở cơ sở từ thiện, nhà chùa dù tốt đến đâu cũng cần được quản lý, để tuân thủ các quy định của pháp luật. Ở đây là pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Trẻ có quyền được chăm sóc, được đến trường, không bị đối xử ngược đãi, đặc biệt không bị kẻ xấu lợi dụng mua bán, trục lợi, xâm hại. Vì người thiệt hại, chịu nhiều khổ đau nhất chính là các em.
Video đang HOT
Vậy trách nhiệm thuộc về ai trong việc giám sát cơ sở từ thiện chăm sóc, nuôi dưỡng để bảo vệ trẻ, không để các em bị xâm hại, bị mua bán như chúng ta đã thấy?
Tôi cho rằng, vụ việc mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề là không thể chấp nhận được. Bước đầu, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc phá án, bắt giữ đối tượng làm việc tại chùa có hành vi buôn bán trẻ em. Qua vụ việc này cho thấy, cửa chùa là nơi từ bi, làm việc thiện giúp đời, nhưng kẻ xấu lại len lỏi vào trục lợi. Đây chính là bài học đối với các cấp chính quyền địa phương của TP Hà Nội trong việc quản lý các cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi.
Không những thế, qua câu chuyện này, không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác cũng nên có một đợt tổng rà soát, thanh kiểm tra tất cả những cơ sở tự nguyện, từ thiện trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Vì biết đâu, ở đâu đó vẫn còn đang tồn tại những cơ sở nuôi dưỡng trẻ bị kẻ xấu lợi dụng, trục lợi từ trẻ, từ lòng tốt của con người.
Buông lỏng quản lý
Vụ buôn bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề chỉ được phát hiện sau khi báo chí vào cuộc. Theo bà có cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và những người liên quan?
Để xảy ra vụ việc như vậy, chắc chắn công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa tốt, nếu không muốn nói là lỏng lẻo. Nếu chính quyền quan tâm, giám sát tốt hơn sẽ không để xảy ra tình trạng các cháu ra/vào chùa dễ dãi như vậy. Lỗi ở đây là các cơ quan chức năng không kiểm tra, giám sát đến nơi đến chốn. May mà vừa qua, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc rất nhanh chóng để phá án. Nhưng còn có thông tin ở chùa Bồ Đề, có những trường hợp các cháu vào chùa rồi biến mất, không rõ ràng. Người dân đã có đơn phản ánh, cần phải điều tra làm rõ có một đường dây buôn bán trẻ ở chùa Bồ Đề hay không.
Theo bà, cần làm gì để chấn chỉnh lại việc nuôi, chăm sóc trẻ mồ côi tại các cơ sở từ thiện, nhà chùa?
Điều quan trọng nhất bây giờ, cơ quan chức năng cần điều tra nhanh nhất, làm rõ những ai có hành vi buôn bán trẻ ở chùa Bồ Đề. Cần xử lý nghiêm người vi phạm, góp phần trấn an dư luận và đặc biệt là phải bảo vệ được số trẻ em còn lại ở chùa. Các em cần phải được tiếp tục chăm sóc như thế nào, tương lai ra sao, ai sẽ lo cho các em? Chúng ta xử lý người vi phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến truyền thống nhân văn tốt đẹp, không để cơ sở từ thiện/nhà chùa bị ảnh hưởng bởi một vài cá nhân xấu.
Các cấp chính quyền cần phải quan tâm, chấn chỉnh hoạt động từ thiện nuôi dưỡng trẻ, trong đó có việc cho nhận con nuôi. Những hoạt động này phải tuân theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng cho con nuôi tùy tiện, dẫn đến lợi dụng mua bán trẻ.
Đặc biệt, nếu qua điều tra phát hiện có đường dây mua bán trẻ, có sự móc nối của một ai đó; hoặc có sự buông lỏng quản lý, tắc trách của chính quyền địa phương cũng phải làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm minh.
Theo Vietbao
Giáo hội phật giáo Việt Nam lên tiếng về vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề
Trước vụ việc buôn bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề, Trung ương Hội Phật giáo đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ và sự việc "sai đến đâu thì xử lý đến đó".
Đó là chia sẻ của Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Phó Trưởng Ban thường trực Ban pháp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi chia sẻ với phóng viên trước vụ việc mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề.
Trước sự việc đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua tại chùa Bồ Đề, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho biết, quan điểm của Hội Phật giáo là đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ và có kết luận rõ ràng về việc này, trên cơ sở đó "sự việc sai đến đâu thì xử lý đến đó".
Vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề gây xôn xao dư luận
Về số phận của những đứa trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề, Thượng tọa Đạt cho biết, điều này phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan chức năng. Còn đối với nhà chùa nếu tiếp tục nuôi dưỡng trẻ em thì phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, phải đăng ký các quy định, thủ tục về nuôi dạy trẻ. Nếu không đủ điều kiện thì các cơ quan bảo trợ xã hội sẽ tiếp nhận.
"Đây là hoạt động từ thiện không riêng gì chùa Bồ Đề mà khắp các chùa trong cả Giáo hội Phật giáo người ta vẫn đang làm. Vụ việc này chỉ là sai sót từ những người quản lý phía dưới thôi. Còn với môi trường nuôi dưỡng, giúp đỡ từ nhà chùa thì đây cũng là việc thiện nguyện nên làm. Nó cũng là truyền thống từ trước tới nay, giúp các cháu có một mái ấm nương tựa và cũng thể hiện được lòng từ bi của Phật pháp" - Thượng tọa Đạt nói.
Cũng theo Hội Phật giáo Việt Nam, sau sự việc đáng tiếc xảy ra tại chùa Bồ Đề, Giáo hội sẽ rút kinh nghiệm và chỉ đạo cho các cơ sở tự nguyện nuôi dưỡng trẻ trước hết phải có đăng ký đầy đủ với cơ quan chức năng.
"Hội Phật giáo cũng đề nghị với các cơ quan nhà nước hướng dẫn những thủ tục cần thiết, thực hiện kiểm tra giám sát thường xuyên, phối hợp thật tốt giữa cơ quan nhà nước với nhà chùa về bảo vệ trẻ em và làm tốt công tác từ thiện" - Thượng tọa Đạt cho hay.
Trước đó theo Cơ quan công an, chùa Bồ Đề hiện có 106 trẻ em độ tuổi từ 1 tháng đến 18 tuổi. Việc quản lý nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề không được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ em vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn nhiều lỏng lẻo, sơ sài, dễ bị tội phạm lợi dụng.
Để làm công tác phòng ngừa tội phạm mua bán trẻ em không xảy ra, Cơ quan CSĐT đã đề nghị chùa Bồ Đề sau khi nhận trẻ em vào chùa nuôi, mỗi trẻ phải có sổ theo dõi riêng, có ảnh dán vào sổ và được đóng dấu giáp lai.
Sau khi nhận trẻ, nhà chùa phải trình báo chính quyền địa phương sở tại ngay. Chùa Bồ Đề phải có quy định về việc quản lý chăm sóc trẻ, phải có bộ phận kiểm tra thường xuyên trách nhiệm với những người được giao chăm sóc trẻ.
Cơ quan công an cũng yêu cầu hàng tuần nhà chùa phải thông báo cho chính quyền địa phương biết số trẻ hiện đang được nuôi dưỡng trong chùa.
Theo Infonet
Bảo mẫu chùa Bồ Đề: Trụ trì chỉ đạo chỉ cho trẻ ăn 1.000 đồng/bữa Liên quan đến đối tượng Phạm Thị Nguyệt, đã mua bé Cù Nguyên Công với giá 35 triệu đồng từ Nguyễn Thị Thanh Trang (người quản lý khu nuôi trẻ của chùa Bồ Đề). Theo Trang, mỗi ngày sư Đàm Lan chỉ cho phép xuất ra cho mỗi người lang thang, cơ nhỡ và trẻ bỏ rơi trong chùa 1.000 đồng/suất ăn. Cơ...